Một thời "hoa lửa" của người lính thông tin liên lạc

Một thời "hoa lửa" của người lính thông tin liên lạc

Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng của một thời “hoa lửa” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí Đại tá Nguyễn Tiến Dũng.

_________________

Một thời "hoa lửa" của người lính thông tin liên lạc ảnh 1

Trong những ngày kỉ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, biết bao chiến sĩ lại bồi hồi nhớ về thời “mưa bom, bão đạn” với bao gian khổ hy sinh, tuổi thanh xuân của họ gắn liền với những trận địa ác liệt, những cung đường hiểm trở, và những cánh rừng hoang vu. Với Đại tá Nguyễn Tiến Dũng (72 tuổi), nguyên Trợ lý Tổng hợp, Cục Chính trị - Binh chủng Thông tin Liên lạc, dù chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm, ký ức về những năm tháng hào hùng của một thời “hoa lửa” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Năm 1979, thuộc biên chế Đại đội 18, Trung đoàn 567, ông từng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, đối mặt với những khoảnh khắc vô cùng cam go. “Tại mặt trận phía Bắc thuộc tỉnh Cao Bằng, đơn vị chúng tôi đã trải qua trận đánh ác liệt với quân địch trên đèo Khau Chỉa - một chốt chặn vô cùng quan trọng, nằm cách biên giới 16km. Tuy nhiên, do chênh lệch về tương quan lực lượng, trước sự bao vây của quân địch, tôi cùng đồng đội trong đơn vị sau đó đã phá vòng vây, mở đường máu, băng rừng rút về cứ điểm tại cầu Tài Hồ Sìn (xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Những trận chiến đấu ác liệt, cao điểm là khoảng thời gian từ tháng 2 - 4/1979, đã khiến quân và dân ta hy sinh rất nhiều, những ai còn sống đã phải rút lui về hậu cứ”, người cựu chiến binh này kể lại.

Một thời "hoa lửa" của người lính thông tin liên lạc ảnh 2

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới, ông Dũng được điều động sang Campuchia với tư cách là chuyên gia quân sự, hỗ trợ nước bạn xây dựng Trường Thông tin Quân đội. Ở thời điểm đó, tàn quân Pol Pot vẫn nhận được sự nuôi dưỡng, hỗ trợ của các thế lực bên ngoài, tiếp tục lẩn trốn, phục kích và gây nhiều tội ác, khó khăn cho hoạt động của quân đội ta. Dù vậy, với nỗ lực quyết tâm không ngừng và tinh thần quốc tế cao cả, ông cùng đồng đội đã vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Đến năm 1989, ông quay trở về Việt Nam và đảm nhận nhiều vị trí liên quan đến công tác chính trị tại Binh chủng Thông tin Liên lạc.

Một thời "hoa lửa" của người lính thông tin liên lạc ảnh 3

Suốt cuộc đời binh nghiệp gần 40 năm, dù trải qua nhiều cương vị cả trong thời chiến cũng như thời bình, kỷ niệm sâu sắc nhất đối với Đại tá Nguyễn Tiến Dũng vẫn là khoảng thời gian đảm nhận vai trò người lính thông tin trực tiếp tham gia các chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khi mới nhập ngũ vào đầu những năm 1970.

“Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, rất nhiều thanh niên đã xung phong lên đường nhập ngũ, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Câu nói đó đã trở thành khẩu hiệu của biết bao thế hệ thanh niên. Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi cũng đã quyết định khoác lên mình màu áo lính và tham gia quân ngũ”, Đại tá Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Một thời "hoa lửa" của người lính thông tin liên lạc ảnh 4

Ông Dũng nhập ngũ năm 1971, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang diễn ra quyết liệt. Sau những ngày tháng huấn luyện khẩn trương, ông được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 304 (Đại đội hữu tuyến điện, Tiểu đoàn Thông tin, Sư đoàn 304). Sư đoàn 304 còn được biết đến với mật danh Đoàn Vinh Quang, là một trong sáu đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với vai trò là một chiến sĩ thông tin, ông Dũng đã tham gia trực tiếp vào các chiến dịch lớn như Quảng Trị, Thượng Đức, cùng đồng đội tổ chức bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc thông suốt cho toàn sư đoàn.

“Trong hồi ức của tôi về những năm 1970 khi đó, chặng đường hành quân rất đỗi gian nan. Người lính bộ binh vốn đã vất vả, thì lính thông tin như chúng tôi còn chịu gánh nặng hơn nhiều. Ngoài tư trang cá nhân, mỗi chiến sĩ thông tin còn phải mang từ 15 – 20kg dây, thiết bị phục vụ đảm bảo thông tin liên lạc. Dù có khó khăn, nhọc nhằn như vậy nhưng đồng đội chúng tôi luôn cố gắng động viên lẫn nhau trên suốt chặng đường hành quân”, ông Dũng nhớ lại.

Một thời "hoa lửa" của người lính thông tin liên lạc ảnh 5

Theo chia sẻ của người Tiểu đội phó năm ấy, cách đây đúng tròn 50 năm (1974 – 2024), chiến dịch Thượng Đức tại mặt trận Quảng Đà diễn ra rất khốc liệt “không có ngày, đêm nào không có tiếng bom, tiếng pháo”. Nhiệm vụ và yêu cầu tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc cho chiến dịch rất nặng nề khi các đường dây, phương tiện liên tục bị đánh phá.

“Bom đạn địch đánh phá dội xuống liên tục, nhiều vô kể. Lính thông tin chúng tôi phải băng qua “những cánh đồng bom” để kéo dây, nối cáp, kiểm tra và sửa chữa kịp thời giữa lòng trận địa, nhằm đảm bảo cho các đơn vị liên lạc với cấp trên, hiệp đồng vững chắc giữa các lực lượng đánh địch trên các hướng. Có khi “pháo đài bay” B52 rải thảm bom chỉ cách vị trí của tôi 10m, cũng có khi máy bay trinh sát OV-10 của địch quần thảo ngay trên đầu, nhưng nhiệm vụ của người lính, chúng tôi vẫn tiếp tục tiến về phía trước bất chấp hiểm nguy”, ông Dũng chia sẻ.

Chi khu quận lỵ Thượng Đức (nay thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) được xây dựng trên điểm cao 54, cách thành phố Đà Nẵng về phía Tây khoảng 50km, cách đường Trường Sơn Đông không xa về phía Đông. Ngay từ khi đổ bộ vào Đà Nẵng, quân đội Mỹ đã tiến hành xây dựng cao điểm 54 thành một cứ điểm có công sự vững chắc và hỏa lực mạnh.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Thượng Đức là một cứ điểm của địch thường tập trung quân để tổ chức các cuộc hành quân lấn chiếm ra vùng mà ta đã giải phóng từ trước năm 1973. Đồng thời, đây cũng là một điểm chốt chặn ngăn cản lực lượng chủ lực của quân đội ta từ Quảng Trị cơ động vào Tây Nguyên, ngăn chặn lực lượng chủ lực của Quân khu 5 từ hướng Tây tiến công vào Đà Nẵng. Đến năm 1974, địch củng cố chi khu quận lỵ Thượng Đức kiên cố, được cho là “bất khả xâm phạm” bảo vệ cho Khu căn cứ liên hợp Đà Nẵng từ phía Tây.

Một thời "hoa lửa" của người lính thông tin liên lạc ảnh 6

Trong các trận tiến công, quân đội ta đã khéo tổ chức kết hợp, phát huy được các loại phương tiện thông tin (như vô tuyến điện, hữu tuyến điện hay thông tin quân bưu), và sử dụng đúng thời cơ, nên thông tin liên lạc bảo đảm chỉ huy kịp thời, góp phần vào thắng lợi của trận đánh. Tuy nhiên, Đại đội hữu tuyến điện trong chiến dịch có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng với việc bảo mật thông tin về tình hình tại trận địa.

“Dù sử dụng kết hợp nhiều loại phương tiện thông tin, nhưng sóng vô tuyến điện rất dễ bị địch mã hoá thu thập thông tin. Hữu tuyến điện được xác định là phương tiện thông tin chính nhằm bảo đảm bí mật thông tin, giữ liên lạc thông suốt từ cấp sư đoàn đến các đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội xung kích mũi nhọn. Có thể nói, thông tin chính là “mắt thần” chỉ đường cho quân ta phối hợp nhịp nhàng, tiến công đánh bại kẻ thù, góp phần làm nên chiến thắng trong chiến dịch Thượng Đức”, Đại tá Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thắng lợi của chiến dịch Thượng Đức năm 1974 không chỉ là thành quả to lớn của quân và dân ta, mà còn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về trình độ và khả năng tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến thắng đã khai thông quốc lộ 14 nối với đường Trường Sơn, giúp quân đội ta triển khai các mũi tiến công trên khắp chiến trường Quân khu 5 và Tây Nguyên, tạo điều kiện quan trọng góp phần giải phóng các vùng đồng bằng và miền núi rộng lớn.

Một thời "hoa lửa" của người lính thông tin liên lạc ảnh 7

Nhớ lại những ngày tháng ấy, ông Dũng không khỏi xúc động: “Chúng tôi, những người lính thông tin, đã trải qua những tháng ngày vô cùng gian khổ nhưng cũng rất tự hào. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng kỷ niệm về những năm tháng ấy vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí tôi. Đó là những bài học quý báu về tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm và sự hy sinh cao cả của những người lính cách mạng Việt Nam”.

Trưởng thành từ những năm tháng khói lửa chiến tranh, những cảm xúc, niềm tự hào ấy vẫn luôn là động lực để Đại tá Nguyễn Tiến Dũng cùng các đồng đội tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những chiến sĩ thông tin liên lạc “coi dây như ruột, coi cột như xương” luôn “đi trước, về sau”, thầm lặng giữ vững mạch máu thông tin chính là đại diện cao đẹp cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.

TIN LIÊN QUAN
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.