Họ đã chiến thắng COVID-19 như thế nào?

Họ đã chiến thắng COVID-19 như thế nào?

COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, có những người mắc bệnh đã qua đời, có những người vẫn đang được các y bác sĩ ngày đêm điều trị. Và cũng có nhiều người đã vượt qua được COVID-19 sau rất nhiều những cung bậc cảm xúc sợ hãi, lo lắng, mệt mỏi... trên giường bệnh. Họ đã làm gì để chiến thắng virus SARS-CoV-2?

_______________

MỈM CƯỜI SAU CHUỖI NGÀY SỐT RUN NGƯỜI VÌ SARS-COV-2

Rosie Dalva (39 tuổi, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) là một nhà tâm lý học kiêm nhà trị liệu thôi miên. Rosie vừa vượt qua căn bệnh COVID-19, cô đã chia sẻ câu chuyện của mình một cách chân thực nhất khi chiến đấu với virus SARS-CoV-2. Câu chuyện có những lo lắng, mệt mỏi và cả những kỹ thuật mà Rosie Dalva đã sử dụng để hỗ trợ sức khỏe tinh thần, tăng cường hệ thống miễn dịch cho bản thân.

Khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của COVID-19 vào giữa tháng 3/2020, Rosie cảm nhận thấy virus ảnh hưởng nặng nề đến cả tinh thần và sức khỏe của mình.

“Cơn sốt của tôi càng ngày càng cao, lưng thì như bỏng rát, tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi và không thể nhấc người ra khỏi giường” - Rosie kể.

Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm, các bác sĩ ngay lập tức khuyên Rosie nhập viện và bắt đầu điều trị COVID-19. Virus đã lan nhanh đến phổi của cô. Nhưng điều khủng khiếp làm tổn thương tinh thần cũng như thể xác của Rosie chính là nỗi sợ hãi của cô, nỗi sợ chết bủa vây mỗi giờ. Nhưng nỗi sợ ấy ngay lập tức được thay thế bằng nỗi sợ của một người mẹ - Cô sẽ phải bỏ lại những đứa con của mình? Những đứa trẻ bơ vơ không có mẹ chăm sóc?

Rosie nói rằng với tư cách là một nhà trị liệu, Rosie biết rằng nỗi sợ hãi sẽ ngăn hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường. “Vì vậy tôi biết mình phải thoát khỏi trạng thái sợ hãi này, tìm cảm giác an toàn để tự cứu mình và cứu các con” - Rosie nói.

Cô quyết định sử dụng tâm lý học và liệu pháp thôi miên để hỗ trợ quá trình chữa bệnh COVID-19 của mình. Rosie mô tả một số bài tập mà cô ấy đã sử dụng cho chính mình. Trong một kỹ thuật, Rosie so sánh việc chuyển đổi giữa các kênh truyền hình với việc chuyển đổi nhanh các suy nghĩ trong não như một cách để kiểm soát tâm trí và tránh bị mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực không mong muốn.

Họ đã chiến thắng COVID-19 như thế nào? ảnh 1

Cô giải thích: “Suốt ngày đầu óc tôi quay cuồng sợ hãi cái chết, sợ hãi mất mát, và tôi luôn chuyển “kênh” suy nghĩ trong não mình, như suy nghĩ về mọi thứ rồi sẽ ổn, tôi sẽ được ra ngoài, tôi sẽ được ở bên các con tôi, tôi sẽ đi nghỉ dưỡng, tôi sẽ làm rất nhiều việc…”.

Đối với Rosie, trong trận chiến với COVID-19, cô đã áp dụng một số kỹ thuật thôi miên nhằm mục đích làm dịu cơ thể mình. Rosie nói rằng, cô đã học cách nói chuyện với các bộ phận cơ thể và gửi cho chúng những thông điệp: “Tôi đã nói, chân phải và chân trái, hãy bình tĩnh, mọi thứ đang đi đúng hướng, chúng ta an toàn. Và sau đó đến cánh tay, bàn tay, tôi thủ thỉ mọi thứ đều an toàn. Suy nghĩ đó thực sự, thực sự, đã giúp tôi rất nhiều, nó làm dịu cơ thể tôi, nó xoa dịu hệ thống thần kinh, nó làm dịu hệ thống miễn dịch trong cơ thể tôi”.

Khi mắc những bệnh thông thường không lây nhiễm, chúng ta thường có gia đình bên cạnh, an ủi, thăm hỏi mỗi ngày. Nhưng những bệnh nhân đối phó với COVID-19 thì cực kỳ cô lập. Nỗi cô đơn và sự trống trải, sợ hãi tăng gấp nhiều lần. Đối với nhiều người, không có người thân bên cạnh sẽ làm tăng thêm nỗi đau, nỗi sợ mà họ phải trải qua. “Tôi cảm thấy như không ai muốn chạm vào tôi, không ai muốn lại gần tôi” - Rosie nói.

Trong khi Rosie đang được điều trị COVID-19, cô nhận được tin sét đánh, chồng cô - Izzet cũng bị nhiễm bệnh. Anh cũng đã được nhập viện - nhưng được gửi đến một bệnh viện khác do thiếu phòng trống. Thông tin ấy khiến Rosie như sụp đổ - nhưng với các cuộc gọi điện video thường xuyên đã giúp cả hai vực dậy, an ủi nhau, ủng hộ nhau cùng vượt qua COVID-19.

Izzet - chồng Rosie cho biết, COVID-19 đã nhắc nhở anh ấy về những điều quan trọng trong cuộc sống. “Đó là giá trị của những buổi sum họp gia đình, bạn sẽ cảm thấy như được nhắc nhở về tầm quan trọng của chúng, những điều nhỏ bé mà lâu nay ta không để ý, nó quan trọng như thế nào? Những điều chúng ta nghĩ là rất quan trọng thì thực ra rất tầm thường” - Izzet tâm sự.

Sau 12 ngày điều trị tại bệnh viện, cả Rosie và Izzet đều đã bình phục và hiện đã trở về nhà với các con. Mặc dù, sau đó cả hai vẫn chưa thể ôm lũ trẻ trong tay nhưng Rosie nói rằng: “cuộc hội ngộ cả gia đình sau chuỗi ngày nằm viện, nó giống như ở thiên đường”.

“COVID-19 GIÚP TÔI MẠNH MẼ HƠN”

Eugene, một điều dưỡng 32 tuổi, chậm rãi rời khỏi trạm y tế vào sáng ngày 1/4 để về nghỉ ngơi cùng vợ và con trai 5 tháng tuổi tại ngôi nhà mới xây ngay ngoại ô Vienna. Nhưng trên đường về nhà hôm ấy, Eugene cảm thấy có điều gì đó không ổn. Anh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, cổ họng ngứa ngáy và cảm giác khó chịu. Anh nghi mình đã nhiễm COVID-19.

“Trong đầu tôi lúc ấy chỉ có thể nghĩ đến hai điều: nếu tôi mắc bệnh, làm thế nào để không lây nhiễm cho vợ, con trai và cho tất cả những người khác”, Eugene nói.

Sự lo lắng của Eugene càng chìm sâu hơn khi anh bắt đầu nghĩ về những gì xảy ra trước đó: “Vào thời điểm đó, cơ sở chăm sóc y tế của chúng tôi không đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và thiếu chất khử trùng. Các đồng nghiệp của tôi và tôi đã phải tự sáng chế mặt nạ che chắn bảo vệ bản thân từ băng gạc, trong khi ngày càng có nhiều bệnh nhân có kết quả dương tính COVID-19 mỗi ngày”. Eugene biết rủi ro nghề nghiệp rất cao.

“Tôi lo lắng đến việc mình có thể lây nhiễm cho vợ và con trai” - anh trải lòng.

Về đến nhà, anh dựng lều ngoài vườn và ngủ bên ngoài để tự cách ly. Đó không phải là khoảng thời gian dễ dàng vì mùa xuân chỉ mới bắt đầu và nhiệt độ ban đêm giảm sâu. Các triệu chứng COVID-19 của Eugene thì càng rõ ràng hơn: ho khan dữ dội, sốt hầm hập trên 39 độ, toàn thân đau nhức, ớn lạnh mặc dù Eugene đã quấn mình trong nhiều lớp ga trải giường.

Sau chuyến kiểm tra từ dịch vụ y tế của Áo, chẩn đoán COVID-19 của anh được xác nhận. “Tôi cảm thấy ớn lạnh sống lưng - liệu tôi có chết không? Điều gì sẽ xảy ra với gia đình tôi? Tôi sẽ sống sót sau dịch bệnh này?”- anh nhớ lại. Eugene mô tả các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn và phổi của anh dường như đang bị tấn công dữ dội. Anh không thể thở, sốt liên tục, mất khứu giác và vị giác.

Khi nhiệt độ cơ thể tiếp tục giảm xuống, Eugene tập trung sức lực để tự cách ly và giữ an toàn cho vợ con: anh tự phong tỏa một nửa ngôi nhà để không khiến gia đình rơi vào nguy hiểm. Ban đêm, anh ngủ trong nhà vệ sinh vì nó có hệ thống sưởi sàn, giúp cơ thể anh ấm hơn sau những cơn sốt run người.

“Tôi không quan tâm bất cứ điều gì nữa. Tôi đã mất khứu giác. Nếu tôi ngủ ở hành lang, cơn ho của tôi sẽ đánh thức con trai dậy, tôi không muốn có bất cứ sơ suất nào lây nhiễm cho vợ tôi - người đã rất vất vả chăm sóc cho con trai và cả chồng”, Eugene chia sẻ. Y tá trưởng của Eugene và các dịch vụ y tế của Áo khuyên anh nên cách ly ở nhà. Là một trường hợp nhẹ, tuổi còn trẻ, anh không nằm trong diện được điều trị tại bất kỳ bệnh viện nào.

Họ đã chiến thắng COVID-19 như thế nào? ảnh 2

Eugene nói: “Tôi đã nghĩ đến việc có bao nhiêu người khác sống chật chội trong không gian nhỏ hẹp, và những gia đình nghèo hơn sống trong khu ổ chuột ở những nơi khác trên thế giới sẽ khó khăn như thế nào để duy trì bất kỳ sự giãn cách nào”.

Trong hơn một tuần, anh đã tự điều trị ho bằng thuốc long đờm và hạ sốt bằng paracetamol. Với tư cách là một y tá, anh chăm sóc mình đúng như cách mà anh chăm sóc bệnh nhân, anh lường hết mọi tình huống có thể xảy ra. Anh cũng thường xuyên ra vườn để tận hưởng không khí trong lành và ánh sáng mặt trời - một điều xa xỉ mà anh nói rằng anh chưa bao giờ nghĩ mình có thể tận hưởng.

Eugene vẫn giữ liên lạc với bạn bè, trò chuyện về thể thao, du lịch. Anh thường xuyên trò chuyện video với vợ và con trai - những người ngay ở phòng bên cạnh.

Trong thời gian tự cách ly, Eugene đã đọc về cách quản lý căn bệnh, hướng dẫn về cách không lây nhiễm cho người khác, cập nhật về các thử nghiệm vaccine và thuốc sử dụng cho COVID-19. Anh cũng không quên đọc những câu chuyện đầy cảm hứng về phục hồi, sự lạc quan… Đó là thời điểm anh bắt đầu nhìn cuộc sống theo hướng khác đi. “Bạn chỉ còn lại một mình chống chọi với căn bệnh vô phương cứu chữa và không ai thực sự biết cách xử lý đúng nhất là gì? Không biết bạn sống chết ra sao trong khi bạn đau đáu nghĩ ai sẽ chăm sóc gia đình bạn? Liệu bạn có bao giờ có thể hoạt động bình thường trở lại như trước kia? Bạn phải sinh tồn. Tôi luôn tâm niệm, nếu tôi sống sót sau dịch bệnh này, tôi sẽ làm tất cả để bù đắp cho bệnh nhân, đồng nghiệp và gia đình tôi” - Eugene hồi tưởng.

Ngày 23/4, Eugene dần cảm thấy các triệu chứng COVID-19 thuyên giảm. Sau đó 2 ngày, thời gian tự cách ly của anh chính thức kết thúc. Bởi vì việc xét nghiệm vào thời điểm đó chỉ được ưu tiên cho những trường hợp nặng và bệnh nhân lớn tuổi, Eugene được khuyên nên tự theo dõi sự biến mất dần dần của các triệu chứng. Anh đã quyết định kéo dài thời gian cách ly của mình thêm một tuần chỉ để chắc chắn rằng mình đã khỏi bệnh - mặc dù anh vô cùng háo hức được ôm vợ và ôm con trai trong vòng tay.

COVID-19 có thể khiến Eugene sợ hãi lo lắng về sự sống còn của mình, nhưng nó đã giúp anh mạnh mẽ hơn. “Khi các xét nghiệm kháng thể vẫn chưa thể được Tổ chức Y tế Thế giới, chính phủ, hoặc các công ty tư nhân chứng minh là thực sự hiệu quả... Tôi sẽ là một trong những người đầu tiên tình nguyện chia sẻ kháng thể của mình và cố gắng cứu dù chỉ một mạng người”.Eugene

Hiện Eugene đã trở lại làm việc. Cơ sở chăm sóc của Eugene cũng đã mua đủ trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) và chất khử trùng cho nhân viên và bệnh nhân. Eugene trở lại và sẵn sàng kể về câu chuyện của mình cho bệnh nhân để trấn an họ rằng, COVID-19 không nhất thiết phải là một bản án tử, chỉ rất ít người chết vì nó. “COVID-19 không giết chết tôi, thay vào đó nó khiến tôi mạnh mẽ, kiên quyết và nhân ái hơn” - Eugene nói.

Con đường hồi phục của Eugene còn nhiều chông gai, sức khỏe của anh cần nhiều thời gian để lành những tổn thương, nhưng anh nói rằng nó không tồi tệ như nhiều người khác nghĩ hay đọc trên internet. Là một nhân viên y tế, Eugene vẫn lo sợ bị lây nhiễm khi đi làm, chăm sóc bệnh nhân hoặc khi đoàn tụ với vợ và con trai. Anh cũng cảm thấy buồn vì đã bỏ lỡ công việc trong một tháng: “Làm sao chúng tôi có thể được gọi là anh hùng nếu tôi thậm chí không thể chăm sóc cho bệnh nhân của mình và đội của tôi thì thiếu nhân viên nghiêm trọng? Làm sao tôi có thể tự hào về công việc của mình với tư cách là một người bình thường, nếu tôi đang ủ rũ ở nhà?”. Nhưng bây giờ, chàng y tá trẻ đang sử dụng kinh nghiệm của mình để vực dậy tinh thần bệnh nhân, đồng nghiệp và một số bạn bè cũng mắc COVID-19.

COVID-19 có thể khiến Eugene sợ hãi lo lắng về sự sống còn của mình, nhưng nó đã giúp anh mạnh mẽ hơn. “Khi các xét nghiệm kháng thể vẫn chưa thể được Tổ chức Y tế Thế giới, chính phủ, hoặc các công ty tư nhân chứng minh là thực sự hiệu quả... Tôi sẽ là một trong những người đầu tiên tình nguyện chia sẻ kháng thể của mình và cố gắng cứu dù chỉ một mạng người” - Eugene cười nói.

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?