Một thế hệ chơi vơi

Một thế hệ chơi vơi

Tại Hà Nội, hàng chục nghìn học sinh bắt đầu tựu trường vào mùa hè, khi năm học chỉ còn vài tháng là kết thúc. Nhiều em cảm thấy ngộp thở khi phải thích nghi với giai đoạn “hậu học trực tuyến”.

_________________

Một thế hệ chơi vơi ảnh 1

“Gia đình không ai chịu nghe em nói, mà dù có nói gì thì mọi người vẫn giữ định kiến em là một đứa nổi loạn, học hành biếng nhác”, đó là chia sẻ của Trung Kiên (Đống Đa, Hà Nội), cậu học sinh lớp 12 vừa quyết định bỏ thi tốt nghiệp để chuyển sang học nghề sau đợt học trực tuyến bởi dịch COVID-19.

Sở hữu mái tóc dài cùng những chiếc khuyên tai, khuyên mũi, có lẽ Kiên chọn cho mình một ngoại hình hầm hố cốt cũng là vì muốn được mọi người để ý. Dù khuôn mặt vẫn còn những đường nét của một cậu thiếu niên, nhưng ánh mắt và suy nghĩ của Kiên khiến người đối diện khó lòng nghĩ đây mới chỉ là một cậu nhóc 17 tuổi.

Một thế hệ chơi vơi ảnh 2

Quán cà phê nơi Kiên đang làm việc có không ít những cô, cậu học sinh ở lứa tuổi “nổi loạn”, sở hữu cá tính mạnh, không ngần ngại chia sẻ quan điểm cá nhân và mong muốn thế hệ của mình được người lớn tôn trọng.

Khi thông báo quyết định bỏ thi tốt nghiệp để đi học nghề, bố mẹ Kiên phản ứng rất mạnh, nhưng rồi cũng buông xuôi và giờ thì kệ, như lời cậu kể. Kiên hiểu bố mẹ muốn tốt cho mình, nhưng cách bố mẹ “kiểm soát, soi mói và suy diễn mọi hành động” khiến cậu thấy mệt mỏi và không còn cảm hứng tới trường.

“Nếu em nói điểm số của bọn em khi học ở nhà còn cao hơn ở trường thì anh có tin không?”.

Một thế hệ chơi vơi ảnh 3

Dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra một thế hệ chơi vơi: những người trẻ chưa sẵn sàng để quay trở lại đời sống thường nhật và tái định hình tương lai của bản thân. Những đứa trẻ ở lứa tuổi ham khám phá lại mắc kẹt trong những “chiếc hộp” vô hình khi không gian vận động bó hẹp trong 4 bức tường nhà, còn lớp học thì thu nhỏ bằng kích cỡ của màn hình điện thoại. Những buổi ra chơi, những giờ tan trường đông đúc dần trở thành ký ức xa vời.

Cũng chịu hệ lụy bởi COVID-19 và một năm học online gần như toàn thời gian, Minh Anh (14 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) lại bị ảnh hưởng theo một cách rất khác. Trước dịch, Minh Anh là một cô bé xinh xắn, tính cách hoạt bát, năng nổ. Với điểm cộng đã tham gia câu lạc bộ thể dục nhịp điệu từ tiểu học nên ngay từ năm lớp 7, Minh Anh được phân công làm đội trưởng đội tuyển aerobic của trường.

Được bố mẹ ủng hộ vì thể thao giúp thư giãn và đem lại sức khỏe, Minh Anh thường dành trọn các buổi chiều sau giờ học để tập luyện cùng toàn đội, chuẩn bị cho những giải thi, hội diễn. Dần dần, cô bé coi những giờ ngoại khóa, sàn tập và giáo viên phụ trách đội tuyển như gia đình thứ hai của mình.

Một thế hệ chơi vơi ảnh 4

Rồi dịch bệnh ập đến, những ngày học trực tuyến dường như lôi tuột Minh Anh khỏi môi trường quen thuộc. Trong hai tháng nghỉ dịch đầu tiên, cô bé vẫn duy trì việc tập luyện cùng toàn đội tại một phòng Teams riêng do cô giáo thành lập. Trong phòng học ảo, Minh Anh cùng các bạn cố gắng ôn lại động tác và hy vọng sớm được quay trở lại trường, được cùng nhau luyện tập để quay trở lại sàn đấu.

Những ngày tựu trường ngỡ ngắn hóa thật dài. Lịch biểu diễn, lịch thi đấu bị hủy bỏ. Nhóm Teams không còn hoạt động đều đặn, Minh Anh chán nản trong 4 bức tường, dần mất đi mục tiêu của việc luyện tập. Giữa những ngày Hà Nội báo động đỏ vì COVID-19, Minh Anh nhắn cho huấn luyện viên của mình vỏn vẹn một câu: “Từ khi nghỉ học em cảm giác mất đi cả thế giới”.

Một thế hệ chơi vơi ảnh 5

Theo Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới năm 2021 của UNICEF và Gallup, trung bình cứ 5 người trong độ tuổi từ 15-24 được khảo sát thì có 1 người cho biết họ cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì.

Báo cáo của UNICEF cũng chỉ ra rằng gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai.

Trả lời Tạp chí Ngày Nay, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội), việc học trực tuyến trong thời gian dài đã tạo ra hệ lụy lớn cho cả một thế hệ.

Cụ thể, việc phải ngồi học liên tục và tiếp xúc với ánh sáng xanh màn hình khiến trẻ gặp các vấn đề về mắt, gây đau vùng đầu chỉ huy cơ quan thị giác, dẫn đến mất ngủ, căng thẳng và mất cân bằng cảm xúc, dẫn đến việc đưa ra các quyết định tiêu cực.

Một thế hệ chơi vơi ảnh 6

Tiến sĩ Vũ Việt Anh, Tổng Giám đốc Học viện Thành Công, cho biết việc học trực tuyến nhiều giờ liên tục, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài sẽ gây ra sự đơn điệu, nhàm chán, thiếu đi sự đa dạng trong cuộc sống. Thay đổi nề nếp sinh hoạt theo một cách không mong muốn, phải ở nhà nhiều hơn, không được ra ngoài, áp lực về thời gian, quá tải trong học tập dẫn tới năng lượng bị ngưng trệ, bức bí.

Ở tuổi phát triển, các em rất cần vận động, giao lưu, tương tác, thể hiện quan điểm của bạn thân, nhưng khi học trực tuyến, các nhu cầu đó gần như bị mất hết mà thay vào đó là thời gian gò bó, thiếu linh hoạt, bị động, tương tác một chiều, các bạn trẻ không được chủ động quyết định được cách tiếp thu phù hợp với khả năng, năng lực của mình. Với trạng thái tâm lý này các bạn trẻ sẽ rất nhạy cảm với các lời chê bai, góp ý của người lớn.

Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho trẻ tự cảm thấy bản thân không còn giá trị, mất dần tự tin hoặc tiêu cực hơn là tìm cách giải thoát khỏi tình trạng hiện tại.

Để giúp các bạn trẻ có thể vượt qua tình trạng căng thẳng “hậu học trực tuyến”, cha mẹ cần động viên, khích lệ, không tạo áp lực cho con, gần gũi với con, đồng hành và chia sẻ để con vượt qua giai đoạn phức tạp này. Về phía nhà trường, thầy cô cũng cần tìm sự đa dạng trong công tác giảng dạy, giảm tải về nội dung, có nhiều hoạt động tương tác, gắn kết với học sinh.

“Thích nghi để phát triển là một khả năng kỳ diệu của con người, hãy tận dụng những thời điểm thách thức này để biến đổi tích cực thành một thời điểm đột phá bản thân cho chính các em”, TS Vũ Việt Anh khuyến cáo.

Một thế hệ chơi vơi ảnh 7

Quay trở lại với Kiên, đợt học online lần thứ nhất với cậu không quá khó khăn, vì dù kiến thức có chút thiếu hụt, cậu vẫn có thể bắt kịp được với bạn bè. Thế nhưng đợt học trực tuyến lần thứ hai kéo dài quá lâu, khi trở lại trường vào học kỳ 2 lớp 12, Kiên và các bạn gần như không được bổ túc lại kiến thức vì không còn thời gian. Mỗi tiết học giờ là những giờ kiểm tra liên tục, trong khi Kiên mông lung vì rơi rụng quá nhiều kiến thức.

Một ngày học ở nhà của Kiên bắt đầu bằng cắm sạc, mở màn hình, điểm danh, rồi…đi ngủ tiếp vì giáo viên cũng không hỏi gì thêm. Đến trưa hết tiết, cậu dậy, xuống nhà ăn rồi treo máy tiếp buổi chiều.

“Em không đổ lỗi cho việc học trực tuyến là nguyên nhân khiến mình bỏ học, đó chỉ là một trong nhiều yếu tố, nhưng có lẽ là nguyên nhân lớn nhất. Nhiều đứa bạn em biết, chúng nó còn ‘gãy’ sớm hơn cả em, bọn nó đều xác định đi học nghề từ sớm”, cậu nói.

Sau khi bỏ học được một tháng, Kiên bắt đầu đi làm để tích cóp tiền học nghề pha chế tại quầy bar, công việc mà theo cậu phù hợp với khả năng của mình. Cậu kể mình cũng có khả năng vẽ vời và từng theo học hội họa với ý định thi vào ngành kiến trúc, nhưng hàng loạt rắc rối từ gia đình tới nhà trường khiến Kiên nảy sinh tâm lý buông xuôi, gác lại ước mơ làm kiến trúc sư.

Việc mắc kẹt ở nhà trong thời gian dài khiến xung đột giữa cha mẹ và con cái là điều không thể tránh khỏi, đó cũng là vấn đề mà Kiên phải trải qua, những mâu thuẫn tích tụ theo từng ngày khiến cậu không có ai để xin lời khuyên và chọn cách tự giải quyết vấn đề của mình: đó là bỏ thi tốt nghiệp.

Một thế hệ chơi vơi ảnh 8

“Mỗi sáng ngủ dậy, ý nghĩ đầu tiên trong đầu em là: ‘Bỏ hay không bỏ? Rồi tương lai mình sẽ đi tới đâu?’. Cuối cùng em quyết định bỏ, nhưng rồi lại sẽ phải tự trả lời những câu hỏi mới: ‘Bỏ rồi thì làm gì tiếp. Mình sẽ trở thành người như thế nào?”, Kiên trải lòng về áp lực.

Cho tới hiện tại, Kiên không nghĩ quyết định “rẽ ngang” sẽ khiến mình là một đứa dũng cảm trong mắt bạn bè. “Ở góc nhìn của những người từ nhỏ đã sống trong một ‘cái hộp’ quy chuẩn do gia đình và xã hội vạch ra, họ có thể thấy mệt mỏi và ngưỡng mộ những người dám phá ‘cái hộp’. Nhưng có những người hài lòng với ‘cái hộp’ thì sẽ coi em là một đứa hèn nhát, chỉ biết chạy trốn thay vì đối mặt với khó khăn”, cậu bộc bạch.

Với Minh Anh, thời gian nghỉ học trực tuyến cũng là lúc tuổi dậy thì đến kéo theo nhiều bất ổn về tâm sinh lý. Cô bé luôn ở trong trạng thái ngại gặp các thành viên trong gia đình, thường ở lì trong phòng riêng đọc truyện, lướt mạng. Thỉnh thoảng bố mẹ hỏi, Minh Anh chỉ trả lời qua loa “con bình thường”.

Nhưng đằng sau cánh cửa, ngày nào em cũng khóc, đặc biệt là khoảng thời gian trước khi trở lại trường. Cô bé cho biết rất thích môn thể dục nhịp điệu và thần tượng các nữ vận động viên của môn này. Em đã lên kế hoạch tham gia các giải đấu, dùng thành tích chứng minh cho bố mẹ định hướng theo đuổi khi lên cấp ba. Tuy nhiên giai đoạn học online đã làm biến đổi tất cả.

Sau những ngày nghỉ dài, tinh thần, vóc dáng và động tác của Minh Anh và các bạn đều sa sút, chệch choạc. Huấn luyện viên chỉ còn duy trì hoạt động để đội không tan rã, còn lịch dựng bài, chuẩn bị thi đấu thì Minh Anh không còn thấy cô đề cập. Việc học văn hóa cũng rệu rã, khi sau kỳ học trực tuyến, cô bé bị hổng nhiều kiến thức, nhất là các môn tự nhiên.

Giờ đây, khi trường học đã mở cửa và nhịp sống cũ dần quay trở lại, Minh Anh tâm sự mỗi ngày em vẫn đến trường nhưng “không thấy hào hứng chút nào”.

“Học hay đi tập thì em cũng đều thấy chán. Em chẳng biết kể điều này với ai vì chẳng ai có thể thay đổi nó. COVID-19 đã lấy đi ước mơ của em”, Minh Anh giãi bày.

Bài: Huy Vũ - Nguyệt Linh

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.