Nhìn lại cuộc khủng hoảng rác của Hà Nội

Nhìn lại cuộc khủng hoảng rác của Hà Nội

Được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 1999, Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) đóng vai trò là đầu mối xử lý rác lớn nhất Thủ đô. Sau hơn 20 năm hoạt động, bãi rác Nam Sơn đã rơi vào tình trạng quá tải, thời hạn vận hành bãi rác vượt quá quy định là 20 năm, gây ra rất nhiều hệ lụy về môi trường và sức khỏe cho người dân Hà Nội.
____________
Nhìn lại cuộc khủng hoảng rác của Hà Nội ảnh 1

Từ năm 2016 đến nay, người dân trong khu vực ba xã thuộc vùng ảnh hưởng của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn là Hồng Kỳ, Nam Sơn và Bắc Sơn đã nhiều lần kiến nghị các nội dung liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường do vận hành của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, đề nghị chính sách hỗ trợ ảnh hưởng môi trường cho nhân dân, chính sách giải phóng mặt bằng các dự án Khu liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn giai đoạn 2 và Di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 0-500m từ hàng rào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Ngày 26/5 năm 2016, do không đồng tình với phương án phí bồi thường ô nhiễm môi trường cho các hộ dân sống gần bãi rác. Hàng chục người dân của ba xã đã tiến hành dựng lều bạt, chặn đường không cho xe chở rác tiến vào khu xử lý. Gây ùn ứ rác thải và mất an toàn vệ sinh cũng như mỹ quan trong nội thành Hà Nội.

Sau khi sự việc kéo dài ba ngày, Chủ tịch thành phố Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Đức Chung đã tới hiện trường và dành ba tiếng để giải đáp các thắc mắc của người dân.

Tại buổi đối thoại, người dân ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) đã đưa ra hàng loạt kiến nghị và đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND thành phố, trong đó tập trung kiến nghị về nâng mức tiền hỗ trợ về ảnh hưởng môi trường cho người dân, xây dựng trạm quan trắc theo dõi ô nhiễm không khí, nguồn nước. Đồng thời, kiến nghị làm dự án cấp nước sạch cho người dân.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng rác của Hà Nội ảnh 2

Đáp lại ý kiến của người dân, ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn triển khai ngay dự án di dời người dân trong khu vực ô nhiệm ở phạm vi 500m. “Thành phố sẽ bố trí đủ ngân sách, vì vậy huyện phải làm ngay dự án, làm hạ tầng đến đâu thì thực hiện di chuyển người dân tới đó”, ông Chung chỉ đạo. Chủ tịch TP cũng cam kết, ngay sau buổi đối thoại sẽ chỉ đạo các ngành nghiên cứu nâng mức hỗ trợ cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng ô nhiễm. Sau buổi đối thoại, người dân đã dỡ bỏ lều bạt, rào chắn, cho xe vận chuyển tiếp tục ra vào khu chôn lấp, xử lý rác thải.

Tuy nhiên, do sốt ruột với tiến độ, mức độ đền bù di dời diễn ra hết sức chậm chạp, người dân đã liên tục chặn xe chở rác vào tháng 7, tháng 10 năm 2017; tháng 7 năm 2018; tháng 1, tháng 7 và tháng 9 năm 2019 và mới nhất là vào tháng 7 cùng tháng 10 năm 2020.

Đỉnh điểm là vào tháng 7 năm 2019, sau hơn ba ngày người dân Sóc Sơn chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn, đến ngày 4/7, rác thải sinh hoạt đã bị ùn ứ chất đống tại nhiều tuyến phố ở các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng rác của Hà Nội ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, người dân ở xã Nam Sơn) cho biết từ tối 3/7 đến rạng sáng và cả ngày 4/7, trời mưa tầm tã, gió mạnh nhưng hàng chục người dân ở gần bãi rác Nam Sơn vẫn cắt cử nhau thay phiên túc trực, không cho xe chở rác chạy vào bãi.

“Đêm tối thì những người đàn ông trung niên căng bạt, mặc áo mưa ngồi canh giữ. Ban ngày thì chủ yếu là các bà già 50 - 60 tuổi, đội nón, mặc áo mưa ra chặn xe chở rác. Có thể nhìn sơ bộ chỉ khoảng 10 - 20 người ngồi trực thôi, nhưng nếu xe chở rác cố tình đi qua, chúng tôi sẽ hô hoán để dân làng bủa ra”, bà Hoa cho biết. Mặc cho vô số lần chặn đường, cũng như điều đình và đối thoại của chính quyền thành phố Hà Nội, điệp khúc chặn đường, tắc rác của Thủ đô vẫn tiếp diễn đều đặn qua mỗi năm mà không thể được giải quyết dứt điểm.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng rác của Hà Nội ảnh 4

Chỉ tính riêng trong năm 2020, đã có hai lần người dân tại khu vực xung quanh Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn phải tiến hành chặn đường để phản đối việc đổ rác.

“Rác đã cao hơn mái nhà người dân”, Bí thư xã Hồng Kỳ Hoàng Thị Hà cho biết. “Bãi rác Nam Sơn hiện đã quá tải, hạn vận hành bãi rác là 20 năm nhưng đến nay đã hơn 20 năm; theo thiết kế bãi rác cao 21m nhưng đến nay là 39m; một số nhà dân chỉ cách bãi rác 100m.”

Theo ông Lê Văn Hộ (thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn), trong số 15 lần chặn xe rác, những lần đầu tiên chỉ đơn thuần là do bãi rác ô nhiễm quá sức chịu đựng của nhân dân. Còn những lần chăn xe rác gần đây là do sự hứa hẹn của thành phố với nhân dân không được thực hiện.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng rác của Hà Nội ảnh 5

“Bãi rác không hiểu đã quá tải hay chưa, nhưng vừa rồi ô nhiễm ghê gớm quá, mùi thối bốc lên cả huyện cũng cảm thấy chứ không chỉ nhân dân 3 xã chúng tôi. Do vậy, mà nhân dân mới ra chặn xe. Chặn xe như vậy là vi phạm pháp luật. Đảng viên chúng tôi ra vận động người dân, họ nói là không vi phạm vì chỉ chặn xe chở rác hôi thối thôi, còn xe khác vẫn đi bình thường. Họ nói thế, chúng tôi biết làm sao!”, ông Hộ nói.

Cũng theo ông Hộ, tính từ năm 1999 đến 2005, cả xã Nam Sơn chỉ có 2 người chết do ung thư, nhưng từ năm 2005 đến nay đã có trên 100 người.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng rác của Hà Nội ảnh 6

“Ngay nhà tôi có 5 anh em bị ung thư trong đó 3 người mất rồi, còn 2 người đang điều trị. Bản thân tôi không bao giờ hút thuốc nhưng cũng bị ung thư phổi giai đoạn ba. Tôi đề nghị thành phố cố gắng lo cho dân, bởi vì chúng ta là cán bộ của dân, do dân và vì dân”, ông Hộ nói.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng rác của Hà Nội ảnh 7

Trong cuộc đối thoại với đại diện UBND thành phố Hà Nội hôm 30/10 năm 2020, ông Nguyễn Văn Thắng (thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn) cho rằng giá đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định của thành phố không hợp lý khi gia đình ông có đất thổ cư, theo vận động đã đồng thuận lấy tiền theo diện “đất 64” (đất trợ giá) nhưng giá đến bù 10,5 nghìn đồng/m2 là không thỏa đáng.

Còn với ông Nguyễn Mạnh Hùng (thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn), dù bày tỏ phấn khởi trước những giải pháp hỗ trợ người dân trong thời gian qua, song ông cho rằng mức hỗ trợ người dân còn quá thấp so với những thiệt hại của người dân trong 21 năm qua. Theo ông Hùng ít nhất phải hỗ trợ 10 nghìn đồng/ người/ngày. Về đất tái định cư, ông Hùng kiến nghị dùng chính sách đặc thù “đất đổi đất cho dân”, đề nghị đổi theo định mức không vượt quá 240m2/hộ, còn đâu quy đổi thành tiền cho dân và nói: “Chúng tôi chỉ mong rằng, khi đi tái định cư không được hơn thì cũng được bằng số đất cũ”.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng rác của Hà Nội ảnh 8

“Chúng tôi mong muốn được di dân nhanh chóng. Con cháu chúng tôi sống ngay “núi” rác rất khổ sở. Đã khảo sát điều tra xong ba năm nay thì cần lập, phê duyệt phương án đền bù ngay cho người dân. Cứ kiểm tra đi kiểm tra lại đến bao giờ”, ông Hùng kêu.

Liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ di dân trong bán kính 500 m, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết khi kiểm đếm và tính toán, có một số hộ dân, tiền đền bù đất ở, không đủ để nhận được suất đất tái định cư. Với các trường hợp này, thành phố sẽ hỗ trợ để đảm bảo người dân được nhận đất tái định cư.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng rác của Hà Nội ảnh 9

Với các trường hợp có “sổ đỏ” vượt quá diện tích hạn mức theo luật định, trước mắt, TP sẽ đền bù cho người dân theo “sổ đỏ”. Tuy nhiên, thành phố cũng đề nghị người dân tự rà soát, xem xét lại, bởi sau đó, các trường hợp này sẽ được các cơ quan chức năng rà soát lại. Nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng rác của Hà Nội ảnh 10

Theo báo cáo của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội năm 2019, toàn thành phố mỗi ngày phát sinh 6.500 tấn rác. Trong đó, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận phần lớn với khoảng 5.000 tấn mỗi ngày, khoảng 1.500 tấn còn lại được chuyển về bãi Xuân Sơn (Sơn Tây) và một số nhà máy đốt rác nhỏ. Tuy nhiên, theo dự báo năm 2020, lượng rác thải phát sinh mỗi ngày của Hà Nội lên tới 8.500 tấn.

Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết hiện hai khu vực xử lý lớn nhất hiện nay của Hà Nội là Nam Sơn đều đang trong tình trạng quá tải và thời gian tiếp nhận còn lại ngắn, phương pháp chôn lấp tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến dân cư lân cận.

Mặc dù, trong những năm qua, để nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý rác, Urenco đã áp dụng các biện pháp chôn lấp hiện đại nhất để tăng hiệu quả xử lý, giảm thời gian chôn lấp. Dù đã nỗ lực, nhưng việc loại bỏ hoàn toàn những ảnh hưởng là điều không thể. Cụ thể, theo các chuyên gia, trong quá trình chôn lấp rác vẫn phải có khoảng hở để tiếp nhận rác, từ khoảng hở này không tránh khỏi có mùi. Ngoài ra, các hồ chứa nước rỉ rác còn tồn đọng khá nhiều, chưa xử lý hết nên gây mùi... ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng rác của Hà Nội ảnh 11

Trước tình trạng trên, thành phố Hà Nội đã kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại. Hiện thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án sử dụng công nghệ hiện đại: Dự án điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm, Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn công suất 1.000 tấn/ngày đêm, Dự án khí hóa rác thải thành điện năng công suất 500 tấn/ngày đêm, Dự án nhà máy khu xử lý chất thải Đồng Ké công suất 1.500 tấn/ngày đêm. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, để khắc phục tình trạng quá tải rác thì phải đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt theo công nghệ đốt phát điện theo các tiêu chí về lựa chọn nhà đầu tư và công nghệ hiện đại tiên tiến.

Bên cạnh giải pháp này, Hà Nội sẽ tăng cường công tác phân loại rác thải tại nguồn theo hướng: Phân chia địa bàn các huyện thành nhiều vùng khác nhau để áp dụng các phương thức phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý; kết hợp với việc phân loại tinh tại các trạm trung chuyển nhằm tăng hiệu quả xử lý, tái chế rác thải, giảm tỷ lệ chất thải phải vận chuyển đi chôn lấp, xử lý; xây dựng kế hoạch hướng tới việc phân loại phù hợp với công nghệ xử lý trong bối cảnh thành phố đang đẩy mạnh xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện.

Đề xuất lộ trình ưu tiên áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến nhằm giảm thiểu tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, Hà Nội cho biết sẽ lựa chọn công nghệ tái chế là công nghệ chủ đạo; đốt một phần hoặc đốt có thu hồi năng lượng; kết hợp với chôn lấp hợp vệ sinh tại chỗ (của huyện) hoặc trung chuyển đến các bãi chôn lấp hợp vệ sinh tập trung của thành phố; hướng tới mô hình xử lý rác thải 3R hoàn chỉnh cho thành phố Hà Nội.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng rác của Hà Nội ảnh 12

Bài: Huy Vũ

Thiết kế: Hà Dung

Nguồn ảnh sử dụng thêm: Vnexpress, VOV, TTXVN

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.