204 bài thi thay đổi kết quả sau phúc khảo
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đến 17h00 chiều 1/8/2019, tất cả 63 Hội đồng thi của 63 tỉnh/thành phố đã hoàn thành việc phúc khảo bài thi và công bố kết quả cho thí sinh. Số liệu cơ bản về phúc khảo trong toàn quốc được thống kê tổng hợp từ các báo cáo cho thấy, tổng số bài thi đã phúc khảo là 57.639; trong đó tổng số bài thi trắc nghiệm là 40.887.
Tổng số bài thi trắc nghiệm có thay đổi kết quả sau phúc khảo là 204, chiếm tỷ lệ 0,5%. Có 100% bài thi trắc nghiệm đề nghị được phúc khảo tại 32 Hội đồng thi có kết quả không thay đổi so với kết quả ban đầu. Gần 20 Hội đồng thi chỉ có 01 đến 03 bài thi trắc nghiệm thay đổi kết quả sau phúc khảo. Riêng Hội đồng thi tỉnh Tây Ninh có 62 bài thi trắc nghiệm thay đổi kết quả sau phúc khảo.
Làm công tác chấm thi trắc nghiệm đến từ trường ĐH tại khu vực phía Bắc, một cán bộ nêu ra một số vấn đề mà bản thân trải qua khi chấm trắc nghiệm. Theo vị cán bộ này, bước đầu tiên khi chấm thi trắc nghiệm là quét bài thi. Khi thực hiện công đoạn này, tại ban chấm thi của vị cán bộ này, phần mềm không báo lỗi, tất cả bài thi đều ổn. Thế nhưng khi bước sang công đoạn chấm thi, phần mềm báo lỗi hàng loạt nhưng cán bộ chấm thi không hiểu tại sao.
Tìm hiểu ra mới thấy, phần mềm nhận dạng sai định vị chấm. Các bài thi bị xô lệch nên phần mềm báo lỗi. Ví dụ điển hình nhất mà vị này đưa ra là trong một lô chấm của phòng thi môn ngoại ngữ tiếng Nga, có 20 thí sinh thì máy báo có tới 16 thí sinh sai số báo danh. Cả ban chấm thi đều băn khoăn. Vì những thí sinh thi môn ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh thường đến từ các trường chuyên. Những em này không thể sai những lỗi đơn giản như thế. Khi đưa các bài này ra soát xét mới biết phần mềm nhận dạng sai. Số báo danh của thí sinh có 6 số nhưng phần mềm không nhận dạng đủ. Phần trả lời của thí sinh cũng tương tự như vậy nên cán bộ chấm thi phải soát xét chấm từng lỗi nhỏ mới không xảy ra sai sót. Còn nếu cán bộ chấm bỏ qua các lỗi sẽ xảy ra chuyện đáng tiếc như tại Tây Ninh.
Vấn đề thứ hai theo vị cán bộ chấm thi này, đó là phần mềm không phân biệt được thí sinh tự do và thí sinh thi năm nay. Phiếu trả lời là 120 phương án cho cả ba bài thi, thí sinh tự do có thể chỉ tô 40 - 80 đáp án còn lại 40 - 80 có thể bỏ trắng. Máy lại cho rằng đó là lỗi. Chính vì vậy, ở tại ban chấm thi trắc nghiệm của vị cán bộ này, khi soát xét xong có tới hơn 8.000 bài của tổ hợp khoa học tự nhiên bị bắt lỗi. Đến khi đối sánh mới thấy đó không phải là lỗi mà chủ yếu là bài thi của thi sinh tự do bị máy bắt lỗi nhầm. Theo nhận định của vị cán bộ, khâu báo lỗi của phần mềm không tách bạch được lỗi nào là chủ quan, lỗi nào là khách quan.
Quan trọng hơn là khâu cuối cùng, ban chấm thi không được thống kê kết quả do tính bảo mật của phần mềm. Nếu thống kê sẽ biết được điểm 0 và điểm 10. Điểm rơi đỉnh trên và điểm rơi đáy dưới đều có một ý nghĩa đối với những người làm công tác thi. Cũng chính vì yêu cầu bảo mật này mà ban chấm thi của Tây Ninh nói riêng và của 62 tỉnh thành còn lại đều không biết được có bao nhiêu điểm 0, có bao nhiêu điểm 10, để biết được những bất thường có thể khắc phục, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trước khi công bố điểm.
“Ðiểm chết” của bảo mật?
Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Phần mềm chấm thi năm nay vẫn là phần mềm chấm thi năm 2018, chỉ nâng cấp thêm phần bảo mật. Nhưng trong quá trình chấm thi, một số tỉnh in phiếu trả lời trắc nghiệm bằng giấy không đạt tiêu chuẩn theo phần mềm quy định nên bị xô lệch. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, phần mềm phải cập nhật lại ngay trong thời gian chấm mới thực hiện được quy trình chấm.
Cũng do yêu cầu của bảo mật, bài thi năm nay người chấm không đọc được thông tin của thí sinh, không thống kê được điểm. Chính vì vậy, nếu không sửa lỗi kỹ sẽ rất ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Đây là trách nhiệm của các đơn vị chấm thi trắc nghiệm. Khi tập huấn, đơn vị tập huấn đã nói rất kỹ và đã đưa ra các tình huống để các trường lường trước. Để tránh tất cả các lỗi đáng tiếc có thể xảy ra, khi phần mềm báo bài thi có lỗi, cán bộ chấm thi đều phải mở bài thi ra để đối soát cho các em. Máy báo lỗi nào phải kiểm tra ngay lỗi đó.
“Nếu cán bộ chấm thi không kiểm tra mà chỉ bấm bỏ qua là “chết” thí sinh. Sự cố tại Tây Ninh, chúng tôi đang đợi nhật ký chấm gửi ra để xem xét rõ trách nhiệm của từng bên liên quan” - ông Hồng nói. Trong khi đó, một chuyên gia khảo thí cho rằng, việc mã hóa dữ liệu, mã hóa thông tin của thí sinh khi chấm thi là cần thiết. Nhưng nếu phần mềm không cho phép đơn vị chấm thống kê, soát xét điểm thi thì đây lại là một nhược điểm. Và nhược điểm này nếu không được khắc phục, chắc chắn những bài thi từ 9 điểm thành 0 điểm, từ tổng 20,5 điểm thành 0 điểm như ở Tây Ninh sẽ vẫn xảy ra.
Không nên đổ lỗi cho thí sinh
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ÐT cho rằng, không nên đẩy phần thiệt thòi cho thí sinh. Quá trình chấm bằng máy nhưng vẫn do con người thực hiện, do đó, khi phần mềm báo lỗi, người chấm phải kiểm tra, rà soát lại. Giáo viên một Trường THPT ở Nghệ An cho rằng, đề nghị thanh tra Bộ GD&ÐT vào cuộc để biết chính xác nguyên nhân do đâu. Kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi lớn, phần mềm chấm thi phải được thử nghiệm rất nhiều lần, con người cũng được tập huấn. Vì vậy, không có chuyện đổ lỗi cho thí sinh tô mờ, tô sai và công bố một danh sách toàn điểm 0 làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý học sinh.