Khi chiều ngả tím

Khi chiều ngả tím

“Nặng trĩu tâm tư khi làm thân viễn xứ

Một lần đi là khó thể quay về”

* * *

Tôi mang quê hương và kỷ niệm nặng như cái mai cáy trên lưng, và mỗi lần phải thay đổi lại là một lần muốn thụt vào dưới mái hiên phủ tím ánh chiều tà của chứa chan xưa cũ.

Năm 2022 ở Adelaide thời tiết thật kỳ lạ. Trời lạnh mãi đến tận cuối mùa hè. Thế rồi như dồn cả mùa vào một ngày, gần hết năm, cái nóng bỗng đột ngột tăng lên so với ngày thường hơn 20 độ.

Đúng ngày nóng lên 41 độ thì bà xã khoe với tôi: “Hôm nay em mua được mớ rau ngót”.

Trời nực, có mớ rau ngót nấu bát canh giải nhiệt thì không còn gì bằng. Chiều cạn mà ngoài vườn, trước sân hơi nóng vẫn bủa vây hầm hập, tôi múc một thìa canh, vị rau ngót hăng hăng, ngòn ngọt, dịu mát rồi chép miệng: “Chả biết ai nghĩ ra món canh rau ngót nấu với thịt nạc, ở quê mình, chỉ cần hai thìa nước cáy. Ngon và dậy gấp bao lần”.

* * *

Vườn trước, chỗ bờ bò gạch ngăn sân thóc, mẹ xin được cô Uy mấy bó cành già rau ngót về giâm. Cái giống rau cũng dễ như người quê tôi, cắm đâu cũng lên, giâm đâu cũng đơm cành trổ lá. Mẹ bảo: “Mùa hè có bát canh rau ngót thì thích lắm”.

Mơ ước của người nghèo chỉ vậy, có thứ gì ăn cho trơn cơm. Ăn no, còn làm. Khi những cành ngót giâm bên bờ bò bắt đầu mon men trổ vài lá đầu cành, mùa hè cũng chớm sang là mẹ đội thúng đi chợ Cà mua về năm mười xâu cáy với bơ muối hạt để chúng tôi cùng xé yếm lột mai giã cáy. Nước cáy đập tỏi chấm rau lang rau muống, nước cáy pha nấu canh rau đay mùng tơi, và đặc biệt là nước cáy nấu canh rau ngót. Ngọt thanh và dư vị dai dẳng cho tới cuối đời.

* * *

Con sông chảy ngang trước làng nhà ngoại dẫn nước từ sông Hồng về cánh đồng thôn Nội. Nước lên, nước xuống mỗi độ tưới tiêu. Phù sa giàu có từ sông Hồng phủ lên hai bờ đất thịt là nơi cư ngụ của cơ man nào là cáy. Những con cáy càng hồng tinh ranh và nhanh như cắt mỗi khi nắng sớm nước cạn thường ra phơi mình ở chân sậy. Chúng luôn biến đi rất nhanh và hang cáy thì vô cùng ngóc ngách nên bọn trẻ chúng tôi chỉ biết nhìn thèm thuồng mà không bao giờ bắt được.

Khi chiều ngả tím ảnh 1

Năm học lớp Sáu tôi mới biết tên cô bạn mà cứ mỗi lần nước ròng trước làng nhà ngoại lại một giỏ bên hông, một cần trên tay đi câu cáy. Nàng có biệt tài, hễ cứ cần và mồi thả xuống trước cửa hang là cáy sẽ bò ra cắp lấy cắp để, và nhanh hơn cáy, nàng đã nhấc vọt lên. Chỉ cần chân khẽ chạm vào hom giỏ, là con cáy phản xạ nhả mồi ra rồi thụt luôn vào dưới hom. Chỉ loáng một chốc cuối sáng, hay đầu chiều, lúc nắng vừa hoe lên âm ấm, đôi chân trần trắng như bóc trên bờ cỏ héo vàng đã bắt đầy giỏ cáy. Có nhiều buổi tôi say sưa nhìn đám cáy hồng sập bẫy áo hồng. Rồi sau này, khi học cùng một lớp văn chỉ có chục người ở trường năng khiếu huyện, cú thương nhớ đầu đời cứ theo mãi tới hết thưở học trò. Không hiểu vì yêu tài văn chương hay tài câu cáy của nàng.

Khi chiều ngả tím ảnh 2

* * *

Ở gần vùng cửa sông Hồng đổ ra biển, nên những người dân quê tôi quá đỗi quen với chế biến và ăn những món ăn từ con cáy. Sinh thời bà ngoại tôi cũng là một người làm nước cáy rất ngon. Các cậu, các dì và cả tôi đều lớn lên mạnh khỏe xuôi cơm từ nước cáy bà ngoại ủ trong chum. Và có lẽ bà cũng trường thọ đến gần trăm tuổi (chính xác là 98) nhờ những vại tương chum cáy quê xưa. Nhưng sản vật gắn với những vùng đất qua năm tháng trở thành văn hóa. Rất khó để mô tả với các con tôi về văn hóa cáy của vùng Sơn Nam Hạ nơi sản sinh ra rất nhiều cá nhân xuất chúng nhưng cũng không thiếu những con người hễ va với cái mới một chút là tụt vào hang. Tôi là một người như vậy, mang quê hương và kỷ niệm nặng như cái mai cáy trên lưng, và mỗi lần phải thay đổi lại là một lần muốn thụt vào dưới mái hiên phủ tím ánh chiều tà của chứa chan xưa cũ.

Càng ở xa quê hương con người ta lại càng mong muốn phục hồi những kỷ niệm mà ngay khi còn ở đó, hầu như ít ai để ý. Cô em vừa mới sang định cư được ba tháng, đi cửa hàng Á Châu nào cũng hỏi tìm xương xông, lá lốt. “Không có cái đó, nhất là xương xông, những miếng chả hay tô canh cá không còn mùi gì của quê hương”, cô nói. Ông anh vừa qua tuổi nghỉ hưu, một buổi chiều hớt hải gọi thằng em còn đang miệt mài cày cuốc: “Chiều đi làm về sang anh ngay nhé”. Trên mâm cơm vừa dọn, bà chị bê ra một đĩa tú hụ rau dền và rau sam luộc kiểu tập tàng. Sơn hào hải vị của những người viễn xứ. Món rau không còn là rau. Nó là kỷ niệm, là thơ ấu, là quê hương.

Nhiều lần tôi đã tự hỏi rằng mỗi khi bàn về một nỗi nhớ lớn hơn một chút so với nỗi nhớ người yêu cũ, thì các văn nhân và thi sĩ thường nhắc đến các món ăn, như vậy liệu có quá trần tục và ngược ngạo. Nhưng hóa ra chuyện đó lại là khoa học. Thứ hằn sâu nhất trong ký ức của con người, lại không phải âm thanh hay hình ảnh mà là mùi vị. Thật khó cho ai đã đi qua một chút mùi già, một chút hương lá dong phả khói hay một làn lam trầm tỏa nhẹ trên ban thờ chiều ba mươi có thể quên được đi mùi của Tết của Xuân xứ Bắc, dù có đi xa hơn bốn chục Xuân, dù có ở cách mưa phùn cả nửa vòng quay trái đất.

Có những đêm đông lạnh lẽo thức dậy co ro lúc ba giờ sáng để chuẩn bị cơm cho cả ngày lao động tôi chợt nghe như là tiếng vọng đâu đây: “Tình dậy thổi cơm bố mẹ ăn còn ra đồng”. Hóa ra cái mùi cơm dịu dịu đưa tôi về hơn bốn chục năm bên bếp kiềng đôi và cái nồi gang vùi trấu.

Cũng là mùa đông. Được gạch nối bằng hương vị của gạo nấu thật mong manh mà kéo dài ký ức đến thế. Nối cậu bé tám tuổi với người đàn ông đã đổi tóc mái đầu, nối Vân Đồn với Adelaide, nối cả mẹ cha đã khuất nơi mây mùa xa xanh thẳm.

* * *

Những người bạn tôi ở nơi viễn xứ, trước khi quyết định di cư hầu hết đều là những người tài giỏi về chuyên môn và đảm đang về gia chánh. Mỗi lần chúng tôi tụ tập, mà cũng không phải hiếm hoi, nhiều thì tuần vài bận, ít cũng tháng dăm lần, chỉ cần một người vào bếp cũng sẽ đủ hết các món ăn về hình thức không thua gì mâm cỗ Tết. Người Bắc có món Bắc, người Trung món Trung, người Nam cũng đủ hết món Nam, muốn gì cũng có. Gia vị và nguyên liệu trong thời buổi giao thương rộng khắp cũng rất cầu kỳ.

Thế rồi khi tất cả bắt đầu nhập mâm sau khi không quên một cú wefie để cúng phây, thể nào chúng tôi cũng lại tần ngần vì thiêu thiếu.

Cái thiếu thật khó mường tượng, khó định danh trên một thực tế đầy ngồn ngộn.

Cho tới một hôm có ai đó ngậm ngùi nói ra “cỗ của chúng mình đầy đủ các món, chỉ thiếu mỗi mùi cỗ”.

Thì ra ai cũng chở theo mình trên dọc dài hành trình viễn xứ một nỗi nhớ quê hương.

Nỗi nhớ rất đầy bởi sự trống vắng của những mùi xưa cũ không có gì khỏa lấp.

Và chiều nay, một chiều hè bỏng rát 41 độ cuối năm Adelaide, chan bát canh rau ngót tôi bỗng thèm vị nước cáy quê hương.

Khi chiều ngả tím ảnh 3
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.