COVID-19 vẫn ở rất gần

COVID-19 vẫn ở rất gần

Tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện đã vượt quá là 565.982.000 ca. Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (210.275.929 ca), tiếp theo là châu Á (163.986.038 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (107.843.098 ca) và Nam Mỹ (60.926.416 ca). Châu Phi (12.435.019 ca) và châu Đại Dương (10.515.646 ca) là hai khu vực có số ca mắc ít nhất.

COVID-19 vẫn ở rất gần ảnh 1

Tính theo số ca mắc, hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19 với 91.106.627 ca mắc, trong đó 1.048.364 ca tử vong. Chỉ tính trong ngày 16/7/2022, Mỹ ghi nhận thêm khoảng 40.200 ca nhiễm COVID-19 mới.

Cũng trong ngày 16/7, tại châu Âu, Italia là nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất khu vực trong 24 giờ với 96.384 ca. Trong khi đó, Pháp là nước ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 cao nhất châu Âu với 32.818.901 ca, Nga ghi nhận tổng số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực với 381.794 ca.

Cùng thời điểm này, châu Phi ghi nhận thêm 3.225 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ, số ca mắc mới đa phần tập trung ở Morocco với 2.021 ca. Châu Đại Dương có thêm 54.067 ca mắc COVID-19 mới, trong số đó Australia chiếm tới 43.273 ca khiến Thủ tướng Australia Anthony Albanese phải khẩn cấp triệu tập một cuộc họp nội các quốc gia nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đang leo thang.

Sự xuất hiện của các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron đang khiến số ca COVID-19 tăng nhanh trở lại ở nhiều nước châu Á. Một làn sóng COVID-19 mới đang lan nhanh ở châu Á, buộc một số chính phủ khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp phòng dịch, tránh nguy cơ quá tải hệ thống y tế.

Đơn cử, Nhật Bản ngày 15/7 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 vượt mốc 100.000 ca lần đầu tiên kể từ đầu tháng Hai năm nay và tăng gấp đôi so với tuần trước, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với làn sóng dịch thứ bảy do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao. Gần đây nhất, ngày 15/7, thủ đô Tokyo ghi nhận 19.059 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ ngày 5/2/2022 và tăng hơn gấp đôi so với tuần trước. Chính quyền thành phố đã nâng cảnh báo dịch COVID-19 lên mức cao nhất trong 4 cấp độ dịch. “Số ca nhiễm mới tăng ở tất cả các tỉnh, thành của Nhật Bản, COVID-19 dường như đang lây lan rất nhanh chóng”, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Shigeyuki Goto cho biết tại một cuộc họp của chính phủ về đối phó dịch bệnh.

COVID-19 vẫn ở rất gần ảnh 2

Tình hình này cũng đang diễn ra tương tự tại Hàn Quốc. Số ca nhiễm mới ở xứ sở Kim Chi trong một tuần đã tăng gấp 3 lần. Số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc trong ngày 16/7 đã vượt ngưỡng 41.000 ca - mức cao nhất trong gần 2 tháng qua, trong bối cảnh dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lây lan mạnh.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, chỉ sau một ngày, nước này ghi nhận 41.310 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 287 ca nhập cảnh. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức 20.286 ca ghi nhận trước đó một tuần. Trước đó, hôm 26/3, số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc lần đầu tiên chạm mốc 10.000 ca sau 3 tuần, sau đó tăng lên trên 20.000 ca vào ngày 9/7 và trên 40.000 ca vào ngày 13/7. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở Hàn Quốc đang là 0,13%.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cảnh báo nước này đang bước vào làn sóng dịch COVID-19 mới, chấm dứt xu hướng giảm từ mức đỉnh hơn 620.000 ca vào giữa tháng Ba và số ca mắc mới dự báo có thể tăng lên hơn 200.000 ca vào tháng Tám tới. Cũng theo cơ quan này, biến thể phụ BA.5 chiếm 35% tổng số ca mắc mới COVID-19 của nước này vào tuần trước, tăng từ mức 28,2% một tuần trước đó.

Tại Indonesia, số ca mắc mới đã lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Tại Philippines, số ca nhiễm và nhập viện tuy còn thấp nhưng chính phủ cảnh báo số ca COVID-19 mới có thể tăng ít nhất 20 lần vào cuối tháng này. Philippines hối thúc người dân tiêm vaccine mũi tăng cường vì hiện chỉ có khoảng 1/4 người đủ điều kiện tiêm mới tiêm 1 mũi tăng cường tính đến ngày 12/7.

Trung Quốc những ngày tháng 7/2022 đang căng thẳng chống dịch COVID-19, trung bình mỗi ngày nước này ghi nhận 300 ca mắc mới, cao hơn so với mức 70 ca/ngày hồi tháng 6. Trung Quốc là một trong ít nước theo đuổi chính sách “Không COVID-19” để kiểm soát các cụm dịch, tránh nguy cơ hệ thống y tế quá tải.

COVID-19 vẫn ở rất gần ảnh 3
COVID-19 vẫn ở rất gần ảnh 4

Tại Việt Nam, trong tháng 6/2022, số mắc COVID-19 có xu hướng chững lại ở khoảng 600-700 ca mắc trong ngày. Thế nhưng, từ tháng 7/2022, số ca mắc mới có chiều hướng gia tăng.

Số ca nhiễm COVID-19 bắt đầu tăng nhẹ mỗi ngày, ngoài biến thể phụ BA.5, Việt Nam cũng đã ghi nhận sự xâm nhập và lây lan trong cộng đồng của biến thể phụ BA.4. Đây đều là những biến thể lây lan nhanh và có khả năng “né” miễn dịch. Nghĩa là những người đã mắc biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Theo đại diện Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.759.145 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.557 ca nhiễm).

Sau khi bước qua đỉnh dịch và thoái trào, COVID-19 gần như không còn là mối bận tâm của đại bộ phận người dân Việt Nam. Nhiều người thậm chí “né” việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại vì cho rằng, đại dịch đã kết thúc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, kháng thể bảo vệ của vaccine suy giảm theo thời gian. Một số đối tượng chưa tiêm đủ liều vaccine làm tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Đây là nguy cơ hiện hữu và có khả năng thành hiện thực nếu không làm tốt công tác tiêm vaccine COVID-19 và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch nghiêm túc.

COVID-19 vẫn ở rất gần ảnh 5

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, người đã từng mắc COVID-19 có thể tái nhiễm, đặc biệt là khi virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Người bệnh tái nhiễm vẫn có nguy cơ lây cho người khác do quá trình nhân lên của virus vẫn lặp lại. Cụ thể, sau khi tiêm phòng hoặc mắc COVID-19, cơ thể chúng ta sẽ có kháng thể, nhưng do lượng kháng thể này sẽ giảm dần sau các mốc thời gian, đặc biệt sẽ giảm mạnh sau 3 tháng và xuống thấp sau 6 tháng. Về lý thuyết, trong 3 tháng đầu tiên, cơ thể sẽ được bảo vệ tốt hơn nhưng điều đó lại không đúng với chủng Omicron hiện nay.

Bệnh viện Thanh Nhàn thời gian vừa qua đã ghi nhận nhiều trường hợp tái nhiễm COVID-19 lần hai, thậm chí là lần ba. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng ghi nhận trường hợp đã tiêm đủ mũi vaccine tái nhiễm và diễn biến nặng phải điều trị hồi sức cấp cứu.

Tại lễ phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng chống COVID-19 mũi 3 và mũi 4 diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 7/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã bày tỏ lo ngại trước thực trạng này: “Tại Việt Nam, các ca mắc và tử vong tăng cao trong 4 tuần qua nhưng thái độ lơ là chủ quan, mất cảnh giác của người dân vẫn rất cao. Nhiều địa phương không đạt tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 như yêu cầu và xuất hiện tình trạng do dự, né tránh việc tiêm vaccine. Do đó, tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 ở người từ 18 tuổi trở lên mới đạt khoảng 67% và 31%”.

Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Vaccine tốt nhất là vaccine được nhắc lại bổ sung kịp thời nhất, bà Liên Hương nhấn mạnh.

Trong thời điểm giữa mùa hè, nắng nóng bao trùm như hiện nay, nhất là miền Bắc nước ta đang bùng nhiều dịch nguy hiểm như tay chân miệng, cúm A, sốt xuất huyết…, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ “dịch chồng dịch” nếu người dân chủ quan trước dịch bệnh.

COVID-19 vẫn ở rất gần ảnh 6

Bài: Phong Châu

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
Bão Beryl là cơn bão cấp 5 đầu tiên hình thành vào tháng 6 khi bắt đầu mùa bão Đại Tây Dương. Ảnh: Nasa
Nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ gió bão Đại Tây Dương năm 2024
(Ngày Nay) - Viện nghiên cứu Climate Central công bố một công trình cho thấy nhiệt độ đại dương ấm lên do con người gây ra đã làm tăng tốc độ gió tối đa của mọi cơn bão Đại Tây Dương trong năm 2024. Điều này phản ánh cách thức mà biến đổi khí hậu đang khuếch đại sức mạnh hủy diệt của các cơn bão.
Núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia, phun trào ngày 8/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Indonesia cảnh báo nguy cơ lũ dung nham lạnh gần núi lửa Lewotobi
(Ngày Nay) - Ngày 20/11, giới chức Indonesia cho biết núi lửa Lewotobi Laki-laki tiếp tục hoạt động mạnh khiến 3 ngôi làng trong khu vực Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara có nguy cơ cao phải hứng chịu lũ dung nham lạnh từ các con sông bắt nguồn từ đỉnh núi trên. Các ngôi làng này nằm trong bán kính 7 km tính từ miệng núi lửa.