Trong bối cảnh xã hội không ngừng biến đổi và sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam cần có bộ sách Địa chí Quốc gia điện tử để người dân cũng như bạn bè quốc tế nắm bắt, khai thác và phục vụ cho hoạt động quản lý, phát triển.
___________________________
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành và phê duyệt Nhiệm vụ khoa học công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” (gọi tắt là Quốc chí). Đây là nhiệm vụ đặc biệt, có tầm bao quát, thể hiện giá trị lớn đối với lịch sử và đất nước trên nhiều phương diện.
Trong lịch sử Việt Nam, các tài liệu ghi chép về lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội, luật pháp, thể chế... trên quy mô cả nước và các địa phương đã xuất hiện từ rất sớm. Trong thời Lý - Trần (thế kỷ XI-XV) đã có một số tài liệu, ghi chép sơ khởi về địa chí, trong đó tiêu biểu là Nam Bắc phên giới địa đồ (1172) được biên soạn thời vua Lý Anh Tông, hoặc các bộ sử chứa đựng nhiều tri thức về đất nước học từ góc độ lịch sử như Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu (1272), An Nam chí lược (1333) của Lê Tắc.
Cùng với sự phát triển của đất nước thời Lê sơ, vào năm 1435 dưới thời vua Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi biên soạn Dư địa chí. Đây được xem là quyển sách địa chí học đầu tiên đã đặt nền móng cho địa chí học Việt Nam.
Tiếp tục tinh thần đó, đến thời nhà Nguyễn, để củng cố việc quản trị đất nước, triều đình rất quan tâm đến việc biên soạn các bộ chí. Một loạt các bộ địa chí địa phương và địa chí quốc gia đã được biên soạn một cách cẩn trọng như Hoàng Việt nhất thống Dư địa chí (Lê Quang Định), Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú), Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức)...
Sử liệu không chỉ có giá trị với quá khứ mà còn kết nối với hiện tại. |
Trong vòng 10 năm từ năm 1809-1819, Phan Huy Chú đã biên soạn bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí, bộ sách được coi là bách khoa toàn thư đầu tiên trong kho tàng thư tịch Việt Nam, cung cấp một kho tài liệu phong phú về nhiều lĩnh vực, gồm địa lý, quân sự, ngoại giao, kinh tế…
Ngoài ra, một bộ địa chí khác được biên soạn vào đầu thế kỷ XIX là bộ Gia Định thành thông chí do Trịnh Hoài Đức thực hiện. Đây là bộ sách ghi chép tỉ mỉ về vùng đất Gia Định từ năm 1698 đến đầu thế kỷ XIX. Đây là các bộ tư liệu quý để hiểu về tình trạng địa lý, tình hình kinh tế-xã hội, đặc biệt là đời sống người dân vào đầu thế kỷ XIX.
Trong các bộ địa chí thời Nguyễn, có thể nói Đại Nam nhất thống chí là bộ sách có quy mô lớn nhất với thời gian biên soạn dài nhất, cũng là bộ địa chí quốc gia được tập hợp bởi địa chí của các tỉnh vào thời điểm đó.
Tới thời đại Hồ Chí Minh, có nhiều bộ Địa phương chí tiếp tục được biên soạn, sử dụng nhiều cách tiếp cận, phương pháp, độ dụng công ở mức độ khác nhau. Đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2079/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ xây dựng Quốc chí với cơ quan chủ trì là Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quốc chí được coi là công trình địa chí có giá trị đất nước học với địa vực là phạm vi lãnh thổ quốc gia. Mục tiêu của Nhiệm vụ là xây dựng và cung cấp tri thức cơ bản, tổng hợp về điều kiện tự nhiên, con người và văn hoá, xã hội góp phần phát triển khoa học, giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh thông qua hình thành cơ sở dữ liệu ở dạng sách số và bộ sách in Địa chí Quốc gia Việt Nam.
Theo đó, nhiệm vụ xây dựng Quốc chí dự kiến diễn ra trong 10 năm, chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất biên soạn Thông chí, giai đoạn thứ hai biên soạn Địa phương chí. Phần Thông chí được chia thành 29 tập, bao gồm các lĩnh vực, như: Cương vực, dân cư, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, văn học, ngoại giao… đang được tiến hành với sự tham gia của các bộ, ngành, các viện nghiên cứu và các trường đại học. Việc biên soạn Địa phương chí ở giai đoạn thứ hai đã bắt đầu triển khai vào năm 2021.
Công trình được yêu cầu phù hợp với nhiệm vụ tổng hợp thông tin, quy cách biên soạn cũng được tập thể các nhà khoa học đề ra, thống nhất để đảm bảo chất lượng và cách thể hiện có tính tin cậy cao nhất. Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Thị An, Trưởng ban Thư ký Nhiệm vụ Quốc chí, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Hà Nội, quy cách biên soạn của Quốc chí được thể hiện trên hai góc độ là tính đương hiện và văn phong bút pháp.
“Đảm bảo tính đương hiện là gì? Đó là mô tả diện mạo đời sống quốc gia ở chính thời điểm được biên soạn. Cần xác định đối tượng mô tả sao cho đó phải là đối tượng đang thực sự tồn tại, có thể quan sát được mà không phải những khái niệm/thuật ngữ chỉ xuất hiện trong tư duy hay tưởng tượng của con người. Yêu cầu thứ hai của tính đương hiện là tìm kiếm tư liệu mới mẻ, sống động để viết về đối tượng”, bà An cho biết.
Cũng để đảm bảo tính đương hiện, văn phong của Quốc chí yêu cầu sự trung tính. Người biên soạn Quốc chí không thể hiện các tranh biện, không bày tỏ sự định giá, không thể hiện cảm xúc để cho bản thân đối tượng được hiển lộ một cách khách quan nhất. Như với đối tượng được mô tả trong Tập Động vật, thực vật như các loài cây, các loài vật không cần mô tả ở góc độ cấu trúc sinh học mà chỉ mô tả ở góc độ công năng của nó trong mối quan hệ với đời sống con người.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị An, việc tập trung vào tính đương hiện của đối tượng khiến bộ Quốc chí lần này có điểm khác so với những bộ chí trong lịch sử là mô tả toàn bộ diện mạo đời sống quốc gia theo tinh thần kiểm đếm. Sau khi hoàn thành, Quốc chí sẽ là một bức tranh toàn cảnh mà mỗi lĩnh vực, mỗi đối tượng được mô tả sẽ làm một mảnh ghép. Đó là đóng góp được đặt ra và được kỳ vọng lớn nhất của việc thiết kế công trình này.
Trong bối cảnh xã hội không ngừng biến đổi và sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam cần có bộ sách Địa chí Quốc gia điện tử để người dân cũng như bạn bè quốc tế nắm bắt, khai thác và phục vụ cho hoạt động quản lý, phát triển.
Kết quả của công trình không phải là các chuyên khảo nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực mà là việc mô tả các mảng đời sống cụ thể, được chia ở mức nhỏ nhất có thể. Ví dụ, về tín ngưỡng, tôn giáo, công trình này không có các phần viết chuyên sâu về lịch sử hình thành, đặc điểm, giá trị... mà đi ngay vào mô tả các di tích, các nghi thức, biểu tượng, thư tịch và các cách thực hành tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21.
Nhiệm vụ xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam một trong 5 đề án khoa học lớn cùng với Biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử); Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông; Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; Hệ tri thức Việt số hóa...
Nhấn mạnh tính cấp thiết của Quốc chí, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho biết: “Trong bối cảnh đất nước phát triển, hội nhập toàn diện cần xây dựng bộ địa chí quốc gia theo những tiêu chí mới. Đây không chỉ đơn thuần là nỗ lực tiếp nối truyền thống của dân tộc mà còn góp phần quan trọng vào việc ghi nhận, lưu giữ và trao truyền lại cho thế hệ mai sau những nét điển hình nhất của quá trình phát triển, hội nhập với những thành tựu to lớn của thời đại ngày nay”.
Có thể nói, lợi ích của Quốc chí không phải là một công trình khoa học “tháp ngà” mà có tính ứng dụng vào đời sống rất cao. Chẳng hạn, một công ty nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta có thể tìm hiểu về tập “thực vật” trong Thông chí để chọn giống cây phù hợp; đồng thời tham khảo Địa phương chí để chọn vùng đất giống cây đó sinh trưởng tốt nhất.
Dự kiến sản phẩm của Nhiệm vụ Quốc chí gồm: Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam, cơ sở dữ liệu (sách số-digital book) về Địa chí Quốc gia Việt Nam, bộ Atlat Địa chí quốc gia và trang thông tin về Địa chí quốc gia.
Bài: Lưu Khánh
Thiết kế: Thúy Hà