Hà Nội là một trong những trung tâm văn hóa lớn nhất ở Việt Nam. Thành phố là cái nôi tập trung rất nhiều thư viện, bảo tàng, nhà hát cũng như các di tích lịch sử, di sản văn hóa. Tuy ồn ào, náo nhiệt và xô bồ là thế nhưng Hà Nội vẫn luôn đẹp cổ kính và gây ấn tượng mạnh mẽ đối với những ai đã có dịp thong dong thăm quan những di tích, di sản nằm yên bình giữa lòng thành phố.
_________________________
10 năm tiến hành khai quật, diễn giải, đến nay công tác nghiên cứu điện Kính Thiên phần nào cho thấy kết quả quan trọng, góp phần củng cố thông tin, dữ liệu, giúp hiện thực hóa mục tiêu phục dựng công trình trong tương lai gần.
Điều này không chỉ đáp ứng mong mỏi của cộng đồng yêu di sản, mà còn thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Sau khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, kể từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật nghiên cứu tại khu vực trung tâm của khu di sản, với tổng diện tích 8.440m². Những cuộc khai quật đã mang đến kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; cùng với đó, cung cấp những tư liệu, manh mối mới mang tính xác thực cao cho công tác nghiên cứu, khôi phục chính điện Kính Thiên.
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông. Điện được xây dựng ngay trên núi Nùng, tận dụng nền cũ của các cung điện Càn Nguyên và Thiên An thời Lý, Trần.
Mô hình phục dựng điện Kính Thiên. |
Cung điện là nơi cử hành các đại điển của triều đình phong kiến xưa như lễ đăng cơ, thiết triều, nghị bàn quốc gia đại sự, điện thí, tuyên cáo thắng trận, tiếp đón sứ thần... Do đó, có thể coi điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất cho quyền lực quốc gia Đại Việt xuyên suốt 4 thế kỷ (XV - XVIII).
Đến giai đoạn Pháp thuộc, khi chiếm giữ Hoàng thành Thăng Long quân đội Pháp đã phá bỏ điện Kính Thiên để xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh tại đây. Công trình này sau được gọi là Nhà Con Rồng (hay còn gọi là Long Trì), do phía trước và sau đều có đôi rồng chầu bằng đá.
Hoàng thành Thăng Long là khu di sản không chỉ có giá trị với người dân Việt Nam mà còn mang những giá trị nổi bật vươn tầm thế giới.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, những cuộc khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu Trung tâm bước đầu phát lộ khá rõ một phần kết cấu không gian của điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung hưng gồm Chính điện, Ðoan Môn, Ðan Trì, Ngự Đạo được bao quanh bởi tường vây, hành lang và các cổng ra vào có chiều Ðông - Tây tính từ mép ngoài của tường bao đã xác định chính xác rộng 120m (thời Lê sơ), chiều Bắc - Nam tính từ Ðoan Môn có thể dài gấp đôi hoặc gấp ba chiều Ðông – Tây, nếu bao gồm cả không gian điện Cần Chánh.
Bên cạnh quy mô không gian kiến trúc, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di vật tại khu vực khai quật như cấu kiện gỗ sơn son thếp vàng, ngói rồng men xanh lục, men vàng lợp mái kiến trúc, mô hình tháp đất nung men xanh lục… phần nào cho thấy kiến trúc kỳ vĩ, chứng minh mỹ thuật đỉnh cao của một giai đoạn.
“Kết quả khai quật cho thấy tầm quan trọng to lớn và sự thay đổi chồng xếp vô cùng phức tạp của các di tích khu vực Trung tâm. Tổng thể không gian điện Kính Thiên liên quan đến ước vọng Quốc thái dân an, Quốc gia trường tồn, Dân tộc vĩnh cửu của Đại Việt và là tổ hợp kiến trúc quan trọng bậc nhất của Hoàng cung Thăng Long, tiêu biểu cho lịch sử và văn hiến của cả nước”, PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định.
Trước đó, TS Nguyễn Văn Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, từng bày tỏ nỗi trăn trở, thay cho nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong mong muốn nghiên cứu, phục dựng điện Kính Thiên - biểu tượng của Hoàng thành.
Thềm điện Kính Thiên thời Pháp. |
Theo ông, 20 năm đã trôi qua nhưng việc phục dựng công trình vẫn chưa có kết quả. Các tư liệu mới khai quật cho phép giới chuyên gia phần nào hình dung cấu trúc tổng thể của điện Kính Thiên, nhằm phục dựng công trình này cùng các thành phần kiến trúc trong khu vực như sân Đại Triều, Ngự đạo trong tương lai.
Nhận định về triển vọng phục dựng điện Kính Thiên, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết với nguồn tài liệu tương đối tốt, ý kiến giữa các bên liên quan khá thống nhất, cần nhanh chóng phục dựng điện Kính Thiên.
Khu vực khai quật khảo cổ bên cạnh Nhà Con Rồng. |
Trước sự háo hức, chờ đợi của người dân Hà Nội cùng du khách trong nhiều năm qua, ông Thành chia sẻ: “Đề án cũng như quy hoạch Chính phủ đã phê duyệt, trong đó có kế hoạch xây dựng điện Kính Thiên. Các nhà khoa học nên có đề án để chạy theo chương trình, kế hoạch trung hạn 5 năm của Chính phủ để làm luôn. Nếu không tranh thủ ngay trong kế hoạch trung hạn lần này thì phải 5 năm tới mới lại có cơ hội trình. TP Hà Nội cũng thống nhất sẽ đầu tư cho điện Kính Thiên nên đề nghị các giáo sư có đề án rất cụ thể, tập trung vào việc khôi phục”.
Hoàng thành Thăng Long là khu di sản không chỉ có giá trị với người dân Việt Nam mà còn mang những giá trị nổi bật vươn tầm thế giới. Vì vậy, không chỉ công tác khảo cổ, nghiên cứu luôn được đặc biệt chú trọng mà công tác thu thập, chỉnh lý, sắp xếp các hiện vật thu từ hố khai quật cũng là một trong những khía cạnh đóng góp kết quả to lớn vào việc tìm hiểu các giá trị di sản.
Theo tinh thần trên, vào tháng 7/2022, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương với tổng mức đầu tư khoảng 33 triệu USD để thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đối với Khu Di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Dự kiến, khu vực trên sẽ được xây dựng theo hướng bảo tàng khảo cổ ngoài trời với thời hạn hoàn thành trước năm 2025.
Mô hình kiến trúc thời Lê Sơ vừa được khai quật tại khu vực chính điện Kính Thiên. |
Về việc xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Hoàng thành Thăng Long, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thông tin, bảo tàng mới sẽ là tòa nhà Pháp cổ nằm vuông góc ngã tư Phan Đình Phùng và Hoàng Diệu. Hiện việc đầu tư trùng tu công trình, xây dựng cơ bản đã xong; công tác nghiên cứu chỉnh lý di vật, hiện vật đang được tiến hành, đến năm 2025 sẽ hoàn tất và chuyển giao toàn bộ cho Trung tâm để thống nhất trong quản lý.
Là một trong số các chuyên gia có trách nhiệm chỉnh lý hiện vật để đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Hoàng cung Hoàng thành Thăng Long, PGS.TS Tống Trung Tín cho biết các nhà khảo cổ học đang gấp rút hoàn thiện công tác được giao. Trong quá trình khai quật, có rất nhiều hiện vật được tìm thấy nhưng không phải hiện vật nào cũng được đưa vào trưng bày. Nhóm chuyên gia phải cân đối, lựa chọn những hiện vật quý nhất, mang tính đại diện cho từng thời kỳ phát triển trong lịch sử của hoàng thành.
“Bên cạnh những hiện vật quen thuộc như vật liệu kiến trúc, các loại gạch, ngói, bảo tàng mới sẽ trưng bày những đồ dùng bằng nhiều chất liệu như sứ, sành, kim loại, gỗ, đá. Các loại tượng trang trí trong hoàng cung như tượng đầu rồng, chim phượng, uyên ương, các loại hình lá đề, các loại hình vật liệu trang trí đầu ngói thời Lê, các loại đất nung và gốm sứ với số lượng rất lớn. Cái gì cũng có, cái gì cũng hay”, ông Tín nói.
Còn theo ông Quang, việc xây dựng các bảo tàng không chỉ phục vụ trưng bày các hiện vật khảo cổ quý được khai quật ở di tích, mà còn tạo cảnh quan đẹp hơn cho toàn bộ khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Tháng 7/2022, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương với tổng mức đầu tư khoảng 33 triệu USD để thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đối với Khu Di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Dự kiến, khu vực trên sẽ được xây dựng theo hướng bảo tàng khảo cổ ngoài trời với thời hạn hoàn thành trước năm 2025.