______________
Hàn Quốc đang bắt tay vào xây dựng 2 dự án thành phố thông minh Sejong 5-1 và Thành phố đồng bằng sinh thái Busan. Hai thành phố sẽ được xây dựng hoàn toàn mới và ứng dụng các nền tảng công nghệ hiện đại của cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm hướng đến phục vụ hiệu quả cuộc sống người dân, thúc đẩy tăng trưởng và quản lý xã hội bền vững, ứng phó với các thách thức của thảm họa thiên tai và biến đổi khí hậu.
Nằm ở phía đông bắc của Sejong, diện mạo của thành phố thông minh Sejong 5-1 sẽ không giống như khu Gangnam, với những tòa nhà cao tầng chọc trời, mà mô phỏng theo Bukchon, Seochon và Yeonnam- nơi bảo tồn những bản sắc truyền thống. Kế hoạch cho thành phố thông minh Sejong 5-1 dựa trên khái niệm “thành phố dùng chung xe hơi”, với quyền sở hữu ô tô tư nhân sẽ bị hạn chế, các phương tiện cá nhân sẽ phải đậu ở lối vào thành phố và thay vào đó là hệ thống xe điện, xe bus tự lái thông minh hay xe đạp giúp người dân di chuyển hàng ngày. Trong thành phố thông minh này, tắc đường cũng sẽ được loại bỏ nhờ phân tích dữ liệu về luồng giao thông, được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo và dựa trên thông tin liên lạc di động 5G thế hệ mới. Bản thiết kế mô tả Thành phố thông minh Sejong như một trung tâm công nghệ, nơi mọi người có thể thanh toán bằng “Sejong Coins”, một loại tiền điện tử sử dụng công nghệ blockchain và thiết bị bay không người lái thực hiện nhiệm vụ giao hàng. Trong thành phố thông minh này cũng có các trang trại thông minh, cung cấp sản phẩm nông sản cho người dân.
Khi chúng tôi chuyển đến đây, nơi này được xem là hoàn hảo. Đường phố giống như các đường đua. Người dân có thể uống nước từ vòi, hệ thống điện ổn định, và chúng tôi cảm thấy an toàn.
Trong khi đó, Thành phố đồng bằng sinh thái Busan, được xây dựng trên một khu vực rộng 2,19 km vuông của quận Gangseo, phía đông bắc Busan, hướng tới một thành phố thân thiện với môi trường. Mục tiêu của thành phố thông minh Busan là lắp đặt các cơ sở lọc nước quy mô nhỏ, gần với người tiêu dùng, cung cấp nguồn nước có chất lượng tương đương với các loại nước đóng chai và cung cấp điện miễn phí cho các hộ gia đình nhờ vào hệ thống năng lượng thân thiện với môi trường. Về quản lý dân cư, Sejong sẽ triển khai các ứng dụng điện thoại thông minh, tiếp nhận ý kiến hay khiếu nại, trong khi thành phố Busan cho phép người dân tham gia vào quá trình quản lý, tạo ra môi trường cho sự đổi mới do người dân lãnh đạo. Tại các thành phố thông minh này, các bệnh viện cũng có thể được kết nối với nhau trong cùng một mạng lưới. Điều này giúp cho dữ liệu bệnh nhân, các kinh nghiệm điều trị được chia sẻ đồng thời nhanh chóng, tăng khả năng phòng chống dịch bệnh ở cấp độ cao hơn.
Không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người, những công nghệ, chuyển đổi số của thành phố thông minh đang giúp nhiều quốc gia cải thiện điều kiện sống của người dân tại các khu ổ chuột. Chương trình Định cư Con người của Liên hợp quốc đang thực hiện dự án Nâng cấp Khu ổ chuột ở Kibera và Mathare - hai trong số những khu ổ chuột lớn nhất ở thủ đô Nairobi của Kenya với sự tham gia của các đối tác là những thành phố thông minh. Theo đó, các đối tác sẽ sử dụng kiến thức chuyên môn về công nghệ, phân tích dữ liệu cùng với sự tham gia của cộng đồng để triển khai các giải pháp kỹ thuật số nhằm nâng cao điều kiện sống của người dân. Thông qua ứng dụng, cư dân khu ổ chuột sẽ có thể truy cập tin tức và dịch vụ, bao gồm tài liệu về phòng chống dịch bệnh… Ứng dụng sẽ đóng vai trò như một nền tảng để điều phối, cho phép người dân tổ chức các sáng kiến cộng đồng, tham gia vào các khóa học giáo dục. Công nghệ cũng có thể được sử dụng để liên kết các thành viên cộng đồng, tạo cơ hội về việc làm và đào tạo ở Nairobi.
Rõ ràng thành phố thông minh đang giúp giải quyết được hàng loạt bài toán khiến các chính phủ phải đau đầu như tắc đường, ô nhiễm khí thải, ngăn chặn dịch bệnh, quản lý rác thải, bảo vệ môi trường nước... Điều này đang tạo ra một xu hướng tại các quốc gia, với chiến lược thúc đẩy xây dựng mạng lưới thành phố thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua này, ASEAN cũng đang bắt đầu “nhập làn”. Các nước ASEAN đã nhất trí thành lập Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN, bao gồm 26 thành phố từ Bangkok đến Yangon. Mục tiêu của các nước ASEAN là hướng tới mục tiêu giúp người dân trong thành phố cảm thấy hạnh phúc hơn theo bất cứ cách nào, ví dụ họ sẽ cảm thấy vui hơn khi không phải dành quá nhiều thời gian cho giao thông, đến các bệnh viện với thủ tục đơn giản và hiệu quả hơn hay hệ thống nhận diện khuôn mặt ở sân bay, nơi mà họ có thể đi qua mà không bị tốn quá nhiều thời gian. Theo một số thống kê, đến năm 2050, hơn nửa dân số trên trái đất sẽ sống tại các khu vực thành thị. Với những lợi ích của mình, thành phố thông minh đang là mơ ước của mỗi cư dân trên trái đất và không thể thiếu trong các chính sách ưu tiên phát triển bền vững của mỗi quốc gia
Không chỉ là các thành phố thông minh tương lai trên bản vẽ, nhiều thành phố trên thế giới cũng đang nhanh chóng trở nên “thông minh” hơn và điều này có tác động lớn đến cuộc sống con người. Các camera giao thông thông minh của Singapore giúp hàng nghìn người cảm thấy dễ dàng hơn khi đi làm mỗi ngày. Tại Kaunas, Lithuania, phí đậu xe được tự động trừ vào tài khoản ngân hàng của người lái xe. Ở nhiều thành phố, thời gian của xe buýt công cộng được thông báo tại mỗi điểm dừng với độ chính xác gần như hoàn hảo. Và WiFi miễn phí hiện có thể truy cập trên toàn bộ thành phố, bao gồm Buenos Aires của Argentina hay Ramallah của Palestine.
Tuy nhiên ý tưởng về một “thành phố thông minh” không chỉ là vấn đề ứng dụng công nghệ thông minh vào các đô thị. Công nghệ đó phải góp phần làm cho các thành phố trở nên bền vững hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người sống ở đó. Để đánh giá được điều này các nhà nghiên cứu đã cho ra đời Chỉ số thành phố thông minh. Một cuộc khảo sát lớn cũng được thực hiện từ công dân của 102 thành phố trên thế giới để đánh giá mức độ hưởng lợi của họ đối với công nghệ trong hệ thống thành phố thông minh. Kết quả xếp hạng của nhóm nghiên cứu cho thấy Singapore, Zurich, Oslo, Geneva và Copenhagen lọt vào top 5, tiếp theo là Auckland, Đài Bắc, Helsinki, Bilbao và Dusseldorf. Các thành phố đứng cuối bảng xếp hạng đều thuộc các nền kinh tế đang phát triển hoặc thị trường mới nổi, bao gồm Bogota, Cairo, Nairobi, Rabat và Lagos.
Điều quan trọng là các nhà lập kế hoạch và quan chức thành phố phải nhận ra rằng, công dân là tài sản thông minh nhất mà thành phố có và đặt họ vào trung tâm các sáng kiến.
Điều đáng ngạc nhiên là các thành phố nổi tiếng toàn cầu về việc áp dụng công nghệ mới đã không lọt vào top đầu của bảng xếp hạng. Đây là trường hợp của một số thành phố ở Trung Quốc - những thành phố đã nhận được sự đầu tư mạnh mẽ từ chính phủ Trung Quốc để tăng khả năng tiếp cận công nghệ - bao gồm Nanjin (xếp hạng 55), Quảng Châu (57) và Thượng Hải (59). Tương tự như vậy, Tokyo đứng ở vị trí thứ 62, Thành phố New York ở vị trí thứ 38 và Tel Aviv ở vị trí thứ 46.
Giải thích về xu hướng này nhóm nghiên cứu cho rằng, thành phố thông minh không chỉ là áp dụng công nghệ số mà nó còn cần tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa đối với cuộc sống của con người. Lấy ví dụ như Paris - một thành phố đã bắt tay vào một dự án đầy tham vọng để thiết kế lại cảnh quan đô thị của mình. Sáng kiến - được gọi là Reinventer Paris - bắt đầu bằng việc tiếp nhận đề xuất của người dân về cách sử dụng và cải tạo các tòa nhà lỗi thời và không sử dụng. Đồng thời, chương trình chia sẻ xe đạp công cộng đã đưa khoảng 14.000 chiếc xe đạp vào sử dụng thường xuyên trên toàn thành phố với mục đích giảm ùn tắc và ô nhiễm. Nhưng hơn 5 năm sau khi được giới thiệu, người dân Paris vẫn không cảm thấy những lợi ích từ dự án. Thực tế đối với họ ô nhiễm không phải là vấn đề và chương trình chia sẻ xe đạp sẽ chỉ có ích nếu cơ sở hạ tầng của thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi xe đạp. Trong khi đó, các dự án có quy mô đầu tư nhỏ nhưng đánh trúng vào nhu cầu của người dân lại nhận được những phản hồi tích cực. Ví dụ như Medellin (Colombia) đã trở thành một thành phố thông minh rất thành công vì công nghệ nhắm vào vấn đề chính của người dân là an toàn. Tương tự, không cần đầu tư lớn, WiFi công cộng ở Ramallah đã làm được nhiều việc hơn cho người dân bằng cách cung cấp cho họ quyền truy cập vào thế giới bên ngoài, hơn bất kỳ hệ thống giám sát ô nhiễm không khí nào.
Việc triển khai và xây dựng đã khó nhưng để vận hành và thu hút sự quan tâm của người dân còn khó hơn. Với các nguồn đầu tư lớn từ chính phủ, dự án đó cần mang lại lợi ích lớn cho đại bộ phận dân cư. Có nhiều dự án thành phố thông minh trên thế giới với nguồn đầu tư lớn nhưng đã không đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Ở Lavasa của Ấn Độ, nơi được hứa hẹn sẽ trở thành thành phố của tương lai, đường giao thông đã xuống cấp trầm trọng và phổ biến tình trạng các tòa nhà không có người ở. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với mục đích ban đầu của các nhà sáng lập và kỹ sư thiết kế. “Khi chúng tôi chuyển đến đây, nơi này được xem là hoàn hảo. Đường phố giống như các đường đua. Người dân có thể uống nước từ vòi, hệ thống điện ổn định, và chúng tôi cảm thấy an toàn”, David Cooper, một người dân Lavasa cho biết. Tuy nhiên, ở Lavasa bây giờ rác thải khắp nơi, các tòa nhà dang dở, hư hỏng và nạn trộm cắp chưa được giải quyết. Trong khi đó, những căn hộ rẻ nhất ở Lavasa cũng quá đắt đối với người dân Ấn Độ có thu nhập trung bình. Vì vậy phần lớn các tòa nhà vẫn không có người ở và một số đã bị xuống cấp.
Mặc dù vẫn còn bất cập và đang trong quá trình hoàn thiện nhưng không thể phủ nhận những lợi ích cộng đồng, môi trường và xã hội mà một thành phố thông minh mang lại. Thành phố New York đang sử dụng các giải pháp thông minh để giải quyết những vấn đề liên quan đến chất lượng và bảo tồn nước, an toàn công cộng và quản lý chất thải. London cũng đã đưa ra một loạt sáng kiến với mong muốn trở thành đô thị thông minh nhất thế giới, lấy người dân làm trung tâm, chia sẻ dữ liệu kết nối, cải thiện kỹ năng số cho công dân và hợp tác giữa các dịch vụ công cộng với khu vực tư nhân...
Một khảo sát mới nhất của Viện tư vấn Capgemini về các chỉ số hạnh phúc của cư dân tại các thành phố thông minh, có 73% người ủng hộ về sức khỏe, 72% về môi trường và 74% cho mức độ hạnh phúc. Pierre-Adrien Hanania, nhà lãnh đạo cung cấp toàn cầu về AI của Capgemini cho rằng: “ Người dân ngày càng quan tâm đến các thành phố thông minh. Điều quan trọng là các nhà lập kế hoạch và quan chức thành phố phải nhận ra rằng, công dân là tài sản thông minh nhất mà thành phố có và đặt họ vào trung tâm các sáng kiến. Cần phải đảm bảo rằng can thiệp công nghệ phải mang lại cho người dân trải nghiệm và chất lượng cuộc sống mà họ muốn và cần. Bằng cách đó, các thành phố sẽ tránh được việc cư dân của họ rời sang các nơi khác và sẵn sàng đầu tư vào các lợi ích mà họ cho là đáng sống.
Bài: Anh Đức
Thiết kế: Mẫn San