U70 sợ gì không dấn thân!

U70 sợ gì không dấn thân!

U70 sợ gì không dấn thân! ảnh 1
U70 sợ gì không dấn thân! ảnh 2

Ông Hùng đam mê xe phân khối lớn từ khi còn là cậu bé 17 tuổi. Năm 1977, bộ phim “Mối tình đầu” của cố đạo diễn Hải Ninh lần đầu ra mắt công chúng Việt Nam. Hình ảnh Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh cùng các diễn viên khác cưỡi Honda làm ông Hùng mê mẩn.

Vài năm sau, giấc mơ sở hữu một chiếc Honda 67 của ông thành hiện thực. Trải qua hàng chục năm sống với đam mê, độ lớn phân khối của những chiếc xe ông sở hữu cứ tăng dần theo năm tháng: từ 250, 300, 400, 750, 1000 rồi 1300, cuối cùng là 1800 phân khối - chính là “đứa con cưng” Honda Gold Wing mà hiện tại ông đang sở hữu.

U70 sợ gì không dấn thân! ảnh 3

Ở tuổi U70 như ông Hùng, có sức khỏe và tinh thần dẻo dai để vững tay điều khiển một chiếc xe “khủng” như Gold Wing là không nhiều. Là một trong những thành viên lâu năm của CLB đam mê mô tô thể thao ở Hà Nội, theo ông Hùng, phần lớn số người mê mô tô từ tuổi 50, 55 trở đi phải chuyển xuống những loại xe có phân khối nhỏ hơn để phù hợp với điều kiện sức khoẻ.

“Câu lạc bộ Mô tô Thể thao Hà Nội của tôi có hàng trăm người, nhưng ở tầm U70 chỉ có tôi là vẫn lái Honda Gold Wing” - ông Hùng cười.

Khi đã ngoài 60 tuổi, chơi xe phân khối lớn lại là cách thư giãn đặc biệt  giúp ông Hùng tìm thấy sự thoải mái, thảnh thơi sau những ngày làm việc mệt mỏi.

U70 sợ gì không dấn thân! ảnh 4

Ngồi lên đứa con cưng Gold Wing và phóng qua những cung đường Mộc Châu, Sơn La cùng bạn bè, ông bảo, cảm giác như mọi bí bách, ức chế trong người đều được giải toả.

"Niềm đam mê của tôi với xe phân khối lớn khó diễn đạt lắm. Nếu chỉ đơn thuần là thích thì hôm nay mình thích xe này, mai mình thích xe khác, thậm chí ngày kia mình có thể không thích xe phân khối lớn nữa. Nhưng đã là đam mê thì kể cả không có xe, mình vẫn cứ tìm hiểu, rồi cố gắng để một ngày sở hữu chiếc xe mình ao ước. Đam mê cứ thế, theo mình cả đời!” – ông Hùng chia sẻ.

Dạy cho người ta khoẻ, người ta biết tự vệ là chưa đủ. Là một võ sư, tôi đặt việc dạy cho người học cách đối nhân xử thế và đạo lý làm người lên hàng đầu. Phải giúp môn sinh học được cách ứng xử phù hợp với những tình huống khác nhau trong cuộc sống, giúp họ hiểu thế nào là tình thầy trò, tình bạn bè, tình đồng nghiệp, tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.”

Đặng Mạnh Hùng

Hỏi ông, U70 rồi lái xe phân khối lớn sợ nhất điều gì, có sợ tay run mắt mờ không? Ông Hùng sảng khoái: “Sợ nhất là... đi chậm!” Bởi đi với tốc độ chậm trên những chiếc xe to lớn như Gold Wing (nặng tới 415 kg), giữ thăng bằng là điều rất khó. Chưa kể như lúc tắc đường, hay lên dốc, xuống dốc, đổ đèo, nếu người điều khiển không kiểm soát được tay lái, họ có thể bị chính chiếc xe của mình đổ đè lên người. Để làm chủ được những chiếc phân khối lớn, ngoài sức khoẻ, người lái cần phải có cả kỹ thuật tốt và sự sự từng trải. Nếu không đáp ứng đủ những yêu cầu trên, họ có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông.

“Kinh nghiệm phải được đúc kết dần qua thời gian, và qua việc điều khiển những ‘con xe’ khác nhau, tôi phải rèn luyện sức khoẻ hàng ngày. Vận dụng kinh nghiệm đúc rút từ mấy chục năm chơi xe, mới làm chủ được một trong những con phân khối lớn nhất trong dòng xe 2 bánh như Gold Wing!” – ông Hùng nói thêm.

U70 sợ gì không dấn thân! ảnh 5

Bên cạnh việc bầu bạn với những chiếc PKL, ông Hùng còn có niềm đam mê rất lớn với võ thuật. Là Giám đốc Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm Intimex Quang Minh, luôn phải đảm nhiệm một khối công việc lớn, nhưng ông luôn ưu tiên dành 2 tiếng buổi chiều các ngày thứ 2 và thứ 5 để dạy võ tại khu Chung cư Ngoại giao đoàn, đường Võ Chí Công. Những cậu học sinh lớp 6, lớp 7 đến các ông bà U60, U70 - tất cả đều là học sinh của võ sư Đặng Mạnh Hùng. Điều đặc biệt là ông dạy võ không thu bất cứ khoản phí nào của học viên, ông Hùng coi đây vừa là hoạt động tập luyện sức khỏe cho bản thân, vừa là “làm phúc” giúp cộng đồng.

Môn võ ông Mạnh Hùng dạy có cái tên khá độc đáo: Dưỡng Sinh Nhu Quyền. Giải thích về tên gọi này, ông nói dưỡng sinh là để rèn luyện sức khoẻ, còn nhu quyền là những kỹ năng võ thuật để người tập tự bảo vệ bản thân. Các môn sinh từ “đầu xanh tuổi trẻ” đến các học viên thanh niên, trung niên, người cao tuổi, ai cũng cần sức khoẻ và khả năng tự vệ. Nói đến đây, ông Hùng trầm ngâm: “Dạy cho người ta khoẻ, người ta biết tự vệ là chưa đủ. Là một võ sư, tôi đặt việc dạy cho người học cách đối nhân xử thế và đạo lý làm người lên hàng đầu. Phải giúp môn sinh học được cách ứng xử phù hợp với những tình huống khác nhau trong cuộc sống, giúp họ hiểu thế nào là tình thầy trò, tình bạn bè, tình đồng nghiệp, tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.”

U70 sợ gì không dấn thân! ảnh 6

Ông Hùng quan niệm, học võ theo kiểu đóng tiền để học trong một thời gian nhất định, rồi muốn học tiếp thì phải “đầu tư” thêm, là một hình thức kinh doanh chứ không phải dạy võ. Đó có lẽ không phải một cách hay, để người thầy thu phục lòng tin và sự tôn trọng từ học sinh của mình.

Đã có rất nhiều người hỏi ông Hùng, dạy mà không lấy tiền thì mình thu được cái gì? Võ sư nhẹ nhàng giải đáp: “Chúng tôi ‘được’ sự kính trọng của mọi người. Khi được rèn luyện sức khoẻ, kỹ năng tự vệ đến học đạo lý, cách đối nhân xử thế mà lại không mất tiền thì ắt người ta sẽ kính trọng mình. Đó cũng là một cách để mình tích phúc, tích đức cho con cháu sau này.”

U70 sợ gì không dấn thân! ảnh 7

Gia nhập CLB Mô tô thể thao Hà Nội năm 1997, đến nay ông Hùng đã là Phó Chủ nhiệm CLB, kiêm Phó Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Hà Nội. Tham gia cả CLB lẫn Liên đoàn lấy đi của ông khá nhiều thời gian, nhưng người đàn ông U70 vẫn tận tuỵ hết mình để xây dựng một cộng đồng người chơi xe phân khối lớn lành mạnh, văn minh. “Người chơi xe không nên chơi để thoả mãn cái đam mê của mình để rồi phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm luật giao thông, gây nguy hiểm cho chính mình và người khác. Phải chơi một cách có tổ chức và chấp hành luật lệ giao thông. Đó chính là điều tôi muốn định hướng cho các thành viên,” ông Hùng chia sẻ.

Từ thiện là một hoạt động thường niên của CLB và Liên đoàn. Cứ đến mùa đông, các thành viên lại cùng nhau đi lên các vùng cao để xây những lớp học cắm bản. Các lớp học không quá lớn, chỉ tầm 50, 70 đến 100 mét vuông, nhưng đều được xây bằng tường gạch, sàn lát đá hoa, lợp mái tôn chống nóng đầy đủ. Phòng ngủ được thiết kế đủ rộng cho 2 đến 3 giáo viên sinh hoạt, bởi ở các lớp học cắm bản, vài tuần giáo viên mới về nhà một lần. Ngoài ra, anh em còn vận động quyên góp giày dép, quần áo cùng dụng cụ học tập cho các cháu học sinh.

“Cho dù quy mô nhỏ, nhưng năm nào chúng tôi cũng làm. Mình đã có điều kiện để chơi xe mô tô, thì mình nên san sẻ một chút cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” – ông Hùng nói.

U70 sợ gì không dấn thân! ảnh 8

Dưới cương vị là một võ sư, ông Hùng luôn mong muốn truyền bá học thuật của môn phái Dưỡng Sinh Nhu Quyền đến với nhiều người hơn. Sức khoẻ, khả năng tự vệ và cách đối nhân xử thế là những điều cần thiết mà ai cũng cần phải học tập thường xuyên, suốt đời. Ông tâm huyết: “Hiện tại, ngoài việc giảng dạy, một tuần tôi vẫn đi học võ 2 buổi, để tiếp thu những kiến thức và tinh hoa mới. Mình học được cái mới, mình lại mang về truyền dạy cho học sinh của mình!”

Chia sẻ về hoạt động nào cũng thấy khí chất và đam mê mạnh mẽ trong con người võ sư Hùng. Ông ít nói về mình, chủ yếu nói về các hoạt động mà mình tham gia, nhưng hoạt động nào cũng như dành cả tâm huyết vào đó.

Hỏi bí quyết làm sao để sống hết mình với tất cả đam mê, sở thích của mình, ông Hùng cười: “Nếu muốn sống vì người khác, anh phải chấp nhận hy sinh một phần lợi ích của bản thân mình vì lợi ích chung của xã hội. Người khác thấy mình cư xử như vậy, họ sẽ học theo. Xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều nếu ai cũng học cách hy sinh một phần của mình cho cộng đồng”.

U70 sợ gì không dấn thân! ảnh 9

Bài: Việt Khôi

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 5/11/2024. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công
(Ngày Nay) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu - chi ngân sách nhà nước, cơ cấu ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.