Nghệ nhân hồi sinh con giống bột của người Hà Nội

Nghệ nhân hồi sinh con giống bột của người Hà Nội

Trong kí ức của nhiều người Hà Nội, cứ mỗi dịp Trung Thu, tết Nguyên Đán, trẻ con lại háo hức được cha mẹ mua cho một con giống bột với đủ màu sắc sặc sỡ. Theo thời gian, đã có lúc, nghề làm con giống bột tại Hà Nội tưởng như thất truyền, nhưng điều đó may mắn đã không xảy ra khi có nhiều người trẻ trân trọng giá trị văn hóa, nâng niu và gìn giữ nó đi cùng năm tháng.

_____________

“Mỗi một con giống bột dân gian đều chứa đựng một câu chuyện, tạo nên hồn cốt của một Hà Nội xưa cũ” - đó là khẳng định của anh Đặng Văn Hậu (nghệ nhân làng nghề tò he Xuân La, Phú Xuyên).

Nghệ nhân hồi sinh con giống bột của người Hà Nội ảnh 1

Theo nghệ nhân Đặng Văn Hậu, từ trước tới giờ nhiều người vẫn nghĩ là tại Việt Nam chỉ có duy nhất làng Xuân La là làm con giống bột, nhưng thực ra đã có rất nhiều nơi làm con giống bột và mỗi nơi lại có một trường phái sáng tạo riêng. Có lẽ không nhiều người biết rằng ngay trong phố cổ Hà Nội cũng từng có hai dòng con giống bột rất nổi tiếng, đó là con giống bột ở các phố Hàng Lược, Đồng Xuân và một loại khác gọi là con giống Phố Khách của người gốc Hoa ở phố Hàng Buồm, Mã Mây. Cả hai loại con giống này dù rất đẹp và tinh xảo, nhưng đã thất truyền nhiều năm.

“Ngày xưa ở làng Xuân La, mỗi dịp Trung Thu các cụ thường nặn con giống hình con chim, con cò hay mâm ngũ quả để trẻ con vui Tết ông Trăng, chơi chán rồi có thể hấp con giống lên để ăn”, anh Hậu hồi tưởng lại. “Còn những con giống ở Đồng Xuân hay Hàng Buồm thì có nhiều người phết dầu lên nên không ăn được”.

Nghệ nhân hồi sinh con giống bột của người Hà Nội ảnh 2

Trước những năm 60 của thế kỷ trước, các nghệ nhân của làng Xuân La thường nặn con giống trên các vòng tre có hình dáng giống vỏ bao diêm để khi hấp lên thì không bị dính vào phên. Các cụ ông thì ở nhà nặn, còn các cụ bà mang con giống ra chợ bán, chứ không nặn trực tiếp tại chỗ như bây giờ.

Tới năm 1962, có một cụ nghệ nhân đã thay thế bột tẻ bằng bột nếp để đỡ phải hấp và nặn con giống trên que như bây giờ. Đây chính là một bước ngoặt của nghề làm con giống bột, bởi bột nếp có độ kết dính cao hơn, nghệ nhân có thể trực tiếp nặn theo yêu cầu của khách và từ đó con giống bột không chỉ quanh quẩn ở những khu chợ gần Xuân La mà đã vươn xa ra các tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng,...

Thời kỳ này, nhiều người cũng gọi đây là nghề nặn chiến sĩ, bởi thời chiến tranh các nghệ nhân hay nặn hình bộ đội, văn công. Còn ở làng, thì các cụ vẫn ngầm hiểu với nhau đây là nghề “nặn bánh chim, cò”.

Nghệ nhân hồi sinh con giống bột của người Hà Nội ảnh 3

Khoảng 30 năm sau, khi Nhà nước bắt đầu để ý tới nghệ thuật chế tạo con giống bột và tổ chức một cuộc triển lãm, thu hút rất nhiều du khách tới tham quan và đặt hàng. Lúc đó có một anh phóng viên tới đây viết bài thì có hỏi thăm một cụ nghệ nhân là: “Đây có phải là con tò he không?”.

Sở dĩ anh phóng viên gọi là tò he vì lúc đó có một loại con giống bột có gắn thêm cái còi có thể thổi tò te được, lúc hỏi thì cụ ấy lại đang bận quá nên gật đại, rồi bài báo về con tò he trở nên nổi tiếng, cái tên tò he từ đó gắn liền với con giống bột. Theo anh Hậu, đến tận bây giờ, nhiều cụ trong làng vẫn trăn trở vì mãi không sửa được cái tên tò he, nhưng cũng đành chịu vì nó đã nổi tiếng quá rồi.

Nghệ nhân hồi sinh con giống bột của người Hà Nội ảnh 4

Quá trình phục dựng lại những con giống bột của Hà Nội xuất phát từ cơ duyên tình cờ khi nghệ nhân Đặng Văn Hậu được gặp nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách.

“Kể ra hai chú cháu lần đầu biết nhau từ năm 1998, nhưng phải tới năm 2012, chú Trịnh Bách mới gặp lại tôi ở phố Hàng Lược và nhờ tôi nặn một đôi rồng theo mẫu rồng bột của người Đồng Xuân ngày trước. Việc khôi phục những con giống bột gặp nhiều khó khăn bởi những hình ảnh về chúng chỉ dựa vào trí nhớ của chú Trịnh Bách và một số tư liệu cổ trên thế giới”, anh Hậu cho biết.

Cặp đôi một già một trẻ này lại cất công đi tìm những nghệ nhân nặn con giống ở phố cổ Hà Nội, nghe được manh mối gì họ cũng tìm tới tận nơi, có người nay đã chuyển nhà, có người thì không còn nữa. Năm 2017, anh Hậu may mắn được gặp bà Nguyệt Ánh, gần như là người cuối cùng biết làm con giống bột Đồng Xuân.

Sau khi nghe trình bày về mong muốn hồi sinh món đồ chơi cổ xưa của người Hà Nội, bà Nguyệt Ánh đồng ý dạy anh Hậu nặn con giống bột Đồng Xuân và cho mượn dụng cụ để chế tác lại. Còn với con giống bột Phố Khách, bà Nguyệt Ánh may mắn giữ lại được một bộ dụng cụ, còn nhà nghiên cứu Trịnh Bách thì dựa trên trí nhớ để vẽ lại. Nhờ thế, bộ ba này đã hợp lực phục chế thành công con giống bột cổ xưa của người Hà Nội.

Nghệ nhân hồi sinh con giống bột của người Hà Nội ảnh 5

“Tôi cũng tìm lại được nhiều bức ảnh xưa ghi lại cảnh người Hà Nội bày bán con giống bột. Ở các viện bảo tàng của Pháp hoặc Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng lưu lại nhiều bức ảnh về con giống bột của trẻ em Hà Nội những năm 1920”, anh Hậu nói và cho biết đó đó cũng là nguồn tư liệu quý giá giúp hồi sinh thành công những con giống bột.

Mỗi con giống thường có nét rất riêng và mỗi nơi lại nặn theo các chủ đề khác nhau. Còn các nghệ nhân Đồng Xuân thường nặn những con giống dựa vào tích “Lục súc tranh công” hoặc nặn các nhân vật trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam như Tứ Phủ. Còn dòng con giống của người Phố Khách thường nghiêng về các nhân vật thần thoại như Tam sư hoặc Tứ linh.

Nhiều người lớn tuổi ở các con phố Hàng Lược, Đồng Xuân, Hàng Buồm khi thấy những con giống anh Hậu bày bán trên các sạp hàng đều mừng rỡ khi được thấy lại những món đồ chơi khi xưa họ hay được cha mẹ mua mỗi khi Trung Thu, Tết đến.

Nghệ nhân hồi sinh con giống bột của người Hà Nội ảnh 6

Khi nhắc đến các nghề thủ công dân gian, người ta thường quan niệm phải lưu giữ những giá trị cổ xưa, nhưng nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho rằng cải tiến các sản phẩm để theo kịp thời đại thì mới là cách bảo tồn hiệu quả nhất.

“Là một người trẻ, tôi cho rằng các sản phẩm mình làm ra phải có chất lượng và mẫu mã tốt nhất để nâng tầm giá trị của con giống bột. Chính vì vậy mà tôi đã tìm cách liên kết với một số bạn trẻ yêu thích nghệ thuật dân gian cũng như có kỹ năng thiết kế để lập thành một nhóm sáng tạo ra những mẫu mã độc đáo, hấp dẫn mang tên Tò he Việt”, anh Hậu khẳng định.

Những sản phẩm của nhóm Tò he Việt không chỉ dừng lại ở mức chỉ là đồ chơi cho trẻ con mà còn trở thành các tác phẩm nghệ thuật, có giá trị cao, để thu hút cả người lớn mua về để trưng bày hoặc biếu tặng.

Nghệ nhân hồi sinh con giống bột của người Hà Nội ảnh 7

Những bộ sưu tập độc đáo của anh Hậu như “Rước đèn”, “Tích Trung thu”, “Tứ Linh”, “Tam sư” đều mang giá trị nghệ thuật cao và giá thành cũng không hề rẻ. Các mẫu mới như “Chị Hằng mặc áo Nhật Bình” cũng được cộng đồng mạng đánh giá rất cao về tính thẩm mĩ.

Theo anh Hậu, mỗi nhân vật mà mình nặn ra đều có những câu chuyện đằng sau, do đó các sản phẩm tò he không chỉ mang giá trị thẩm mĩ mà còn mang tính giáo dục, thu hút mọi người tìm hiểu về văn hóa dân gian. “Đây cũng là hướng đi mà tôi nhắm đến nhằm mở rộng đối tượng khách hàng, song song với việc duy trì các sản phẩm cho trẻ em”, anh Hậu cho biết.

Nghệ nhân hồi sinh con giống bột của người Hà Nội ảnh 8

Cũng như nhiều ngành nghề thủ công dân gian khác, các nghệ nhân nặn con giống bột như Đặng Văn Hậu luôn trăn trở trước bài toán tìm kiếm và bồi dưỡng các lớp kế cận. Anh Hậu cho biết nhu cầu của thị trường là rất lớn, bản thân anh khi ở nhà đều luôn tay nặn bột, nhưng vẫn không đủ hàng để giao vì không có thợ làm cùng.

Để làm ra các sản phẩm có giá trị cao, thì một người nặn con giống bột phải mất tới 3 năm. Còn nếu muốn làm “hàng chợ”, thì chỉ cần học từ 6 tháng tới 1 năm, nhưng như vậy bản thân người làm cũng không có đủ thu nhập để bám trụ với nghề.

“Ở Xuân La, chúng tôi còn phải cạnh tranh với nghề may màn, vốn không yêu cầu tay nghề cao và học việc 1 tháng là đã thành thạo, dù thu nhập không cao hơn so với nặn con giống”, anh Hậu nói.

Nghệ nhân hồi sinh con giống bột của người Hà Nội ảnh 9

Muốn giải quyết vấn đề này, cần phải có một nguồn lực ổn định để hỗ trợ cho các bạn trẻ trong thời gian học việc. Một điều nữa đó là các sản phẩm Tò he Việt đều hướng tới thường có giá trị thẩm mĩ cao, như những bộ Tứ Linh hay Tam Sư đòi hỏi người chế tạo phải có tay nghề vững chắc, có sự tỉ mỉ và tinh thần không ngừng học hỏi, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để theo được nghề nặn con giống.

Một thực trạng đáng lo khác đó là trẻ em ngày nay đang có nhiều thú vui khác hấp dẫn chúng hơn là những con giống bột nhiều màu sắc. Con giống bột Việt Nam đang phải cạnh tranh gắt gao với các sản phẩm công nghệ và nhiều loại đồ chơi nhập ngoại khác trên thị trường.

Khó khăn là thế, nhưng với hơn 20 năm gắn bó, anh Hậu nhận ra rằng dù là ở vùng cao hay các thành phố, trẻ em nơi nào cũng giống nhau và đều yêu thích đồ chơi. Theo anh Hậu, bất cứ đứa trẻ nào khi nhận được tận tay một con giống bột, chúng đều thể hiện niềm vui sướng ra mặt. Đây cũng là điều cốt yếu để tò he còn tồn tại được cho đến giờ.

Một động lực khác để nghệ nhân tiếp tục bám trụ lấy nghề đó là ngày càng nhiều bố mẹ và thầy cô vẫn giữ được tình yêu với con giống bột và hướng cho các con chúng tham gia các buổi thực hành tự nặn con giống, hoạt động này vừa giúp con trẻ giảm áp lực học tập, vừa tạo cho chúng niềm yêu thích với đồ chơi dân gian.

“Nhiều trẻ con, không kể Việt Nam hay nước ngoài, khi đi qua các quầy bán tò he đều bị hấp dẫn bởi các nhân vật vốn quen thuộc trong đời sống giải trí của chúng, chứ không chỉ là các nhân vật dân gian. Trẻ em đem tới nguồn sống vô tận cho con giống bột và giúp nghề này không dễ bị mai một”, anh Hậu khẳng định.

Nghệ nhân hồi sinh con giống bột của người Hà Nội ảnh 10

Bài: Huy Vũ

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?