Chào quê lên phố

Chào quê lên phố

Chia tay những đường làng hun hút, ngõ xóm thân thuộc, những mảnh vườn sum suê bóng mát… không ít những người 60-70 tuổi buộc phải làm quen với cuộc sống mới mẻ ở thành thị - một cuộc sống đối lập hoàn toàn chốn cũ, xen lẫn nhiều mệt mỏi, phiền toái vì cái gì cũng lạ, cũng khác.
_________________
Chào quê lên phố ảnh 1

Khi lũ cháu vẫn nghịch như giặc dưới sảnh khu chung cư Central Field (Trung Kính, Hà Nội) thì ông Tiện lặng lẽ vào phòng ngủ. Ông quen ngủ sớm, ở quê cứ gà lên chuồng là ông tắt đèn đi ngủ. Ngày xưa đi làm đồng về mệt, ông còn ngủ sớm hơn, chỉ cần xong bữa, buông bát là ông đi ngủ. Ông Tiện chưa quen với cảnh 11-12 giờ đêm đèn đường sáng trưng, con cháu vẫn nô đùa chưa hết ngày… Con trai ông tối nào cũng bận vớ các bản vẽ thiết kế xây dựng, con dâu ông cho các cháu ông ăn, tắm cho chúng, rồi lại giặt giũ, phơi phóng, cuối ngày vẫn ngồi ôm cái máy tính đến khuya. Nếp sinh hoạt khác hẳn với vùng quê nghèo Văn Yên, Yên Bái mà ông đã gắn bó 67 năm qua.

Chào quê lên phố ảnh 2

Ngày vợ ông Tiện mất, con trai ông quyết định đón bố xuống Hà Nội nuôi dưỡng tuổi già. Mãi khi giỗ bà tròn 3 năm, ông mới quyết định về Thủ đô cùng con. Ngày mới hòa nhập cuộc sống mới, ông Tiện lạ lẫm từ cái hầm để xe đến sảnh chờ của cư dân. Tòa chung cư thật cao, toàn kính là kính. Bước chân xuống đến sảnh là đường phố đông đúc chỉ toàn ô tô, xe máy. Chủ nhật cả nhà rảnh rỗi, con cháu đưa ông đi chơi quanh khu chun g cư mới. Ông Tiện được mở mang tầm nhìn, có những thứ cả đời ông chẳng bao giờ tưởng tượng được. Ông được thằng cháu bấm thang máy cho xuống sảnh, chỉ vài giây đã từ tầng 22 xuống tầng 1. Cửa nhà cũng được khóa mã cẩn thận, phải bấm mật khẩu mới vào được nhà, trộm cắp còn lâu mới mò vào được, tài thật! Camera hoạt động 24/24, lắp từ sảnh tòa nhà lên sảnh các tầng...

Rồi khi cả nhà đi ngủ hết, ông Tiện trở mình thức dậy, lén lút ôm cái điếu cày vào phòng rít một hơi thật sâu cho đỡ nhớ quê. Ông nghiện thuốc lào từ thời thanh niên, càng nhớ quê, ông càng rít hơi dài. Khói thuốc lào mù mịt khắp phòng, màn đêm đang yên tĩnh bỗng ầm ĩ vì chuông báo cháy hoạt động. Con trai ông quáng quàng chạy ra, bịt “họng” báo cháy lại rồi càu nhàu, bắt ông đi ngủ sớm. Cả nhà được phen hú vía, khu chung cư được dịp mất ngủ, thấp thỏm vì không biết cháy ở đâu...

Chào quê lên phố ảnh 3

Đã hơn một lần ông Tiện phải nằm ngoài hành lang, ngồi chờ con cháu vài tiếng đồng hồ vì quên mật khẩu, không thể vào nhà. Hàng xóm xung quanh bặt không có ai ra ngoài sảnh, chẳng có người trò chuyện hỏi han như ở quê. Ông cũng không có điện thoại để nhắn con cháu cứu nguy. Tối ấy, cả con trai con dâu vừa thương vừa bực, mắng ông xa xả, chúng bảo ông ít đi thôi, cứ trong nhà xem tivi là được. Cứ muốn làm khổ mình làm gì?!

Khi ông Tiện đã dần quen với cuộc sống ở Thủ đô, cả nhà yên tâm vào guồng mới.  các cháu bận đi học, con trai con dâu bận đi làm. Cả ngày chỉ một mình ông Tiện vò võ trong nhà. Ông thỉnh thoảng có xuống sân chơi, nhưng toàn các bà đi trông cháu, thành ra ông rất ít bạn. Ngày trước, chợ quê ngay gần cổng nhà, ông muốn ăn gì cũng dễ, bánh nếp bánh ngô đầy chợ. Ông chỉ cần khóa cửa, đi bộ ra chợ, dạo một vòng cho thư thái rồi ghé vào một hàng bún, hàng bánh cuốn nào đó là no bụng. Giờ ông lúng túng ra mặt. Ông muốn ra khỏi nhà, xuống tầng một mua đồ ăn sẵn trong siêu thị cũng khó như lên giời. Nhiều khi ông quên mật khẩu vào nhà, chỉ cần đi ra ngoài sảnh, cửa đóng rầm lại là ông đứng ngoài cả ngày.

Nhiều lần ông Tiện ngỏ ý về quê, anh con trai kiên quyết từ chối vì muốn chăm sóc nuôi dưỡng bố tuổi già, con dâu thì bóng gió bố lại phật ý gì về con dâu... Ông Tiện đâm ra ngày càng khó tính, hay cáu giận vô cớ dù mâu thuẫn gia đình chẳng có gì gay gắt.

Với bà Tâm ở khu chung cư Invest Văn Phú, Hà Đông lại khác. Chào miền quê Thái Bình lên ở chung cư cùng con trai con dâu, có hai thứ mà bà không ưng nhất, đó là thang máy và điều hòa. Lần đầu đi thang máy lên tầng 13, bà Tâm có cảm giác như bị say xe, say sóng. Ấn tượng ban đầu khiến bà sợ thang máy. Nỗi sợ khiến nhiều khi các nút bấm bà phải học mấy lần mới nhớ được cách sử dụng. Những ngày đầu làm quen với chung cư, bà Tâm nhiều khi toát mồ hôi khi bước vào thang máy đưa cháu xuống sảnh chơi.

Chào quê lên phố ảnh 4

Điều hòa vốn là đồ gia dụng quen thuộc ở chung cư bà cũng rất ít dùng, trừ khi trời Hà Nội dồn dập cái nóng 40 độ. Bà Tâm quen mở cửa sổ, cửa phòng ngủ cả ngày, thậm chí cả đêm. Bà luôn muốn hít gió trời như hồi còn ở quê, cảm giác như gió từ đồng thổi vào, cảm giác ấy khiến bà dễ ngủ hơn. Sáng nào bà cũng dậy sớm tập thể dục, bà có hẳn một nhóm các bà hàng xóm thân thiết xung quanh, họ cùng cảnh xa quê lên phố, lúc nào ngồi sảnh chơi hay đi tập thể dục đều í ới gọi nhau. Bà Tâm cũng quen nếp sống cũ, ít đi siêu thị, chỉ mua đồ ở chợ cóc gần nhà...

Nhưng vì thương con thương cháu, những lạ lẫm ở thành thị bà Tâm đều cố gắng hòa nhập, thích nghi. Rất may, cuộc sống ở khu nhà ở xã hội không quá cao cấp hiện đại, những gia đình gần nhau cũng chung lối sống, nên bà Tâm dễ hòa nhập hơn ông Tiện. Nhưng không tránh khỏi, sau nhịp sống hối hả của con cháu, bà Tâm lại ngồi yên tĩnh, nhìn ra cánh cửa sổ, dõi theo hướng Thái Bình xa xôi, cồn cào nhớ quê. Bà bảo con cháu rất rõ, khi nào các cháu lớn, bà sẽ về quê. “Tôi già rồi, sống ở thành thị không hợp” – bà bảo.

Chào quê lên phố ảnh 5

Những bức tranh sống động như ông Tiện, bà Tâm nhan nhản khắp Hà Nội. Đó chỉ là hai trong rất nhiều cụ ông cụ bà phải thay đổi khi đã ở ngưỡng gần đất xa trời. Sự khác nhau giữa môi trường sống khiến các thế hệ như dần xa nhau hơn, các cụ già có xu hướng chê này chê nọ, thậm chí đòi về khi buộc phải chào quê lên phố, thích nghi với nhịp sống mới.

 Muốn các thế hệ hòa thuận phải hiểu bản chất của mâu thuẫn. Các cụ lớn tuổi thường sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi, hay hờn dỗi, đòi về, kêu ở đây không hợp... thực ra là để con cháu phải quan tâm, chú ý đến cụ. Các cụ rất giống trẻ con, hay dỗi để gây sự chú ý. Chứ nhiều gia đình căng thẳng, không chịu hiểu các cụ, bảo các cụ không thích chung cư thì về quê luôn đi có khi cụ lại rất buồn”

TS Đinh Đoàn

Nhưng theo TS Đinh Đoàn - chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình, mọi người cứ đổ lỗi cho môi trường sống khác nhau, nhưng đó là lối suy nghĩ sai hoàn toàn. “Khác đến mấy, lạ đến mấy các cụ cũng thích nghi được, bởi không có gì là không thể khi ông bà được vui vầy bên con cháu, sum họp gia đình. Muốn các thế hệ hòa thuận phải hiểu bản chất của mâu thuẫn. Các cụ lớn tuổi thường sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi, hay hờn dỗi, đòi về, kêu ở đây không hợp... thực ra là để con cháu phải quan tâm, chú ý đến cụ. Các cụ rất giống trẻ con, hay dỗi để gây sự chú ý. Chứ nhiều gia đình căng thẳng, không chịu hiểu các cụ, bảo các cụ không thích chung cư thì về quê luôn đi có khi cụ lại rất buồn” – TS Đinh Đoàn phân tích.

TS Đinh Đoàn giải thích thêm: “Các cụ nói vậy mà không phải vậy. Ông bà kêu chung cư khó ở, chả phải! Giống các cụ nằm viện cũng thế, hay đang trong viện dưỡng lão cũng thế, họ rất hay kêu nặng bệnh lên, kêu không dậy được, thực ra không có con cháu có khi cụ đi lại khắp phòng, nói cười nhoen nhoẻn… Mục đích là các con ở lại, cắt cử nhau ngồi bên cạnh bên cụ, cho cụ vui. Cái gốc của mọi vấn đề là ai cũng cần sự yêu thương, quan tâm đúng mực”.

Chào quê lên phố ảnh 6

“Các cụ chê này chê nọ hay càu nhàu sự khác nhau giữa hai môi trường sống chỉ là cái cớ thôi. Bởi được ở với con với cháu là một sự yên tâm, thậm chí là một sự kiêu hãnh với nhiều ông bà. Mỗi lần về quê giỗ chạp, ai hỏi ra phố sướng không, các cụ sẽ kêu “Ối giời ơi khác gì đi tù”, nhưng kỳ thực trong lòng rất sướng, bởi vì khổ nhất, nhục nhất là về già con cháu không để ý. Thế cho nên được con cháu đón ra ở cùng là trong lòng ông bà sướng lắm rồi. Con cháu đưa vào Sài Gòn hay Hà Nội chăm sóc đều sướng, ở chung cư hay tập thể cũng thích... Chỉ sợ khi các cụ khỏe, con cháu thấy các cụ bình thường là cuốn vào guồng công việc, bận đi làm, con dâu việc con dâu, con trai việc con trai, các cháu có việc học của các cháu... Đôi khi các cụ hay “gây sự” để con cháu chú ý, nếu hiểu được bản chất vấn đề thì các gia đình sẽ biết làm thế nào để ông bà hòa nhập với cuộc sống hiện đại, không phát sinh mâu thuẫn. Nàng dâu ở cơ quan chỉ cần thỉnh thoảng gọi điện, mẹ ơi cơm con đặt rồi, mẹ chỉ cần hâm nóng thức ăn thôi nhé...

Con trai dành cuối tuần cùng ông đi dạo dưới sảnh... Ở với con cháu thì lo gì không hợp, nếu các con biết ứng xử đúng mực, tất nhiên không chiều ông bà quá, nhưng cũng không bỏ rơi ông bà… Cuộc sống sống hiện đại đều có xu hướng ở chung cư, nhất là ở thành thị, ông bà sẽ thích ứng và hòa đồng với mọi môi trường sống nếu các con biết khéo léo quan tâm, để ý những gì đang còn làm ông bà ngại ngần, lo lắng” - TS Đinh Đoàn đưa lời khuyên.

Chào quê lên phố ảnh 7

Bài: Minh Lâm

Thiết kế: Thảo Nguyên

TIN LIÊN QUAN
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Australia (ABS) công bố cho thấy tỷ lệ sinh ở Australia hiện thấp gần như ở mức kỷ lục, cho dù nước này đã áp dụng chính sách “tiền thưởng sinh con” từ cách đây 20 năm (2004) để khuyến khích người dân sinh con nhằm khắc phục tình trạng già hóa dân số. Các chuyên gia cho rằng thực tế này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với lực lượng lao động, hệ thống y tế và bản sắc văn hóa của đất nước.
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả tại khu vực miền Nam châu Phi đang trở nên đáng báo động với các nước Zambia, Zimbabwe và Malawi trở thành tâm điểm của đợt bùng phát nguy hiểm nhất ở châu lục trong ít nhất một thập kỷ này, nhất là trong bối cảnh kho dự trữ vaccine phòng tả toàn cầu đã cạn kiệt.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài và Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà tham gia buổi giao lưu, tọa đàm.
70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 16/4, tại Hà Nội, Thư viện Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức giao lưu, tọa đàm với chủ đề “70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên”.
Ảnh minh hoạ.
Xác thực trên 96,4 triệu thông tin nhân khẩu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và dân cư
(Ngày Nay) - Thông tin về triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh BHXH Việt Nam cho biết, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu, đến nay, trên 96,4 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 87,7 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường của đồng bào dân tộc Mường (Nho Quan, Ninh Bình) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
(Ngày Nay) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà tại Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai 2023.
Nhiều hoạt động đặc sắc sẽ diễn ra tại Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai 2024
(Ngày Nay) - Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai 2024 bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao phong phú, đa dạng, như: Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống thi leo cột chinh phục tình yêu, đánh yến, trình diễn thổi khèn Mông, múa nhảy lửa, múa trống đồng; điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng...
Ảnh minh hoạ.
Thêm một cây xanh – thêm một hành động bảo vệ môi trường
(Ngày Nay) - Triển khai Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, năm 2024 Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giao cho các đơn vị chức năng phối hợp tổ chức trồng cây phục hồi hệ sinh thái rừng, rừng đầu nguồn, khu bảo tồn, rừng cây chắn sóng… với số lượng cây dự kiến trên 250.000 cây.