PV: Thông thường mọi năm làm số báo chủ đề ngày 2-9, tôi hay nghĩ ngay tới việc trò chuyện với một nhà văn, nhà thơ hay một nhà sử học của thế hệ đi trước về cảm hứng Tổ quốc, nhân dân. Nhưng cách đây độ 2 tuần tôi đọc được trên trang cá nhân của một đồng nghiệp thân thiết (một phóng viên thời sự rất khá cũng đã chững chạc cả tuổi đời và tuổi nghề) đã dẫn link một bài góc nhìn của anh và viết rằng anh là idol của cậu ấy, rằng anh là một cây viết bình luận “bằng cả lý trí sắc bén và con tim lay động”. Thế là đột nhiên tôi thay đổi ý định, tôi muốn trò chuyện với một nhà báo đang được nhiều bạn đọc hâm mộ, xem là một người đang sống giữa những người cùng thời của ngày hôm nay, thì anh có cảm xúc gì, có suy nghĩ gì hay có quan niệm như nào vào ngày 2-9. Đây chưa phải là câu hỏi nhé, tôi chỉ muốn mào đầu một lý do như thế. Tôi tò mò muốn hỏi không biết anh có biết mình là thần tượng của nhiều người không?
Tác giả Đinh Đức Hoàng: Một vài bạn trẻ tâm sự rằng họ thi vào trường Báo chí vì cảm hứng từ tác giả Đức Hoàng. Một vài bạn trẻ khác tâm sự rằng họ theo đuổi nghề viết và trung thành với nó vì tôi. Nhưng cũng có nhiều bạn nói rằng nhìn tôi sống khổ quá, họ sẽ không bao giờ chọn con đường tôi đi.
Cũng có lúc tôi tự hào vì ai đó nhận ra mình, xin kiểu ảnh trên phố. Nhưng cơ bản thì từ lúc bắt đầu làm nghề này, tôi đã phải tự tạo khoảng cách với sự tự hãnh kiểu đó. Chuyện nổi tiếng là một phần hữu cơ của nghề nghiệp, cũng giống như người được lái nhiều xe đắt tiền nhất ở cơ quan tôi, là anh thường trực. Công việc đòi hỏi anh ấy phải đánh Mẹc sang góc này, Renault sang chỗ kia còn BMW thì xếp vào đây. Cả ngày anh ấy lái xe tiền tỉ. Hoặc tiếp viên hàng không thì hiển nhiên được đi nhiều quốc gia. Nó có thể là điều đáng tự hào ở hệ quy chiếu này, nhưng chỉ đơn giản là một phần công việc ở lúc khác.
Nhìn lại có vẻ như ngày Quốc khánh đều là những ngày nghỉ rất thảnh thơi và bình yên. Và nếu nghĩ kỹ, thì đó có phải là một cảm xúc đặc biệt không nhỉ? Hòa bình này, sự yên ấm này, có phải là điều mà chúng ta đã chiến đấu suốt nhiều thế kỷ để giành lấy không?
Người ta không cần quá xuất sắc trong nghề viết để được nhớ mặt, đơn giản là vì đặc trưng công việc của họ tiếp cận với nhiều người thôi. Phải nghĩ như thế thì mới giữ được mình trên mặt đất. Cơ bản, muốn làm nghề gì tốt, việc quan trọng nhất phải làm, theo tôi, là cả ngày tự nhủ mình còn ngu dại lắm, học thêm đi. Ôm ấp sự tự hãnh nhiều quá chỉ làm người ta lạc đường.
Thực ra thì đời sống hiện nay phong phú và thú vị đến mức là thần tượng cũng là khái niệm có biên độ rất rộng. Ví dụ có những “thần tượng” khá lệch chuẩn như Khá Bảnh hay Huấn hoa hồng, nhưng có nhiều bạn bảo tác giả Đức Hoàng mới là thần tượng. Anh có bao giờ nghĩ mình cũng phải mang một sức ép của “thần tượng”?
- Việc thỉnh thoảng có bạn trẻ cương quyết lấy tôi làm gương thật ra cũng hình thành áp lực. Tôi tự nhận mình là người làm việc có trách nhiệm. Nhưng trong các khía cạnh khác của đời sống thì không. Các ngôi sao giải trí hoặc thể thao có thể monetizing (hiện kim hóa) lối sống của họ - nôm na là họ sống theo đúng kiểu đám đông mong muốn thì họ sẽ rất có lợi, kiếm bạc vạn. Nhưng tôi thì chỉ là một người làm công ăn lương bình thường, chẳng may công việc nó cho phép tiếp cận đám đông thôi. Tôi có nhiều tật xấu, mà không ai trả tiền cho tôi bỏ nó như Cristiano Ronaldo hay là BTS cả, nên thôi đành chung sống.
Cũng có lúc có những bạn trẻ lý tưởng hóa đến và nói: “Em không ngờ anh cũng sống thế”. Họ thất vọng thực sự, vì tôi đề cao tuyệt đối chủ nghĩa nhân văn trong những dòng viết, nhưng trong cuộc sống tôi cũng có lúc sai chỗ này chỗ khác.
Ở đây tôi nghĩ cần làm rõ nghĩa của chữ “thần tượng” cho công chúng. Xã hội đúng là có nhu cầu tạo ra những “thần tượng”, và tưởng thưởng cho những người làm tốt vai đó: cứ nhìn mà xem, cầu thủ và ngôi sao ca nhạc ngày nay sống rất lành mạnh so với thời trước, vì họ được thưởng rất mạnh cho lối sống này, đóng quảng cáo cả ngày, được ca ngợi không ngớt. Nhưng cũng có những người khác, chỉ đơn giản được yêu mến ở một khía cạnh nào đó thôi. Việc yêu mến ai đó không đồng nghĩa với việc biến họ thành hình mẫu (role model) kỳ vọng của mình.
Nếu ai được yêu mến cũng gọi là “thần tượng”, và gộp chung tất cả những người được yêu mến thành hình mẫu noi theo, đặc biệt là về lối sống, thì thực sự là khủng hoảng lý luận. Không cần phải ví dụ đến Khá Bảnh, mà tôi ví dụ một người rất nổi tiếng khác, như đạo diễn Steven Spielberg chẳng hạn. Ông ấy có được nhiều người yêu quý không? Có. Thế bạn có cần gọi ông ấy là “thần tượng” và noi theo lối sống của ông ấy không? Chắc ít ai rảnh đến mức tìm hiểu lối sống của Spielberg. Ông ấy là bậc thầy kể chuyện, ta yêu khía cạnh chuyên môn đó, và nếu học được điều đó thì rất tốt, vậy thôi. Spielberg có ăn chay, bảo vệ động vật hay là hút thuốc không thực sự quan trọng. Tôi nghĩ giới trẻ cần mạch lạc: thích là thích, yêu là yêu, và thần tượng là thần tượng. Đừng hễ thích ai thì biến họ thành hình mẫu.
Anh có nghĩ rằng mình có thể đại diện hay có thể thấu hiểu suy nghĩ của những người cùng thời không?
- Nghề này cơ bản đòi hỏi người ta phải giao tiếp với nhiều người nhất một cách ngắn gọn nhất. Tôi nói là hiểu cũng được. Nhưng cũng nghề này, lại đòi hỏi người ta phải rất nâng niu sự cô độc của mình. Anh không đứng ngoài đám đông mà nghĩ ngợi và quan sát thì anh không cung cấp được cái gì giá trị cho người ta cả. Nên tôi nói là tôi không hiểu cũng được.
Cái nghề này là nghề kể câu chuyện của người khác, tôi là ai và tôi ở đâu cuối cùng chẳng quan trọng. Miễn là tôi kể được câu chuyện của người khác cho nhiều người khác. Nên tôi không cần đại diện cho cái gì cả.
Xã hội vốn là những mảnh ghép muôn màu. Tôi chỉ cố tố cáo những mảnh ghép sần sùi mà mình vô tình tìm thấy; hoặc là ca ngợi những mảnh ghép lấp lánh khác
Trong đời mình anh đã từng đón một ngày 2-9 nào thật đặc biệt không? Hoặc có khi nào anh suy nghĩ về ngày đó với những cảm xúc đặc biệt không?
- Câu hỏi của chị làm tôi vừa phải giật mình giở kho lưu trữ hình ảnh của mình ra để tìm kỷ niệm trong ngày 2-9. Trí nhớ của chúng ta bây giờ như thế đấy, được hỗ trợ duy trì bởi dữ liệu trên đám mây. Trong đấy tôi toàn nhìn thấy những việc bình thường. Tôi đưa vợ tôi đi ăn, rồi ngồi một quán cà phê nhìn ra Nhà thờ Lớn Hà Nội. Tôi đến thăm nhân vật của mình ở xóm chạy thận Bạch Mai, có vẻ như đã cười với nhau rất nhiều. Tôi đi cà phê buôn chuyện với bạn bè. Ngày 2-9 năm kia, tôi còn thấy một bức ảnh mình nằm trong nhà, với nhà báo Gia Hiền, một người bạn thân đang ngồi thượt trên nền nhà nữa. Chắc chúng tôi vừa ăn cơm với nhau xong. Nhìn lại có vẻ như ngày Quốc khánh đều là những ngày nghỉ rất thảnh thơi và bình yên. Và nếu nghĩ kỹ, thì đó có phải là một cảm xúc đặc biệt không nhỉ? Hòa bình này, sự yên ấm này, có phải là điều mà chúng ta đã chiến đấu suốt nhiều thế kỷ để giành lấy không?
Theo anh thì hiện nay, giới trẻ (tạm coi là từ thế hệ của anh trở đi) họ suy nghĩ hay quan niệm về ngày này như thế nào?
- Tôi nghĩ cần phân định rõ 2 thứ: Với bản thân ngày 2-9 hàng năm, tôi nghĩ họ cũng như tôi, tìm lấy một ngày nghỉ lễ bình yên – và điều đó đã đủ tuyệt vời rồi. Còn với ý niệm về ngày Quốc khánh nói chung, về ngày 2-9-1945, về chủ quyền và sự độc lập của nước CHXHCN Việt Nam, thì tôi nhìn thấy một làn sóng mãnh liệt trong tâm hồn những người trẻ. Tôi mới xem chương trình Rap Việt, giữa một dòng những suy tư về cái tôi của tuổi trẻ, về tình yêu đôi lứa và cuộc sống bon chen, tôi thấy một thí sinh quyết định đem một bài rap dài về tình yêu nước, có cả lời khẳng định “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” đi dự thi. Nghĩ cũng thú vị chị nhỉ, bạn trẻ đã đem cả thông điệp Hoàng Sa và Trường Sa đi thi để quyết chen chân vào showbiz.
Các bạn trẻ ngày nay đọc nhiều, ngoại ngữ tốt, hiểu về địa chính trị thế giới và những thách thức của thời đại rõ hơn thế hệ của tôi. Ý thức về chủ quyền độc lập của họ không chỉ mạnh mẽ, mà còn sâu sắc: họ hiểu rằng chủ quyền không chỉ bị đe dọa bởi những cuộc chiến tranh vật lý, mà còn bởi những quyền lực mềm, bởi quyền lực kinh tế. Chị mở TV ra mà xem, bây giờ các bạn trẻ khởi nghiệp, câu cửa miệng là “cho người Việt”. Tôi nghĩ họ thực sự tin vào điều đó, chứ không phải làm màu.
Câu hỏi này rất sách vở nhưng nó cũng là điều chúng ta nên suy nghĩ là thế thì cái trách nhiệm với đất nước với nhân dân của thế hệ hôm nay nó nên được hiểu như thế nào? Nên được thể hiện bằng thái độ gì?
- Câu hỏi này quá rộng. Nó có vẻ cũng hơi giống việc chúng ta chọn “thần tượng” ở phần đầu cuộc trò chuyện này. Quay trở lại với việc xã hội là những mảnh ghép muôn màu. Chúng ta không thể có công thức chung để đánh bóng cho 100 triệu mảnh ghép sáng loáng lên dưới ánh mặt trời được; cũng không có một lối sống tiêu biểu nào ta nên tuân theo để làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Khi anh làm báo (bao gồm cả việc tổ chức, biên tập, viết bài…) thì cái ý thức về trách nhiệm có thường trực không?
- Một nguyên tắc mà tổng biên tập của tôi luôn quán triệt thế này: đấy là trong việc đưa tin, chúng ta luôn phải xem xét tin tức này có vô tình làm hại đến cá nhân hay tập thể nào không. Nghe có vẻ đơn giản và tất yếu, nhưng nó rất giá trị với đời tôi. Ví dụ, trong nghề chúng ta, tâm lý nhà báo hay có xu hướng đứng về người yếu thế. Nhưng nhỡ mình thiên vị người yếu thế, lại vô tình làm hại một vị quan chức vô tội thì sao? Mình cũng phải cân nhắc luôn. Hoặc trong nghề viết, mình có xu hướng khái quát hóa hiện tượng. Thế nhỡ chỉ vì hai cái quán ăn vi phạm vệ sinh thực phẩm, mình đưa tin trầm trọng, rồi làm hại một nghìn tiểu thương khác thì sao? Phải nghĩ kỹ, cái gì là cá biệt thì phải nói rõ là cá biệt, đừng lu loa lên kiểu “Báo động hiện tượng…” gì đó.
Nếu buộc phải đề xuất một nguyên tắc sống chung cho mọi người, tôi có lẽ cũng sẽ chọn điều này. “Không vô tình làm hại người khác” nghe rất giản dị, nhưng nếu đi đến tận cùng nguyên tắc đó, ta sẽ thu được rất nhiều sự lương thiện, rất nhiều lợi ích. Nó có nghĩa là không vi phạm pháp luật – một xã hội tuân thủ được điều đó đã có một động lực phát triển cực lớn rồi; nó cũng có thể là không chặt chém du khách, không phóng nhanh vượt ẩu, không cẩu thả trong bất kỳ nghề nghiệp nào… Cứ nghĩ rằng có ai đó, một con người, có gia đình, có tâm trạng, có thể bỗng nhiên bị chính mình làm hại, dù trực tiếp hay gián tiếp, ta sẽ điều chỉnh được nhiều hành vi.
Theo anh, ở trên mạng xã hội chúng ta đang nhìn thấy điều gì về lớp trẻ trong ý thức và trách nhiệm công dân của họ?
- Riêng môi trường mạng xã hội trên Internet thì tôi không muốn phân biệt lớp trẻ và lớp già. Ở đó nguy cơ bị hư là bằng nhau. Ở ngoài vỉa hè còn có nhiều chế tài điều chỉnh hơn là trên mạng xã hội. Bây giờ chị lên mạng chửi bậy mấy câu tôi đoán chắc cũng được, vì tòa soạn của chúng ta có đủ thứ nội quy nhưng không có nội quy sử dụng mạng xã hội. Xã hội chúng ta chưa quen với việc coi đó là một phần hữu cơ của đời sống, mà vẫn đang coi nó là môi trường phụ. Nếu ta thay đổi, coi đó là một nơi để xây đắp – như nhiều xã hội phương Tây – thì người ta dùng mạng xã hội cũng tinh tế lắm. Các trường đại học dùng nó để lan tỏa học thuật, các tòa soạn báo dùng nó để lan tỏa tin tức, cảnh sát dùng nó để truy tìm tội phạm, cơ quan hành chính dùng nó để giao tiếp với người dân… Chẳng qua chúng ta đang có xu hướng xem nhẹ mạng xã hội ở quy mô toàn nền văn hóa, nên nó mới trở thành chỗ thích chửi bậy thì chửi bậy, thích bán khỏa thân thì bán khỏa thân, thích nói chuyện giang hồ thì nói chuyện giang hồ. Chứ nếu ta coi nó là một phần hữu cơ của xã hội, và đầu tư vào đó, thì tôi tin mọi thứ có thể cân bằng rất nhanh. Ngoài đường cũng có nhiều giang hồ, trộm cướp, nhưng đến cuối ngày ta vẫn tôn vinh học sinh giỏi đấy thôi.
Còn nếu phải bàn riêng về “lớp trẻ”, thì có một thực tế buồn cười mà các nhà xã hội học phương Tây đã phát hiện ra: họ khảo cứu văn tự từ nhiều thế kỷ trước, và nhận ra một điều kỳ dị là bất kỳ một thế hệ nào, cũng cho rằng thế hệ sau là hỏng, là lười nhác, là vứt đi so với thế hệ cha anh rồi. Nhưng về sau hóa ra toàn nhầm. Tôi nghĩ nhiều người lớn bây giờ cũng có cảm giác đó, mở miệng ra là nói “lớp trẻ bây giờ…”. Nhưng làm sao thế được. Họ sẽ giỏi hơn chúng ta, như chúng ta đã tiếp nhận thành công những đột phá của nhân loại và phát huy nó mạnh mẽ hơn thế hệ cha anh.
Theo Cẩm Thúy / Đại Đoàn Kết