Sau 2 năm chống chọi với COVID-19 con người đang dần chấp nhận rằng đại dịch sẽ không bao giờ chấm dứt, và cần phải học cách sống chung với chúng. Ngay cả Trung Quốc, nước duy nhất còn trung thành với chiến lược “Zero Covid”, cũng đang nghiên cứu những kế hoạch mới trong tương lai.
_________
Ngày 11/3 vừa qua đánh dấu 2 năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Không những chưa bị đánh bại, dịch bệnh còn lây lan với tốc độ khủng khiếp chưa từng thấy bởi biến thể Omicron. Theo thống kê của WHO, từ khi Omicron bắt đầu hoành hành từ tháng 12/2021 cho đến nay, tổng số ca mới trong 3 tháng gần nhất là 172,6 triệu - xấp xỉ tổng số ca nhiễm của 11 tháng trước đó (khoảng 175,7 triệu).
Cũng theo WHO, có tới 99,9% số ca mắc COVID-19 hiện nay do biến thể Omicron gây ra, trong khi chỉ có 0,1% là do biến thể Delta.
Hình ảnh virus SARS-CoV-2 chụp qua kính hiển vi điện tử tại phòng thí nghiệm ở Hamilton, Montana, Mỹ, ngày 28/6/2021. - Ảnh: AFP/TTXVN |
Tình hình dịch bệnh trong 3 tháng gần nhất đã chứng minh hiệu quả của vaccine COVID-19, cùng đặc điểm lây lan nhanh nhưng ít gây bệnh nặng của chủng Omicron. Trong 9 tháng đầu năm 2021, khi vẫn còn hơn 60% dân số thế giới chưa tiêm đủ liều vaccine, cộng thêm sự hoành hành của biến thể Delta từ tháng 6-9/2021, tỷ lệ tử vong do COVID-19 là 1,95%. Nhưng từ tháng 12/2021-2/2022, khi chủng Omicron dần thay thế Delta và hơn một nửa dân số thế giới đã tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ tử vong chỉ còn 0,42%.
Làn sóng Omicron đang dần qua đi. Theo dữ liệu của WHO, từ nửa cuối tháng 1/2022 cho đến nay, số ca nhiễm mỗi tuần đang liên tục giảm. Số ca tử vong mỗi tuần cũng đang duy trì đà giảm từ giữa tháng 2 tới nay.
Do đó, hiện nhiều nước đã coi COVID-19 không còn là "pandemic" (đại dịch) mà là "endemic" (bệnh đặc hữu). Họ chuyển hướng sang sống chung an toàn với dịch bệnh, vừa kiểm soát các đợt bùng phát, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường.
Theo Worldometers, tính đến ngày 11/3, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với hơn 81 triệu ca mắc và hơn 991 ngàn ca tử vong. Nhưng thời gian gần đây, sự hoành hành của virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đang suy giảm đáng kể.
Theo dữ liệu của New York Times, tính đến ngày 10/3, số ca nhiễm mới trung bình chỉ còn khoảng 36.000 ca/ngày - thấp hơn rất nhiều so với con số hơn 800.000 ca/ngày vào giữa tháng 1, khi biến thể Omicron đang hoành hành dữ dội nhất. Số ca tử vong trung bình cũng trên đà giảm giảm từ khoảng 2.300 - 2.600/ngày (vào nửa đầu tháng 2) xuống khoảng 1.300 ca/ngày.
Nhân viên y tế đang xét nghiệm cho một người dân tại bang Rhode Island, Mỹ. - Ảnh: New York Times |
Đầu tháng 3, Tổng thống Biden đã công bố một chiến lược phòng chống COVID-19 mới. Trạng thái bình thường mới sẽ tập trung vào 3 yếu tố chính: tiếp tục phòng chống đại dịch ở cả trong và ngoài nước, tránh giãn cách xã hội, chuẩn bị cho biến chủng mới.
Một điểm quan trọng trong chiến lược mới là sáng kiến “xét nghiệm để điều trị”. Cụ thể, Mỹ cho phép người dân được xét nghiệm ngay tại hiệu thuốc, và nhận thuốc kháng virus miễn phí ngay lập tức nếu dương tính.
CDC Mỹ cũng khuyến cáo 70% người dân có thể bỏ khẩu trang từ tháng 3, trừ những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Các biện pháp phòng dịch như tránh tập trung nơi đông người hay giãn cách xã hội sẽ không còn cần thiết.
Người dân Mỹ sẽ không cần phải đeo khẩu trang khi đến những địa điểm công cộng, như quán bar tại thành phố Chicago này. - Ảnh: New York Times |
Nhiều chuyên gia y tế tại Mỹ ủng hộ kế hoạch mới của Nhà Trắng và hướng dẫn của CDC, bởi “phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước”. Tuy nhiên, vẫn còn một số hoài nghi. Gregg Gonsalves, một nhà dịch tễ học tại Đại học Yale, nói rằng quy định bỏ khẩu trang sẽ đặt gánh nặng lên những đối tượng dễ bị tổn thương do dịch bệnh. Theo ước tính của New York Times, hiện khoảng 7 triệu người tại Mỹ có hệ thống miễn dịch kém, dễ bị nhiễm bệnh và trở nặng. Trẻ em dưới 5 tuổi tại Mỹ chưa đủ điều kiện tiêm vaccine. Không chỉ vậy, dữ liệu của các chuyên gia y tế tại New York cho thấy, hiệu quả ngừa bệnh của vaccine Pfizer với trẻ từ 5-11 tuổi là kém hơn nhiều so với thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Ngoài ra, tỷ lệ tử vong do COVID-19 từ đầu tháng 2 tới nay tại Mỹ vẫn khá cao: 1,87%, gấp 5 lần tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới trong khoảng thời gian tương tự (0,37%, theo dữ liệu của WHO). Độ phủ vaccine của Mỹ cũng không quá ấn tượng: 65% dân số đã tiêm chủng đầy đủ và 29% đã tiêm mũi tăng cường, theo NYTimes. Những con số này thua kém nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức và cả một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Lào.
Xét theo châu lục, châu Âu là nơi có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất, với hơn 185 triệu ca tính đến ngày 10/3, trong khi số ca tử vong xếp thứ 2 sau châu Mỹ. Nhưng nhờ độ phủ vaccine rộng và tỷ lệ tử vong thấp, nhiều nước châu Âu cũng đang dần gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch. Dù vẫn cảnh giác với các biến thể mới, có thể nói các nước châu Âu đã coi COVID-19 là một căn bệnh đặc hữu.
Theo thống kê của chính phủ Anh, đã 85,5% dân số Anh tiêm đủ 2 mũi vaccine, và 66,8% đã tiêm mũi 3 hoặc mũi tăng cường. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Anh từ đầu tháng 2 đến nay là 0,25%, khá thấp so với mặt bằng chung. Nhờ những thành quả trên, chính phủ Anh đã dỡ bỏ hầu hết mọi biện pháp phòng dịch, bao gồm cả yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang từ ngày 24/2. Từ ngày 1/4/2022, Anh sẽ tiếp tục ngừng cung cấp bộ test nhanh & dịch vụ xét nghiệm PCR cho người dân (ngoại trừ đối tượng dễ bị nhiễm bệnh), và hủy bỏ yêu cầu hộ chiếu vaccine.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh. - Ảnh: AFP/TTXVN |
Chính phủ Đức tuyên bố sẽ dỡ bỏ hầu hết quy định phòng chống dịch từ ngày 20/3. Tuy nhiên, nước này vẫn yêu cầu đeo khẩu trang khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng; người trở về từ nước ngoài phải xuất trình chứng nhận 3G (đã tiêm chủng, đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2).
Khác Anh, Đức hiện vẫn có khoảng 100.000 - 200.000 ca nhiễm mỗi tuần, không khác biệt mấy so với . Nhưng tỷ lệ phủ vaccine cao (75,6% dân số tiêm đủ liều, 57,6% đã tiêm mũi tăng cường) và tỷ lệ tử vong thấp (0,12% từ đầu tháng 2 tới nay) đã khiến chính phủ Đức tự tin từng bước bình thường hóa với dịch bệnh.
Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Berlin (Đức), ngày 21/2/2022. - Ảnh: AFP/TTXVN |
Tương tự như Đức và Anh, Pháp có độ phủ vaccine rộng (77,7% đã tiêm đủ liều, 53,2% đã tiêm mũi tăng cường) và tỷ lệ tử vong từ đầu tháng 2 đến nay thấp (0,29%). Từ ngày 14/3, người dân chỉ còn phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Hầu như mọi địa điểm đều không yêu cầu chứng nhận tiêm chủng, trừ bệnh viện, viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc người khuyết tật. Tuy nhiên, tất cả người về từ nước ngoài vẫn phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng. Với những người chưa tiêm vaccine, điều kiện để được nhập cảnh là có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Khác các nước phương Tây, Trung Quốc vẫn một lòng trung thành với chính sách “Zero Covid” - xét nghiệm diện rộng và mạnh tay phong tỏa những điểm bùng phát dịch. Tính đến ngày 11/3, Trung Quốc có tổng cộng 113.528 ca nhiễm và 4.636 ca tử vong do COVID-19; tỷ lệ tử vong từ đầu tháng 2 ở mức 0,31%. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì “Zero Covid” trong tương lai, bởi “đó cách tiếp cận chính xác và đem lại kết quả tốt.”
Tuy nhiên, chính sách này đang gặp phải những thách thức lớn. Những ngày gần đây, Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng dịch lớn nhất kể từ đợt bùng phát đầu năm 2020 tại Vũ Hán. Ngày 10/3, Trung Quốc lần đầu ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm/ngày sau hơn 2 năm. Không chỉ vậy, theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đặc khu Hồng Kông hiện ghi nhận số ca tử vong/1 triệu người cao hơn bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào.
Nhân viên y tế khử khuẩn một trường học tại Vũ Hán, Trung Quốc. - Ảnh: Reuters |
Alfred Wu, chuyên gia về chính sách công tại Đại học Quốc gia Singapore trả lời trên tờ South China Morning Post (SCMP) rằng, lý do Trung Quốc kiên trì với Zero Covid là bởi chính phủ coi đây như một thành tích về chính trị. “Nếu họ thành công với chính sách này, Trung Quốc sẽ tiếp tục được coi như một hình mẫu về chống dịch,” ông Wu nói.
Tuy nhiên, SCMP cho biết, Trung Quốc đang bắt đầu tìm những phương pháp chống dịch mới hiệu quả hơn. “Chúng tôi đang đứng giữa hai sự lựa chọn, một là giữ nguyên các biện pháp hiện hay, hoặc cải thiện chúng,” Wu Zunyou, trưởng nhóm dịch tễ học của CDC Trung Quốc cho biết, “nhưng chúng tôi vẫn đang cân nhắc thêm.”
Cựu Giám đốc CDC Trung Quốc Zeng Guang cho rằng, Trung Quốc sẽ đưa ra một lộ trình thích hợp để chung sống với dịch bệnh trong tương lai.
Ông Alfred Wu dự đoán, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không mạo hiểm thay đổi bất cứ điều gì, cho đến khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào cuối năm 2022.
“Sẽ không có sự thay đổi lớn nào cho tới khi ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3. Bởi chung sống với dịch bệnh ngay từ bây giờ có thể mang lại những hệ quả khó lường với ông Tập,” Alfred Wu nhận định.
Bài: Việt Khôi
Thiết kế: Mẫn San