Khủng hoảng tâm lý học đường vì học online kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh nhiều nơi trên cả nước phải học trực tuyến. Việc học trực tuyến kéo dài khiến chất lượng học tập của một bộ phận học sinh giảm sút, tâm lý bất ổn. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh vừa phải đảm bảo công việc, vừa phải hỗ trợ con trong thời gian học trực tuyến là một thách thức không nhỏ.

Học lực giảm, tinh thần bất ổn

Anh T.H (Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) than thở: “Con tôi học lớp 10 một trường công lập ở Hà Nội. Cháu trải qua kỳ thi tuyển sinh mùa hè theo hình thức trực tiếp nhưng nhập trường, khai giảng, học tập theo hình thức online. Cháu đã trải qua kỳ kiểm tra giữa kỳ nhưng kết quả khiến tôi lo lắng".

Khủng hoảng tâm lý học đường vì học online kéo dài ảnh 1
Học trực tuyến kéo dài kéo theo nhiều hệ luỵ với học sinh và phụ huynh. Ảnh: TTXVN

Anh H. dẫn chứng về việc con thường xuyên dậy muộn, ít giao tiếp với bố mẹ và gần đây tỏ rõ sự chán nản khi bỏ tiết thường xuyên. “Khoảng thời gian Hà Nội giãn cách xã hội, bố mẹ phải làm việc online thì có chút thời gian sát sao việc học của con. Nhưng gần đây, mọi công việc trở lại bình thường, bố mẹ đi làm, có hôm về buổi trưa mới thấy con chưa ngủ dậy. Khi hỏi con cho biết, con cảm thấy “học không vào”, nghe thấy nhiều tiếng vo ve bên tai”, anh H. nói.

Anh H. cho biết: “Việc thường xuyên nghe giáo viên nói online 4, 5 tiết mỗi ngày thực sự là thử thách ngay cả với người lớn. Nhận thấy con có những dấu hiệu tâm lý bất ổn, tôi đã đến tham vấn bác sĩ tâm lý và buộc phải phối hợp với giáo viên để tìm giải pháp phù hợp với con”.

Năm học này, việc học trực tuyến với học sinh lớp 1, lớp 2 là một thử thách lớn với nhiều gia đình. Chị Huyền Anh (Tân Mai, Hà Nội) khẳng định: “Phải có bố mẹ kiểm soát, học cùng thì mới mong con biết được chữ. Nếu bố mẹ rời đi là con không thể vào nền nếp với lớp. Khi trở lại công việc bình thường mới, việc sát sao con học càng khó khăn hơn. Có những ngày tôi phải chấp nhận xin cô cho con nghỉ học vì phải đi làm”.

Không chỉ phụ huynh, chính những học sinh cũng cảm thấy lo lắng. Em Phùng Minh H. (Lớp 11, trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Ngày nào cũng học online từ sáng tới tối. Ban ngày học chính khoá, tối tiếp tục vào những khóa học trực tuyến để ôn tập. Em cảm thấy mình kiệt sức vì học online. Em cảm thấy chất lượng học của mình đi xuống, đến kỳ kiểm tra có kết quả thấp khiến em càng chán”.

Hỗ trợ tâm lý kịp thời

Cô N.T là một giáo viên tiểu học ở Hà Nội thẳng thắn thừa nhận việc dạy online không hiệu quả với bậc tiểu học. “Lớp 4, lớp 5 giáo viên và học sinh còn có thể phối hợp nhịp nhàng một chút. Nhưng với lớp 1, lớp 2, thậm chí lớp 3 việc chỉ tận tay với nhiều em là rất khó nữa là việc dạy online. Trong khi đó, nhiều em phải ở nhà một mình khi bố mẹ đi làm. Chúng tôi dạy online rất cần sự phối hợp của phụ huynh nhưng cũng hiểu rằng phụ huynh cũng đang đi làm”.

Cô giáo Hương Thảo, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (TP Hà Nội) cho rằng, vấn đề khiến cô cùng các đồng nghiệp lo lắng hiện nay chính là sức khỏe tâm thần của học sinh. Việc học sinh ngồi bên máy tính, không có bạn bè bên cạnh để giao tiếp, vận động trong thời gian dài dễ khiến sức khỏe tâm thần của các em bị ảnh hưởng lớn. Do đó, trước khi học sinh quay lại trường học, cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm thú vị tại trường để dần ổn định tâm lý cho các em.

Khủng hoảng tâm lý học đường vì COVID-19 là vấn đề được nhiều chuyên gia giáo dục đặt ra. Điều này cần có đội ngũ cán bộ, giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, tư vấn tâm lý học đường, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn, đội tham gia hỗ trợ học sinh. Tuy nhiên không phải nơi nào cũng có cán bộ học đường chuyên trách vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ngô Thị Minh, việc triển khai tư vấn tâm lý học đường hiện còn nhiều khó khăn trong bối cảnh ngành giáo dục chưa có đội ngũ chuyên trách. Đây là vấn đề khó mà ngành giáo dục đang phải tháo gỡ. Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến các học sinh mà cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của các thầy cô giáo. Trước mắt, chính các thầy cô cũng phải biết cách cân bằng công việc gia đình và công việc của trường lớp để có quỹ thời gian phù hợp, làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho các học sinh.

Nhằm giảm thiểu phần nào thực trạng này, Bộ GD&ĐT vừa phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức tập huấn trực tuyến cho 1.000 cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch COVID-19. Các chuyên gia tâm lý Việt Nam và quốc tế đã chia sẻ với các thầy cô về kinh nghiệm và kiến thức của 4 chuyên đề quan trọng. Đó là nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch COVID-19; hướng dẫn kỹ năng tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong đại dịch COVID-19 và sau khi quay lại trường học; nguy cơ tổn thương tâm lý trên không gian mạng và những phương thức giáo viên, phụ huynh tư vấn hỗ trợ và cuối cùng là hướng dẫn các kỹ thuật cân bằng công việc và gia đình cho cán bộ, giáo viên.

Ở đợt tập huấn này, cán bộ tư vấn tâm lý, giáo viên được chuẩn bị những kỹ năng về tư vấn, hỗ trợ học sinh khi gặp những khó khăn tâm lý, kỹ năng giúp học sinh bảo đảm an toàn, phòng chống bạo lực, xâm hại và các kỹ thuật giúp cán bộ, giáo viên cân bằng giữa công việc và gia đình.

Theo các chuyên gia, việc đầu tiên mà nhiều trường cần làm chính là linh hoạt trong thời khoá biểu trực tuyến, phương pháp giảng dạy cũng phải thay đổi để phù hợp với thực tế hơn. Hiện nay, chỉ một số rất ít các trường tư thục mới có giáo viên tâm lý học đường chuyên trách.

TIN LIÊN QUAN
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.