Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kiến trúc sư của mô hình phát triển Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kiến trúc sư của mô hình phát triển Việt Nam

Mô hình phát triển của Việt Nam theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguyên tắc, phương châm sống, hoạt động cách mạng của Người.

________________

Mang trong mình những giá trị văn hoá dân tộc bước ra thế giới, hoà nhập vào đại dương trí tuệ của thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chắt lọc tinh hoa của nhân loại, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước, từng bước định hình con đường cách mạng của dân tộc, trong đó có quan điểm về mô hình phát triển của Việt Nam.

Đây cũng là lĩnh vực mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những đóng góp vô giá cho nhân loại, để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước ghi nhận, suy tôn Người như một “nhà triết học hành động” tiêu biểu của thế kỷ XX.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kiến trúc sư của mô hình phát triển Việt Nam ảnh 1

Nội dung cơ bản nhất của mô hình phát triển của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi thảo có thể khái quát ở cụm từ: Độc lập, tự do, hạnh phúc.

Nghiên cứu toàn bộ di sản của Người, chúng ta hiểu con đường cách mạng của Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người đã từng khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Hoặc “cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”. Người lại nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Khi nói chuyên với các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng “cả đời Người chỉ có một đề tài là chống đế quốc thực dân, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Hiểu mô hình phát triển Việt Nam theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phải nghiên cứu theo phương châm của người xưa “ý tại ngôn ngoại”. Toàn bộ cuộc đời cách mạng của Người hơn 60 năm, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ để thực hiện hoài bão lớn nhất là Tổ quốc được giải phóng, nhân dân được hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kiến trúc sư của mô hình phát triển Việt Nam ảnh 2

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước có độc lập rồi thì dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do, vì hạnh phúc tự do là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Muốn có hạnh phúc, tự do thì độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người nhấn mạnh chỉ có trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình, chăm lo cho con người và con người có điều kiện phát triển toàn diện. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định giành độc lập theo con đường cách mạng vô sản tức là đã khẳng định độc lập dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là câu trả lời cho mong muốn chủ quan của con người theo quan niệm duy tâm, không tưởng, mà là câu trả lời cho một sự vận động lịch sử hiện thực theo khái niệm duy vật phê phán. Chủ nghĩa xã hội là một vấn đề hiện thực, xuất phát từ thực tiễn khách quan, từ hiện thực vận động của lịch sử, từ đặc điểm Việt Nam, một nước vốn là thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu, khoa học kỹ thuật kém phát triển, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội trong quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể suy nghĩ chủ quan, giáo điều, nóng vội, duy ý chí mà phải dựa trên cơ sở thực tiễn nước ta, đặc điểm thế giới và xu thế của thời đại.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất của cách mạng Việt Nam để đạt được mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên suốt đường lối và thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Người cho rằng, chủ nghĩa xã hội nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, ai cũng có công ăn việc làm, được ấm no và hạnh phúc. Chủ nghĩa xã hội là giải phóng nhân dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Chủ nghĩa xã hội là một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, ai làm ít thì hưởng ít, không làm không hưởng

Tự do, hạnh phúc theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh là người dân phải được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do chủ nghĩa xã hội đem lại. Đời sống vật chất là trên cơ sở một nền kinh tế cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Người dân từ chỗ có ăn, có mặc, có chỗ ở đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm. Chủ nghĩa xã hội là cùng với việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất, là phải không ngừng nâng cao đời sống tinh thần. Trong điều kiện nước ta, nhiều khi đời sống tinh thần, văn hóa phải đi trước “soi đường cho quốc dân đi; văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kiến trúc sư của mô hình phát triển Việt Nam ảnh 3

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo L’Humanité về nhân tố nào biến nước Việt Nam lạc hậu thành một nước tiên tiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Có lẽ cần phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa. Chủ nghĩa thực dân đã kìm hãm nhân dân chúng tôi trong vòng ngu muội để chúng dễ áp bức. Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ”. Từ rất sớm, ngay khi còn phải tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấu ý nghĩa và sức mạnh của văn hóa, của đời sống tinh thần. Người cho rằng, con người cần phải có đời sống văn hóa tinh thần vì đó là lẽ sinh tồn và mục đích cuộc sống chúng ta. Sau này, trong kháng chiến ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”.

Trong đời sống tinh thần thì hàng đầu là phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bởi vì chủ nghĩa xã hội là do quần chúng nhân dân tự xây dựng lấy, đó là công trình tập thể của quần chúng lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trong điều kiện đó, chỉ có phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì mới có sáng kiến và động lực. Nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân”. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ và để dân làm chủ. Theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là giá trị lớn nhất mà cách mạng do Đảng lãnh đạo đem lại cho người dân. Vì vậy, dân chủ trong chế độ dân chủ nhân dân đến chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là động lực vừa là mục tiêu của cách mạng.

Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản về mặt giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột đem lại cho con người hạnh phúc, tự do. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống. Văn hóa nói chung, trong chủ nghĩa xã hội nói riêng không dừng lại ở trình độ học vấn, ở bề nổi “cờ, đèn, kèn, trống” mà đó là “chất người”, “trình độ người” trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên. Văn hóa là lối sống, là quyền con người, là cái chân, thiện, mỹ giữa người với người. Thống nhất với cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh rất chú trọng sức phát triển sản xuất, chú trọng chế độ sở hữu coi đó là những nhân tố quyết định thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Nhưng điều đặc biệt mang sắc thái Hồ Chí Minh, đó là Người chú trọng tiếp cận chủ nghĩa xã hội theo phương diện đạo đức. Con người có hạnh phúc trong chế độ xã hội chủ nghĩa phải là những con người được giáo dục và có đạo đức. Chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại hạnh phúc cho con người phải là chế độ xa lạ với chủ nghĩa cá nhân, với những gì phản văn hóa và đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng, là trở lực trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kiến trúc sư của mô hình phát triển Việt Nam ảnh 4

Nhận thức về con đường cách mạng của Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam phải trải qua các giai đoạn cách mạng gắn bó mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, giai đoạn độc lập dân tộc và giai đoạn chủ nghĩa xã hội. Nhìn một cách tổng quát, có thể hiểu mô hình phát triển xã hội Việt Nam theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Tổ quốc bị đô hộ thì phải đấu tranh giải phóng dân tộc; không giành được độc lập dân tộc sẽ không có gì hết. Nhưng nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa Tổ quốc được giải phóng và nhân dân được hạnh phúc; giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Xuất phát từ một người dân thuộc địa, Hồ Chí Minh đã nhận rõ mâu thuẫn đối kháng giữa thực dân đế quốc và dân tộc thuộc địa, và minh triết của Người là phải giải tán thực dân, giải phóng thuộc địa. Còn ách nô lệ, còn áp bức dân tộc thì không thể nói tới phát triển. Hay nói cách khác, “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” là tiền đề, điều kiện tiên quyết cho sự phát triển.

Có độc lập dân tộc rồi thì phải đi lên chủ nghĩa xã hội thì mới thực hiện được phát triển. Bởi vì, phát triển là “mở mang rộng ra, làm cho mạnh hơn lên, tốt hơn lên”. Từ độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội là làm cho xã hội tốt hơn. Nhưng chủ nghĩa xã hội vừa là phương thức vừa mục tiêu của tiến trình cách mạng. Vậy nhận thức thế nào về triết lý phát triển khi bàn về chủ nghĩa xã hội?

Phát triển là một quá trình từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và không bao giờ là một con đường thẳng tắp, bằng phẳng cho mọi dân tộc, trong mọi thời đại. Lịch sử là một quá trình lịch sử - tự nhiên, vì vậy phát triển không bao giờ là sự phát triển theo ý muốn chủ quan kiểu duy ý chí của con người, mà phát triển theo năng lực nhận thức, tôn trọng và hành động theo hệ thống quy luật khách quan của con người. Phát triển, vì vậy, bao giờ cũng xuất phát từ thực tế. Phát triển từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh, nhưng điều đó không có nghĩa là một đường thẳng, ngược lại bao hàm trong đó một số giai đoạn phát triển có cả đường cong, đường dích dắc, vừa liên tục vừa đứt đoạn, vừa có tính phổ biến vừa mang tính đặc thù. Đó là một quá trình tích lũy và chuyển hóa không ngừng giữa lượng và chất, thông qua sự đấu tranh giữa các mặt đối lập theo con đường phủ định của phủ định. Nó bao hàm cả những bước tiệm tiến và cả những bước nhảy vọt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kiến trúc sư của mô hình phát triển Việt Nam ảnh 5

Cần có nhận thức đúng đắn, phân biệt giữa phương tiện, những nấc thang và tiêu chuẩn của sự phát triển. Không thể phủ nhận vai trò của lực lượng sản xuất. Bởi vì, “nhờ có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình... Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản đại công nghiệp”.

Cũng như vậy, yếu tố con người, lực lượng sản xuất quan trọng nhất; năng suất lao động đều liên quan đến sự phát triển xã hội, nhưng đó chưa phải là tiêu chuẩn của sự phát triển. Phải chăng, khoa học công nghệ, tăng trưởng GDP, sự giàu có, ngay cả luật pháp là tiêu chuẩn, mục đích của phát triển? Phải coi đó là những nấc thang của sự phát triển và tiến đến mục đích của sự phát triển. Còn chất lượng dân sinh, hạnh phúc mới là tiêu chuẩn của sự phát triển. Sự phát triển của lực lượng xã hội, trước hết và quan trọng nhất phải đạt được “phát triển sự phong phú của bản chất con người, coi như là một mục đích tự thân”.

Trên cơ sở kế thừa và phát triển sáng tạo những quan điểm của các nhà kinh điển, chủ nghĩa xã hội trong quan niệm của Hồ Chí Minh vừa là phương tiện, nấc thang vừa là mục tiêu của sự phát triển, trong đó điều quan trọng nhất cần nhận thức chủ nghĩa xã hội là mục tiêu của toàn bộ tiến trình cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới khoa học công nghệ, tăng trưởng kinh tế, sự giàu có, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, năng suất lao động... Nhưng tất cả những điều đó chỉ là phương tiện và nấc thang cho chất lượng dân sinh và hạnh phúc của con người - mục tiêu cao nhất của sự phát triển.

Chủ nghĩa xã hội như là mục tiêu trong triết lý phát triển xã hội Việt Nam của Hồ Chí Minh cần phải được nhìn nhận ở ba phương diện: phương diện vật chất - kinh tế; phương diện chính trị; phương diện văn hóa- xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kiến trúc sư của mô hình phát triển Việt Nam ảnh 6

Trên thực tế, đi tới CNXH là một quá trình lâu dài, trải qua một một thời kỳ quá độ với nhiều bước quá độ trung gian. Cách mạng XHCN chứa đựng nhiều cuộc cách mạng, phản ánh các mặt của đời sống tư tưởng, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Vì vậy, quá trình hoàn thiện và xây dựng CNXH cũng cần đạt được các phương diện cụ thể sau.

Trên phương diện chính trị, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là chế độ chính trị dân chủ, nhân dân là chủ và làm chủ. Người khẳng định: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra. Nhà nước là của dân, do dân và vì dân; mọi công dân đều có quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan nhà nước, có quyền kiểm soát đối với đại biểu của mình. Chế độ chính trị do dân làm chủ thì người dân phải có nghĩa vụ đối với Nhà nước. Người chủ thì phải chăm lo việc nước như việc nhà, tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ. Vì là người chủ nên phải có nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng và chấp hành pháp luật, tôn trọng và bảo vệ của công, có nghĩa vụ học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt.

Chế độ chính trị do dân làm chủ vừa là mục tiêu của CNXH vừa là động lực của sự phát triển. Dân chủ và thực hành dân chủ thật sự, rộng rãi là cái thìa khóa vạn năng, thúc đẩy xã hội tiến bộ và phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để một xã hội phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững phải có sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Nhưng nhân tố có ý nghĩa quyết định là con người. Bởi vì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, mọi việc đều do người làm ra; Đảng là mỗi chúng ta; mọi sự thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, để hiện thực mô hình phát triển Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng nhân tố con người, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Với Người, cán bộ cần những tố chất về phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn, trí tuệ, phong cách công tác, lãnh đạo… Đó chính là động lực của sự phát triển.

Tiếp cận theo quan điểm phát triển, văn hóa có sứ mệnh to lớn, soi đường cho quốc dân đi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa phải để lên hàng đầu để biến nước Việt Nam lạc hậu thành một nước tiên tiến. Ở đây, vai trò của văn hóa được nhận diện trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, mà hàng đầu là nhanh chóng đào tạo cán bộ cho tất cả các ngành hoạt động.

Trên phương diện kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chế độ chính trị XHCN phải dựa trên nền kinh tế phát triển cao với lực lượng sản xuất hiện đại, công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến, công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế nước nhà. Trên cơ sở kinh tế XHCN ngày càng phát triển, cách bóc lột theo chủ nghĩa tư bản được xóa bỏ dần, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến chế độ sở hữu. Theo Người, trong thời kỳ quá độ tồn tại bốn hình thức sở hữu chính: “Sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân. - Sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động. - Sở hữu của người lao động riêng lẻ. - Một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”.

Trên phương diện văn hóa - xã hội: Cách mạng tư tưởng - văn hóa là một cuộc cách mạng trong cách mạng XHCN. Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng và phát triển nền văn hóa mới đầy đủ các yếu tố về tâm lý, luân lý, xã hội, chính trị. Nền văn hóa đó phải dựa trên nền tảng kinh tế, nhưng đồng thời lại tác động tích cực trở lại kinh tế. Không những thế, tiếp cận theo quan điểm phát triển, văn hóa có sứ mệnh to lớn, soi đường cho quốc dân đi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa phải để lên hàng đầu để biến nước Việt Nam lạc hậu thành một nước tiên tiến. Ở đây, vai trò của văn hóa được nhận diện trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, mà hàng đầu là nhanh chóng đào tạo cán bộ cho tất cả các ngành hoạt động. Bởi vì, muốn xây dựng CNXH, trước hết phải có con người XHCN; muốn có con người XHCN phải có tư tưởng XHCN. Người còn chỉ rõ, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình. Văn hóa phải làm cho mỗi người và mọi người hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.

Cùng với văn hóa, các chính sách xã hội cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng. Người chăm lo hạnh phúc của đồng bào nói chung, trong đó đặc biệt lo toan cho người nghèo “làm cho người nghèo thì đủ ăn và ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; quan tâm đến sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ; đến thiếu niên nhi đồng, thương binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình và người có công với cách mạng, đồng bào các dân tộc ít người, đồng bào tôn giáo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kiến trúc sư của mô hình phát triển Việt Nam ảnh 7

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, CNXH là giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản về mặt giải phóng con người, trước hết khỏi sự bất công. Vì vậy, Người rất quan tâm tới quyền con người, đạo đức, lối sống, tâm hồn, nhân cách. Nền văn hóa đó phải “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Vì vậy, văn hóa phải “sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ; phải “làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng, mà yếu tố hàng đầu là tâm lý dân tộc. Một dân tộc phải có tâm lý độc lập tự cường và mỗi người phải biết hy sinh mình làm lợi cho quần chúng thì mới xứng đáng hưởng độc lập, tự do. Nền văn hóa Việt Nam, về mặt chính trị là đề cao dân quyền, về mặt xã hội là quan tâm tới phúc lợi của nhân dân. Đó chính là nội dung mới của nền văn hóa, và vì vậy nền văn hóa đó đậm tính nhân văn, tính dân tộc.

Cốt lõi và hạt nhân của văn hóa là con người. Con người là chủ thể, là sản phẩm của văn hóa, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”. Bản chất của mô hình xã hội mới là phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người. Đó phải là những con người có đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần và năng lực làm chủ, có kiến thức khoa học kỹ thuật, nhạy bén với cái mới, có tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có tinh thần trách nhiệm vì nước vì dân, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tóm lại, mô hình phát triển Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh xác lập được khái ở cụm từ: độc lập, tự do, hạnh phúc là hình ảnh của một xã hội mang bản chất nhân văn. Xã hội đó bao quát tất cả các mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức, xã hội và con người. Tuy nhiên, nếu xem xét sự nhất quán trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng từ những ngày đầu khi Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no đến khi cách mạng thành công, hướng đến mục đích tự do, hạnh phúc như là giá trị cao nhất, thì bản chất của mô hình phát triển Việt Nam, xét đến cùng theo quan điểm Hồ Chí Minh là một xã hội giàu có hơn và quan hệ giữa người với người tốt đẹp hơn, công bằng, hạnh phúc hơn so với chủ nghĩa tư bản

Để hiện thực hóa mô hình phát triển Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng xuyên suốt từ đầu đến cuối đều toát lên một tinh thần là phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Khát vọng phát triển đất nước thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII là sự phản ánh khát vọng của non sông, đất nước ta hiện nay. Đây là sự gặp gỡ và thống nhất không tách rời nhau giữa ý Đảng với lòng dân.

Ảnh tư liệu

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?