Một căn phòng 15 mét vuông với 5 người ở, không có nhà vệ sinh, không có đường nước riêng, căn hộ nhỏ nằm trong khu ổ chuột ở Mumbai (Ấn Độ) của gia đình chị Mina Jakhawadiya luôn chật chội và tù túng. Dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia hơn 1,3 tỷ người này càng khiến căn phòng trở nên ngột ngạt hơn, khi vợ chồng chị cùng 3 đứa con đều phải ở nhà do các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc. Ngồi quây quần bên chiếc ti vi nhỏ cũ, chị Mina Jakhawadiya chia sẻ trong nước mắt “Hiếm khi nào chúng tôi lại có đầy đủ cả nhà ngồi xem ti vi như vậy.
Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy không vui vì không biết cuộc sống của gia đình mình sẽ ra sao”. Thu nhập chính của gia đình chị là chiếc xe chở các mặt hàng xô, chậu hay rổ nhựa giá rẻ bán trên hè phố. Buôn bán thất thường nên chị và chồng cũng chỉ đủ lo cho cuộc sống qua ngày mà không tiết kiệm được đồng nào. Vì vậy, những ngày dài ngồi nhà vì phong tỏa khiến chị vô cùng lo lắng và sốt ruột.
Cùng chung số phận tại khu ổ chuột ở Mumbai, đối với ông Paresh Talukdar, làm nghề ăn xin trên các con phố, những ngày phong tỏa là một khoảng thời gian dài lê thê. Bị cụt tay và cụt chân, ông Talukdar, 60 tuổi - hàng ngày bắt xe buýt đến các con phố chính để xin tiền. Ngày thấp nhất ông cũng kiếm được 3 đôla. Tuy nhiên dịch COVID-19 khiến đường phố vắng vẻ, các tuyến xe buýt không hoạt động, làm ông phải ngồi nhà. Cơn đói ngày càng tăng khiến ông khó ngủ với những ý nghĩ luôn luôn xuất hiện trong đầu: Chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai? Các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh đang ảnh hưởng đến những người nghèo nhất của Ấn Độ. Với việc không có nhiều tiền tiết kiệm và mạng lưới an sinh xã hội kém, các gia đình nghèo đang phải vật lộn để vượt qua những ngày khó khăn của dịch bệnh bằng cách vay tiền hay thậm chí trốn sự phong tỏa của cảnh sát để ra ngoài làm việc.
Trên cánh đồng tại miền nam Myanmar, anh Nanging Lin Htet, 43 tuổi - đang đứng giữa hàng trăm quả dưa hấu đã đến kỳ thu hoạch và theo kế hoạch là xuất khẩu sang nước láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên dịch COVID-19 khiến kế hoạch của anh không thực hiện được. Thay vào đó, anh sẽ phải bán tống bán tháo gía rẻ cho người dân địa phương hay để thối rữa trên cánh đồng. Giống như anh Nangging Lin Htet, nhiều người nông dân trong vùng cũng đang điêu đứng vì COVID-19.
Sai Khin Maung - một chủ kho trái cây ở Muse chia sẻ, thông thường, hàng trăm xe tải chở dưa hấu đi vào Trung Quốc mỗi ngày. Mặc dù biên giới vẫn mở, nhưng chỉ có 20 hoặc 25 xe tải chở trái cây đi qua cổng trong những ngày gần đây, vì có rất ít người mua ở phía bên kia biên giới và hàng hóa được bán với giá chỉ bằng một phần ba giá trị thông thường. Một số nông dân đang chuyển hướng tiêu thụ trong nước nhưng cũng rất ế ẩm và giá rẻ. Với một vụ thu hoạch dưa hấu chuẩn bị trong những tuần tới khiến người nông dân Myanmar lại lo lắng về những tổn thất tiếp theo.
Dịch COVID-19 không có biên giới và nó đang “gõ cửa” cả những nơi được cho mệnh danh là giàu có và phát triển nhất thế giới. Quỹ từ thiện Ronda della Solidarieta hoạt động 4 năm qua tại thành phố Rome của Italia, thường xuyên tổ chức các chiến dịch phân phát thực phẩm giúp đỡ những người nghèo, vô gia cư, người khuyết tật… Kể từ khi nhóm đi vào hoạt động đến nay, chưa bao giờ nhu cầu cần hỗ trợ của người dân lại nhiều đến vậy. Chỉ trong vòng 10 phút, tất cả các thực phẩm bày trên quầy từ thiện đã được phân phát hết trong khi hàng dài người vẫn chờ đợi. Trong số những người đến lấy đồ hỗ trợ có nhiều gương mặt mới, cho thấy dịch COVID-19 đang tạo ra một lớp người nghèo thành thị mới tại Italia.
Một khảo sát nhanh qua điện thoại để đánh giá tác động của dịch Covid-19 vừa qua cho thấy tác động của đại dịch là không nhỏ. Một nửa số người được hỏi ở khu vực thành thị Trung Quốc cho biết họ giảm thu nhập từ 282 đến 704 đôla Mỹ một gia đình/ tháng. Tại Bangladesh, 93% người được hỏi cho biết giảm trung bình 75% thu nhập và 72% người mất việc. Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cũng khẳng định, thế giới đang đối mặt với tác động chưa từng có về kinh tế và y tế do đại dịch COVID-19. Khoảng 71 triệu người có nguy cơ rơi trở lại tình cảnh nghèo đói cùng cực. Liên hợp quốc thừa nhận trong khi thế giới vẫn chưa “vào guồng” để đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030, đại dịch lần này còn kéo thụt lùi những tiến bộ đạt được trong nhiều năm qua. Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hệ thống bảo trợ xã hội, giúp đảm bảo cuộc sống của người nghèo và những người dễ bị tổn thương, trong đó phụ nữ và trẻ nhỏ, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.
“Rổ đoàn kết” xuất hiện khá nhiều trên các đường phố ở Nappoli của Italia trong bối cảnh một nhóm người nghèo mới nổi lên sau đại dịch COVID-19. Luôn đầy đủ các loại thực phẩm từ bánh mỳ, chuối cho đến sữa, cá hộp… “rổ đoàn kết” là địa chỉ ghé thăm thường xuyên của những người vô gia cư, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch. “ Nếu bạn có thể, hãy đặt một cái gì đó vào. Nếu bạn không thể, hãy lấy thứ gì đó mang đi” - thông điệp đơn giản này đã thắp lên một tinh thần nhân ái, đoàn kết của người dân Italia giữa đại dịch.
Trên thế giới thời gian qua không thiếu những siêu thị 0 đồng, hay ATM gạo miễn phí, thậm chí cả những khách sạn “hạnh phúc” cho những người vô gia cư, cho thấy sự chung tay của cộng đồng trong việc giúp đỡ những người khó khăn vượt qua đại dịch. Chính phủ các nước cũng đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ những người nghèo như Ấn Độ thông báo gói hỗ trợ hơn 22 tỷ đôla Mỹ để giúp người nghèo mất thu nhập do phong tỏa, phân phát thực phẩm miễn phí cho 800 triệu gia đình, chuyển tiền mặt cho 200 triệu phụ nữ…
Campuchia công bố triển khai chương trình trợ cấp tiền mặt cho những hộ nghèo, người bị mất việc làm, không có thu nhập và dễ bị tổn thương do đại dịch COVID-19 gây nên. Tiền trợ cấp được chia làm hai mức dựa trên hoàn cảnh khó khăn và giá cả lương thực, hàng hóa, dịch vụ ở khu vực thành thị và nông thôn. Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc cũng đang đề xuất cấp thu nhập tạm thời cho gần 3 tỷ người nghèo nhất. UNDP cho rằng, việc cấp thu nhập tạm thời cho người nghèo là khả thi và rất cần thiết trong bối cảnh tại các nước đang phát triển, cứ 10 người lao động thì có 7 người là lao động tự do và không có thu nhập nếu phải ở nhà. Một khoản thu nhập cơ bản tạm thời sẽ giúp những người này mua thực phẩm và trả các chi phí y tế và giáo dục.
Trong bối cảnh thế giới còn phải sống chung lâu dài với COVID-19, các hỗ trợ hiện nay chỉ đáp ứng được các nhu cầu trước mắt. Trong khi đó tác động do dịch COVID-19 được dự đoán sẽ dài hạn, khiến nhóm người này tiếp tục “nghèo bền vững” với những lý do sau:
Nhiều người nghèo chủ yếu sống ở nông thôn. Điều này giúp họ giảm nguy cơ lây nhiễm nhưng họ không có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế. Ngoài ra, các hộ gia đình nông thôn có xu hướng phụ thuộc tài chính vào những lao động di cư tại các thành phố lớn. Nếu các thành phố đóng cửa, nguồn thu nhập đổ về cũng sẽ bị gián đoạn. Những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp cũng khó tìm được đầu ra bởi nhu cầu sụt giảm ở các khu vực thành thị hay xuất khẩu. Trong khi những người nghèo ở khu vực thành thị sống trong điều kiện dịch vụ chất lượng thấp sẽ đối mặt với nguy cơ đáng kể bị lây nhiễm virus. Nhóm người lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, lao động công nhật, nhân viên tạm thời, cũng như những người không có bảo hiểm xã hội sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch. Phong tỏa cũng khiến giá cả thực phẩm tăng chóng mặt làm cuộc sống khó khăn hơn.
Nhóm người nghèo cũng phụ thuộc nhiều vào dịch vụ công đặc biệt là y tế và giáo dục. Trong bối cảnh nguồn lực y tế tập trung cho chống dịch, việc tiếp cận với các dịch vụ y tế sẽ khó khăn hơn, khiến gánh nặng chi phí gia tăng nếu trong nhà có người ốm. Việc đóng cửa trường học cũng khiến gia tăng chi phí ăn uống khi nhiều gia đình nghèo phải sống nhờ trợ cấp giáo dục của trường học. Về lâu dài, không được đến trường, dinh dưỡng không đủ tại các gia đình nghèo sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể lực và khả năng của trẻ nhỏ. Nhóm người nghèo cũng không có tiền tiết kiệm và không có bảo hiểm. Vì vậy, nếu phong tỏa kéo dài, họ buộc phải bán tài sản hay vay nợ, điều đó sẽ khiến họ tiếp tục lâm vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Trong bối cảnh tác động của đại dịch là chưa từng có, các quốc gia cần có nhưng hành động cần thiết để giảm tác động của dịch bệnh đối với nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương nhất. Không một quốc gia nào có thể thực hiện được điều này một mình và một phản ứng toàn cầu hiệu quả đòi hỏi ba lĩnh vực hành động cơ bản:
Trước tiên thế giới cần một hệ thống tài chính mới, hợp nhất các quốc gia trên một mặt trận phản ứng thống nhất đối phó với khủng hoảng. Theo đó, cần huy động tài chính khẩn cấp để hỗ trợ các nước nghèo nhất đối phó với cuộc khủng hoảng trước mắt. Thế giới cần đảm bảo rằng hỗ trợ phát triển chính thức được duy trì tại các quốc gia và những người đang cần nhất. Các nước cũng cần xây dựng một cơ chế, hỗ trợ giảm tác động kinh tế dài hạn do dịch COVID-19 gây ra.
Không được bỏ lỡ các dự án nhân đạo và viện trợ phát triển là điều kiện cần thiết thứ hai để phản ứng hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng và bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Những người vốn đã bị ảnh hưởng bởi xung đột hoặc thiên tai sẽ nằm trong số ít có khả năng phục hồi nhất. Đại dịch COVID-19 càng làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng này. Điều đáng lo ngại hiện nay là do khó khăn kinh tế, nhiều dự án hoạt động tài trợ nhân đạo bị giảm mạnh. Các dự án phát triển nhằm hỗ trợ sinh kế dài hạn cho nhóm lao động này bị dừng lại sẽ đảo ngược các bước tiến đạt được gần đây.
Và lĩnh vực hành động cuối cùng là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Những người dễ bị tổn thương nhất là những người ít có khả năng được tính đến nhất. Trên thế giới có một tỷ người không thể chứng minh tính pháp lý của họ. 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi (và 1/2 trẻ em dưới năm tuổi trong 20% hộ gia đình nghèo nhất) không đăng ký khai sinh. Nhóm người này cũng khó được tính đến trong các chương trình an sinh xã hội trong đại dịch, trong bối cảnh họ gặp nhiều khó khăn nhất. Nhiều trường hợp, cái chết của những người này cũng không được tính đến và virus Corona có thể trở thành kẻ giết người thầm lặng. Do đó, các quốc gia cần theo dõi chính xác và kịp thời tất cả các trường hợp, nắm bắt rõ nguyên nhân, cơ chế lây lan của dịch bệnh để bảo vệ nhóm những người dễ bị tổn thương nhất.
COVID-19 không sớm qua đi và cả thế giới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới, trong đó nhóm người dễ bị tổn thương nhất lại nắm trong tay ít công cụ đối phó nhất. Sự nỗ lực của từng cá nhân, sự chung tay của xã hội và hợp tác tác toàn cầu là chìa khóa giúp thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay và cả trong tương lai.
Bài: Anh Đức
Thiết kế: Thúy Hà