Phỏng dựng về kiến trúc thời Lý, PGS. TS Trần Trọng Dương quan tâm đến Hoàng thành Thăng Long, đến các công trình kiến trúc được xây bằng đức tin của các Phật tử Hoàng gia thời Lý, từ chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh (Long Đọi) của vua Lý Nhân Tông, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng của Lý Thường Kiệt, đến chùa Dạm của bà Ỷ Lan, chùa Diên Phúc của Thái úy Đỗ Anh Vũ... Với anh, có quá nhiều việc phải làm, từ xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (bigdata), nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu biểu tượng, đến phỏng dựng mô hình, phỏng dựng VR3D, và đưa ra xây thực, phục dựng ngoài đời.
___________________
“Tôi có lẽ vẫn đang ở trong một cơn mê sảng khác, lớn hơn, so với giấc mơ về kiến trúc Một Cột trước đây”, Trần Trọng Dương chia sẻ.
Vốn được đào tạo về Hán văn, chữ Nôm, tiếng Việt lịch sử và kinh điển Nho giáo, những tri thức này được dùng để nghiên cứu về văn học trung đại Việt Nam, tuy nhiên, với Trần Trọng Dương, Hán Nôm là một kho tàng vô tận của văn hóa truyền thống, không chỉ ghi chép về thi ca, ca dao, hò vè, tuồng chèo, bảo quyển,... mà còn ký tái muôn vàn khía cạnh khác nhau của lịch sử văn hóa Việt Nam, từ triết học, tư tưởng, tín ngưỡng tôn giáo, cho đến bản đồ, địa lý, thiên văn, toán học, y dược học, quân sự, lịch pháp... Tư liệu có gì thì Trần Trọng Dương làm nấy. Từ việc chỉ có làm văn chương, dịch thuật Hán Nôm, anh dần tự mở rộng mình để quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam:
“Tôi từng tái lập ngữ âm của tiếng Việt thời Nguyễn Trãi, xem Nguyễn Trãi phát âm như thế nào, nói thứ tiếng Việt như thế nào, từ những cứ liệu hết sức cụ thể của chữ Nôm”, Trần Trọng Dương nói. “Nên khi thấy những kiến trúc như chùa Một Cột, như cột đá chùa Dạm (nặng trên 50 tấn), có đủ cả hệ thống lỗ ngàm, nên tôi ngay lập tức trào lên ý định phải tái lập được kiến trúc thời Lý từ những cứ liệu đó. Đó thực sự là một thử thách thú vị để có thể xuyên không, đi ngược về quá khứ nghìn năm, để tái lập lại phong cách vàng son, phong cách hoàng gia của kiến trúc chùa tháp thời Lý Trần”.
Trần Trọng Dương nhớ, thầy của anh thầy Nguyễn Hùng Vĩ từng có những thảo luận rất nóng với nhà nghiên cứu mĩ thuật cổ Nguyễn Du Chi vào năm 1999 về cột đá chùa Dạm. Thầy Vỹ bảo, đó phải là phế tích của một công trình kiến trúc, chứ chẳng phải là linga-yoni (dương vật cắm trên âm vật) của văn hóa Champa hay văn hóa dân gian gì cả. Nghiên cứu chùa Dạm thì phải giải thích từ Phật giáo, chứ lấy văn hóa dân gian hay Hindu giáo vào để giải thích thì đó là một sai lầm quan trọng về phương pháp luận.
“Năm 2011, thầy dẫn tôi cùng sử gia Tạ Chí Đại Trường, nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Lê Quốc Việt, và một số người khác nữa đi điền dã chùa Dạm. Tôi nhớ, bác Trường, tóc đã bạc, chân đã run, lần đầu được ra Bắc để xem hiện vật thật. Ông ngỡ ngàng khi thấy một cây cột đá lừng lững giữa ngổn ngang cây cỏ và đá. Khi nghe giải thích về cây cột, và trực tiếp nhìn thấy hệ thống lỗ ngàm, ông buột mồm: “Tôi sai rồi, không phải linga, tôi sẽ viết một bài sửa sai để cảm ơn mọi người”. Sau đó, bác Trường đã đăng vài viết trên tạp chí Xưa và Nay để đính chính cho việc ông khẳng định cột đá chùa Dạm là một mukha-linga (linga tạc rồng- biểu tượng cho hoàng đế) của hoàng gia nhà Lý.
Cũng năm ấy, chùa Một Cột bị mưa dột, báo chí đăng bài phản ảnh chuyện tượng chùa Một Cột phải mặc áo mưa, đội nón lá để tránh khỏi hư nát. Từ đó, tôi bắt đầu viết những dòng đầu tiên về chùa Một Cột, đầu tiên là bài “Chùa Một Cột không phải là chùa”, “Cột đá chùa Dạm có phải là linga?”, “Truy tìm loài thú lạ trên mái chùa Một Cột”,...
Tuy nhiên, ban đầu đó chỉ mới dừng lại ở các bài báo, để lan tỏa tri thức đến cộng đồng. Những nghiên cứu chuyên sâu Trần Trọng Dương đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Nghiên cứu và Phát triển, Nghiên cứu Mĩ thuật (của Đại học Mĩ thuật), Vietnamese Studies, Journal of Vietnamese Studies (của Đại học California)...
Các nghiên cứu này dựa trên nguồn tư liệu bi ký, tư liệu khảo cổ, và kinh điển Phật giáo để chứng minh rằng, chùa Một Cột thời Lý là một tháp Phật (hay Liên Hoa Đài) đặt tượng Thích Ca dát vàng nằm ở trung tâm của chùa Diện Hựu. Tháp một cột nằm ở trung tâm của Mạn Đồ La (tiểu vũ trụ theo thế giới quan Phật giáo), bọc bởi hai vòng ao (ao Linh Chiêu và Bích Trì), hai vòng hành lang, và hệ thống cầu, tháp đặt ở bốn phía: “Và tôi cho rằng, muốn phỏng dựng lại Liên Hoa Đài thời Lý thì buộc phải sử dụng phế tích cột đá chùa Dạm- phế tích một cột duy nhất hiện còn mang niên đại xác tín 1094. Năm 2013, tôi xuất bản cuốn sách “Kiến trúc một cột thời Lý” do Tu viện Huệ Quang ấn tống, và được Hòa thượng Thích Minh Cảnh viết lời đề dẫn để ấn chứng. Đến 2015-2017, tôi đã đặt các giả thuyết khác nhau và nhờ nhà nghiên cứu Đào Xuân Ngọc vẽ lại các ý tưởng của mình. Từ 2018, tôi gặp các anh em trong Sen Heritage, và các kiến trúc sư đã hiện thực hóa nghiên cứu của tôi thành bản phỏng dựng VR3D chùa Diện Hựu thời Lý.
Mười năm nghiên cứu, mày mò, đi điền dã, chiêm ngắm hàng ngàn hiện vật khảo cổ, hàng vạn mảnh vụn của thời gian, cuối cùng giấc mơ đã được thực hiện. Đó là một giấc mơ không chỉ của cá nhân tôi, mà của nhiều anh em trẻ, trong nỗ lực phỏng dựng lại những nét đẹp vàng son đã bị lãng quên trong tâm trí người hiện đại. Sản phẩm phỏng dựng chùa Một Cột- Diên Hựu xây chi tiết từng viên gạch, từng họa tiết hoa văn từ hiện vật khảo cổ, nó cho phép người xem có thể “bước vào lịch sử”, “chạm vào quá khứ”, để biết được văn hóa Đại Việt thời Lý lộng lẫy như thế nào, tinh mĩ và hùng tráng ra sao”.
Trong thời đại 4.0 phát triển mạnh, nên chúng ta được học hỏi và kế thừa trực tiếp những thành tựu mới nhất về khoa học và kĩ thuật trên thế giới.
“Tôi biết các học giả về nhân văn số thức và di sản số thức (digital humanities, và digital heritage) khắp nơi trên thế giới đang thực hiện những dự án lớn và dài hơi, chúng tôi đã dựa vào các kinh nghiệm của họ để làm việc cho văn hóa Việt Nam. Công nghệ có sẵn, kĩ thuật có sẵn, vấn đề là con người, vấn đề là chủ trương, vấn đề là chính sách đầu tư. Sen Heritage chúng tôi, dù mới chỉ làm việc với nhau ba năm, nhưng thực chất là tích lũy công lao động hơn mười năm của mấy chục anh em”.
Tuy nhiên, thực tế đáng buồn đây lại là công việc, mà như Trần Trọng Dương gọi là “vác tù và hàng tổng”, các anh làm vì đam mê yêu thích, chứ không phải là đầu tư dài hơi, có bài bản từ phía nhà nước và các tập đoàn. Trần Trọng Dương và các anh em mưu sinh bằng các nghề khác nhau, và chắt chiu thời gian tiền của để làm những việc như thế này.
“Người ta, không ai có thể sống mãi bằng giấc mơ được, chúng tôi đã tiêu tuổi trẻ của chúng tôi vào dự án này, đó là một cuộc chơi vô định và không biết trước”. Trần Trọng Dương tâm sự. “Đối với các cá nhân thì được, nhưng với nhà nước thì cần một chiến lược dài hơi. Và tôi đang thấy trước mắt những chủ trương đầu tiên, những vận động đầu tiên trong mùa xuân mới này!”.
Bài: Việt Quỳnh
Thiết kế: Mẫn San