Công nhân ở Bình Dương: Kham khổ, kham khổ thêm nữa

Công nhân ở Bình Dương: Kham khổ, kham khổ thêm nữa

Chỉ cách trung tâm thành phố Bình Dương chục cây số, là vùng tối, bạn muốn hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng đều được. Tỉnh lộ thưa thớt xe cộ, hai bên đường những khoảng đen thẫm kéo dài có khi hàng kilomet, có khi là một vạt rừng cây công nghiệp, cũng có khi là một nhà máy im lìm.
_____________________________________________

- Đến rồi anh ạ - Người chạy xe ôm đột ngột dừng lại trước một ngôi chùa.

Đó là tịnh xá Ngọc Thuận, và khu xóm trọ Thuận Giao xung quanh quần tụ tới hàng vạn công nhân. Ngoài những ánh đèn neon yếu ớt hắt ra từ những ô cửa khép hờ, bao trùm quanh tôi là bóng tối.

Công nhân ở Bình Dương: Kham khổ, kham khổ thêm nữa ảnh 1

Phụng chạy xe máy ra đón tôi vào nhà. Tôi gặp anh tình cờ, khi đặt xe ôm công nghệ từ sân bay Tân Sơn Nhất vào nội thành Tp.Hồ Chí Minh. Hóa ra Phụng là công nhân thất nghiệp từ tháng 7, chuyển sang chạy xe ôm ở Bình Dương. Hôm đó anh đưa khách từ Bình Dương ra sân bay, rồi sẵn tiện đợi đón thêm khách. Anh vẫn thường chạy xe như thế, sáng rời Bình Dương, rồi chuyến này chồng lên chuyến khác, lần lần tới trung tâm Tp.Hồ Chí Minh. Hôm nào có người đặt xe về Bình Dương thì được về sớm, còn không thì cứ chạy lòng vòng tới nửa khuya mới về nhà.

Nhà của Phụng là một căn phòng trọ thuê ở khu xóm trọ Thuận Giao đã 10 năm. Giá thuê 700 nghìn, thêm tiền điện nước và các khoản đóng góp như tiền đổ rác, tiền an ninh… tổng cộng lên 1,1 triệu mỗi tháng. Từ Sóc Trăng tới Bình Dương, Phụng làm cho công ty giày Hoàn Mỹ trong 10 năm, cho tới khi tự xin nghỉ vì công việc bị cắt giảm thấp đến mức lương không đủ sống. Chạy xe ôm công nghệ 12 tiếng mỗi ngày, Phụng kiếm được khoảng 7-8 triệu sau khi đã trừ xăng, ăn uống. Vợ anh cũng làm công nhân, hiện lương chỉ còn khoảng 7 triệu/ tháng. Hai vợ chồng mới có một bé gái Thanh Trúc, lên 5, đang gửi mẫu giáo. Tổng thu nhập khoảng 13-14 triệu, chi tiêu tùng tiệm thì cũng tạm đủ, mỗi tháng còn gửi về cho ông bà nội ở quê 2 triệu để đỡ đần.

Công nhân ở Bình Dương: Kham khổ, kham khổ thêm nữa ảnh 2

- Vậy có tiết kiệm được đồng nào không?

- Cũng có anh ạ, chút chút phòng khi có việc chứ chẳng có mục tiêu to tát gì. Nhưng tháng nào cũng lại có việc phát sinh phải tốn tiền. Đây, tuần trước con bé nhà em phải đi viện, lại tốn một mớ. Cháu bị hen mạn tính.

Phụng lấy quyển sổ y bạ ra, kẹp dày những đơn thuốc bác sĩ kê và hóa đơn, những tiền là tiền. Mặc dù rất muốn có thêm con, nhưng vợ chồng Phụng chưa dám “thả” trong bối cảnh này, khi mà bất cứ lúc nào người vợ cũng có thể thất nghiệp, còn những cuốc xe ôm của người chồng thì ngày càng thưa thớt đi.

Công nhân ở Bình Dương: Kham khổ, kham khổ thêm nữa ảnh 3

Tôi đặt 3 chuyến xe ôm công nghệ ở Bình Dương, thì cả 3 người đều là những công nhân mới mất việc làm. Nguyễn Nguyên Cương sinh năm 1990, làm công nhân công ty dệt may Vina 5 trong suốt 9 năm, mất việc hồi tháng 5. Ngần ấy năm làm việc cần mẫn, mức lương cao nhất là 8 triệu/ tháng, tằn tiện trả xong món nợ đầu tư hồi còn làm nông ở An Giang, và mua một chiếc xe máy. Với chiếc xe ấy, giờ anh chạy xe ôm nuôi thân, và nuôi mẹ, trong một căn phòng trọ 9m vuông.

Mẹ Cương, bà Nguyễn Thị Bé, để lại 2 công đất ở quê cho người khác mướn được 6 triệu/ năm, theo con lên Bình Dương kiếm kế sinh nhai. Ban đầu bà xin được chân tạp vụ ở trường tiểu học gần chỗ thuê trọ, lương 4 triệu/ tháng. Nhưng chứng giãn tĩnh mạch khiến bà phải nghỉ ở nhà, giờ thì “không làm được gì, lại còn tốn tiền thuốc” – bà Bé nói, lén nhìn con trai xót xa. Cương 33 tuổi, vẫn độc thân.

Công nhân ở Bình Dương: Kham khổ, kham khổ thêm nữa ảnh 4

Huỳnh Văn Tâm sinh năm 1996, từ Đắc Lắc xuống Bình Dương làm cho công ty Saigon Etech. Năm 2021, anh trải qua “thời gian đẹp nhất trong suốt những năm tháng làm công nhân”, khi công ty anh có đơn hàng tham gia hoàn thiện sản phẩm Iphone 13 cho hãng Apple. Cùng với hàng nghìn công nhân khác, Tâm được bố trí ăn ở ngay tại nhà máy, gấp rút hoàn thiện đơn hàng. Ngoài mức lương của công ty, những công nhân như anh được hãng Apple trả thêm 2 lần lương nữa, để đảm bảo đúng hạn hợp đồng.

- Lúc đó mỗi tháng em lĩnh tổng cộng hơn 30 triệu anh ạ - Tâm nắc nỏm kể - Em được làm như thế 3 tháng. Lĩnh hơn 90 triệu, gửi về quê cho ba giữ phần lớn, còn lại em mua chiếc xe máy này. Ai có ngờ, chỉ hơn nửa năm sau đó, nó sẽ trở thành cần câu cơm của em.

Tháng 3 năm 2022, Tâm bị cho nghỉ việc. Có rất nhiều công nhân nghỉ việc chọn con đường làm tài xế xe ôm công nghệ. Bình Dương chỉ có 2 triệu rưỡi dân, trong khi từ đầu năm đến nay có tới 28.000 lao động bị cho nghỉ việc không lương, 240.000 lao động bị giảm giờ làm. Chiết khấu của hãng xe ôm công nghệ bây giờ lên tới 30%, trừ xăng xe và ăn uống, tài xế nào cũng phải chạy từ sáng tới đêm mới đủ sống. Tâm đăng ký gói “combo 3”, tức là vừa chở người, vừa chuyển hàng, vừa giao hàng siêu tốc. Cuộc đua mưu sinh của anh bây giờ, nghiệt ngã thay, lại trở nên cam go với chính những người đồng cảnh thất nghiệp từ nhà máy ra như mình.

Công nhân ở Bình Dương: Kham khổ, kham khổ thêm nữa ảnh 5
Công nhân ở Bình Dương: Kham khổ, kham khổ thêm nữa ảnh 6

Những nhà máy buộc phải cắt giảm và sa thải hàng vạn công nhân, nhưng thị trường lao động lại săn đón họ như những lao động giá rẻ.

Phụng chở tôi đến xóm trọ khác ở khu dân cư Thuận Giao, nơi mà anh nói rằng “còn khổ hơn tụi em nhiều”. Ngoằn nghoèo ngõ ngách hồi lâu mới tới, xóm trọ hun hút sâu và tối. Vài đứa trẻ đứng lơ ngơ đầu ngõ, rúc rích nô đùa dưới ánh đèn đường vàng vọt.

Mỹ Nhân, chị họ của Phụng, vừa tan ca về. Gương mặt phờ phạc và có vẻ bất cần, chị mời chúng tôi vào nhà, rót nước, rồi vừa tiếp chuyện vừa kê chiếc bàn gia công ra thoăn thoắt làm. 38 tuổi, chị Mỹ Nhân đã có 10 năm làm công nhân ở công ty giày Samin. Đó là một trong số ít công ty vẫn có đơn hàng, duy trì mức thu nhập của công nhân không quá thấp. Từ mức lương 8 triệu năm ngoái, giờ chị Nhân lĩnh khoảng 7 triệu/ tháng. “Và vẫn được tăng ca” – chị mỉm cười.

Đã ly dị nhưng chồng bỏ đi biệt tích không ngó ngàng con cái, may có ông bà nội 2 đứa nhỏ ở Tp.Hồ Chí Minh đỡ đần cho ăn học, chị Nhân chỉ phải lo quần áo, sách vở và học phí cho các con. Một đứa lớp 10, đứa lớp 5. Dĩ nhiên con học ở Tp.Hồ Chí Minh thì chi phí không nhỏ, chị Nhân phải nhận việc làm thêm ở nhà. Chị nhận đóng gói những chùm lưỡi câu cá, xuất đi Nhật. Mỗi chiếc thành phẩm, Mỹ Nhân được trả 550 đồng, làm nhanh thì một tối được 200 chiếc. Không thể nhanh hơn, cũng không thể nhiều hơn, còn phải nghỉ lấy sức mai lại vào nhà máy.

Công nhân ở Bình Dương: Kham khổ, kham khổ thêm nữa ảnh 7

- Em nổi tiếng là tiết kiệm đó anh – chị Mỹ Nhân cười khi thấy tôi nhìn về góc bếp lạnh tanh – Em gần như cả tháng không nấu ăn, ăn trong nhà máy rồi thì thôi. Bữa nào đói lắm thì úp gói mỳ, hoặc uống hộp sữa.

Đôi tay Mỹ Nhân thoăn thoắt, mắt chị chăm chăm nhìn vào những chùm lưỡi câu, mà cũng như chẳng nhìn vào thứ gì.

Mức thu nhập gia công như chị Nhân là cao nhất xóm. Cả xóm trọ này, mỗi nhà đều nhận một việc gia công gì đó, công xá bèo bọt.

Đối diện phòng chị Mỹ Nhân, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh ngồi ngay cửa buồng, dùng cái đèn sạc rọi quầng sáng nhỏ, cắm cúi cắt chỉ những chiếc rọ mõm chó mèo bằng vải. 100 chiếc, chị được trả 15 nghìn đồng, tức là tính công theo đơn vị thì 150 đồng/ chiếc. Làm từ chập tối tới nửa đêm, may ra được 200 cái. Hai vợ chồng chị đến từ An Giang, thuê căn buồng vài mét vuông và đã ở đó gần 10 năm rồi. Họ có hai cháu, 7 và 5 tuổi. Lúc tôi trò chuyện với chị Oanh, anh chồng dẫn hai đứa nhỏ ra đầu đường hóng mát. Căn buồng bí bức, hơi người phả ra như một thực thể buồn rầu ngồi đâu đó bên trong thở dài.

Công nhân ở Bình Dương: Kham khổ, kham khổ thêm nữa ảnh 8

Chị Kiều Oanh là công nhân thất nghiệp, hiện sống bằng việc nhận gia công hoàn thiện sản phẩm tại nhà. Mỗi tháng chị kiếm được khoảng 2 triệu đồng (hoặc ít hơn) từ công việc này.

- Ở quê cũng chẳng có nhà anh ạ.

- Sao lại không có nhà hả chị?

- Nghèo mà. Ở quê cũng nghèo, có tiền mà mua nhà đâu.

Làn sóng sa thải của các công ty ở Bình Dương khiến hai vợ chồng chị Oanh chỉ còn một nửa suất lao động. Người chồng, bây giờ tuần đi làm nửa thời gian, và nhận không tới nửa mức lương cũ, là hơn 3 triệu. Cái gọi là "tổng thu nhập", gồm khoản lương còm của anh chồng và thù lao gia công đủ thứ trên đời của chị vợ, được hơn 4 triệu/ tháng, chi cho tiền nhà, điện nước, thực phẩm, tiền học của đứa lớn (đứa nhỏ ở nhà mẹ trông chứ tiền đâu gửi mẫu giáo). Co kéo cỡ nào cũng thiếu. Cho nên là, tối tối chị Oanh cắm mặt vào cắt chỉ những chiếc rọ mõm chó mèo, bằng ánh sáng đèn sạc, không dám bật dù chỉ là chiếc quạt nhỏ.

Ở buồng bên cạnh, hai vợ chồng anh Tấn chị Tuyết gia công một phân khúc khác của dây-chuyền-gia-công-xóm-trọ, đó là buộc những chiếc vòng cổ chó mèo thành từng bó. Mười chiếc là một bó, trăm bó là nghìn chiếc, tiền công 60.000 đồng.

Công nhân ở Bình Dương: Kham khổ, kham khổ thêm nữa ảnh 9

Những mối gia công ấy do bà chủ nhà trọ nhận rồi giao lại. Những xưởng gia công ở đâu không biết, nhưng tất nhiên họ phải túm lấy một đầu nậu chứ không thể giao lẻ tẻ tới từng nhân công. Từ những xóm trọ đang nhan nhản lao động thất nghiệp, hàng vạn cái rọ mõm, hàng vạn chiếc vòng cổ, lưỡi câu, thú bông, móc chìa khóa… được gia công, hoàn thiện với mức thù lao rẻ mạt trước khi tung ra thị trường. Đó là quy luật điều tiết của thị trường hay sự lạm dụng? Người công nhân không nghĩ quá nhiều về câu hỏi ấy, họ chỉ biết làm, thù lao thấp thì cố mà làm nhiều hơn, vì đó là mưu sinh, vì họ cần phải nuôi sống bản thân và gia đình.

Công nhân ở Bình Dương: Kham khổ, kham khổ thêm nữa ảnh 10

Theo điều tra mới nhất của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, 42% người lao động không có nhà; 54% không có đất ở; 59% không có tích lũy; 11,7% có tích lũy nhưng chỉ duy trì dưới 1 tháng, 16,7% có tích lũy, duy trì từ 1-3 tháng; 12,7% có tích lũy, có thể "cầm cự" trên 3 tháng. Ngoài ra, 38% công nhân đang nợ nần, trong số này có 14% rất khó khăn để trả nợ đúng hạn.

Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ từ 44 Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện có 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42.000 lao động bị mất việc, tương đương 100.000 người bị ảnh hưởng. Trong số đó có 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi; 10.000 lao động nữ nuôi con nhỏ, đang mang bầu.

Đối chiếu thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn, thì riêng Bình Dương đã chịu ½ hậu quả. Tỉnh Bình Dương công bố thống kê chưa đầy đủ, khoảng 28.000 lao động phải tạm ngưng hợp đồng, 240.000 người lao động bị giảm giờ làm từ đầu năm đến cuối tháng 10/2022 trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương nói: "Đây là đợt lao động bị ngừng việc lớn nhất từ trước tới nay ở Bình Dương, thống kê còn ghi nhận khoảng 80.000 lao động đến cơ quan bảo hiểm xã hội làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp".

Những ngày đầu tháng 12 này, dòng công nhân đổ về các bến tàu xe ở Bình Dương để về quê. Các công ty, nhà máy đã sa thải hàng loạt nhân công từ cuối tháng 11 để tránh gánh nặng lương thưởng cuối năm. Từ đầu năm, khi các đơn hàng thưa thớt dần, phần lớn công nhân đã không còn được gia hạn hợp đồng mà chuyển sang lao động thời vụ. Bởi thế, mất việc lúc này, nghĩa là họ ra về tay trắng, không tháng lương thứ 13, không thưởng Tết, cũng có thể là không tích lũy gì sau 2 năm dịch Covid hoành hành.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, 8.000 phần quà Tết sẽ được trao cho người lao động tại 11 tỉnh, thành trải dài từ Bắc tới Nam: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nghệ An, Khánh Hoà, Đắk Lắk, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang. Mỗi phần quà trị giá 700.000 đồng bao gồm 300.000 đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm ngày Tết với tổng trị giá quà tặng là 5,6 tỉ đồng. Có quà thì tốt rồi, cũng ấm lòng hơn. Nhưng so với 25 triệu người lao động hưởng lương, trong đó khoảng 16 triệu công nhân, thì 8.000 phần quà ấy ai được nhận cũng may mắn gần như trúng sổ xố.

Công nhân ở Bình Dương: Kham khổ, kham khổ thêm nữa ảnh 11

Bài và ảnh: Gia Hiền

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.