Đồ nhựa - kẻ thù không đội trời chung với sức khỏe

Đồ nhựa - kẻ thù không đội trời chung với sức khỏe

Bất chấp sự an toàn sức khỏe, hiện nay, tại nhiều cửa hàng cơm, các chủ cửa hàng vẫn sử dụng hộp xốp, hộp nhựa, thậm chí túi nilon để đựng nước đậu, cơm, canh nóng… cho người tiêu dùng.

* * *

Đồ nhựa - kẻ thù không đội trời chung với sức khỏe ảnh 1

Túi nilon là một vật dụng vô cùng quen thuộc, thậm chí không thể thiếu trong hầu hết các gia đình. Từ đựng đồ, đi chợ mua rau, mua thịt, cho tới đựng rác... nhiều người cảm thấy vô cùng bất tiện khi không tìm được một chiếc túi nilon những khi cần thiết.

Chính vì sự tiện lợi ấy, rất nhiều người dù biết tác hại của túi nilon đến môi trường nhưng vẫn phải sử dụng. Với giá thành rẻ, tiện ích, túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa được sử dụng phổ biến để đựng đồ ăn thức uống tại khắp các chợ hay quán ăn trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước.

Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, không khó để bắt gặp những hình ảnh thức ăn như cháo, cơm, bún, nước đậu, canh nóng… được các chủ hàng đựng trong các túi nilon, bày bán ngót nghét cả tiếng nhưng khi cầm vẫn thấy nóng bỏng, nhiều túi còn có mùi nồng của nhựa.

“Nhiều quán, cho ngay tào phớ, nước đậu vào túi nilon sau khi nấu xong. Nhiều hôm mua nước đậu về để cả buổi cầm vào vẫn ấm tay”, chị Đào Thanh Tâm (41 tuổi, ở phố Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh (36 tuổi, chủ một cửa hàng đậu phụ ở chợ Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Một túi nước đậu giá 3.000 - 5.000 đồng, nếu không dùng loại túi nilon thì lời lãi chẳng được bao nhiêu. Suy cho cùng, tất cả cũng vì lợi ích kinh tế. Người ta cứ nói dùng túi nilon không tốt, nguy hại cho sức khỏe, nhưng thử hỏi, mấy người đi mua hàng mà cầm bát hay cầm cặp lồng đi chợ để đựng đồ. Nếu không có túi nilon, hộp xốp thì lấy gì mà dùng? Hơn nữa, đồ ăn, thức uống khi cho vào hộp sẽ không còn nóng tới 100 độ C nên không gây hại cho sức khỏe”.

Đồ nhựa - kẻ thù không đội trời chung với sức khỏe ảnh 2

Hay tại các quán ăn gần khu vực trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, một xuất cơm bình dân giá chỉ từ 15.000 - 25.000 đồng. Toàn bộ cơm nóng, đồ ăn chiên xào, canh nóng... được đựng trong hộp xốp. Với giá chỉ từ 300 - 500 đồng/ hộp, nên các quán ăn thường sử dụng để đựng đồ ăn nếu khách có nhu cầu đem về hoặc giao hàng tận nơi. Các quán vịt nướng, cháo, đồ ăn vặt vỉa hè, xôi nóng… cũng sử dụng loại hộp nhựa, hộp xốp để đựng đồ ăn nóng.

Bạn Nguyễn Thị Thanh Huyền (18 tuổi, sinh viên năm nhất Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Biết hộp xốp, hộp nhựa có hại cho sức khỏe nhưng em vẫn đành phải nhắm mắt mua vì phòng không có sẵn đồ nấu nướng. Mỗi lần mua cơm, chủ quán toàn đựng cơm nóng, canh nóng trong hộp xốp, túi nilon, thậm chí, nhiều hôm cơm đựng trong hộp xốp còn bốc mùi hóa chất sặc sụa”.

Bàn về vấn đề này, BS Đỗ Thị Bình (Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng) cho biết, hiện nay, ngoài ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thực phẩm thì “lạm dụng” nhựa trong cuộc sống cũng đang vô tình làm sức khoẻ của chúng ta giảm sút nghiêm trọng. Túi bóng đựng xôi, đựng nước canh, bún; bát nhựa đựng đồ ăn ở nhà; hộp nhựa bảo quản thực phẩm; ống hút nhựa… Chưa kể đến đồ nhựa chúng ta tiếp xúc hằng ngày qua áo quần, giày dép, bàn chải đánh răng, bàn ghế ngồi… Hầu hết những vật dụng này đều là đồ nhựa tái chế nên cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. “Việc đựng thực phẩm trong các đồ nhựa tái chế cực kỳ nguy hiểm, nhất là những túi nilon nhuộm màu xanh, đỏ chứa các kim loại như chì, cadimi. Đây là cái chết từ từ, dù đã cảnh báo nhiều lần nhưng người dân “điếc không sợ súng” vẫn sử dụng hàng ngày”, BS Bình nhấn mạnh.

Theo BS Bình, khi thực phẩm được lưu trữ trong các túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa hay các dạng của màng bọc thực phẩm thì các hóa chất này có thể ngấm vào thức ăn và sau đó được hấp thụ vào cơ thể. Theo thời gian các hóa chất trong túi nilon sẽ làm thay đổi mô, tổn thương di truyền, lỗi nhiễm sắc thể, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, dậy thì sớm và những thay đổi nội tiết tố.

Ở trẻ em, hóa chất chứa trong túi nilon có thể gây hại đến hệ thống miễn dịch và kích thích làm gián đoạn các vấn đề về hành vi, nhận thức… Nguy hiểm hơn, lạm dụng túi nilon để bọc, bảo quản thực phẩm có thể gây ung thư bởi vì những chất phụ gia dùng để tạo độ dẻo dai, tạo màu cho túi nilon có thể gây độc cho người nếu bị làm nóng ở nhiệt độ cao. Ở nhiệt độ 70 - 80 độ C phụ gia dùng sản xuất túi nilon sẽ hòa tan vào thực phẩm.

Không chỉ các loại thực phẩm nóng, ngay cả những thực phẩm nguội lạnh nếu đựng trong các loại túi nilon, hộp nhựa được sản xuất từ nhựa tái chế cũng gây tác hại cho sức khỏe. Đó là những loại thực phẩm có nhiều axit như dấm chua, dưa chua, cà chua, các loại thực phẩm chứa dầu hay các thực phẩm mặn khi đựng trong túi nilon cũng rất nguy hiểm vì có chất điện ly nên khiến việc hòa tan rất nhanh.

Đồ nhựa - kẻ thù không đội trời chung với sức khỏe ảnh 3
Đồ nhựa - kẻ thù không đội trời chung với sức khỏe ảnh 4

Túi nilon đã trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi nilon nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.

Tiện lợi thật, nhưng túi nilon là “thủ phạm” nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước. Điều này có thể thấy rõ khi kiểm tra các bãi rác, hố chôn rác, xe rác. Túi nilon với đủ các kích cỡ, màu sắc nằm xen lẫn trong các loại rác thải, phế thải khác khi bị chôn vùi trong đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.

Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Thực tế nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Đồ nhựa - kẻ thù không đội trời chung với sức khỏe ảnh 5

GS.TS. Nguyễn Văn Khôi - Viện Hóa học cho biết, hiện nay, chất lượng nhựa trên thị trường hiện nay không kiểm soát được. Những sản phẩm dùng để ăn uống được làm từ nhựa tái chế rất nguy hiểm. Dù chưa thể biết độ độc hại đến đâu, nhưng nếu sản phẩm từ nhựa rác thải thì người dùng có nhiều nguy cơ bị nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, chúng ta không kiểm soát được chất phụ gia cho vào để sản xuất nhựa tái chế như chất bột đá, chất hóa dẻo... Bên cạnh đó, nhựa làm từ rác thải có nhiều beoxit độc hại, nhiều tạp chất, mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe con người.

Cũng theo GS.TS. Khôi, nhựa có thể tái sinh nhưng tái sinh với mục đích gì mới là điều quan trọng, nhưng tái sinh từ rác để làm đồ dùng ăn uống thì cần phải kiểm định gắt gao.

Nhắc đến vấn đề nhựa tái sinh, cũng có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nhựa chỉ tái chế 1 lần thôi cũng sinh ra nhiều hợp chất độc hại, tái chế nhiều lần sẽ càng độc hơn. Vì hàm lượng chất độc sinh ra rất thấp, nên người tiêu dùng chưa thấy được ngay tác động, nhưng sử dụng trong thời gian dài thì chất độc sẽ tích lũy dần trong cơ thể và sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến ung thư...

Đồ nhựa - kẻ thù không đội trời chung với sức khỏe ảnh 6
Đồ nhựa - kẻ thù không đội trời chung với sức khỏe ảnh 7

Dù đã được cảnh báo gây hại cho sức khỏe khi sử dụng các loại đồ nhựa tái chế, nhưng để thay đổi thói quen của người dân là điều không dễ dàng, bởi theo BS Bình, các loại hộp xốp, hộp nhựa, túi nilon hiện có giá thành rất rẻ và tiện lợi khi sử dụng hàng ngày.

Do vậy, để hạn chế sử dụng túi nilon trong thực tiễn, trước hết người dân phải tự thay đổi thói quen, thay đổi nhận thức để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Ban đầu hãy hạn chế, sau đó loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa được sản xuất từ nhựa tái chế. Thay vào đó, nên sử dụng các loại đồ dùng được làm từ sứ, thủy tinh hoặc các vật liệu thân thiện với môi trường như túi giấy, túi mây tre đan, túi cói...

Chúng ta cần phải có những giải pháp căn cơ, đó là thay đổi nhận thức của mọi người. Bản thân tôi từ lâu đã có thói quen đựng nước vào chai thủy tinh sau đó mang đi làm, như vậy vừa tiết kiệm được tiền, vừa không xả chai nhựa ra môi trường.

BS. Đỗ Thị Bình

“Hiện có rất nhiều hoạt động để giảm thải rác thải nhựa, điều đó là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc dùng lá chuối, lá sen gói đồ, dùng ống hút làm bằng tre nứa... cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài thì không thể được, chúng ta cần phải có những giải pháp căn cơ, đó là thay đổi nhận thức của mọi người. Bản thân tôi từ lâu đã có thói quen đựng nước vào chai thủy tinh sau đó mang đi làm, như vậy vừa tiết kiệm được tiền, vừa không xả chai nhựa ra môi trường” - BS Bình nói.

Đồ nhựa - kẻ thù không đội trời chung với sức khỏe ảnh 8

Tuy nhiên, chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức khó có thể làm thay đổi những thói quen, hành động đã khá phổ biến trong đại đa số người dân. Đã đến lúc cần có những chế tài, biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, cần có những hành động quyết liệt hơn nữa.

Nhà nước cần phải có những chính sách cụ thể để đẩy lùi thực trạng này về lâu về dài như khuyến khích hỗ trợ trong việc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường tại địa phương, xây dựng hệ thống thu gom tái chế túi nilon, khuyến khích các nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia chương trình giảm phân phát túi nilon… Thậm chí, “đánh thuế cao đối với việc sản xuất và tiêu thụ các loại đồ dùng được làm từ nhựa tái chế. Bởi khi đánh thuế cao, họ bán ra thị trường chắc chắn giá cũng sẽ phải tăng, như vậy người dân sẽ quay lưng lại và sử dụng các loại đồ dùng dùng được nhiều lần như đồ gốm, sứ, thủy tinh, các loại túi vải, túi cói... thân thiện với môi trường” BS Bình phân tích. 

Đồ nhựa - kẻ thù không đội trời chung với sức khỏe ảnh 9
TIN LIÊN QUAN
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam yêu cầu quán bar H2 Club không được tổ chức các hoạt động biểu diễn, sau khi dư luận phản ánh việc quán bar này tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang vào tối ngày 6/4/2024 trước đó. (Ảnh cắt từ clip)
Vụ mặc áo cà sa trong quán bar: Tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng các hoạt động biểu diễn
(Ngày Nay) - Liên quan đến vụ việc quán bar H2 Club (phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã lập tức vào cuộc và có văn bản yêu cầu quán bar này không được tổ chức hoạt động biểu diễn.