Hội Nghề cá phản đối hành vi cấm đánh bắt trên Biển Đông của Trung Quốc

(Ngày Nay) - Trung ương của Hội Nghề cá Việt Nam đã kịch liệt phản đối thông báo "cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ Vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/5 đến ngày 16/8" của Trung Quốc, 
Hội Nghề cá phản đối hành vi cấm đánh bắt trên Biển Đông của Trung Quốc

Ngày 4/5, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, đã ký công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và Ban đối ngoại trung ương Đảng, về việc phản đối phía Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông năm 2020, báo Người Lao động đưa tin.

“Quy chế này xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong đó, có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan”, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam bày tỏ quan điểm.

Gần đây, Trung Quốc còn ngang nhiên công bố việc thành lập hai cơ quan hành chính trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa" nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

“Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc. Quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt các trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình”, trích văn bản của Hội Nghề cá.

Hoạt động đơn phương ra cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá bắt đầu được Trung Quốc áp dụng từ năm 1999, với lý do là một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi biển. Mặc dù gặp phản đối gay gắt từ Việt Nam và các nước nhưng Trung Quốc không ngừng thực hiện lệnh cấm đánh bắt vào giai đoạn tháng 5 đến tháng 8 hằng năm.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần và liên tục phản đối và kịch liệt bác bỏ việc Trung Quốc đơn phương ra quyết định cấm đánh bắt. Quan điểm của phía Việt Nam là quy chế cho chính quyền Bắc Kinh ban hành đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại các vùng biển của mình.

Quan trọng hơn, nếu chiếu theo luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), quy chế của Trung Quốc cũng bất hợp pháp. Quy chế này đi ngược lại với tinh thần và nội dung quy định trong Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN.

Thậm chí, quy chế cấm đánh bắt còn vi phạm Thỏa thuận về những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Việt Nam và Trung Quốc (ký năm 2011).

Việc thông báo cấm đánh bắt cá nói trên là động thái mới nhất trong chuỗi động thái khiêu khích và ngang ngược gần đây của Trung Quốc ở biển Đông. Tháng trước, Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, theo báo Pháp luật TP HCM.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.