“Khi trẻ em được đến trường công lập, trường quốc tế mỗi ngày, được gặp bè bạn, được tham gia đầy đủ các hoạt động thể chất, tinh thần còn người già thì thui thủi, lẻ bóng, cô đơn và trầm cảm ngay trong chính ngôi nhà của mình…”
_________________________
Bà Nguyễn Thị Liên hơn 70 tuổi vào ở trung tâm chăm sóc người cao tuổi OriHome tại quận Hoàng Mai, Hà Nội được 3 năm. Bà Liên thích ở một mình để bày biện, sắp xếp đồ đạc và nuôi thú cưng cho đỡ buồn.
Thấy có khách, mắt bà Liên sáng lên rồi rối rít cất tiếng gọi, con ơi, mày đâu rồi, về đây, nhà có khách này. Đó là con mèo mướp lông vàng, béo múp. Từ lâu, bà Liên coi nó như con của mình.
Chồng bà Liên đã mất nhiều năm, hai con gái bà đều lấy chồng và sinh sống ở nước ngoài. Các con muốn bà đi cùng nhưng đắn đo mãi, bà quyết định ở lại vì sợ khi đi Tây không quên được mảnh đất chôn rau cắt rốn, không nói chuyện được với ai, khí hậu bên đó quá lạnh... Thế nên vào trung tâm dưỡng lão gần như là lựa chọn duy nhất của bà.
Bà Liên hào hứng khoe, ở đây bà có nhóm bạn thân khoảng 10 người. Mỗi ngày đi gặp từng người, hoặc nhóm họp nói chuyện với nhau, đi dạo, ăn uống cũng đủ hết ngày.
Bà Liên nói xong rồi ôm con mèo nựng nịu. Đã hơn một năm bà Liên chưa được gặp con. Nhưng cũng may bây giờ là thời 4.0, bà đã biết facetime.
Cạnh phòng bà Liên là phòng bà Tính, một giáo viên về hưu. Bà Tính mắc chứng trầm cảm nặng vì có thời gian dài, khi ở nhà con cái bà tự nhốt mình trong phòng bởi không có người trò chuyện, không có bạn tâm giao. Cả gia đình anh con trai thường ra khỏi căn chung cư cao cấp từ 7,8 giờ sáng và tới tối mịt mới về. Sau khi phát hiện những dấu hiệu bất thường về tâm lý của bà, con trai bà quyết định đưa mẹ tới đây vì không còn giải pháp nào khác.
Vào trung tâm dưỡng lão, dù có người bầu bạn nhưng chứng trầm cảm của bà không giảm. Việc giao tiếp xã hội gần như đã đóng băng, chỉ hiếm hoi lắm bà mới ra phòng sinh hoạt chung được 5,7 phút và không bao giờ tham gia những sự kiện do trung tâm tổ chức như đi dã ngoại,
Anh Nguyễn Văn Thuần, 34 tuổi, quản lý Trung tâm OriHome đã hơn 6 năm. Thuần cho biết, chăm sóc người già tại trung tâm thực sự là một thách thức rất lớn. Có cụ già được người thân đem tới và gần như khoán trắng cho trung tâm, cả năm tuyệt nhiên không có ai thăm nom, thăm hỏi. Người thân của cụ chỉ hàng tháng thực hiện thao tác chuyển tiền khi nhận được thông tin, cụ vẫn còn thở.
Thuần cho biết, rút kinh nghiệm từ một số trường hợp như vậy nên trung tâm đã phải thêm vào một số điều khoản trong hợp đồng khi ký kết, đó là hàng tuần hoặc ít nhất là hàng tháng, con cháu, người thân phải tới thăm nom các cụ, dù có mất tri giác hay không còn trí nhớ.
Chăm sóc người già với tình trạng như vậy, nhân viên điều dưỡng trẻ có người bị sốc nặng khi phải “đối mặt” với khách hàng của mình, thậm chí có người đã stress vì công việc quá căng thẳng, mệt mỏi.
Tại trung tâm có rất nhiều cụ già đã mất hoàn toàn trí nhớ, mất khả năng vận động, không thể đứng ngồi, vệ sinh thân thể và ai cũng có bách bệnh. Hơn 6 năm quản lý tại Trung tâm này, anh Thuần phải mất rất nhiều thời gian cho việc tuyển dụng, đào tạo và thậm chí thường xuyên làm chuyên gia tư vấn tâm lý cho nhân viên. Nhưng vẫn có rất nhiều người không chịu được và bỏ việc sau vài ngày. Thuần nói vui, nhân viên “trường kỳ kháng chiến” được cùng Trung tâm kể từ khi thành lập đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhìn chung, với tốc độ phát triển, tốc độ già hóa dân số như hiện nay, những trung tâm như kiểu OriHome thường không lo thiếu khách hàng. Điều băn khoăn lớn nhất của những người quản lý tại đây đó là khó tìm, khó đào tạo và khó giữ chân được những nhân viên điều dưỡng yêu nghề. Dù biết được rằng, yêu nghề này là rất khó khăn.
Năm nay, nếu không gặp khó vì tình hình dịch bệnh COVID -19, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng tại quận Hà Đông có thể đã mở thêm cơ sở thứ 3. Trung tâm này hiện có hơn 200 khách hàng là những người cao tuổi đã gắn bó ở đây nhiều năm.
Chị Trần Thị Thúy Nga, Phó giám đốc trung tâm này cho biết, nhìn vào tốc độ phát triển của Diên Hồng thì đúng là mừng thật. Giữa bối cảnh COVID-19 gây ra những tác động tiêu cực cho các doanh nghiệp, hàng loạt cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng, thậm chí trường học tư thục đã phải đóng cửa, thì trung tâm Diên Hồng gần như không bị tác động nhiều.
Sự phát triển ổn định của những trung tâm như Orihome, Diên Hồng và một số cơ sở khác trong khoảng 5,7 năm trở lại đây cho thấy. Dịch vụ chăm sóc thể chất, tinh thần cho người cao tuổi tại Việt Nam mới đang từng bước được hình thành. Trước đây nhiều người vẫn nghĩ rằng, con cái bất hiếu mới đưa bố mẹ vào trại dưỡng lão.
Khi có định kiến như vậy, nhiều gia đình giữ cha mẹ, ông bà của mình ở nhà rồi thuê người giúp việc chăm sóc. Nhưng người giúp việc không thể kiêm luôn cả nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý. Có chăng những người được thuê chỉ thực hiện nhiệm vụ duy nhất là cho ăn, giúp đi vệ sinh còn những nhu cầu khác về giao tiếp, tình cảm thì họ không đảm nhận được.
Bị “nhốt” ở một chỗ, được xem tivi suốt ngày, được người giúp việc nấu cho những món ngon, chiều chiều đưa ra ngoài đi dạo nhưng vẫn có vô số người cao tuổi khi mới tới được chuyển đến trung tâm dưỡng lão đã trở nên trầm cảm. Biểu hiện của họ không khó nhận biết nhưng con cái hoặc những người thân thường cho rằng, đó là chứng bệnh của người già, là sự trái tính trái nết do tuổi tác đem lại.
Khi trầm cảm, người già thường cáu bẳn, không chịu ăn, tắm, mất ngủ triền miên, vệ sinh cá nhân thiếu tự chủ, thậm chí có người còn cắn cấu, chửi mắng nhân viên điều dưỡng.
Tại trung tâm của chị Nga, có sự túc trực của những chuyên gia tâm lý để lắng nghe, tư vấn, khuyên nhủ, dỗ dành những cụ già có biểu hiện như vậy.
Trên tầng 6 của trung tâm Diên Hồng, Ban giám đốc đã dành ra một gian phòng để xây một ngôi chùa nhỏ để các cụ lên tụng kinh niệm phật cùng nhau. Có chùa ngay tại trung tâm, nhiều cụ cũng “mềm” tính hẳn.
Việc xử lý các vấn đề của người già theo chị Nga không quá khó. Khi tách họ khỏi con cháu và để họ từng bước hòa nhập vào tập thể, cùng sinh hoạt chung, cùng trò chuyện, ăn uống, đi ngủ… thì mọi chuyện khá dễ dàng. Người già đôi khi hay có tâm lý “làm nũng” với con cháu, hay giận dỗi, trách móc. Nhưng khi đối diện với những điều dưỡng trẻ tuổi, có nhiều người lại khá hợp tác, thậm chí cực kỳ phấn khích khi tham gia vào “trend” nào đó của giới trẻ.
Năm trước, đúng vào mùa cúc họa mi nở rộ nhất, trung tâm của chị Nga tổ chức để các cụ bà cùng tham gia chụp một bộ ảnh cực chất kiểu “thiếu nữ bên cúc họa mi”, khi bộ ảnh được chia sẻ, báo chí quan tâm, các cụ đã rất vui. Họ coi đó là một kỷ niệm đặc biệt nhất khi “bỏ nhà” vào trung tâm dưỡng lão.
Từ thành công của bộ ảnh “thiếu nữ và cúc họa mi”, Trung tâm của chị Nga cũng đã tổ chức rất nhiều show chụp ảnh vui vẻ như ảnh kỷ yếu theo phong cách teen hot, “thiếu nữ” với áo dài Tết, chụp ảnh “nhái” theo các bộ phim nổi tiếng, Valentine... tất cả đều được các cụ hưởng ứng rất “xôm”.
Sự phấn khích của những cụ già 80, 90 tuổi về các bộ ảnh “sống ảo” chỉ là một ví dụ để thấy, nhu cầu về tình cảm của người già luôn lớn lao, thật chí rất mãnh liệt chẳng kém gì giới trẻ. Họ luôn cần được lắng nghe, được ghi nhận và được vui vẻ mỗi ngày. Nhưng tìm được môi trường cho họ “hòa nhập” không bao giờ là chuyện đơn giản. Nhịp sống quay cuồng, áp lực tại đô thị khiến những người trẻ tuổi gần như không thể để mắt tới cha mẹ, ông bà của mình.
Chị Nga cho rằng, người già, trẻ nhỏ là những đối tượng yếu thế, cần được chăm sóc nhất trong xã hội. Nhưng thật bất công khi trẻ em được đến lớp mỗi ngày, được gặp bè bạn, được tham gia đầy đủ các hoạt động thể chất, tinh thần còn người già thì thui thủi, lẻ bóng, cô đơn và trầm cảm ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Theo số liệu thống kê năm 2017, cả nước có trên 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số. Dự báo, nước ta sẽ chỉ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, tức là chuyển từ giai đoạn “đang già” sang “già” – một tốc độ thuộc hàng cao nhất thế giới, thậm chí đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Dân số Việt Nam đang dần bước vào quá trình già hóa.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, liên hệ, phóng viên nhận thấy, tại Hà Nội cũng như một số thành phố lớn khác, có nhiều cơ sở viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người già đã được thành lập. Tuy nhiên dù là một thị trường rất tiềm năng, rất “màu mỡ” vì có lượng khách hàng ngày càng lớn, nhưng việc chăm sóc người già rất vất vả, khó khăn, chính vì vậy số lượng các địa chỉ chăm sóc người già thực sự uy tín, quy mô chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
So với các nước phát triển thì lĩnh vực này tại Việt Nam gần như vẫn đang trong giai đoạn khai mở. Đó cũng chính là thiệt thòi lớn cho những người cao tuổi tại Việt Nam.
Bài: Việt Hoàng
Thiết kế: Mẫn San