Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
____________________
Thử đơn giản hóa câu chuyện như thế này nhé. Nếu bạn sống trong một khu tập thể, mà quanh năm bạn chẳng giao tiếp với ai, cũng chẳng giúp đỡ các gia đình nghèo khó, thì nhà bạn có chuyện, hàng xóm láng giềng có chạy qua giúp đỡ, bênh vực? Còn khi bạn cởi mở và thân thiện, lại biết giúp đỡ người khác, thì sự hòa hiếu và nhân ái đó sẽ là “lá chắn vô hình” giúp bạn được yêu quý, bảo vệ và bênh vực từ những người xung quanh.
Với một đất nước cũng vậy, đó chính là kế sách để “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng biện pháp hòa bình”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.
Lá cờ đỏ sao vàng được yêu quý ở Châu Phi xa xôi. |
Việt Nam ta luôn khẳng định quan điểm: Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Bằng những bước chân của những chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam tới Châu Phi nắng nóng, đến Thổ Nhĩ Kỳ rét cóng, trong những sứ mệnh quốc tế… Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khẳng định điều đó không chỉ là lời nói, mà bằng những việc cụ thể mà trong thực tế.
Đặt chân đến những đất nước đang có xung đột và nghèo đói, dễ dàng nhìn thấy những sắc màu ảm đạm, màu nâu của bùn đất, màu xám đen của những khẩu súng. Nhưng cũng ở đó, lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc đang nỗ lực mang lại những sắc màu tươi sáng hơn cho tương lai của người dân, trong đó có các quân nhân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tác giả trong chuyến tác nghiệp ở Cộng hòa Nam Sudan. |
Hiện tại, Việt Nam đang triển khai một đơn vị quân y (làm nhiệm vụ tại Cộng hòa Nam Sudan) và một đơn vị công binh (làm nhiệm vụ tại khu vực Abyei - vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Cộng hòa Nam Sudan và Cộng hòa Sudan); cùng với đó là hàng trăm lượt sĩ quan cá nhân thực hiện các nhiệm vụ như sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự… tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Abyei. Họ là những người lính phần nhiều lớn lên khi Tổ quốc đã hòa bình. Nhưng lại chính là những người lính biết rõ về chiến tranh, ở những nơi họ đến, để thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc.
Cộng hòa Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, hay khu vực Abyei - đó là những nơi có nghìn lẻ những điều khác xa với đất nước Việt Nam. Chẳng hạn như sạc điện thoại cũng là một nghề kiếm ra tiền, bởi vì điện là một thứ hàng xa xỉ. Chẳng hạn như ông bố sẵn sàng báo cảnh sát bắt giam con gái ruột, bởi vì con rể không thể… trả nổi số gia súc là sính lễ mà ông bố vợ đã cho nợ trong lễ cưới… Tất cả những nơi đó, đều có điểm chung là sự đói nghèo, là xung đột vũ trang do mâu thuẫn sắc tộc, thứ mâu thuẫn âm ỉ, từ đời này qua đời khác, từ năm này qua năm khác… Những người lính mũ nồi xanh với đầy đủ súng ống, những chiếc xe bọc thép gắn logo UN tuần tra trên từng con phố, những ngôi làng, hay các trại tị nạn, khu trợ giúp dân thường, nhưng cũng không ngăn hết những vụ đụng độ đẫm máu giữa các nhóm vũ trang, giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau. Những vết thương của nội chiến như hiện rõ ngay cả trên những con đường đất, khi chúng lồi lõm với đầy “ổ voi”, chẳng khác gì những cái ao nhỏ, thách thức những chuyến tuần tra của lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc.
Những quả bóng tròn căng dành tặng trẻ em Cộng hòa Nam Sudan. |
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người dân Việt Nam, ai cũng thuộc lòng những lời thiêng liêng đó trong bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã viết. Nhưng để thấm thía bằng chính đôi mắt và đôi chân của mình, thì đó là những người lính mũ nồi xanh, trên hành trình tìm lại những quyền chính đáng ấy, cho những con người ở Châu Phi xa xôi… Hành trình ấy có thể là sứ mệnh lớn lao, nhưng cũng bắt đầu từ việc gìn giữ từng phút giây bình yên, từng niềm hạnh phúc nhỏ bé.
Tôi còn nhớ mãi câu chuyện về niềm vui chơi bóng của những đứa trẻ ở Thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi, gần nơi lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Việt Nam cư trú. Đi đất để đá bóng thì đã đành, nhưng xót xa nhất cái gọi là trái bóng. Có lẽ trước đây rất lâu rồi, nó từng là một trái bóng, nhưng giờ thì chỉ giống như một vật thể hơi tròn, cũ kỹ, xơ xác, với một chút không khí bên trong. Một buổi chiều u ám, khi những người lính Mũ nồi xanh của Việt Nam trở về nhà sau giờ làm việc. Những đứa trẻ không hò reo, sôi nổi, say sưa đuổi theo trái bóng như mọi khi. Chúng thẫn thờ ngồi bên vệ đường với vẻ mặt buồn thiu, ủ rũ. Hỏi ra mới biết, thứ gọi là trái bóng duy nhất của chúng đã hỏng và không thế khắc phục được nữa. Chẳng biết đến khi nào chúng có được quả bóng khác để tiếp tục chơi. Giữa một đất nước đang chìm trong cảnh nghèo nàn, loạn lạc, khi từng gia đình vẫn phải chạy ăn từng bữa, thì ước mơ đó tuy giản dị nhưng cũng chẳng dễ gì trở thành hiện thực. Thế nên, một người lính, sau khi về Việt Nam nghỉ phép, lúc trở lại, mang theo quả bóng nhỏ, chính là đã mang tới niềm vui rất lớn cho những đứa trẻ. Quả bóng mới làm rộn rã con đường nhỏ, còn những anh bộ đội Cụ Hồ thì vui như vừa mới ghi được một bàn thắng trong trận đấu với lũ trẻ.
Dạy học cho trẻ em ở Abyei. |
Câu chuyện về những chiến sĩ mũ nồi xanh lên bục giảng ở khu vực Abyei cũng là chuyện đáng nhớ trong hành trình bôn ba của tôi. Gần nơi đóng quân của Đội Công binh của QĐND Việt Nam thuộc Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc khu vực này, có một trường học. Cũng giống như hoàn cảnh chung của Abyei, thầy và trò nhà trường cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy và học. Lũ trẻ thường phải tự mang ghế từ nhà tới lớp học, rồi hết giờ học lại mang ghế đó về nhà để dùng trong sinh hoạt gia đình. Đội ngũ giáo viên của nhà trường cũng thiếu hụt nghiêm trọng, vì đồng lương quá thấp, nên nhiều người đã bỏ nghề. Biết được những khó khăn ấy, bộ đội Công binh của Việt Nam đã đề xuất và được sự chấp thuận của Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc ở khu vực Abyei để giúp đỡ thầy và trò ở đây. Bắt đầu từ việc tận dụng các thùng hàng gỗ để đóng một số bộ bàn ghế cho học sinh địa phương, cung cấp các téc nước sạch, khoan giếng, cho tới việc dựng thêm các phòng học mới cho nhà trường.
Không dừng lại ở đó, biết được tình trạng thiếu giáo viên của nhà trường, những chiến sĩ Mũ nồi xanh đến từ Việt Nam còn tình nguyện trở thành thầy cô giáo để góp phần mang kiến thức đến với những em nhỏ nơi đây. Trong số các sĩ quan Gìn giữ Hòa bình Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Abyei có nhiều người trước đây từng là giảng viên tại các học viện, nhà trường trong Quân đội, như trường Sĩ quan Đặc công; trường Sĩ quan Lục quân 1, hay trường Sĩ quan Thông tin... Ở đây, Chủ nhật là ngày đầu tuần, còn hai ngày cuối tuần là thứ Sáu và thứ Bảy. Thế là, tranh thủ ngày cuối tuần, các anh chị được dịp trở lại với công việc mình từng một thời gắn bó.
Mỗi ngày qua đi, mỗi chuyến công tác lại có thêm rất nhiều những câu chuyện như thế, ở một nơi rất xa Việt Nam… khi những người lính, bằng lòng nhân ái, và tình yêu nước của mình, đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức, để lan tỏa thông điệp: “Việt Nam là bạn”….