Đoàn kết chống dịch - không nói suông

Đoàn kết chống dịch - không nói suông

Những thùng hàng từ thiện chất cao trước chốt khu phong tỏa, những suất ăn khuya gửi tận tay cán bộ chiến sĩ đang trực chiến ở tâm dịch… Người dân Đà Nẵng từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên đến nay luôn lạc quan, luôn kề vai sát cánh bên lực lượng chức năng vượt qua dịch bệnh.

_______________

Đoàn kết chống dịch - không nói suông ảnh 1

Đúng 0h ngày 28/7, tại Đà Nẵng, các đoạn đường Quang Trung, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Thị Minh Khai và xung quang khu vực 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng thực hiện lệnh phong tỏa.

Cũng từ hôm đó, 6 quận của Đà Nẵng gồm: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng trong vòng 15 ngày. Riêng huyện Hòa Vang thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 19.

Sau lệnh phong tỏa, từ trưa ngày 30/7, nhiều món hàng từ thiện được đưa tới ủng hộ các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch với đủ loại, mặt hàng nhiều nhất là nước uống, mì gói, bánh kẹo, khẩu trang... Những ngày cuối tháng 7, nắng gắt chói chang, người dân Đà Nẵng không quản ngại tấp nập chuyển những thùng hàng đến các y bác sĩ bên trong khu cách ly. Những thùng hàng chất như núi trước Bệnh viện C Đà Nẵng gói ghém tất cả tấm lòng của người dân Đà Nẵng với các chiến sĩ “áo trắng” trong bệnh viện, với lực lượng cán bộ chiến sĩ chốt trực vòng ngoài….

Đoàn kết chống dịch - không nói suông ảnh 2

Bất chấp trưa nắng, anh Bùi Minh Trí, CLB Thiện nguyện trẻ vẫn tất bật huy động xe tải, xe bán tải, kết hợp với đội bán tải, xe buýt cup Đà Nẵng để hỗ trợ chở hàng hóa đến bệnh viện. “Đội có khoảng 7 chiếc bán tải, còn lại bên mình được 2 chiếc xe tải nữa, đoàn xe đều là anh em chơi cùng nhau, tất cả hò nhau đi chở hàng tiếp sức cho tuyến đầu. Bọn mình có 10 điểm thu gom nước: khách sạn Vanda, khách sạn Phương Đông (Orient), thêm vài điểm phụ nữa... . Đội có 2 bạn trực, so le 1 ca sáng, 1 ca chiều…”.

Nói chuyện là thế, nhưng công việc chẳng nhẹ nhàng chút nào, vì bệnh viện nào, tuyến viện nào cũng cần “chi viện”. Khó khăn nhất với nhóm CLB Thiện nguyện trẻ là phải dừng ở nhiều điểm nhỏ lẻ, mỗi chỗ một chút để lấy hàng. Có người ủng hộ mang đồ tới tận các điểm tập kết của nhóm, có người mua sẵn đồ ở các hàng tạp hóa và viết địa chỉ, đội sẽ đến lấy. Trí bảo, ngày hôm qua cũng khá chật vật, chỉ có miếng nước, hôm nay được thêm nhiều đồ hơn: mấy thùng bò húc, băng vệ sinh, mì tôm… Tất cả đều theo xe tập kết ở các bệnh viện đang có bệnh nhân COVID-19 điều trị.

Đoàn kết chống dịch - không nói suông ảnh 3

Hoạt động từ khi lệnh phong tỏa ban hành, đội của Trí đã kêu gọi được khoảng 500 thùng nước. Mùa dịch này do có sự tương tác giữa phòng công tác xã hội và nhóm nên sự phối hợp nhịp nhàng, kinh nghiệm hơn. “Riêng sáng nay, nhóm đã chuyển hơn 200 thùng nước đến bệnh viện 199, hơn 50 thùng cho trung tâm cấp cứu 115. Chiều nhóm có thể sẽ đến khu kí túc xá, hỗ trợ các chốt kiểm dịch, y sĩ… Hôm qua nhóm đã tặng nhiều khẩu trang, nước sát khuẩn và đồ bảo hộ cho chốt trực” - Vừa khom lưng bê đồ xuống cổng bệnh viện, Trí vừa chia sẻ. Trí nói, dịch bệnh ai cũng khó khăn, nhưng mỗi người chung tay góp sức chút chút thì mới mau vượt qua được. “Bản thân mình không muốn làm thì ai muốn làm? Mình phải bỏ dở công việc hàng ngày để lái xe đi chở đồ, ít nhiều gì cũng là tấm lòng của người dân, mình phải trân trọng và thực hiện giúp họ, không thể từ chối vì số lượng ít”.

Trí và các bạn vừa tự bỏ tiền ra thu mua vật dụng, vừa giúp vận chuyển đến các điểm tập kết miễn phí. Dự định nhóm còn hoạt động đến khi nào hết dịch.

Đoàn kết chống dịch - không nói suông ảnh 4

Khác với nhóm của Trí, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, người dân ở Liên Chiểu cùng 4 anh em khác tự dùng xe cá nhân đi lấy hàng hóa ủng hộ của người dân vào bệnh viện. Cả nhóm không ngại đi sớm về muộn, không ngại những chuyến hàng mỏi nhừ vai gáy… bởi quá nhiều y bác sĩ, người nhà và bệnh nhân COVID-19 ngóng chờ được hỗ trợ nhu yếu phẩm.

Khi thì chở đầy thùng thuốc men, khi thùng nước, sữa, đồ cá nhân… ở đâu có hàng là ở đó có nhóm Nhung đến nhận nhiệm vụ trung chuyển. “Được làm công việc từ thiện này giữa mùa COVID-19, mình chẳng thấy có gì khó khăn, vất vả, ngược lại rất vui. Mình cứ đi miết, chạy xe nhiều chuyến đến nỗi không đếm nổi, dân họ ủng hộ ở đâu là mình đến. Vui với công việc nhưng có khó khăn là mình sẽ phải tự cách li cẩn thận khi về nhà, bảo đảm an toàn cho cả gia đình” - Nhung tâm sự.

Điều mà tất cả người dân Đà Nẵng như Trí, Nhung canh cánh trong lòng, cùng giống nỗi lo chung của thành phố là mong sao thành phố hết dịch bệnh. Cuộc sống trở về bình thường như thành phố bình yên này vốn có.

Đoàn kết chống dịch - không nói suông ảnh 5

Những đêm khuya khoắt, đồng hồ điểm 0h, người dân thành phố Đà Nẵng chìm sâu vào giấc ngủ, những con đường vắng lặng bao phủ lớp sương mờ ảo. Tại các chốt chặn, lực lượng chức năng vẫn phải căng mình để thực hiện nhiệm vụ, trong đó có Quý.

Trở về từ công tác dân vận làm đường bê-tông nông thôn tại huyện Hòa Vang, chiến sĩ nghĩa vụ Hồ Văn Quý (sinh năm 1999) - Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động CATP Đà Nẵng lập tức nhận nhiệm vụ tham gia chốt chặn tại ngã ba đường Nguyễn Thị Minh Khai - Hải Phòng. Anh chỉ kịp chào ba mẹ qua điện thoại rồi tức tốc lên đường thực hiện nhiệm vụ bởi dịch COVID-19 đang có dấu hiệu lan nhanh và diễn biến phức tạp.

Từ ngày chốt trực, đã nhiều đêm Quý thức trắng, mệt mỏi in hằn trên gương mặt chàng thanh niên trẻ tuổi. Dưới ánh đèn le lói rọi thẳng vào chốt trực, Quý cầm một suất cơm ăn đêm rồi kể: “Có nhóm bạn đêm khuya rồi vẫn lặn lội đi xe qua mang cho chúng tôi vài suất ăn khuya, động viên mọi người ăn không đói, có sức làm nhiệm vụ, tôi cảm động lắm. Những tình cảm ấy, nếu không trong mùa COVID- 19 thì khó có cơ hội cảm nhận được. Nhiều cô bác quanh vùng dừng lại động viên, chia sẻ vất vả với các chiến sĩ mà không quản trời mưa. Làm nhiệm vụ mà lúc nào cũng được nhận tình cảm ấm áp của người dân, mọi khó khăn như vơi đi, tôi cảm thấy rất tự hào vì đã góp một phần nhỏ để cùng chống dịch bệnh”.

Đoàn kết chống dịch - không nói suông ảnh 6

Hỏi Quý đã sẵn sàng cho một cuộc chiến dài chưa, bởi không chỉ là 14 ngày mà có thể thời gian xa gia đình của anh sẽ lâu hơn thế, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh, Quý bảo: “Nhớ nhà nhiều chứ, nhưng với trách nhiệm của người chiến sĩ, khi nhận bất cứ nhiệm vụ nào, chúng tôi cũng quyết tâm phải hoàn thành đến cùng. Cuộc chiến dịch bệnh này cũng vậy, mỗi cán bộ chiến sĩ phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng đối diện với sự hiểm nguy, khó lường của dịch bệnh”.

Ngoài việc phải giữ vững an ninh trật tự tại khu vực chốt chặn, Quý cùng các chiến sĩ còn kiêm giúp vận chuyển hàng hỗ trợ của người dân, các tổ chức thiện nguyện vào khu vực bệnh viện để tiếp tế cho bên trong. Sau những buổi đêm không ngủ, Quý cùng đồng đội nỗ lực vận chuyển hàng từ thiện vào vòng trong, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Vậy nhưng, tất cả đều nỗ lực vận chuyển cho hết các chuyến hàng để không sót lọt “tấm lòng” của người dân gửi tặng cho các y bác sĩ và người bệnh.

Tôi vốn là lao động chân tay, quen bê vác, được giúp đỡ mọi người với tôi là niềm vui chứ không vất vả nhiều. Gia đình tôi khi nghe mình sẽ làm những điều này đều ủng hộ, động viên”.

Ông Lưu Văn Đãi

Trong buổi trưa nắng hầm hập, đi cùng các chiến sĩ là ông Đãi, ông Danh - mồ hôi ướt đẫm lưng hăng say xếp đồ lên xe kéo. Qua lớp khẩu trang, ông Đãi vẫn dành những lời động viên gửi đến gia đình các bệnh nhân và y bác sĩ trong khu cách ly: “Mọi người yên tâm, các y bác sĩ đang chiến đấu hết mình, rồi chúng ta sẽ vượt qua dịch bệnh thôi”.

Không có điều kiện chở hàng, ông Trần Danh, Lưu Văn Đãi (trú tại kiệt 144, Hải Phòng, Đà Nẵng) - những người có nhà trong khu phong tỏa cùng nhau làm từ thiện bằng cách lấy sức mình chuyển đồ cho người trong khu cách ly.

Đều đặn từ 6h sáng, ông Đãi và mọi người trong nhóm tự nguyện của mình lại sắm vai “người vận chuyển” giúp cho nhiều gia đình và các mạnh thường quân muốn gửi nhu yếu phẩm cho các khu cách ly tại 3 bệnh viện. Ông Đãi kể, ngày đầu trong khu phong tỏa, nhìn thấy các lực lượng chức năng vất vả vì người nhà liên tục nhờ gửi vật dụng thiết yếu vào trong nên ông và mọi người muốn được giúp đỡ điều gì đó. “Tâm lý ai cũng lo lắng cho người nhà nên hay gửi các đồ thiết yếu vào. Mỗi chốt chặn lực lượng không đủ để giúp đỡ, nhiều chiến sĩ khuân vác đồ ước đầm cả áo nên vài lần chúng tôi ra phụ giúp, rồi quyết làm công việc này”.

Đoàn kết chống dịch - không nói suông ảnh 7

Hiện tại, nhóm của ông Đãi có 5 người cùng nhau thực hiện, người này mệt người khác thay, tất cả hàng hóa được chuyên chở nhờ một chiếc xe máy và một cái xe kéo.

Để đảm bảo những hàng gửi đến đúng tay người nhận, ông Đãi thường dặn dò người nhà phải viết đầy đủ thông tin, sô to rõ để liên hệ, hoặc cẩn thận hơn thì nên báo người nhận giúp đến trước cổng bệnh viện để trao tận tay.

Với ông Đãi, niềm vui được góp sức giúp đỡ mọi người trong khu cách ly khiến bản thân quên đi những mệt nhọc, khó khăn. “Tôi vốn là lao động chân tay, quen bê vác, được giúp đỡ mọi người với tôi là niềm vui chứ không vất vả nhiều. Gia đình tôi khi nghe mình sẽ làm những điều này đều ủng hộ, động viên”.

Ông bảo, thành phố “có việc”, tất cả dân mình phải đồng lòng góp sức, mỗi người gắng sức để san sẻ gánh nặng cho các y bác sĩ, các chiến sĩ ở chốt trực... Ai cũng góp công thì công cuộc chống COVID-19 của thành phố sẽ chẳng bị quá tải hay quá đáng sợ như mọi người nghĩ.

Bài: Khánh Minh

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.