Bổ nhiệm “đúng quy trình”?

(Ngày Nay) - Vẫn có nhiều cán bộ được bổ nhiệm “đúng quy trình”. Một thứ quy trình lạnh lùng chỉ nằm trong hồ sơ và không được dư luận chấp nhận. Họ xì xào hỏi nhau “đồng chí này là con đồng chí nào”.
Bổ nhiệm “đúng quy trình”?

Câu chuyện về bổ nhiệm “người nhà” hay “người tài” lại nóng liên khi Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương kiểm tra, làm rõ căn cứ pháp lý, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm Hàm vụ phó, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, người quản lý doanh nghiệp đối với ông Vũ Quang Hải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/11/2016.

1. Cách đây gần 20 năm tôi được nhận vào làm việc tại một tờ báo ngành kinh tế sau kỳ thi tuyển. Mới ra trường, tôi được các anh chị trong tòa soạn dạy bảo rất kỹ càng. Một phóng viên trẻ thì cần đĩnh đạc nên đi đâu làm gì gặp ai cũng chỉ xưng hô: Anh, chị - em hoặc anh, chị - tôi.

Nhưng ở tòa soạn thì ngược lại. Những ai có tuổi phải gọi bằng cô, chú, thậm chí bác. Và tôi rất ngạc nhiên khi có một phóng viên khá già vẫn gọi ông Phó Tổng biên tập là chú. Hóa ra họ là họ hàng. Và rồi qua nhiều lần chuyển việc, tôi thấy cơ quan có đủ quan hệ họ hàng: Anh - em; bác, cô, chú, cậu, mợ, dì - cháu. Và cũng không hiếm ông trẻ - cháu, bố - con.

Sự hướng nghiệp kiểu “cha truyền con nối” khiến nhiều gia đình ấn định rằng con cái phải theo nghề bố (hoặc mẹ). Cũng có trường hợp không xin được đúng ngành học thì vào cơ quan của người thân. Không chỉ ở cấp gia đình, nhiều cơ quan tổ chức cũng giữ tinh thần tôn trọng “máu mủ ruột rà” như thế này. Tất nhiên tôi không thể kết luận chuyện gì đã xảy ra. Nhưng từ một số ví dụ, người ta có thể tưởng tượng được điều gì đã diễn ra với việc bổ nhiệm nhân sự này.

Tháng 10/2015, trong một thông báo tuyển dụng, Tổng giám đốc Agribank nêu rõ, sẽ có chế độ ưu tiên cho con đẻ, con nuôi, dâu rể của cán bộ trong ngân hàng này khi nộp đơn thi tuyển. Chính sách cộng điểm cho con cán bộ được coi là thay thế cho chính sách tuyển thẳng con cán bộ có thâm niên trên 20 năm của Agribank đã bị Ngân hàng Nhà nước tuýt còi.

Trước sức ép của dư luận, Agribank đã phải bỏ quy định cộng điểm cho người thân. Nhưng việc ưu ái cho người thân không hẳn đã bị xóa bỏ hoàn toàn tại các cơ quan Nhà nước đặc biệt là những nơi được coi là “màu mỡ’.

Quy trình đôi khi có thể "mềm" đến mức như của Agribank. Nhưng cũng trong đời làm việc của mình, tôi lại chứng kiến nó ‘cứng’ đến mức nào.

2. Năm 2010, khi 34 tuổi, sau 6 năm hợp đồng tôi được tuyển dụng vào biên chế một cơ quan cấp Cục. Đầu năm sau, lãnh đạo Cục đệ trình danh sách quy hoạch cán bộ cấp trưởng, phó phòng lên trên.

Năm đó, đơn vị làm tổ chức của Bộ được phen cười ngất ngư. Cười xong họ làm công văn trả lời. Rằng thì là cán bộ 34 tuổi là tôi vẫn "chưa đủ tuổi". Hóa ra, quy định của Bộ ghi rõ, cán bộ phải có đủ 5 năm trong biên chế mới được vào diện "quy hoạch".

Sự biến hoá khôn lường của cái gọi là “quy trình”, lúc cứng lúc mềm, hoàn toàn có thể được tận dụng để đảm bảo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, và tạo ra sự phân biệt giữa "người tài" và "người nhà". Mà cuối cùng, nó vẫn "đúng quy trình".

Khác với tôi, rất nhiều cán bộ trẻ ở khắp nơi được bổ nhiệm một cách chóng vánh. Anh Giám đốc Sở “trẻ nhất nước” mới làm Phó Giám đốc Sở 17 tháng. Trước nữa thì anh này làm Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng phòng xúc tiến đầu tư (BQL Khu kinh tế mở). Không một chức danh nào tại vị đủ nửa nhiệm kỳ.

Lãnh đạo tỉnh thì cho rằng anh này được bổ nhiệm “đúng quy trình” để thay sếp cũ nghỉ hưu. Qua 3 lần bỏ phiếu tín nhiệm, anh cán bộ trẻ đều đạt 100% phiếu bầu. Và cái sự “đúng quy trình” đó cũng được Bộ Nội vụ chứng nhận.

Thêm một vụ “đúng quy trình” nữa là việc Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Tổng cục Thuế bổ sung vợ ông ta vào quy hoạch phó Cục trưởng giai đoạn 2016 - 2020. Trả lời báo chí, ông này cũng cho rằng, việc bổ nhiệm và quy hoạch vợ đều đúng quy trình, làm theo quy trình của ngành và “được anh em tập thể tín nhiệm”. Việc quy hoạch vợ ông đã được cấp trên, ở đây là Tổng cục thuế đồng ý bằng văn bản và cấp trên cũng đã có văn bản gửi Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu để hiệp y.

Cứ có vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ xì xào trong dư luận thì câu trả lời luôn là “đúng quy trình”.

Tìm kiếm cụm từ “bổ nhiệm” và “đúng quy trình” sẽ ra khoảng hơn 1,9 triệu kết quả. Đó có thể là 4 người thân một phó bí thư tỉnh ủy được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo một cách bất ngờ. Đó có thể là con trai một Bộ trưởng được bổ nhiệm làm lãnh đạo nhiều đơn vị trực thuộc.

3. Việc bổ nhiệm “đúng quy trình” nhưng vẫn bị dư luận nghi ngờ khiến người đứng đầu cơ quan lập pháp tối cao cũng phải ngao ngán: "Ta cứ nói đúng quy trình nhưng có thể không đúng tiêu chuẩn, cán bộ có xứng đáng ngồi ở vị trí đó không". Và vị nữ Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ giám sát chương trình cải cách hành chính trong đó có việc bổ nhiệm cán bộ công chức.

Còn trả lời cử tri, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định dù nhân tài ở bìa rừng, góc núi cũng phải được trân trọng với tinh thần cầu hiền.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác cán bộ. “Việc này cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà”.

Một trong những biện pháp để tìm ra người “đúng tiêu chuẩn” đã được nhiều Bộ, ngành địa phương áp dụng là “thi tuyển lãnh đạo”. Trong đó thành công nhất có lẽ là Bộ GTVT với việc tổ chức 10 kỳ thi tuyển lãnh đạo các đơn vị. Trong các kỳ thi, Bộ này đã tuyển chọn được nhiều lãnh đạo thậm chí đến cấp Tổng cục trưởng...

Tuy nhiên, đã có một vị luật sư trúng tuyển Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội bị tạm dừng bổ nhiệm mà thay vào đó Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm một Vụ trưởng làm Hiệu trưởng (vị này nay đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng nhưng vẫn kiêm nhiệm Hiệu trưởng).

Hiện nay việc thi tuyển lãnh đạo đang bị “treo” và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo vẫn theo quy trình cũ mà phần định lượng theo kiểu bao nhiêu năm trong biên chế, có các loại văn bằng chứng chỉ gì vẫn lấn lướt điều kiện về năng lực.

Và vẫn có nhiều cán bộ được bổ nhiệm “đúng quy trình”. Một thứ quy trình lạnh lùng chỉ nằm trong hồ sơ và không được dư luận chấp nhận. Họ xì xào hỏi nhau “đồng chí này là con đồng chí nào”.

Tiểu Yến

TIN LIÊN QUAN
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
(Ngày Nay) - Một cuộc đua cạnh tranh kéo dài từ lúc mới sinh cho đến lúc đi học, đi làm khiến nhiều người Hàn Quốc cảm thấy kiệt quệ và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của họ.
Lưu ý đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 với thí sinh tự do
Lưu ý đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 với thí sinh tự do
(Ngày Nay) - Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, các thí sinh sẽ chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Trong đó, thí sinh tự do sẽ đăng ký dự thi trực tiếp, không phải trực tuyến như học sinh đang học lớp 12; địa điểm đăng ký dự thi do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Mỹ tìm cách tăng cường viện trợ cho Gaza
(Ngày Nay) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Jordan để thảo luận về các cách thức thúc đẩy vận chuyển hàng viện trợ đến Dải Gaza và thảo luận về tình hình căng thẳng trong khu vực thời gian qua.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
(Ngày Nay) - Căng thẳng giữa Nga và phương Tây ở Bắc Cực đã gia tăng đáng kể, khi Moskva chỉ trích những tuyên bố của Washington về Bắc Cực cũng như việc Mỹ gia tăng hoạt động quân sự. Bất đồng đó có thể lên đến đỉnh điểm khi Lầu Năm Góc dự kiến ​​công bố Chiến lược Bắc Cực mới.
Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí
Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí
(Ngày Nay) - Vi nhựa được xem là chất gây ô nhiễm chính cho các đại dương và sự hiện diện của chúng trong không khí ít được biết đến hơn. Trong những năm gần đây ngày càng có nhiều lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe con người, nhưng những nghiên cứu về vấn đề này mới ở giai đoạn sơ khai.