Môi trường xanh 'hồi sinh' dưới bàn tay người trẻ

Môi trường xanh 'hồi sinh' dưới bàn tay người trẻ

Ngày càng nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường của người trẻ được ấp ủ và ra đời với hiệu quả tích cực đến bất ngờ. Đó như một tín hiệu đáng mừng khi lớp thế hệ trẻ tương lai của đất nước ngày càng ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, cứu lấy môi trường.

* * * * *

Môi trường xanh 'hồi sinh' dưới bàn tay người trẻ ảnh 1

Ngay từ nhỏ, cậu thanh niên Phạm Thanh Trí đã cảm thấy ớn lạnh khi chứng kiến cảnh rác thải tràn ngập bãi biển gần nhà, những thứ mà theo cậu là “sản phẩm của sự vô ý thức của con người.”

“Nhiều người ngang nhiên vứt rác và lẩn tránh trách nhiệm xã hội do họ không sợ bị xử phạt”, Trí nói. “Khi không được thu gom đúng cách, chúng sẽ theo những dòng sông đổ ra biển, từ đó hình thành nên các vấn nạn tiềm tàng.”

Năm 2018, Trí đọc được câu chuyện về một con cá voi con chết non do vùng nước nó sinh ra trở nên quá ô nhiễm, cá voi mẹ sau đó đã ở bên xác đứa con của mình hơn 20 ngày đêm. Day dứt vì câu chuyện đó, chàng trai gốc Quảng Ngãi đã quyết tâm theo đuổi các hoạt động xã hội vì môi trường.

Theo Trí, hình ảnh các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM ngập chìm trong rác thải không còn là hình ảnh xa lạ. Lượng rác nhiều lên ở các thành phố, làm quá tải các bãi chứa rác tập trung và cho đến khi không thể chứa được nữa thì cả thành phố sẽ lại lâm vào cảnh “tắc rác”.

“Các nhà khoa học dự đoán rằng đến năm 2050 thì số nhựa trong đại dương sẽ nhiều hơn số cá. Nhiều người không nhận ra vấn đề rằng cá ăn nhựa, còn người thì ăn cá”, Trí nói.

Môi trường xanh 'hồi sinh' dưới bàn tay người trẻ ảnh 2

Tháng 2 năm 2019, Trí cùng 4 người bạn đã nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình sinh vật biển bằng rác thải. Sau 20 ngày mày mò với nhiều lần thất bại để kết nối bộ khung, chỉ bằng những vật liệu đơn giản như trẻ, lốp xe đạp, lưới bắt cá và túi nilon, cả nhóm đã tạo ra hai mô hình cá voi và tặng lại cho ngôi trường cũ của Trí. Vài tháng sau, nhận được sự ủng hộ của Đại học Cần Thơ, Trí đã cùng một nhóm bạn thực hiện 2 mô hình dài 5 m, cao 3 m và rộng 2 m trong vòng 1 tuần để đem đi triển lãm.

Tới năm 2020, Trí đứng ra thành lập dự án mang tên EcoFish Vietnam, lấy logo là hình ảnh chú cá đựng rác mang thông điệp “Feed Me Plastic Free” (Hãy cho tôi ăn rác thải). Ngoài việc xây dựng mô hình cá khổng lồ bằng tre, EcoFish còn tổ chức các hoạt động, chương trình giáo dục nâng cao ý thức phân loại rác nhựa tại trường học.

"Các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh, chưa ý thức rõ về tầm quan trọng của vấn đề rác thải. Chúng tôi muốn triển khai 1 chương trình quản lý rác nhựa trong trường học và học sinh sẽ được tham gia và quản lý các hoạt động tại đấy", Trí cho biết.

Theo Phạm Anh Khoa – học sinh lớp 11 trường THPT Tư Nghĩa 2 (Quảng Ngãi), giới trẻ hiện nay thường có xu hướng “nhanh hóa”, luôn ưu tiên cái gì nhanh và tiện.

“Các bạn thường sử dụng đồ dùng một lần. Ví dụ như uống nước, thay vì sử dụng bình giữ nhiệt, họ thích dùng các chai nhựa, các ly nhựa hơn, vì chúng gọn, nhẹ, đặt biệt rẻ hơn, và họ có thể dễ dàng vứt bỏ”, Anh Khoa cho biết.

Với mục tiêu giảm thiểu thói quen sử dụng rác nhựa của học sinh và phân loại tái chế vật liệu nhựa bỏ đi tại môi trường học đường, Trí cùng các cộng sự trong EcoFish đã liên hệ với nhiều trường học từ Nam ra Bắc, sau đó thành lập câu lạc bộ hoặc ban quản lý dự án tại trường do học sinh phụ trách, triển khai các hoạt động kết nối, đào tạo năng lực và hiểu biết cho học sinh.

Môi trường xanh 'hồi sinh' dưới bàn tay người trẻ ảnh 3

Qua nhiều buổi, thành viên của EcoFish sẽ đánh giá năng lực hiểu biết của học sinh và phân ban hoạt động. Cuối cùng là triển khai kế hoạch xây dựng mô hình và ra mắt dự án tại trường.

Từ một người không quan tâm tới lĩnh vực môi trường, Lê Nguyễn Ánh Hạ - học sinh lớp 12 trường THPT Tư Nghĩa 2, cho biết dự án EcoFish giúp cô thay đổi bản thân rất nhiều.

“Em hạn chế dùng rác thải nhựa một lần hơn, cũng thay đổi một vài thói quen như đi mua đồ sẽ mang theo túi vải hay đi trà sữa với bạn bè thì mang theo bình cá nhân. Em cũng thấy được, môi trường vẫn tồn tại nếu không có con người nhưng con người thì không thể sống nếu thiếu đi môi trường. Hủy hoại môi trường đồng nghĩa với tự hủy hoại cuộc sống của chúng ta.”

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, 11 mô hình cá ăn rác của EcoFish đã được xây dựng tại các điểm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Cần Thơ, Nam Định, Quảng Ngãi, với trung bình mỗi mô hình chỉ tốn khoảng 6-7 triệu đồng.

Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh và hạn chế về kinh phí, nhưng bằng sức trẻ và sự sáng tạo, các thành viên EcoFish vẫn quyết tâm duy trì dự án với mục tiêu giáo dục cho giới trẻ về trọng trách họ nắm giữ trong cuộc chiến bảo vệ môi trường.

“Những người trẻ phải ý thức và được tiếp cận kiến thức mới có thể tự thay đổi và cứu lấy tương lai của mình”, Trí khẳng định.

Môi trường xanh 'hồi sinh' dưới bàn tay người trẻ ảnh 4
Môi trường xanh 'hồi sinh' dưới bàn tay người trẻ ảnh 5

Nhiều thế hệ người Thụy Điển đã cùng chia sẻ một phong cách sống được gọi là “lagom”, có nghĩa là vừa đủ, không dư thừa, cũng không thiếu hụt trong đời sống vật chất lẫn tinh thần, làm thế nào để cân bằng được ba yếu tố công việc - tiền bạc - môi trường sống.

Xuất phát từ triết lý đó, kỹ sư xây dựng Lê Trung Thông cùng các cộng sự của mình, vốn đều là những người chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường, thành lập một công ty hoạt động trong lĩnh vực tái chế rác thải và lấy tên Lagom Việt Nam.

Chọn Hà Nội là trụ sở cho dự án đầu tiên, Lagom quyết định triển khai kế hoạch thu gom, phân loại vỏ hộp sữa tại 1.600 trường học trên địa bàn 23 quận, huyện của thành phố.

Sau gần 5 năm được triển khai tại Hà Nội, chương trình “Sữa học đường” đã có hơn 1 triệu trẻ mầm non, học sinh tham gia. Về định mức thụ hưởng, mỗi trẻ được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống 1 lần); mỗi lần 1 hộp 180ml.

Môi trường xanh 'hồi sinh' dưới bàn tay người trẻ ảnh 6

Việc triển khai chương trình này lại làm nảy sinh vấn đề thu gom, xử lý rác tại các trường, bởi vỏ hộp sữa được coi là loại rác vô giá trị mà “cho không ai lấy, bán không ai mua”, theo Đoàn Vân - một thành viên lâu năm của Lagom, chia sẻ.

“Có nhiều trường học từng đau đầu trong việc xử lý vỏ hộp sữa, thậm chí ở những huyện ngoại thành, do không tìm được nguồn thu gom nên chính thầy cô đã phải tẩm xăng rồi đốt vì vỏ hộp sữa rất khó cháy”, Đoàn Vân cho biết. “Ví dụ một trường có 200 học sinh sẽ phát thải 200 vỏ hộp sữa, một tháng Lagom thu đều đặn khoảng 100 tấn vỏ hộp sữa. Chương trình này giúp giải quyết được bài toán thu gom vỏ hộp sữa cho nhà trường.”

Mô hình hoạt động của Lagom được thiết kế hết sức tối giản: học sinh uống sữa, làm dẹp vỏ hộp, dán nhãn và cho vào thùng rác. Sau đó các thành viên của Lagom sẽ tới gom vỏ hộp sữa vào các bao lớn và chuyển vào nhà máy xử lý đặt tại Bình Dương.

Vỏ hộp sữa sau khi được tái chế 100% sẽ trở thành những sản phẩm có ích cho môi trường như chậu cây, bưu thiếp, đồ chơi, thẻ học tập hay thậm chí là móc quần áo,...

Môi trường xanh 'hồi sinh' dưới bàn tay người trẻ ảnh 7

Trong quá trình triển khai, các thành viên của Lagom cũng phải bỏ thời gian để thuyết phục được đội ngũ giáo viên tại các trường, bởi các thầy cô là những người bám sát với hoạt động thu gom vỏ hộp sữa của học sinh.

“Sau một năm tham gia kiểm chứng hiệu quả, các thầy cô đều hưởng ứng và tiếp tục đồng hành cùng chương trình”, đại diện Lagom cho biết. “Mặc dù vấp phải không ít thách thức, nhưng với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, chúng tôi đã thu được nhiều ý nghĩa và sáng kiến.”

Tại trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy), các học sinh được thầy tổng phụ trách giao thành lập một đội tự quản để các em tự giám sát hoạt động thu gom vỏ hộp sữa, sau mỗi giờ uống sữa sẽ có một lớp được phân công trực nhật để ghi lại hiện trạng các lớp sắp xếp vỏ hộp sữa.

Hoặc tại trường Tiểu học Phú Thượng (quận Tây Hồ), học sinh không chỉ xử lý vỏ hộp sữa tại trường mà còn đem vỏ sữa từ nhà tới để đóng góp cho chương trình. Các bạn học sinh tại trường Tiểu học Định Công (quận Hoàng Mai) thậm chí còn phá kỷ lục của Lagom khi thu gom được tổng cộng 110 kg vỏ hộp sữa trong vòng 2 tuần.

Chương trình thu gom rác của Lagom tuy xuất phát từ những hành động nhỏ nhất dành cho lứa tuổi học sinh, nhưng dần dần sẽ giúp trẻ nhỏ hình thành phản xạ phân loại rác thải, từ đó tạo ra một thế hệ có ý thức gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Môi trường xanh 'hồi sinh' dưới bàn tay người trẻ ảnh 8

Sau hơn hai năm, hoạt động của Lagom đã triển khai và thực hiện thành công với 1600 điểm trường, 28 điểm cộng đồng với khối lượng vỏ hộp sữa được thu gom lên tới 244 tấn.

Cùng với việc giáo dục ý thức cho học sinh, các thành viên của Lagom còn thành lập nhóm cộng đồng với quy mô hơn 2.000 thành viên mang tên “Nhóm chiến binh giải cứu vỏ hộp sữa”.

Đây là tập hợp của những bạn trẻ cùng chung sở thích bảo vệ môi trường. Đội ngũ nhân viên Lagom sẽ chủ động kết nối các nhóm nhỏ cộng đồng này lại để tổ chức các buổi thu gom, dọn dẹp rác thải quanh khu vực họ sinh sống. Việc hình thành các nhóm “giải cứu rác thải” vừa giúp bảo vệ môi trường sống, vừa giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng về phân loại, thu gom và tái chế rác thải.

“Thông qua việc truyền tải những câu chuyện tuy nhỏ bé này, chúng tôi mong muốn cộng đồng, đặc biệt là các bạn học sinh, hiểu được rằng chính các bạn là những chiến binh đang tham gia vào cuộc chiến đi tìm lại màu xanh cho thế giới”, đại diện Lagom cho biết.

Môi trường xanh 'hồi sinh' dưới bàn tay người trẻ ảnh 9

Bài: Huy Vũ

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.