__________
Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, sau khi có thông tin về dự án đô thị lấn biển Cần Giờ, nhiều người bày tỏ lo ngại, khu dự trữ sinh quyển này có thể sẽ bị UNESCO rút tên khỏi danh sách?
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí: Đầu tiên chúng ta cần hiểu về khu dự trữ sinh quyển thế này, đầu tiên, một quốc gia muốn được UNESCO công nhận 1 khu vực nào đó là khu dự trữ sinh quyển thì phải xây dựng, lập đề án, làm hồ sơ để trình lên UNESCO. Để hồ sơ được xét duyệt, công nhận là khu sinh quyển của thế giới thì phải đáp ứng được 7 tiêu chí, ra tiêu chí cũng giống như đề bài cho mình đi thi. Ví dụ, tiêu chí thứ nhất là đa dạng sinh học, anh phải chứng mình được khu đó có bảo tồn đa dạng sinh học hay không? Tiếp theo là các tiêu chí khác. UNESCO sẽ có một hội đồng giống hội đồng khoa học của mình để xem xét, xem khu này có đem lại lợi ích cho người dân như thế nào, lợi ích cho nhà nước ra sao, phù hợp thì họ duyệt rồi tiếp tục gửi lên đại hội đồng, đại hội đồng sẽ kiểm tra lần cuối, đạt thì họ sẽ công bố.
Sau khi khu sinh quyển đã được công nhận, nó hoạt động như thế nào, quản lý nó ra sao thì thuộc phạm vi trách nhiệm của quốc gia đó. UNESCO không vào để kiểm tra, giám sát, quản lý thay mình được.
Về nguyên tắc thì cứ 10 năm phải báo cáo một lần, gọi là báo cáo giữa kỳ, xem là còn khó khăn hay bất cứ vấn đề nào khác liên quan đến khu sinh quyển. Chỉ có một số trường hợp cụ thể đặc biệt nào đó họ mới cho cán bộ đi kiểm tra, còn cơ bản họ dựa trên báo cáo của từng quốc gia. Tuy nhiên cũng có những trường hợp tự rút tên ra khỏi danh sách đó là một số khu dự trữ sinh quyển tại Mỹ và Vương quốc Anh, họ không thấy phù hợp nữa thì rút ra, mình cũng không được rõ lý do cụ thể là tại sao. Một số trường hợp khác tại Đức, là do họ không thực hiện đúng cam kết ban đầu, nên UNESCO đã yêu cầu họ tự rút tên khu sinh quyển đó ra khỏi danh sách, thì họ rút.
Còn về khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, TPHCM, đây là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2000. Nhìn chung, kể từ khi được có danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới cho đến nay, khu vực này hoạt động không nổi bật lắm. Tuy nhiên, ban quản lý vẫn duy trì được sự ổn định, ở tình trạng tốt, không bị tác động gì nhiều về mặt tự nhiên cũng như con người. Chỉ trừ tới đây có doanh nghiệp họ làm dự án, làm khu đô thị thôi.
PV: Về góc nhìn của một chuyên gia, ông có lo lắng, băn khoăn khi dự án đô thị được cấp phép tại khu sinh quyển Cần Giờ?
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí: Cái này chúng ta phải nhìn nhận là tất cả các hoạt động xây dựng, làm dự án tại khu sinh quyển thì phải được đánh giá tác động môi trường. Có nghĩa là Bộ Tài nguyên Môi trường thay mặt cho Nhà nước mình chấp nhận dự án ấy. Khi được chấp nhận rồi thì không có căn cứ nào để nghi ngờ cả. Là vì tất cả những cách làm đó họ làm đúng theo luật pháp, vì người ta đúng theo luật pháp thì anh phải tuân theo.
Mỗi con người ở mỗi quốc gia thì đều phải như vậy, tuân theo luật pháp của quốc gia mình sinh sống.
Khi thành lập một khu sinh quyển nó không chỉ có riêng ý nghĩa để bảo tồn mà nó còn phải thực hiện 3 chức năng: bảo tồn, phát triển và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, giáo dục. Ba chức năng này anh phải làm đồng thời. Nếu với 3 chức năng này chúng ta làm thành công, thì thế giới người ta hoan nghênh, còn chưa đạt thì phải đi học tập, rút kinh nghiệm để làm cho tốt.
PV: Hiện nay Việt Nam có tất cả 9 khu sinh quyển, theo ông, với một quốc gia có diện tích, có dân số như Việt Nam, 9 khu dự trữ sinh quyển đã được thế giới công nhận là nhiều hay ít?
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí: Một quốc gia như nước ta có 9 khu sinh quyển được công nhận, so với khu vực Đông Nam Á thì là nhiều. Mình chỉ sau có Indonesia, họ đang có 14 khu. Nhưng cái thành công hay không, đáng tự hào hay không, không nằm ở số lượng mà nằm ở chất lượng. Nếu khi xây dựng khu sinh quyển, anh chỉ hoan hô với vỗ tay, thì không ai công nhận nó thành công. Nhưng nếu anh cải thiện được tình hình bảo tồn, cải thiện được đời sống người dân, người ta thấy thích thú, thấy có lợi ích từ khu sinh quyển đó, thế tức là thành công.
PV: Từ khi các khu sinh quyển tại Cần Giờ, Đồng Nai, Nghệ An, Cát Bà… của Việt Nam được UNESCO công nhận, chính quyền các địa phương có chú trọng tuyên truyền, bảo vệ, phát triển các khu vực này không, thưa giáo sư?
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí: Có chứ, chính quyền tại các địa phương họ rất quan tâm, ngay từ lúc đầu, khi mà làm hồ sơ để xây dựng khu sinh quyển. Khi xây dựng xong thì các địa phương cũng thấy rằng đó là một công cụ tốt để quản lý, để thực hiện các đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước mình. Ví dụ như Đồng Nai hay Cát Bà (Hải Phòng), họ làm rất tốt. Tuy nhiên cũng có những khu họ làm cầm chừng thôi.
Thực ra mà nói, khu sinh quyển được xây dựng, được công nhận cũng chỉ là công cụ của quốc gia thôi. Chứ nó không phải tất cả, cũng không phải mục đích. Ví dụ như nhà nước mình kêu gọi phát triển bền vững, thì đây chính là mô hình cho phát triển bền vững. Nó kết hợp cả bảo tồn, cả phát triển và lấy cái hoạt động kinh tế đó, dựa trên bảo tồn để mà xóa đói giảm nghèo.
PV: Có không ít khu sinh quyển tại Việt Nam đang có tốc độ xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế lớn quá, việc phát triển dường như lấn át cả bảo tồn. Ví dụ như tại Cát Bà, theo cảm nhận cá nhân của tôi, một số năm gần đây khu vực đảo này đang có nhiều dự án xây dựng, liệu rằng, việc xây dựng, phát triển như vậy có tạo ra sự ảnh hưởng lớn tới đa dạng sinh học, bảo tồn tại khu sinh quyển này. Nó cũng là tình trạng có thể xảy ra với các khu sinh quyển khác, như Cần Giờ?
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí: Mình phải phân biệt rằng, cái phát triển đó mà nó phù hợp với mục đích bảo tồn, thì người ta vẫn được quyền phát triển. Mình bảo tồn để làm gì? Bảo tồn cho phát triển chứ không phải bảo tồn chỉ để bảo tồn. Không có lý gì bảo tồn đa dạng sinh học, thiên nhiên mà người dân xung quanh phải chịu đói, chịu khổ. Thậm chí nếu người dân đói khổ, họ sẵn sàng vào trong khu vực đó bẫy thú, bẫy chim, chặt cây, phá rừng. Lúc đó thì chẳng ai ngăn được, đúng không? Anh bảo tồn để phát triển và nâng cao mức sống người dân thì mới chính thức là bảo tồn tốt.
Tóm lại, bảo tồn cho phát triển, phát triển cho bảo tồn là mục tiêu của các khu dự trữ sinh quyển. Do đó đừng sợ phát triển, đừng sợ có nhiều dự án. Nếu dự án đó phù hợp với đường lối phát triển của địa phương thì họ có quyền phát triển, thậm chí còn nên phát triển nhiều hơn nữa.
PV: Công tác bảo tồn, phát triển các khu sinh quyển của Việt Nam đang ở mức nào trên bản đồ thế giới thưa ông?
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí: Về bảng điểm bảo tồn sinh quyển của Việt Nam so với thế giới, mình đang ở mức độ trung bình thấp nếu không muốn nói là kém.
Nói thẳng thắn, hoạt động phát triển kinh tế cũng như bảo tồn của mình đi sau thế giới rất nhiều, nhiều nước đã đi trước chúng ta 50 năm, thậm chí 100 năm rồi, mình đi sau quãng dài như thế, làm sao vượt lên được. Riêng cái này thì đừng nói là đi tắt đón đầu, đôi khi cái thuật ngữ ấy nó hơi… khôn lỏi. Đã là khôn lỏi thì không bền vững, không có chân.
Do đó phải đi một cách phù hợp với đất nước mình, con người của mình thì lúc đó mới có được thành công mang tính bền vững. Để làm được việc đó, anh phải có tri thức, đó là tri thức của cả dân tộc, từ người dân cho tới các lãnh đạo. Tất cả phải hiểu được, tôi bảo tồn khu vực này, khu vực kia để phát triển kinh tế, và khi kinh tế phát triển rồi thì quay ngược lại để phục vụ cho bảo tồn.
PV: Xin trân trọng cám ơn giáo sư!
Bài: Hoàng Việt
Ảnh: GS.TS Nguyễn Hoàng Trí
Thiết kế: Mẫn San