Cơn chấn động làng báo toàn cầu

Cơn chấn động làng báo toàn cầu ảnh 1
Sau 7 năm sống tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador tại Anh, nhà sáng lập trang web công bố tài liệu mật WikiLeaks, lập trình viên Julian Assange bị cảnh sát Anh bắt vào đầu tháng 4/2019 và đang đối mặt với yêu cầu dẫn độ từ Hoa Kỳ cùng hàng chục tội danh theo Đạo luật Gián điệp của Mỹ.
* * *

Theo các luật sư và cộng sự của người đã đưa hàng loạt scandal tầm quốc tế ra trước ánh sáng, Assange đang bị giam giữ trong tình trạng sức khỏe suy sụp và có dấu hiệu bị tra tấn tâm lý. Số phận của nhà sáng lập WikiLeaks đang là tâm điểm của những cuộc tranh luận lớn trong giới truyền thông. Rất nhiều nhà báo coi việc Julian Assange bị truy đuổi và bắt giữ là sự xâm phạm thô bạo đến tự do báo chí, trong khi nhiều người khác phủ nhận tư cách nhà báo của ông.

Nhưng dù các luồng quan điểm có trái ngược đến đâu, thì có sự thật không thể phủ nhận là Julian Assange đã có những tác động có tính đột phá tới báo chí, đặc biệt là báo chí điều tra trên khắp thế giới.

“Báo chí khoa học”

Julian Assange không được đào tạo về báo chí, nhưng ông hiểu biết và thành thạo về phương tiện quan trọng nhất của báo chí trong thời đại mới: công nghệ thông tin và mạng Internet. Với việc sáng lập ra trang web công bố tài liệu mật WikiLeaks vào năm 2006, Julian Assange khởi xướng một thể loại báo chí mới mà ông gọi là “báo chí khoa học”. Trong “báo chí khoa học”, các sản phẩm báo chí được xuất bản kèm theo toàn bộ nguồn tài liệu ban đầu, cho phép người đọc có thể trực tiếp xác minh các thông tin trong bài báo và tự đánh giá về độ công bằng, khách quan của người viết.

Trong một bài phóng vấn với tạp chí The New Yorker năm 2010, Julian Assange bày tỏ rằng ông muốn đưa ra những tiêu chuẩn mới về báo chí. “Nếu bạn xuất bản một bài báo về ADN, các tạp chí chuyên sâu về sinh học sẽ yêu cầu bạn phải cung cấp dữ liệu nền tảng để người đọc có thể kiểm tra và xác minh. Đây là điều cần được áp dụng trong báo chí”, Assange phát biểu. Ông cho rằng đang có sự mất cân bằng về quyền lực giữa người làm báo và người đọc, bởi người đọc không có nhiều cách thực để xác minh những gì họ đọc được. Đồng quan điểm với Assange, Giáo sư Lisa Lynch thuộc Đại học Concordia đề xuất rằng trong báo chí khoa học, “nhà báo đóng vai trò trung gian đưa những phân tích đến với công chúng, nhưng họ cũng phải cung cấp cho công chúng dữ liệu để có thể đưa ra những phân tích của riêng mình”. “Báo chí khoa học” trở nên khả thi nhờ những tiến bộ của công nghệ thông tin đã làm cho việc xuất bản và chia sẻ một lượng lớn dữ liệu trở nên đơn giản và dễ dàng, không còn bị giới hạn bởi thời lượng hoặc số trang báo.

Những đột phá trong báo chí điều tra

Dù “báo chí khoa học” còn là khái niệm sơ khởi và gây tranh cãi, nhưng những công cụ của nó đang mang đến thay đổi lớn lao cho báo chí, đặc biệt là loại hình báo chí điều tra.

Sử dụng công nghệ mã hóa và các công cụ chia sẻ dữ liệu ảo (drop box), trang WikiLeaks của Julian Assange đã tạo ra một mô hình mới có tính đột phá trong báo chí nhằm thu hút các nguồn thông tin mật, khó tiếp cận. Nhiều nội dung quan trọng đã được phơi bày như các bí mật quân sự của Mỹ, hay các tài khoản ở ngân hàng nước ngoài của các đại gia trốn thuế. Việc nhà sáng lập Julian Assange bị bắt giam và yêu cầu dẫn độ sang Mỹ có thể báo hiệu sự sụp đổ của WikiLeaks tuy nhiên, những di sản mà nó để lại sẽ còn tồn tại lâu dài trong làng báo chí thế giới. C

Là một chuyên gia về công nghệ mã hóa và kỹ nghệ bẻ khóa, Julian Assange đã áp dụng tài năng của mình vào việc tìm kiếm, phơi bày những bí mật mà chính giới muốn giấu kín.

Với sự ra đời của WikiLeaks năm 2006, Assange xây dựng một nền tảng trực tuyến cho phép người sử dụng chia sẻ thông tin số hóa theo phương thức nặc danh và được mã hóa. Các nguồn tin mật từ lâu đã luôn đóng một vai trò quan trọng trong báo chí. Nhưng trước Assange, chưa từng có ai tạo ra một công cụ chia sẻ thông tin thuận lợi, dễ sử dụng và hoàn toàn bí mật để gửi đi và tiếp nhận những khối lượng văn bản khổng lồ nhiều gigabyte.

Và Julian Assange đã khởi xướng ra công cụ này vào một thời điểm chín muồi, khi thế giới bước vào thời đại kết nối và mạng xã hội bắt đầu nổi lên. Đối với nhà sáng lập WikiLeaks, đây là cơ hội để dân chủ hóa những quyền lực mà trước đây chỉ thuộc về nhà nước. “Công nghệ mã hóa từng là tài sản riêng của nhà nước”, ông viết năm 2013. “Bằng cách xây dựng phần mềm của riêng mình và phổ biến nó, chúng tôi đã giải phóng cho công nghệ mã hóa, dân chủ hóa nó và đưa nó lên tuyến đầu của thời đại Internet”.

Thông tin đầu tiên được WikiLeaks phơi bày vào tháng 12/2006 về một nghi vấn ám sát trong chính giới Somalia. Thông tin này chưa được kiểm chứng, nhưng nhanh chóng giúp cho WikiLeaks thu hút được dư luận.

Trong năm tiếp đó, WikiLeaks tiếp nhận nhiều tài liệu mật phơi bày hành vi tham nhũng của cựu Tổng thống Kenya, những quy định bí mật tại nhà tù Guantanamo của Mỹ ở Cuba, và hồ sơ tài khoản nhiều cá nhân nước ngoài gửi tại một ngân hàng Thụy Sỹ.

Trang mạng này liên tục đi trước các cơ quan báo chí chính thống trong việc tiết lộ nhiều vụ việc nghiêm trọng, từ các cuộc đàm phán bí mật về chống biến đổi khí hậu cho đến các hoạt động hạt nhân của Iran và vụ lừa đảo tại ngân hàng Iceland.

Năm 2010, một chuyên viên phân tích tình báo của quân đội Hoa Kỳ có tên Brad Manning đã bí mật chia sẻ hàng trăm nghìn tài liệu mật cho WikiLeaks. Những tài liệu này phơi bày bày chứng về những vụ việc có thể coi là tội ác chiến tranh mà các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ tiến hành tại Iraq và Afghanistan, trong đó có đoạn video chưa từng được công bố về vụ máy bay trực thăng của quân đội Mỹ tấn công làm thiệt mạng 18 người, trong đó có nhiều dân thường và hai phóng viên của hãng thông tấn Reuters. Đây là những tài liệu khó có thể phơi bày theo những phương cách cũ kỹ của thời kỳ phóng viên nhận tin qua máy fax và máy in. Với việc công bố những tài liệu này, WikiLeaks nhanh chóng làm nên tên tuổi trong làng truyền thông thế giới.

Cơn chấn động làng báo toàn cầu ảnh 2

Với sự phối hợp của các tờ báo chính thống hàng đầu như New York Times, Guardian và Der Spiegel, Julian Assange phân loại và chắt lọc được những thông tin quan trọng từ tài liệu của Brad Manning. WikiLeaks được trao tặng nhiều giải thưởng và nhà sáng lập Julian Assange được vinh dự xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Time.

Nhưng khi lên tới đỉnh cao, Julian Assange và WikiLeaks phải đối mặt với vô vàn thách thức. Có những nỗ lực chính trị không nhỏ nhằm chống lai tổ chức này. Các hãng thẻ tín dụng và thanh toán trực tuyến bị gây sức ép ngừng cung cấp dịch vụ nhằm chặn nguồn tài trợ của WikiLeaks. Những bất đồng về cách thức biên tập cũng phát sinh giữa Julian Assange và các nguồn tin. Assange kiên quyết giữ quan điểm rằng các tài liệu rò rỉ phải được công bố nguyên trạng, không qua biên tập dù nó có thể gây ra những hậu quả tiêu cực.

Nhưng cho đến năm 2012, nhiều cá nhân và tổ chức hoạt động trong giới truyền thông cũng đã áp dụng mô hình của Assange để xây dựng các công cụ nặc danh, mã hóa tạo điều kiện cho các nguồn tin cung cấp tài liệu mật.

Trong năm 2013, Quỹ Báo chí Tự do, một trong những tổ chức đã trợ giúp WikiLeaks trong vấn đề tài chính, đã phát triển một công cụ chia sẻ drop box nặc danh có tên SecureDrop mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng. Tờ báo New Yorker, một trong những cơ quan báo chí hàng đầu đã sử dụng công cụ này, nói về giá trị bảo mật của nó: “Ngay cả chúng tôi cũng sẽ không thể biết những tài liệu chúng tôi nhận được được gửi đi từ đâu. Nếu có bất cứ ai tra hỏi, chúng tôi cũng không thể trả lời”.

Nhờ tính ưu việt của mình, SecureDrop đã trở thành công cụ đắc lực của Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế. Gần đây, liên đoàn đã tiếp nhập được hàng triệu hồ sơ tài chính về các vụ việc trốn thuế và rửa tiền tại các trung tâm tài chính ngân hàng quốc tế, nổi bật nhất là “Hồ sơ Panama” và “Hồ sơ Thiên đường”.

Nhà báo hay tội đồ?

Khi công bố 18 tội danh mà Julian Assange phải đối mặt, các công tố viên liên bang Mỹ lập luận rằng người sáng lập WikiLeaks không phải nhà báo, do vậy không được hưởng quyền miễn trừ theo Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ. Nhiều nhà báo hàng đầu của Mỹ đồng tình với quan điểm này. Nhiều bài xã luận xuất hiện trên báo lớn nhằm lập luận rằng Julian Assange không đủ tư cách nhà báo.

Tuy nhiên, họ đang đứng trước một tình huống khó xử: Hầu như mọi nhà báo đều công nhận rằng Daniel Ellsberg là một anh hùng.

Daniel Ellsberg, một cựu nhân viên của tập đoàn RAND có quan hệ mật thiết với lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, đã “đánh cắp” nhiều bí mật của chính phủ từ tập đoàn này và cung cấp cho các tờ báo lớn. Ngày nay, những tài liệu này được biết đến dưới cái tên “Hồ sơ Lầu Năm Góc” - tài liệu gây chấn động dư luận và mở đầu cho việc Hoa Kỳ chấp nhận thất bại và rút khỏi Việt Nam. Những tài liệu này cho thấy cựu Tổng thống Lyndon Johnson đã lừa dối công chúng và Quốc hội về sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam. Việc tài liệu được công bố đã làm mất thể diện cả chính quyền Johnson lẫn quân đội Hoa Kỳ, đặt dấu chấm hết và phủ nhận các lý do biện minh cho sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam. Tại thời điểm bị rò rì, đây là tài liệu mật.

Ellsberg sau đó bị truy tố vì tội ăn cắp và gián điệp, nhưng tòa án Mỹ đã bác vụ kiện này.

Cơn chấn động làng báo toàn cầu ảnh 3

Uy tín của Ellsberg trong giới truyền thông đồng nghĩa với việc các nhà báo muốn phủ nhận vai trò của Julian Assange trong hoạt động báo chí phải chứng minh được rằng Ellsberg và Assange là hai trường hợp khác biệt.

Tuy nhiên, bản thân Ellsberg không công nhận sự khác biệt này. Trong bài trả lời phỏng vấn sau khi Julian Assange bị bắt, Ellsberg lên án vụ bắt giữ này và tuyên bố rằng những hành động của Assange hoàn toàn tương đồng với những gì ông đã làm.

Sự khác biệt duy nhất là cách thức chia sẻ thông tin ngày nay đã khác nhiều so với năm 1971, khi Ellsberg phơi bày “Hồ sơ Lầu Năm Góc”. Một sự khác biệt chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật.

Giống như rất nhiều nhà báo trên thế giới, Ellsberg tin rằng tương lai mà Julian Assange đang đối mặt cũng chính là tương lai của tự do báo chí.

“Nếu đây là một tội ác, thì cả nền báo chí cũng chính là một tội ác”, Ellsberg tuyên bố.

TIN LIÊN QUAN
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.