________________
Năm 1972, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước Di sản Thế giới với mục tiêu đảm bảo rằng các tài nguyên văn hóa và tự nhiên quý giá nhất thế giới sẽ được bảo vệ trong mọi thời đại và vì lợi ích của mọi người. Nhưng theo một nghiên cứu gần đây của James Allan thuộc Trung tâm các quyết định môi trường tại Đại học Queensland, Úc, câu chuyện rất đáng ngại. Tình trạng mất rừng đang xảy ra ở hầu hết các di sản thiên nhiên trên toàn thế giới. Dấu chân của con người - cơ sở hạ tầng và sử dụng đất đai như đường giao thông và nông nghiệp đã tăng lên 2/3 ở các địa điểm mà các nhà khoa học nghiên cứu. Thậm chí có đến 10 hoặc 20 di sản có nguy cơ bị phá hỏng. Nếu điều đó tiếp tục, những nơi này có thể mất đi giá trị mà chúng đã được đưa vào danh sách các di sản - chính những giá trị khiến chúng trở nên đặc biệt có nguy cơ bị phá hủy mãi mãi.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hai bộ dữ liệu mới có sẵn để đánh giá sự thay đổi áp lực của con người và mất rừng theo thời gian trên một mẫu đại diện của Di sản thiên nhiên. Dữ liệu cho thấy áp lực của con người đã tăng lên ở hơn 60% các di sản thiên nhiên trong 24 năm qua. Sự gia tăng đáng kể nhất về áp lực đối với các khu vực tự nhiên đặc biệt này đã xảy ra ở châu Á, nơi nhiều địa điểm đã bị thiệt hại đáng kể.
Mất rừng cũng đã xảy ra ở hơn 9 trong số 10 di sản thiên nhiên, với thiệt hại về rừng lớn nhất ở châu Mỹ. Ví dụ, tại Công viên quốc gia Canada Wood Buffalo, hơn 10% rừng đã bị mất trong những năm gần đây.
Các nhà nghiên cứu chỉ xác định một vài ví dụ về di sản thiên nhiên đã trải qua rất ít thay đổi trong vài thập kỷ qua. Trong khi di sản thiên nhiên rõ ràng đang tệ hại, tình hình bên ngoài các khu vực được bảo vệ này thậm chí còn tồi tệ hơn. Phát hiện cho thấy tình trạng được bảo vệ của các khu bảo tồn này đã có một số tác động. Mặt khác, di sản thiên nhiên và động vật hoang dã đang ngày càng bị cô lập.
Allan cho biết, điều quan trọng cần lưu ý là những áp lực này đang gia tăng trên toàn thế giới. Nói cách khác, nó không chỉ là vấn đề ở các quốc gia đang phát triển. Trước những phát hiện này, các nhà nghiên cứu kêu gọi Ủy ban Di sản Thế giới đánh giá tình trạng của các địa điểm bị đe dọa nhiều nhất để có thể đưa ra các biện pháp can thiệp khẩn cấp trước khi quá muộn.
Các khu vực tự nhiên quý giá nhất thế giới liên tục phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng, bao gồm khai thác, xây đập và làm đường, khi chúng cần được bảo vệ ở mức cao nhất theo Công ước Di sản Thế giới, theo ông Bastian Bertzky, cố vấn khoa học của IUCN - Chương trình di sản và đồng tác giả của nghiên cứu mới. Phân tích có thể được sử dụng để cảnh báo các cơ quan quản lý và cộng đồng quốc tế, bao gồm cả IUCN trong vai trò là cơ quan tư vấn cho Ủy ban Di sản Thế giới, để xem xét điều gì gây ra thay đổi và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Theo James Allan, những gì một di sản thế giới tự nhiên có được là sự công nhận bảo vệ cao nhất dành cho khu vực tự nhiên trên toàn cầu. Nó vượt quá tầm quan trọng của quốc gia.
Dấu chân con người chính là bản đồ về áp lực của con người đối với môi trường, bao gồm cả việc sử dụng đất như nông nghiệp và đồng cỏ, và cơ sở hạ tầng của chúng ta như đường xá, và đô thị hóa. Có một sự mở rộng cơ sở hạ tầng trên toàn cầu và đặc biệt là sự gia tăng dân số ở châu Phi và châu Á nói riêng. Tất cả những áp lực này đã dẫn đến hậu quả các di sản đã bị thiệt hại trong quá trình phát triển. Các cấp chính quyền ở các quốc gia cần hiểu rằng các tài nguyên không phải để khai thác thu lợi ngắn hạn mà là cho nhân loại mãi mãi. Sau đó, các quốc gia cần cần có kế hoạch khai thác và bảo tồn bền vững.
Có đến 70 di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ngành công nghiệp khai thác mỏ. Đây là số liệu từ nghiên cứu mới công bố của Quỹ Thiên nhiên hoang dã (WWF) cùng hai hãng quản lý tài sản Aviva Investors và Investec. Châu Phi là khu vực có nhiều di sản thiên nhiên bị đe dọa nhất với 41 địa điểm, tiếp theo là châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Mỹ Latin... Điều đáng nói là dù được 191 quốc gia công nhận và tham gia nhưng Công ước di sản thế giới 1972 lại không được tất cả xem trọng. Một số nước đang tỏ ra bất lực trước việc các hoạt động kinh tế như khai mỏ, dầu khí... tàn phá môi trường và di sản.
Ngày nay có 1.092 địa điểm được công nhận “di sản” theo Công ước di sản thế giới 1972 của Liên Hiệp Quốc. Số di sản này được chia thành 845 di sản văn hóa, 209 di sản thiên nhiên và 38 di sản văn hóa và thiên nhiên. Khi được công nhận, một di sản thế giới đã được xem là di sản chung của nhân loại và cần được bảo vệ, bảo tồn ở mức cao nhất. Thế nhưng hiện nay có tới 54 di sản bị đưa vào Danh sách di sản thế giới bị đe dọa.