“Sản phẩm của quá trình giáo dục là con người nên không bao giờ có chuyện dễ dàng, nhàn hạ”, thầy giáo Hà Xuân Nhâm - Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, ngôi trường THPT đầu tiên đi theo mô hình công lập tự chủ đã chia sẻ cùng Tạp chí Ngày Nay.
________________
Lâu nay, người ta thường nhắc đến trường công với mức học phí thấp. Nhưng từ khi mô hình công lập tự chủ ra đời, quan niệm này đã thay đổi và đây là cái khó nhất mà các trường công lập tự chủ phải đối mặt, vì phần lớn các bậc cha mẹ có tâm lý: trường công thì học phí đương nhiên phải thấp. Ngoài mức học phí, còn rất nhiều những khó khăn mà một trường công lập tự chủ phải đối mặt. Phóng viên Tạp chí Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với thầy Hà Xuân Nhâm về vấn đề này.
Từng là Hiệu trưởng THPT Phan Huy Chú Đống Đa, bản thân ông tự thấy người đứng đầu một trường công lập tự chủ có cái khó và cái dễ nào so với các trường được “bao cấp”?
- Theo tôi, dù là trường công lập, trường công lập tự chủ hay trường tư thục cũng đều có những thách thức riêng mang tính đặc thù. Ví dụ, trường công lập tự chủ có sự chủ động hơn ở chỗ được tự do tuyển chọn giáo viên. Cụ thể, hiệu trưởng chủ động thành lập hội đồng tuyển dụng viên chức thay vì chờ đợi nguồn giáo viên từ kỳ tuyển dụng của thành phố. Nhưng chủ động hơn không có nghĩa là dễ, vì khi đã chiêu mộ được “nhân tài” thì phải trả cho họ một mức lương xứng đáng với tài năng, uy tín của họ. Lương cho giáo viên đến từ nguồn thu học phí, vậy nên phải khẳng định được chất lượng giáo dục để có được sự tín nhiệm của phụ huynh học sinh, khiến họ tự nguyện đóng học phí cao hơn bình thường. Đây cũng là cái khó nhất mà các trường công lập tự chủ phải đối mặt, vì từ lâu các bậc cha mẹ đã có tâm lý rằng trường công thì học phí đương nhiên phải thấp.
Ông vừa nói rằng đảm bảo chất lượng giáo dục tốt để thuyết phục được phụ huynh học sinh tự nguyện đóng học phí cao hơn bình thường. Vậy theo ông, các trường công lập tự chủ có thể làm gì để giải bài toán này?
- Thoạt đầu, ngỡ giải bài toán này giống như chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước. Bởi chất lượng giáo dục tốt thì phụ huynh mới tin tưởng, sẵn sàng tự nguyện đóng học phí cao hơn; nhưng nếu không có nguồn tài chính đủ mạnh thì lại không có điều kiện đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng theo tôi, bắt buộc phải có một bên chấp nhận “tạm ứng”, quên mình trước để tìm lời giải, đó là phía nhà trường và giáo viên chứ không phải là phụ huynh hay học sinh.
Vậy nên theo tôi, để giải bài toán trên, ngoài tiêu chí trình độ, các trường công lập tự chủ cũng nên coi trọng cả tiêu chí thái độ khi tuyển chọn và đào tạo giáo viên. Bởi một đội ngũ giáo viên với tinh thần hy sinh, cống hiến thay vì đòi hỏi sẽ là tài sản vô giá với bất kỳ trường học nào. Để duy trì được tinh thần ấy, các nhà trường cũng nên tạo điều kiện cho giáo viên sáng tạo và tuyên dương, khen thưởng kịp thời cho những cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực. Giáo viên chính là “linh hồn”, là nhựa sống của một ngôi trường.
Với những trường chưa thể tự chủ tài chính, thì việc tự chủ chuyên môn và nhân sự sẽ khó khăn, vất vả hơn. Ban đầu có thể phải chấp nhận “nằm gai nếm mật” một thời gian dài, nhưng đừng vì thế mà đánh mất niềm tin. Bởi một khi nhà trường đã sở hữu đội ngũ giáo viên có trình độ cao và thực sự yêu nghề, thì chắc chắn sẽ được đền đáp bằng sự công nhận và lòng tin yêu của phụ huynh và học sinh.
Theo ông, sự linh hoạt, năng động có phải là một phẩm chất cần thiết của người lãnh đạo một trường công tự chủ?
- Đương nhiên là có. Mới xuất hiện được gần 2 năm nên mô hình trường THPT công lập tự chủ ở Việt Nam còn khá non trẻ, sẽ còn nhiều thử thách mới nảy sinh trong tương lai. Vậy nên con người luôn phải xác định sẽ linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, luôn sẵn sàng thích nghi dù những vấn đề mới đã lộ diện hay chưa.
Các học sinh trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa tham gia một buổi giao lưu trải nghiệm về lập trình Robot |
Theo tôi, nếu các trường xây dựng tốt những nền tảng cần thiết thì họ sẽ thích ứng tốt hơn nhiều với những thử thách bất ngờ xuất hiện. Ví dụ, khi còn là Hiệu trưởng ở trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, tôi cùng các đồng nghiệp rất coi trọng việc rèn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên và học sinh, bởi đây là nền tảng không thể thiếu trong thời đại kỷ nguyên số đang ngày càng phát triển. Khi ấy, chưa một ai biết rằng đại dịch COVID-19 sẽ bùng phát trong tương lai, làm gián đoạn toàn bộ quá trình dạy và học trực tiếp. Nhưng nhờ được trang bị tốt các kỹ năng làm chủ, ứng dụng công nghệ thông tin, nên khi buộc phải chuyển qua dạy và học online, cả thầy cô và học sinh trường THPT Phan Huy Chú đều thích ứng rất nhanh, giúp quá trình dạy và học đạt chất lượng và hiệu quả cao dù trong điều kiện không hề thuận lợi chút nào. Nói chuẩn bị để chủ động là vậy.
Có ý kiến cho rằng mô hình tự chủ sẽ dễ bị đánh đồng với thương mại hóa giáo dục, vì ranh giới giữa hai khái niệm này khá mong manh. Theo ông, cần làm thế nào để việc tự chủ không bị đánh đồng với thương mại hoá giáo dục?
- Thương mại là vì lợi nhuận, còn giáo dục không như thế. Nếu cơ sở nào chỉ hoạt động vì lợi nhuận chứ không vì chất lượng thực của việc rèn dạy con người thì sớm muộn cũng thất bại. Thế nên theo tôi, không thể “đánh đồng” hai khái niệm trên với nhau được, vì đó là hướng đi sai lầm nếu muốn làm giáo dục một cách bền vững, thực chất.
Cuộc thi hát Quốc ca từ trái tim mình do Đoàn Thanh niên Trường THPT Phan Huy Chú tổ chức. |
Để phân định rõ ranh giới giữa tự chủ và thương mại hóa giáo dục, tôi nghĩ cần có một số nét nhận diện như sau. Đầu tiên là học phí phải được công khai, minh bạch để tránh việc lạm dụng quyền tự quyết định học phí của các trường. Nâng cao chất lượng giáo dục phải song hành với việc đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục cho người học. Thứ hai, những cam kết về đầu ra phải được thỏa thuận rõ ràng và được chứng minh từng ngày, từng giờ qua quá trình dạy và học trong thực tế. Không chỉ vậy, chất lượng giáo dục còn phải được chứng minh sau khi học sinh tốt nghiệp và bắt đầu bước vào đời. Mỗi học sinh được giáo dục thành công là một nhân chứng, một minh chứng cho chất lượng của mô hình giáo dục. Nhà quản lý và nhà giáo dục chân chính luôn có niềm tin vào những giá trị mà mình theo đuổi. Làm được như vậy thì sẽ không còn lo lắng về việc bị đánh đồng giữa tự chủ và thương mại hóa giáo dục nữa.
Việc tự chủ sẽ trao cho hiệu trưởng các trường công lập nhiều quyền lực hơn. Theo thầy, để ngăn không để tình trạng lạm quyền để tư lợi cá nhân xảy ra, chúng ta cần làm gì?
- Việc lo lắng về sự lạm quyền của hiệu trưởng tại các trường THPT công lập tự chủ không phải là không có cơ sở. Nhưng tôi nghĩ rằng, làm giáo dục chỉ để tư lợi cá nhân thì sẽ không thể tồn tại được lâu. Bởi chất lượng giáo dục không chỉ là danh dự, tiếng tăm mà còn là sự sống còn của một nhà trường. Vì vậy, chọn lợi ích cá nhân thay vì lợi ích chung của ngôi trường là tự bắn vào chân mình.
Để tình trạng hiệu trưởng lạm quyền không xảy ra, tôi nghĩ trước tiên cần phải chú trọng công tác tổ chức, bổ nhiệm cán bộ, cần chọn người có tài, có đức nhưng vẫn phải năng động và linh hoạt. Hai là nên tổ chức thanh tra, kiểm tra, định hướng và củng cố thường xuyên. Ba là hiệu trưởng phải có trách nhiệm giải trình với phụ huynh về các quyết định của mình nếu được yêu cầu. Và cuối cùng là nên tổ chức giao lưu, học hỏi rút kinh nghiệm từ các trường đã hoạt động thành công theo mô hình này.
Ông có dự cảm thế nào về xu hướng phát triển của các trường công lập tự chủ trong tương lai?
- Theo tôi, trong hiện tại, các trường THPT công lập tự chủ có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng rồi sẽ phát triển và chiếm vị trí quan trọng trong tương lai. Tự chủ là xu hướng tất yếu, bởi tự chủ đúng cách sẽ giúp cả Nhà nước, nhà trường và học sinh được hưởng lợi. Nhưng dù phát triển thế nào, theo tôi vẫn phải giữ vững triết lý giáo dục hàng đầu là làm tất cả vì chất lượng giáo dục, chứ không phải vì lợi nhuận.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bài: Việt Khôi
Thiết kế: Thúy Hà