Từ những bộ Việt cổ phục sống dậy trong không gian triển lãm đầu tiên năm 2022 đến hơn 10.000 người đắm mình trong Ngày hội Việt phục - Bách Hoa Bộ Hành 2024, hành trình của Nguyễn Nga ở tuổi 24 và thương hiệu “Việt phục Thủy Trung Nguyệt” là câu chuyện đầy cảm hứng về những người phụ nữ hiện đại dám theo đuổi đam mê, mạnh dạn khai thác lĩnh vực văn hóa truyền thống, mở lối cho người trẻ một tình yêu với cội nguồn dân tộc.
_________________
Hai năm đại dịch toàn cầu tưởng chừng có thể dập tắt mọi ước mơ, nhưng với Nguyễn Nga (sinh năm 2000), đó lại là thời gian để vun đắp đam mê. Trong hai năm, cô gái trẻ đã xây dựng được thương hiệu Thủy Trung Nguyệt với vị trí vững chắc trong cộng đồng yêu thích Việt Cổ phục, cùng một lượng khách hàng ổn định, đó là minh chứng cho sự kiên trì và sáng tạo không ngừng nghỉ của một người trẻ làm văn hóa.
Cuối tháng 3/2022, Nga đã cho ra mắt công chúng triển lãm cá nhân đầu tiên trong đời tại Hà Nội mang tên “Trang phục Việt thời Nguyễn” tại không gian Nghệ thuật MU Lala (Tây Hồ) thu hút sự quan tâm của công chúng Thủ đô. Chỉ ba tháng sau đó, Nguyễn Nga cùng Thủy Trung Nguyệt đã tham gia khởi xướng ngày hội Bách Hoa Bộ hành 19/6, sự kiện giới thiệu và trình diễn Việt phục của các đơn vị nổi bật trong và ngoài miền Bắc, nhằm quảng bá cổ phục đến với công chúng Thủ đô thông qua không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sự kiện đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của người dân Thủ đô và cả nước, cũng như sự ủng hộ của các cấp chính quyền. Nguyễn Nga và tập thể Bách Hoa Bộ Hành đã vinh dự nhận được giải thưởng tại Lễ trao Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ VIII năm 2022. Tiếp sau đó, vào năm 2023, “Bách Hoa Bộ hành” đã được đưa vào khuôn khổ Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội do UBND chỉ đạo tổ chức phối hợp Sở Du lịch và Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện.
Dự án Nguyễn Nga tham gia với tư cách nhà sản xuất, stylist, người- "Đại Nam Mệnh phụ Chân tượng" thuộc bản quyền của Đại Nam Chân Ảnh (2022) - Ảnh: Xuân Hoàng. |
Trò chuyện với Ngày Nay, Nguyễn Nga cho biết: “Mình rất tự hào, vì sau ba mùa của sự kiện Ngày hội Việt phục - Bách Hoa Bộ Hành do mình đồng sáng lập, từ một hoạt động đơn lẻ quy mô chỉ khoảng 100 người với hình thức kêu gọi và nhờ sự giúp đỡ, nay sự kiện đã lan rộng tầm ảnh hưởng, thu hút về 10.000 lượt đăng ký tham gia ở nhiều vị trí trong mùa 4 năm 2024, cho thấy sự ra hoa kết trái của công tác lan tỏa, quảng bá văn hóa tới với người trẻ nói riêng và công chúng nói chung”.
Nguyễn Nga (thứ 3 từ trái sang) cùng các cá nhân, tổ chức khác nhận giấy chứng nhận trong Lễ Khai mạc Ngày hội Việt phục và Văn hoá Truyền thống "Bách Hoa Khánh Hội" (2022). |
Dù vậy, đây không thể được xem là “thành tựu tự hào nhất” với Nguyễn Nga, “vì điều mà mình tự hào nhất không phải một kết quả nào đó mà là cả quá trình mà mình đi làm văn hóa”. Cô gái tuổi đời rất trẻ ấy đã liều lĩnh bắt đầu con đường riêng của bản thân trong lúc thị trường còn chưa thật sự đón nhận, khi Việt phục bấy giờ chỉ là một phong trào nhỏ phổ biến trong một cộng đồng cụ thể, không có sự hỗ trợ, ủng hộ từ gia đình, cũng không có lấy một đồng vốn trong tay, không có gì ngoài tham vọng được cất lên tiếng nói văn hóa và sự lạc quan của tuổi đôi mươi.
“Mình tự hào về bản thân vì chỉ sau bốn tháng hoạt động dưới tư cách là một nhà may Việt phục, lần đầu trong cuộc đời, gia đình cùng họ hàng hai bên nội ngoại của mình cùng nhau xem bản tin Tết mà trong đó có một phóng sự của VTV1 nói về thương hiệu của mình và hành trình làm văn hóa của người trẻ. Mình tự hào vì trong những năm hoạt động say mê, mình đã từng trải qua những thăng trầm, có lúc ngủ quên trên chiến thắng, có lúc đối diện với nghịch cảnh, nhưng sau khi vượt qua tất cả, mình dần hoàn thiện chính mình về cả bên trong lẫn bên ngoài để bảo vệ và gìn giữ ngọn lửa cống hiến.”
Sự biến đổi mạnh mẽ về kinh tế, chính trị và xã hội đã gây ra những va chạm giữa các luồng văn hóa, khiến nhiều giá trị truyền thống từng rạn nứt và dần mai một theo dòng chảy lịch sử. Trong thời kỳ đổi mới, khi đất nước thúc đẩy hội nhập và phát triển kinh tế thị trường, bản sắc dân tộc đối mặt với hai thách thức lớn, đó là sự xâm nhập ồ ạt của văn hóa ngoại lai và cuộc chạy đua làm giàu, đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Hệ quả là những nghề thủ công tinh hoa từng vang bóng một thời dần biến mất, không còn truyền nhân kế thừa. Chúng hoặc chìm sâu trong ký ức của những người hoài niệm, hoặc trở thành món hàng xa xỉ, vượt quá tầm với của thị trường đại chúng.
Đến nay, khi Việt Nam vươn lên với một vị thế kinh tế mới, văn hóa truyền thống dân gian đã và đang được khơi dậy, tìm lại chỗ đứng trong đời sống hiện đại. Nghiên cứu của Ths. Lê Văn Thân và Ths. Hồ Xuân Phi (2022) từng đưa ra đánh giá: “Một xã hội càng phát triển thì con người lại càng tôn trọng các thành quả của quá khứ thuộc nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sản phẩm thuộc về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Những sản phẩm đó có ý nghĩa cả về tinh thần và vật chất, nhưng giá trị lớn hơn là lịch sử, giáo dục, bản sắc văn hóa truyền thống và lòng tự hào dân tộc.”
Nguyễn Nga tại Lễ trao Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ VIII (2022). |
Đây là một đánh giá toàn diện, cho thấy việc văn hóa dân gian trở lại với thị trường vừa là nhu cầu và vừa là mục đích của thị trường đại chúng. Ví dụ điển hình chính là phong trào Việt phục, một phong trào nhận được sự hưởng ứng của thế hệ Gen Z trở đi, thế hệ có sự đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần. Đa số các bạn trẻ hưởng ứng phong trào đều có niềm yêu thích với những giá trị văn hóa tưởng quen mà lạ và đồng thời mang trong mình khát vọng được thể hiện tình yêu quê hương đất nước, yêu bản sắc dân tộc.
Chia sẻ về hành trình văn hoá trong talkshow "Sử dụng chất liệu dân gian trong sáng tạo", tổ chức bởi Direction - Ảnh: Direction (2024). |
Dù vậy, người trẻ chọn lựa đi theo con đường làm văn hóa quả thực gặp rất nhiều khó khăn khi lĩnh vực văn hóa truyền thống vẫn còn quá mới, chưa nhận được sự công nhận toàn diện của công chúng. Không những vậy, kho tư liệu, nguồn tri thức, tài chính cũng hạn chế và khó tiếp cận... Những khó khăn này nhiều khi khiến người trẻ như Nguyễn Nga cảm thấy nặng nề và “đôi chút tuyệt vọng”. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy khó khăn sẽ không thể làm gục ngã được những người có niềm đam mê và khát vọng cháy bỏng khẳng định tiếng nói dân tộc qua bản sắc văn hóa.
Tham gia diễu hành tới Đình Kim Ngân trong sự kiện Tết Việt do CLB Đình làng Việt tổ chức (2023). |
Mỗi khi được hỏi về cái duyên với văn hóa, Nga hay nói vui: “Các cụ đã chọn mình để đi làm Việt phục”, bởi cứ mỗi lần cô nghĩ tới chuyện từ bỏ, hay rơi vào hoàn cảnh khó khăn, dường như lại có những người xuất hiện để tiếp thêm lửa, đó có thể là lời động viên, đó cũng có thể là hỗ trợ về vật chất, đó cũng có thể là sự kết nối… Bằng cách này hay cách khác, cô cứ luôn “hết lý do” để dừng lại. “Do đó, đôi khi mình nhìn nhận công việc của bản thân có lẽ đã vượt qua câu chuyện đam mê cá nhân mà đã trở thành câu chuyện trách nhiệm với cộng đồng”, Nga mỉm cười.