* * *
Các khuyến cáo quốc tế đưa ra lời khuyên rằng trẻ từ 5-18 tuổi cần có ít nhất 1 giờ hoạt động thể chất mỗi ngày, hoạt động này phải ra mồ hôi và tiêu hao một phần calo, bao gồm từ những hoạt động vừa phải đến hoạt động mạnh. Thế nhưng, trên khắp toàn cầu, khoảng 8/10 thanh thiếu niên không thực hiện được điều đơn giản này. Ngạc nhiên hơn là các bé gái và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thường ít hoạt động thể chất hơn.
Các chính phủ trên toàn thế giới đang cố gắng giải quyết vấn đề béo phì đang gia tăng bằng cách đẩy mạnh số lượng hoạt động thể chất mỗi ngày so với những công việc mà người trẻ đang làm hàng ngày.
Ở Anh, Chiến lược chống béo phì ở trẻ em của Chính phủ được đặt ra, tập trung vào việc giúp trẻ em ở trong trường vận động nhiều hơn, di chuyển nhiều hơn.
Béo phì ở trẻ em đang làm tăng nguy cơ mắc các bệnh bao gồm tiểu đường loại 2, bệnh tim và ung thư ở tuổi trưởng thành. Ước tính 7 trong 10 ca tử vong trên toàn thế giới có nguyên nhân từ các căn bệnh này.
Để thay đổi thói quen của người trẻ, nhiều bài học kết hợp với vận động được đan xen thêm vào chương trình học hoặc được nhiều quốc gia xây dựng chương trình giáo dục thể chất mới.
Chương trình mới cũng bao gồm cả việc lắp đặt các dụng cụ ở sân chơi hay giao các bài tập hoạt động thể chất về nhà cho học sinh. Ở nước Anh, số tiền tài trợ cho các sáng kiến về hoạt động thể chất, đặc biệt là tài trợ cho các hoạt động thể chất ở các trường tiểu học đã lên đến 320 triệu bảng Anh.
Tất cả những nỗ lực này nghe có vẻ khá tốt, tuy nhiên, hiệu quả của các chương trình hoạt động thể chất ở trường học vẫn chưa thực sự thuyết phục. Và người ta cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu tất cả trẻ em, không phân biệt tình trạng kinh tế xã hội có được hưởng lợi như nhau hay không?
Trong một cuộc khảo sát gần đây của các nhà nghiên cứu Anh, kết quả cho thấy những nỗ lực hiện tại đang không đạt được kết quả như kỳ vọng. Kết quả trên tổng quát cho thấy, hiệu quả từ những hoạt động thể chất trong trường dường như không có gì thay đổi sau rất nhiều các chiến lược, chính sách...
Một đánh giá kiểm tra nghiên cứu trước đây trên 20 trường học và hơn 450 trẻ em về các can thiệp của trường nhằm cải thiện hoạt động thể chất đã được tiến hành ở Châu Âu, Úc và Bắc và Nam Mỹ.
Hoạt động thể chất được đo lường một cách khách quan bằng cách sử dụng màn hình điện tử tự động để ghi lại hoạt động thể chất thực tế trong cả ngày, thay vì hỏi học sinh hoặc phụ huynh những gì họ nhớ làm, điều này có thể rất không chính xác.
Kết quả nhìn chung, các can thiệp đều không hiệu quả trong việc thay đổi tần suất hoạt động thể chất mà trẻ em đã làm trong cả ngày.
Phân tích dữ liệu sâu hơn cũng không có sự khác nhau giữa trẻ em gái hay trẻ em trai hoặc trẻ em từ các nền kinh tế xã hội khác nhau trên toàn thế giới.
Có thể thấy, bất chấp lời hứa của các trường học là môi trường lý tưởng để phát triển, là môi trường tác động đến hành vi sức khỏe của họ, thì trên thực tế, bằng chứng cho thấy những nỗ lực hiện tại đang thất bại. Giới trẻ vẫn có xu hướng lười vận động và thờ ơ với các hoạt động thể chất.
Điều này không có nghĩa là nên dừng mọi nỗ lực can thiệp, khích lệ hoạt động thể chất ở trường học. Một lý do lý giải cho việc thiếu hiệu quả có thể là các chương trình hoạt dộng thể chất không được thực hiện đúng như kế hoạch trong các trường học. Cũng có thể là trường hợp các sáng kiến ở trường học có tác động tích cực đến trẻ em khi tham gia hoạt động thể chất trong giờ học, nhưng điều này không được duy trì bên ngoài trường học nên không đủ làm nên hiệu quả. Các hoạt động thể chất của trẻ cần được duy trì cả ở nhà cũng như các cộng đồng sinh hoạt mà trẻ đang sinh sống.
Một nghiên cứu gần đây tại Perth, nước Úc đã chỉ ra rằng phần lớn trẻ em Thế hệ Z (những đứa trẻ sinh từ năm 1995 đến 2010) đang thể hiện sự thiếu kỹ năng về hoạt động thể chất và vận động so với các thế hệ trước. Những kỹ năng thể chất cơ bản bao gồm giữ thăng bằng, chạy, nhảy, ném và bắt. Nghiên cứu đã so sánh sự khác biệt giữa những người trẻ ngày nay và những đứa trẻ bằng tuổi chúng cách đây hàng chục năm.
Theo tờ The West Australian, Đại học Western Australian (WA) - nơi thực hiện nghiên cứu, kết quả nghiên cứu về mối quan tâm của họ đã cho thấy sự cần thiết của một chính sách hoạt động thể chất quốc gia đối với các trung tâm chăm sóc trẻ em, nhiều chính sách bị thiếu hụt và không được quan tâm đúng mức.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh các kỹ năng của trẻ em từ 3 -8 tuổi ở 41 trường học và 11 trung tâm chăm sóc trẻ em trong nhiều năm qua. Năm 1994, khi “Vua sư tử” là bộ phim có doanh thu cao nhất và trẻ em đang chơi với Super Nintendos, View-Masters và Power Rangers, họ có thể nảy và bắt bóng 14 lần trong 20 giây. Ngày nay, trẻ em chỉ có thể đạt được 8 lần bắt trong cùng một khung thời gian.
Người ta cũng thấy rằng trẻ em mẫu giáo có thể đứng trên một chân trong trung bình 15,4 giây, so với thời gian 22 giây mà một đứa trẻ vào năm 1994 có thể thực hiện.
Sau khi phát hiện ra chênh lệch này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một chương trình kéo dài 8 tuần có tên KIDDO nhằm cải thiện đáng kể các kỹ năng thể chất của trẻ em ở các trường học và trung tâm nơi chúng theo học. Giám đốc chương trình KIDDO - Amanda Derbyshire từ Đại học WA cho biết thói quen lối sống hiện đại khiến thể chất của người trẻ ngày càng kém. Các trò chơi ngoài trời chuyển thành các hoạt động trong nhà và chúng lười vận động hơn. Chỉ nhìn vào lượng thời gian lũ trẻ ở trong nhà cũng đủ thấy thật đáng lo ngại, bởi thiếu hoạt động thể chất có liên quan đến tình trạng báo phì và thừa cân đáng báo động hiện nay.
Ở Canada, một nghiên cứu được thực hiện vào năm ngoái bởi các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đông Ontario, đã kiểm tra hơn 10.000 trẻ em từ 8-12 tuổi trên khắp Canada trong ba năm, để khám phá ra rằng chỉ 1/3 trong số chúng có trình độ học vấn mức độ cơ bản về thể chất. Điều đó có nghĩa là hầu hết trẻ em thiếu các kỹ năng như ném bóng và thực hiện dưới mức mong đợi các bài kiểm tra aerobic.
Dành thời gian quá lâu cho việc sử dụng các thiết bị công nghệ cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng đến các hoạt động thể chất của trẻ. Vì trẻ em dành phần lớn thời gian ở trường nên đây là cơ hội tốt để các nhà giáo dục kết hợp chơi và tập thể dục ngoài trời nhiều hơn trong lịch trình hàng ngày. HIện nay, trẻ em chủ yếu dành thời gian bên ngoài để chơi các môn thể thao có tổ chức hơn là các hoạt động tự do cùng với việc phát huy trí tưởng tượng. Điều này dẫn đến việc trẻ vị rập khuôn và mất đi khả năng tưởng tượng, tư duy phong phú. Cả phụ huynh và nhà trường đều có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích trẻ em năng động hơn và tham gia nhiều hoạt động ngoài trời hơn.
Phải làm sao để trẻ không chỉ phát triển các kỹ năng sống mà còn muốn tích cực vận động cơ thể - và để chúng hiểu tại sao hoạt động thể chất thường xuyên lại quan trọng đối với cuộc sống tương lai của chúng.
Để cứu lũ trẻ, ở Anh - nơi kiến thức thể chất cũng sụt giảm trong những năm gần đây, Sport England đã kêu gọi các trường học đào tạo bổ sung cho các giáo viên tiểu học về giáo dục thể chất bằng cách nâng cao các huấn luyện viên thể thao và giáo viên thể dục, nhằm xây dựng và thúc đẩy một nền văn hóa lâu dài làm cho kiến thức thể chất cũng được ưu tiên như các môn học như Toán học và Khoa học.