Kể từ thời điểm Việt Nam ghi nhận trở lại ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng (ngày 25/7) đến sáng 3/8 đã tới 174 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận. Trong đó phần lớn các ca này được ghi nhận có liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng. Với kinh nghiệm từ đợt đầu, ngành y tế cả nước đã và đang nỗ lực truy vết, sàng lọc, xét nghiệm để sớm khống chế được dịch, không để lây lan.
__________________
Tại Hà Nội, theo thống kê đến 12h ngày 2/8, toàn TP đã ghi nhận 83.937 người về từ Đà Nẵng từ ngày 8-7 đến nay (tăng thêm 11.662 người so với số rà soát của ngày 1/8. TP hiện có 80.000 test nhanh và đã chuyển cho các trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã 69.000 test, trong đó, đã xét nghiệm được cho 67.746 người.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, kết quả của hoạt động test nhanh, đã ghi nhận 11 trường hợp dương tính nhưng khi xét nghiệm lại bằng kỹ thuật PCR thì 10 trường hợp âm tính, còn 1 trường hợp đang chờ kết quả.
Bên cạnh đó, TP đã xét nghiệm PCR cho 491 trường hợp, kết quả có 465/491 mẫu âm tính, 1 mẫu dương tính là bệnh nhân 447, còn lại 25 mẫu chưa có kết quả. Ngoài ra, TP Hà Nội đã rà soát được 127 trường hợp F1 liên quan đến 2 ca bệnh mới, tất cả đều cho kết quả âm tính. Đây là tin vui bước đầu, thể hiện việc Hà Nội “thần tốc” trong công tác xét nghiệm.
Mặc dù vậy, việc test nhanh phát hiện kháng thể chỉ là kết quả đánh giá ban đầu. Những trường hợp âm tính ban đầu chưa phải là yên tâm 100% mà vẫn phải tiếp tục cách ly, tự theo dõi sức khỏe”.
Mặc dù vậy, việc test nhanh phát hiện kháng thể chỉ là kết quả đánh giá ban đầu. Những trường hợp âm tính ban đầu chưa phải là yên tâm 100% mà vẫn phải tiếp tục cách ly, tự theo dõi sức khỏe-Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Tại quận Hai Bà Trưng - một quận trung tâm của Hà Nội với số người đi từ Đà Nẵng về khai báo đến 16h ngày 1/8 là 3.190 trường hợp. Sau khi tiến hành rà soát, điều tra kỹ tiền sử dịch tễ, có 1.595 người có yếu tố nguy cơ cao (có đến những bệnh viện, các khu vực đã bị phong tỏa, có xuất hiện triệu chứng ho sốt). 100% trường hợp này đã được khẩn trương tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trong 3 ngày (từ 30/7 đến 1/8) theo chỉ đạo của TP. Kết quả cho thấy trong đó, có tổng số 31 mẫu ngoáy họng và 1.564 mẫu test nhanh thì tất cả đều âm tính với COVID-19.
Liên quan đến 2 bệnh nhân N.T.H. (quận Nam Từ Liêm), trên địa bàn quận có 5 trường hợp F1, 9 F2 và 5 F3. Liên quan đến bệnh nhân N.T.C. (quận Tây Hồ), trên địa bàn quận có 5 F1, 13 F2 và 3 F3. Ngoài ra, có 10 trường hợp đi cùng chuyến bay VN166 đều đã được làm test nhanh, cho kết quả âm tính. Toàn bộ 10 trường hợp F1 đã được lấy mẫu PCR, đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Có được sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt này bởi Ban chỉ đạo được thành lập với đầy đủ thành phần đã hoạt động trơn tru từ khi có “làn sóng” trước. Khi Đà Nẵng xuất hiện ca bệnh ban chỉ đạo các cấp, ngành đã kích hoạt trở lại.
Nói về sự chủ động trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 lần này, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng chia sẻ: Trước tình hình dịch vẫn có xu hướng gia tăng trên thế giới, Việt Nam vẫn có nguy cơ cao bùng phát dịch, với kinh nghiệm phòng chống dịch, chúng tôi vẫn chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch gồm tập huấn cho cán bộ y tế về điều tra, giám sát, xử lý dịch, kỹ thuật lấy test; chuẩn bị các trang bị phòng hộ, khẩu trang, nước sát khuẩn… sẵn sàng khi cần thiết.
“Điều đáng chú ý ở đợt làm nhiệm vụ này, cán bộ y tế không còn lo lắng như đợt đầu, họ đã nắm được và thực hiện tốt vấn đề phòng dịch, bảo hộ an toàn” - bà Vân Anh chia sẻ.
Ở một số địa phương khác trên cả nước-nơi có số lượng lớn người trở về từ Đà Nẵng cũng thực hiện xét nghiệm khẩn trương và thực hiện được khối lượng mẫu khá cao. Đến cuối ngày 2/8, trên cả nước đã thực hiện tổng số 482.456 xét nghiệm Realtime RT-PCR. Kể từ 25/7 đến 2/8, TP Đà Nẵng đã thực hiện 10.578 xét nghiệm (trong tổng số 13.124 mẫu đã thu thập); tại Quảng Nam đã thực hiện 1.072 xét nghiệm (trong tổng số 1.250 mẫu đã thu thập); Hà Nội đã thực hiện 2.194 xét nghiệm; TP Hồ Chí Minh đã thực hiện 15.413 xét nghiệm.
Qua xét nghiệm sàng lọc đã kịp thời phát hiện các ca dương tính (chủ yếu là những trường hợp đã được cách ly), từ đó điều tra, truy vết, đưa ra các khuyến cáo về hành trình di chuyển, các địa điểm bệnh nhận từng đi tới để cộng đồng biết, có biện pháp phòng bệnh phù hợp, chủ động. Đây cũng là cơ sở để khoanh vùng, cách ly, khống chế dịch bệnh lây lan và sớm cắt được nguồn lây ra cộng đồng.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chủng virus SARS-CoV-2 mới vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên độc lực không thay đổi so với chủng cũ.
Virus SARS-CoV-2 có những biến đổi liên tục trong quá trình lan tràn ra toàn thế giới. Hiện tại, virus này có tới 99 chủng đã được biết, trong đó tại Việt Nam đã ghi nhận 6 chủng. Các biến chủng mới, bao gồm cả chủng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng SARS-CoV-2 cũ. Điều này lý giải tại sao gần đây, thế giới ghi nhận tới 1 triệu ca mắc mới trong 3 ngày, trong khi trước đây khoảng 1 tuần mới lên tới con số này.
Tuy nhiên, độc lực của vi-rút chủng mới không tăng lên so với chủng vi-rút ban đầu. Bằng chứng là hiện nay thế giới đã cán mốc hơn 16,8 triệu người mắc COVID-19, nhưng số ca tử vong đang dần được kiểm soát. Việc nắm rõ về tốc độ lây lan, độc lực của chủng SARS-CoV-2 mới sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh COVID-19 một cách hiệu quả.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến sáng 3/8 đã có 6 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19. Các bệnh nhân tử vong gồm: bệnh nhân 428, 437, 499, 475 tại Đà Nẵng; bệnh nhân 534, 429 ở Quảng Nam. Đây đều là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng (suy tim, suy thận, ung thư máu, tăng huyết áp, gout, rung nhĩ) và cao tuổi.
GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu, thành viên Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19 chia sẻ, việc điều trị các bệnh nhân trong giai đoạn hiện nay gặp nhiều khó khăn do nhiều bệnh nhân nặng, tuổi cao, kèm theo nhiều bệnh mạn tính như chạy thận nhân tạo, suy tim, đái tháo đường.
“Giai đoạn trước có những bệnh nhân nặng, chúng tôi tập trung dồn sức vào điều trị thì có khả năng phục hồi được. Tuy nhiên lần này, các bệnh nhân nặng, kèm nhiều bệnh mạn tính, hằng ngày sống nhờ máy móc giờ chỉ thêm một chút bất thường thì rất khó chống đỡ”, GS Bình bày tỏ.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, khi mắc COVID-19, nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng sẽ tập trung vào nhóm người cao tuổi (60 tuổi), có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mạn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt… “Những yếu tố này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tăng nặng khi nhiễm COVID-19”.
Phân tích cụ thể hơn về cơ chế gây bệnh nặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lý giải, nhóm người nói trên khi mắc COVID-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lương virut phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác. Đây là dấu hiệu rất đáng nguy hại, vì những bệnh nhân này nói chung và bệnh nhân suy thận mạn nói riêng sẽ không chỉ bị duy nhất bệnh này mà còn kèm theo các bệnh nặng khác như tiểu đường, suy tim, tăng huyết áp… Khi vi rút tấn công, các cơ quan sẽ dễ tổn thương, sức đề kháng giảm nhiều.
Một chuyên gia về lão khoa cho biết, sức đề kháng của nhóm người cao tuổi, mắc bệnh lý nền thường giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, COVID-19 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong. Thực tế tại các nước có đông người mắc và tử vong, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có kèm nhiều bệnh lý mãn tính.
Bài: Hà Dũng
Thiết kế: Mẫn San