Điểm nổi bật trong Khu di tích danh thắng Côn Sơn là đền thờ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN |
Theo Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc Nguyễn Thị Thùy Liên, mục tiêu trong thời gian tới là xây dựng Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành khu du lịch quốc gia và là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.Theo đó, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc sẽ xây dựng, phục dựng, kiến thiết khu di tích trở thành trung tâm văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng lớn của đất nước, hướng tới việc di tích được công nhận là di sản thế giới.
Ban Quản lý cũng định hướng phát triển khu di tích theo hướng bền vững, ưu tiên việc bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan, lễ hội; tiếp tục tham mưu cho tỉnh Hải Dương tỉnh xây dựng chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Trước mắt, Ban khuyến khích nhà đầu tư trong nước thực hiện các dự án hạ tầng cơ sở như đường vào di tích, bến bãi, khu nghỉ dưỡng... Đồng thời, Ban Quản lý sẽ tập trung cải tạo cảnh quan, chấm dứt các hành vi tiêu cực trong hệ thống dịch vụ của khu di tích. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa di tích cũng được triển khai nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch, tạo thương hiệu du lịch riêng cho khu di tích.
Hiện nay, Ban Quản lý di tích triển khai dự án “Bảo tồn khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch”, hoàn thiện đề án Phục hồi dòng chảy suối Côn Sơn, Đề án xây dựng Nhà trưng bày Trần Hưng Đạo tại Kiếp Bạc, Xây dựng dự án tượng đài chiến thắng quân Nguyên Mông trên đỉnh núi Trán Rồng và hệ thống đường bậc lên núi Trán Rồng đi núi Bắc Đẩu, Từ Cũ...
Trong thời gian qua, việc tu bổ và tôn tạo khu di tích không ngừng được triển khai. Giai đoạn từ 1995 - 2010, nhiều công trình tại Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được tu bổ. Đặc biệt, năm 2010, Quy hoạch tổng thể Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đây, nhiều dự án được triển khai như: Xây dựng cầu Thấu Ngọc trên suối Côn Sơn, tôn tạo đền Kiếp Bạc; hoàn thành tuyến đường từ Quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc; tôn tạo tòa Cửu Phẩm liên hoa, lầu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát chùa Côn Sơn...
Bên cạnh đó, Ban Quản lý di tích đã phục dựng thành công các nghi lễ truyền thống tại 2 kỳ lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc trong năm. Tiêu biểu như: Lễ tưởng niệm Đức Thánh Trần, Lễ rước bộ, lễ hội quân trên sông Lục Đầu; Lễ ban ấn, diễn xướng hầu Thánh; Lễ cầu an - hội hoa đăng trên sông Lục Đầu; Lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ Mông sơn thí thực, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ; Lễ tưởng niệm danh nhân Nguyễn Trãi, Quan Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán trong lễ hội mùa Xuân. Năm 2013, lễ hội chùa Côn Sơn, lễ hội đền Kiếp Bạc đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hàng năm, lễ hội luôn thu hút đông đảo du khách thập phương.
Ghi nhận những đóng góp trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương Nguyễn Thành Trung đề nghị Ban Quản lý di tích cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, quyết tâm tập trung nguồn lực để phát huy giá trị khu di tích, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, thu hút xã hội hóa và các nhà đầu tư tham gia vào công tác bảo tồn tôn tạo các di tích…
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Di tích đang lưu giữ 3 bảo vật quốc gia gồm: Bia Thanh Hư Động, Bia Côn Sơn tư phúc tự bi và bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn cùng hệ thống di sản tư liệu quý giá.
Hiện nay, Hồ sơ quần thể di tích “Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” đã được 3 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đệ trình lên tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đề nghị công nhận là Di sản thế giới.