Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20 là một bản trường ca ghi dấu những giai đoạn hào hùng nhưng đầy gian khó. Đan xen giữa các sự kiện lịch sử lớn lao là những câu chuyện đời thường, nơi từng con người góp phần làm nên chiến thắng chung.
_____________
Trong hàng triệu gia đình lưu lạc giữa thời chiến, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao - tác giả ca khúc “Tiến quân ca” vẫn cố gắng giữ sợi dây gắn bó khăng khít giữa âm nhạc, cách mạng và những ký ức đầy xúc cảm. Qua lời kể của họa sĩ Nguyễn Nghiêm Thành, con trai thứ của nhạc sĩ Văn Cao, câu chuyện ấy được tái hiện, như một bức tranh sống động về tinh thần kháng chiến bất khuất và tình yêu vẹn tròn giữa thời loạn lạc.
Theo ông Nguyễn Nghiêm Thành, đầu thập niên 1940, Việt Nam chìm trong ách đô hộ của thực dân Pháp. Phong trào cách mạng âm thầm lan rộng, nhất là sau sự kiện Mặt trận Việt Minh ra đời năm 1941. Trong bối cảnh ấy, nhạc sĩ Văn Cao không chỉ sáng tác âm nhạc mà còn trực tiếp tham gia các hoạt động cách mạng.
Họa sĩ Nguyễn Nghiêm Thành xúc động kể lại ký ức thời bom đạn. |
Cuối năm 1944, trong không khí kháng chiến đang sôi sục, nhạc sĩ Văn Cao được đồng chí Vũ Quý thuyết phục tham gia Việt Minh. Với trọng trách sáng tác một bài hát cổ vũ tinh thần quân dân, Văn Cao đã miệt mài sáng tác tại căn gác nhỏ trên phố Mongrant (nay là phố Nguyễn Thượng Hiền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Và rồi, ca khúc “Tiến quân ca” ra đời, với những giai điệu hào hùng, ca từ sôi nổi, bài hát như một ngọn lửa thắp sáng tinh thần yêu nước, thúc đẩy cách mạng. “Tiến quân ca” được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11/1944. Chỉ ít lâu sau, ca khúc đã được công nhận là Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cũng chính mối liên hệ với báo Độc Lập, Văn Cao gặp bà Nghiêm Thúy Băng, người phụ nữ sau này trở thành bạn đời của ông. Bà khi ấy là thành viên Đội thiếu nữ Tiền Phong, nhóm ca hát từng biểu diễn nhiều tác phẩm cách mạng của Văn Cao, như “Tiến quân ca” hay “Buồn tàn thu”. Những lần gặp gỡ tại nhà in Rạng Đông - nơi gia đình bà Băng in báo và các tác phẩm cách mạng - đã dần dần se duyên cho đôi trẻ. Tuy nhiên, mẹ của bà Băng, một người phụ nữ khắt khe và cẩn trọng, đã không dễ dàng gật đầu. “Bà ngoại tôi còn sai người về quê bố tôi xem ông đã có vợ chưa, thậm chí đi xem bói”. ông Nghiêm Thành chia sẻ, trong giọng nói vẫn phảng phất nét hài hước về những phong tục khắt khe thời ấy.
Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cả Hà Nội rực lửa với những trận đánh ác liệt. Gia đình Văn Cao, như bao người khác, phải tản cư.
Cố nhạc sĩ Văn Cao. |
Đến đầu năm 1947, trong hành trình sơ tán qua Chương Mỹ (Hà Đông), lễ cưới của Văn Cao và bà Thúy Băng được tổ chức giản dị mà sâu sắc. Gia đình của Văn Cao lúc này ly tán vì chiến tranh: cha mất sớm, mẹ chạy giặc ở Thái Bình. Người làm chủ hôn là bố nuôi của ông - một cán bộ quân khí, cùng vài đồng chí từ Tổng Công đoàn. “Đám cưới của bố mẹ tôi không có hoa, không có tiệc sang trọng, nhưng là lời cam kết đồng hành cùng nhau trong mọi gian nan của cuộc đời,” ông Nguyễn Nghiêm Thành xúc động nói.
Giai đoạn này, quân và dân Hà Nội bước vào một cuộc chiến không cân sức với thực dân Pháp. Những trận đánh nổi tiếng ở Liên Khu I (khu vực phố cổ Hà Nội) đã khiến thực dân Pháp chịu tổn thất nặng nề, tạo điều kiện cho nhiều gia đình sơ tán an toàn ra ngoài.
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhưng hòa bình chưa kéo dài được bao lâu. Năm 1964, Mỹ bắt đầu tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, với mục tiêu làm suy yếu hậu phương miền Bắc.
Đỉnh điểm là Chiến dịch Linebacker II (Điện Biên Phủ trên không) vào tháng 12/1972. Trong 12 ngày đêm, Mỹ huy động hơn 200 máy bay B-52, ném 36.000 tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận.
Ông Nghiêm Thành bồi hồi: “Khi ấy, tôi đang học lớp 6. Một học kỳ tôi sơ tán cùng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam về làng Mía, Sơn Tây, để tránh bom đạn. Ở nhà, chỉ có bố tôi (nhạc sĩ Văn Cao) ở lại trông nom gia đình. Đến năm lớp 7, tôi trở về Hà Nội tiếp tục học tập, nhưng cũng chính là lúc đợt ném bom ác liệt nhất diễn ra”.
Bức tượng Văn Cao. |
Gia đình ông sống tại phố Cầu Gỗ, một khu phố sầm uất ở trung tâm Hà Nội. Những ngày đó, đêm đêm, trời Thủ đô rực sáng bởi ánh pháo tên lửa bắn lên chặn máy bay Mỹ. Tiếng nổ của bom B-52 vang vọng khắp nơi. “Cả nhà tôi, từ anh trai, chị dâu, bố tôi, bác ruột và tôi đều phải chui xuống gầm cầu thang trú ẩn. Tiếng bom B-52 lục bục nhỏ dần tức là nó đang đến gần, chị dâu tôi - chị Hiên - sợ đến bật khóc, cả nhà nín thở trong bóng tối”, ông Thành nhớ lại.
“Sáng hôm sau, tôi chạy ra Khâm Thiên, nơi vừa bị oanh tạc đêm qua. Khói bom vẫn còn khét lẹt, xác người xếp thành hàng dài. Người ta gom thi thể vào túi nilon đen. Phố Khâm Thiên đổ nát, những vết bom chạy dài từ chợ Khâm Thiên tới đầu Ô Chợ Dừa.”
Những trận bom B-52 tàn khốc cứ rơi từng trăm mét, có nơi chỉ cách nhau năm mươi mét. Có lần, một quả bom rơi ngay đầu câu lạc bộ thanh niên bên cầu Long Vân, nơi nay là trụ sở Bộ Công an. “Mọi người trong khu phố còn đùa với nhau rằng, chỉ cần lệch chút nữa là nhà tôi tan tành rồi”, ông Thành kể. Khi ấy phố Khâm Thiên đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Hơn 300 người thiệt mạng, hàng trăm ngôi nhà bị san phẳng. Ông Thành nhớ mãi những ngày chạy xe đạp qua vùng Láng, nơi từng là vùng rau xanh nổi tiếng, nay hoang tàn vì bom đạn, hàng xà cừ cũng tan nát đổ la liệt dọc đường: “Trường tôi ở Láng bị trúng bom. Cô giáo của tôi cũng mất trong trận đó. Tôi phóng xe về nhà, cảm giác trống rỗng đến lạ kỳ”.
Những bức ảnh được lưu giữ tại nhà riêng của cố nhạc sĩ. |
Trong suốt thời gian đó, nhạc sĩ Văn Cao bám trụ ở Hà Nội, còn bà Nghiêm Thúy Băng đảm nhận việc sơ tán cùng các con. Thậm chí, bà còn xin chuyển từ Trung đoàn Thanh niên về làm tại một xí nghiệp thực phẩm ngay trong thời chiến để có thể gần chồng. “Mẹ tôi không nề hà bất cứ điều gì, chỉ muốn giữ gìn gia đình trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất”, ông Thành kể.
Những năm tháng ấy, bà Băng không chỉ là người vợ mà còn là người đồng chí, sát cánh bên chồng trong mọi hoàn cảnh. Bà từng tham gia các hoạt động điện ảnh cách mạng ở Việt Bắc – nơi đặt nền móng cho nền điện ảnh Việt Nam sau này.
Khi chiến tranh đã qua đi, Văn Cao vẫn sống một cuộc đời giản dị, lặng lẽ nhưng đầy sáng tạo. Ông tiếp tục viết nhạc, làm thơ, và cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật, như một cách thể hiện tình yêu sâu sắc dành cho quê hương và gia đình. “Bố tôi là người ít nói, nhưng qua những giai điệu ông viết, tôi cảm nhận được tình yêu và khát vọng của ông cho gia đình, cho đất nước”, ông Nghiêm Thành chia sẻ.
Những tác phẩm như “Tiến quân ca” hay “Trường ca Sông Lô” không chỉ là biểu tượng của tinh thần dân tộc bất khuất, mà còn chứa đựng cảm xúc chân thành, đầy nhân văn của một người nghệ sĩ yêu nước. Câu chuyện về gia đình Văn Cao vì thế không chỉ là ký ức của một gia đình trong thời loạn, mà còn là hình ảnh thu nhỏ của dân tộc Việt Nam: kiên cường, bất khuất và tràn đầy tình yêu.
Ảnh: Thanh Tùng