Sáng kiến này được các nhà khoa học ở Úc phát triển. Bằng cách ử dụng các hợp chất khung kim loại-hữu cơ (MOFs) cùng với ánh sáng Mặt trời, các nhà khoa học có thể làm sạch nước chỉ trong nửa giờ, quy trình mới hiệu quả hơn nhiều so với các công nghệ hiện tại.
Chỉ sau bốn phút tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời, vật liệu sẽ giải phóng tất cả các ion muối. Nhóm nghiên cứu cho biết phương pháp của họ cung cấp một số nâng cấp so với các phương pháp khử muối hiện có.
"Ánh sáng Mặt trời là nguồn năng lượng sạch và dồi dào nhất trên Trái đất. Việc chúng tôi phát triển một quy trình khử mặn mới dựa trên chất hấp phụ thông qua việc sử dụng ánh sáng Mặt trời để tái tạo mang lại một giải pháp khử mặn hiệu quả về năng lượng và bền vững với môi trường”, kỹ sư hóa học Huanting Wang từ Đại học Monash cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một MOF mới có tên là PSP-MIL-53, một phần được tạo thành từ vật liệu gọi là MIL-53, được biết đến với cách nó phản ứng với nước và carbon dioxide.
Mặc dù đây không phải là nghiên cứu đầu tiên đề xuất ý tưởng sử dụng màng MOF để làm sạch muối ra khỏi nước biển và nước lợ, nhưng những phát hiện này cùng vật liệu PSP-MIL-53 đằng sau chúng sẽ cung cấp cho các nhà khoa học nhiều lựa chọn hơn để khám phá trong tương lai.
Theo WHO, trên toàn cầu có khoảng 785 triệu người thiếu nguồn nước sạch trong vòng nửa giờ đi bộ từ nơi họ sống. Khi cuộc khủng hoảng khí hậu diễn ra, vấn đề đó ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nước mặn chiếm khoảng 97% lượng nước trên hành tinh, đó là một nguồn tài nguyên khổng lồ chưa được khai thác. Nếu các giải pháp như PSP-MIL-53 có thể được tìm thấy để làm cho nó phù hợp và an toàn cho con người sử dụng thì thực sự có vai trò vô cùng to lớn.
Các nhà nghiên cứu cho biết, quy trình mới rẻ, ổn định, có thể tái sử dụng và tạo ra nước đạt tiêu chuẩn khử mặn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Khoảng 139,5 lít nước sạch có thể được sản xuất mỗi ngày từ 1 kg vật liệu MOFs.