Sứ giả văn hóa trên từng nốt nhạc

Sứ giả văn hóa trên từng nốt nhạc

Khi các xu hướng âm nhạc quốc tế du nhập ngày càng nhiều, không ít nghệ sĩ trẻ Việt Nam đã và đang tìm cách kết nối lại với những giá trị truyền thống để giữ gìn và lan tỏa văn hóa dân tộc qua những bài hát đậm chất dân gian.

_________________

DTAP - nhóm sản xuất nhạc trẻ và đầy sáng tạo là một trong những cái tên nổi bật theo xu hướng này. Nhóm đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc hiện đại và văn hóa truyền thống Việt Nam, thu hút sự chú ý của cả khán giả trẻ trong nước và quốc tế.

Sứ giả văn hóa trên từng nốt nhạc ảnh 1

DTAP có ba thành viên gồm Thịnh Kainz, Kata Trần và Tùng Cedrus. Năm 2019, DTAP đánh dấu màn ra mắt với ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” kết hợp cùng nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Ca khúc không chỉ nhanh chóng chinh phục trái tim của khán giả mà còn tạo nên một cơn sốt lan tỏa trên mạng xã hội, hiện MV đã đạt 184 triệu lượt xem trên YouTube.

DTAP còn là cái tên đứng sau hàng loạt ca khúc của nghệ sĩ tên tuổi như Phương Mỹ Chi, Đức Phúc, Erik… Khi được hỏi làm thế nào để nhóm và các ca sĩ tìm thấy sự đồng điệu trong quá trình sáng tạo, lồng ghép được những yếu tố văn hóa vào bài hát, đại diện DTAP chia sẻ: “Điều đã tạo nên sự đồng điệu giữa DTAP và các nghệ sĩ chính là tình yêu văn hóa, quê hương, tình yêu đất nước, yêu những nét đẹp của văn hóa truyền thống.”

Sứ giả văn hóa trên từng nốt nhạc ảnh 2
DTAP giữ vai trò Giám đốc Âm nhạc trong School tour "Vũ trụ cò bay" của Phương Mỹ Chi (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp).

Không chỉ đơn thuần kết hợp văn hóa vào âm nhạc, DTAP còn luôn khai thác tối đa những điểm mạnh và cá tính của mỗi nghệ sĩ, thể hiện được “chất riêng” của họ qua âm nhạc. Chẳng hạn như với Phương Mỹ Chi, các ca khúc đi sâu khai thác những giá trị văn hóa truyền thống từ các tác phẩm văn học và những nét đẹp của các vùng miền. Còn Hoàng Thùy Linh lại có một cách tiếp cận rộng mở hơn. Cô hướng đến việc hiện đại hóa những giá trị truyền thống, tạo ra những sản phẩm âm nhạc mang hơi thở đương đại.

Sứ giả văn hóa trên từng nốt nhạc ảnh 3

Ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” là một trong những ca khúc đã làm nên tên tuổi của DTAP. Lấy cảm hứng từ nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, bài hát không chỉ là một bản nhạc sôi động mà còn mang tính chất giải mã các yếu tố văn hóa và lịch sử.

Trong truyện, Mị là cô gái người Mông bị áp bức bởi chế độ phong kiến tại vùng cao. Tuy nhiên, thông qua ca khúc của DTAP, Mị được tái hiện với một hình ảnh hoàn toàn mới, một Mị mạnh mẽ, tự do và tự quyết định số phận của mình. Cách DTAP biến Mị từ nhân vật văn học thành một biểu tượng của phụ nữ hiện đại là một minh chứng cho sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại.

Sứ giả văn hóa trên từng nốt nhạc ảnh 4

Ngoài “Vợ chồng A Phủ”, MV còn tái hiện lại các tác phẩm văn học khác như “Vợ nhặt”, “Chí Phèo”, “Lão Hạc”… DTAP không chỉ giữ gìn mà còn biến đổi văn hóa truyền thống một cách sáng tạo, thu hút người nghe trẻ tuổi và tạo ra một làn sóng yêu thích văn hóa dân tộc.

Phần nhạc trong “Để Mị nói cho mà nghe” sử dụng các âm điệu dân ca vùng Tây Bắc và nhạc cụ truyền thống, tạo nên một sự hòa quyện giữa âm nhạc dân gian và nhạc điện tử hiện đại. Điều này giúp người nghe cảm nhận được hơi thở của cuộc sống người dân tộc thiểu số trong nhịp điệu hiện đại mà không làm mất đi bản sắc.

Nếu “Để Mị nói cho mà nghe” gợi nhớ đến những giá trị văn học kinh điển, thì ca khúc “See tình” (cũng do Hoàng Thùy Linh thể hiện) lại khai thác một khía cạnh văn hóa gần gũi hơn: ngôn ngữ và tình yêu. Ca khúc này không tập trung vào các yếu tố văn hóa lớn lao như phong tục tập quán hay nghi lễ dân gian mà thay vào đó, DTAP chọn cách thể hiện văn hóa Việt Nam thông qua ngôn ngữ đời thường. Lời bài hát đơn giản, sử dụng cách chơi chữ của tiếng Việt như “đưa anh vô nhà thương để thương”, “tình đừng tình toan toan tính, toang tình mình tình tan tan tan tình” nhưng lại rất hiệu quả trong việc tạo cảm giác thân thuộc với khán giả.

Sứ giả văn hóa trên từng nốt nhạc ảnh 5

DTAP từng 3 lần đoạt giải "Nhà sản xuất của năm" tại Cống hiến (Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp)

Điều đáng chú ý là “See tình” đã trở thành một hiện tượng không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế. Từ những nền tảng mạng xã hội đến các buổi biểu diễn quốc tế, ca khúc được lan tỏa rộng rãi, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã nhảy trên nền nhạc “See tình” như PSY, Paul Kim, nhóm nhạc Blackpink, Super Junior…, minh chứng cho việc âm nhạc mang đậm chất Việt Nam có thể hòa nhập và tỏa sáng trên sân khấu toàn cầu.

“Bo xì bo” là một sản phẩm khác của DTAP tiếp tục khai thác văn hóa truyền thống qua góc nhìn hiện đại. Thay vì tập trung vào những yếu tố truyền thống lâu đời, bài hát này khai thác văn hóa qua cách mà người Việt thể hiện cảm xúc và ngôn ngữ thường ngày. Cụm từ “bo xì bo” trong bối cảnh đời sống mang ý nghĩa “bo xì” nghỉ chơi thường dùng khi còn bé. DTAP đã khai thác cụm từ này để tạo nên một ca khúc không chỉ phản ánh tinh thần mà còn khơi gợi sự thân thuộc, gần gũi với khán giả.

Sứ giả văn hóa trên từng nốt nhạc ảnh 6

Trong album “Vũ trụ cò bay” hợp tác với Phương Mỹ Chi, DTAP lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học, câu chuyện dân gian lâu đời và nghệ thuật cải lương, chầu văn - những loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Ngôn ngữ trong album được DTAP sử dụng rất mộc mạc, mang đậm chất miền quê, điển hình là các từ ngữ thân thuộc với người Nam Bộ. Các ca từ như “tình tang”, “cò bay”, “đêm trăng” không chỉ tạo sự gần gũi mà còn gợi hình ảnh đồng quê, miền sông nước, những cảnh sắc vô cùng quen thuộc. Đồng thời, đây cũng là một cách mà DTAP giúp duy trì và lan tỏa nét văn hóa trong ngôn ngữ Việt.

Sứ giả văn hóa trên từng nốt nhạc ảnh 7

Ngoài yếu tố văn học, album “Vũ trụ cò bay” còn khai thác một số giá trị tâm linh và văn hoá đặc trưng các vùng miền. Những yếu tố này được lồng ghép qua các hình ảnh, câu hát, giai điệu, giúp khán giả dễ dàng nhận diện và kết nối với các phong tục truyền thống. Bên cạnh đó còn giúp người xem nhớ về một phần của nền văn hóa mà họ là một phần không thể tách rời.

Không chỉ sản xuất nhạc, DTAP còn đảm nhận vai trò Giám đốc Âm nhạc cho các show diễn. Gần đây nhất, nhóm là Giám đốc Âm nhạc cho đêm diễn “Vũ trụ cò bay” thu hút gần 10.000 khán giả của Phương Mỹ Chi. Bộ ba tài năng chịu trách nhiệm lựa chọn các ca khúc và hoà âm phối khí, giúp Phương Mỹ Chi tỏa sáng trên sân khấu mà vẫn giữ được chất lượng âm nhạc cho chương trình. Nhiều khán giả ví show diễn “Vũ trụ cò bay” của Phương Mỹ Chi như một festival văn hoá truyền thống, nơi giao thoa văn hoá 3 miền Bắc - Trung - Nam. Các tác phẩm văn học, làn điệu dân ca, hò, chầu văn, cải lương,... đều được thể hiện trên sân khấu vô cùng hoành tráng. DTAP chia sẻ: “Phương Mỹ Chi gắn liền với hình ảnh cánh cò bởi sự dung dị, bình yên, còn là biểu tượng của sự chăm chỉ, kiên nhẫn. Vì thế, DTAP muốn cho khán giả thấy một Phương Mỹ Chi cũng bền bỉ, chăm chỉ trong suốt chặng đường âm nhạc hơn một thập kỷ thông qua phần mở màn”.

Sứ giả văn hóa trên từng nốt nhạc ảnh 8

Hoàng Thùy Linh hóa thân thành cô Mị trong "Để Mị nói cho mà nghe" (Ảnh cắt từ MV)

Với các sản phẩm như “Để Mị nói cho mà nghe”, “Máu đỏ da vàng”, “See tình”, “Bo xì bo”, album “Hoàng”, album “LINK” và album “Vũ trụ cò bay”, DTAP đã chứng minh rằng văn hóa truyền thống không phải là một thứ gì đó xa vời hay khó tiếp cận, mà ngược lại có thể được kế thừa, giữ gìn và phát huy qua âm nhạc một cách sống động và đầy sáng tạo.

TIN LIÊN QUAN
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
Bão Beryl là cơn bão cấp 5 đầu tiên hình thành vào tháng 6 khi bắt đầu mùa bão Đại Tây Dương. Ảnh: Nasa
Nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ gió bão Đại Tây Dương năm 2024
(Ngày Nay) - Viện nghiên cứu Climate Central công bố một công trình cho thấy nhiệt độ đại dương ấm lên do con người gây ra đã làm tăng tốc độ gió tối đa của mọi cơn bão Đại Tây Dương trong năm 2024. Điều này phản ánh cách thức mà biến đổi khí hậu đang khuếch đại sức mạnh hủy diệt của các cơn bão.
Núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia, phun trào ngày 8/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Indonesia cảnh báo nguy cơ lũ dung nham lạnh gần núi lửa Lewotobi
(Ngày Nay) - Ngày 20/11, giới chức Indonesia cho biết núi lửa Lewotobi Laki-laki tiếp tục hoạt động mạnh khiến 3 ngôi làng trong khu vực Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara có nguy cơ cao phải hứng chịu lũ dung nham lạnh từ các con sông bắt nguồn từ đỉnh núi trên. Các ngôi làng này nằm trong bán kính 7 km tính từ miệng núi lửa.