Trong hành trình “99 ngày xuyên Việt cùng Mai”, xuyên suốt chiều dài đất nước, tôi đã dành rất nhiều thời gian trong chuyến đi của mình để chụp nhiều bức ảnh về phụ nữ, về trẻ em và ghi lại các câu chuyện của họ. Những đôi mắt vùng cao long lanh, lấp lánh chứa ước mơ bình dị.
______________________
Trong tiết trời se lạnh, lây phây mưa xuân đầu mùa của ngày đầu hành trình, tôi đi cùng đám trẻ trong bản Tà Số, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La lang thang khắp nơi. Tôi đã dừng lại bên hiên ngôi nhà dưới hàng cây đào trổ bông, nơi cô bé dân tộc Mông bế một em bé khoảng 5 - 6 tháng tuổi trên tay. Sau một lúc nói chuyện tôi mới biết cô bé đã nghỉ học từ năm lớp 7 để cưới chồng, và em bé trên tay là con trai thứ hai của cô bé. Tôi cũng gặp một cô bé khác, bỏ học năm lớp 8 vì bố tự tử, không có ai phụ giúp mẹ nên bỏ học ở nhà lấy chồng, sinh con.
Và rồi cứ như một câu chuyện quen thuộc, tôi đã gặp nhiều cô bé đều bỏ học ở lứa tuổi vừa lớn để nghỉ học, để sinh con, để ở nhà làm nương kiếm miếng ăn qua ngày. Có rất nhiều bé gái đã không có tương lai khi bỏ lại tuổi hồng đẹp nhất phía sau những cánh cửa nhà chồng. Câu chuyện ấy bắt nguồn cả từ những thế hệ trước cũng đã rời ghế nhà trường từ khi còn nhỏ để lập gia đình, để làm nương rẫy cho đến tận hôm nay. Vì thế họ thấy con cái mình lấy chồng, sinh con sớm cũng giống như họ, là lẽ bình thường. Nhưng buồn hơn cả là việc rất nhiều bé gái tâm sự với tôi: “Con không thích đi học vì đi học không giúp được gì cho gia đình!”. Việc học và áp lực cơm áo gạo tiền đã vô tình trở thành vấn đề được tính toán nên và không nên.
Cô bé Mua của tôi bao lâu nữa sẽ được đến trường như các bạn. |
Tôi gặp cô bé Mua trong căn nhà nhỏ. Mua bị bệnh khi mới 9 tháng tuổi nên suốt 9 năm qua Mua không thể hoạt động bằng tứ chi. Nhưng Mua có một gương mặt thông minh, lanh lợi. Mua nắm tay tôi nói khiến tôi phải nén lại nước mắt: “Con muốn được chữa khỏi bệnh để được đến trường như các bạn!” Mẹ Mua còn quá trẻ, năm nay mới 26 tuổi, có nghĩa sinh Mua khi mới 17 tuổi. Mẹ Mua cũng không học hết phổ thông mà dừng việc học để lấy chồng. Chính những kiến thức về cuộc sống còn thiếu hụt nên ngay cả việc chăm sóc con cũng là những vấn đề đáng báo động của những người mẹ trẻ nơi vùng núi xa xôi. Khi Mua sốt cao, bố mẹ không biết làm gì, không đủ phương tiện cũng như kinh tế để đưa đi bệnh viện nên Mua đã không có cơ hội chiến đấu chống lại bệnh tật. Suốt 9 năm qua Mua cũng không có một cơ hội nào được chữa bệnh nên dù có một khả năng nhận thức tốt, một trí tuệ bình thường Mua vẫn đang là một cô bé ốm yếu nằm trên giường.
Tôi nhận ra việc góp phần vào thay đổi nhận thức của đồng bào nói chung hay của trẻ em nói riêng về cuộc sống mới không phải chỉ đến từ những bài báo. Thực sự cái ảnh hưởng đầu tiên là những người đến từ vùng đồng bằng, vùng phát triển kinh tế như tôi, như rất nhiều người, như chúng ta đã và đang có cuộc sống may mắn đủ đầy hơn đã gặp họ. Điều thứ hai chính là social – công cụ báo chí thời hiện đại. Tỉ lệ đồng bào dùng smart phone hiện nay cũng đã khá phủ đầy thôn bản. Trẻ em nông thôn, miền núi ngày nay cũng như trẻ em thành phố ôm điện thoại, thiết bị điện tử mỗi ngày. Câu hỏi đặt ra: Báo chí hôm nay có thể làm được gì trong việc thúc đẩy nhận thức về giá trị của bản thân, về tương lai của chính những đứa trẻ có đôi mắt long lanh mà tôi gặp nơi vùng cao? Tôi thấy tiếc vì những trang viết dài, đầy tâm huyết của rất nhiều nhà báo khó có thể đến tận tay hoặc nếu có đến thì không dễ dàng thôi thúc đồng bào thay đổi. Tôi mong muốn thấy những bài viết, tác phẩm báo chí social truyền đi thông điệp tích cực, vào nỗ lực xây dựng cuộc sống tương lai cho các em nhỏ ngay từ lúc này.
Những điều đó có giá trị hơn rất nhiều vào việc mỗi buổi sáng tôi mở báo mạng, Facebook đều là nhưng tin tiêu cực, cổ xuý, share một cách vô tội vạ những “trend” nóng sốt mỗi ngày. Hãy dùng cách lan toả nhanh chóng, mạnh mẽ của báo chí hiện đại – thời đại số để đưa đến những câu chuyện mang tính truyền cảm hứng, những thông điệp về cuộc sống tương lai được đến trường, được đi học mỗi ngày để chính các em mới là người quyết định cuộc sống của mình mà không phải sống một tương lai khá mù mịt.
In dấu trong hành trình của tôi là những câu chuyện, là những giấc mơ lấp lánh trong đôi mắt vùng cao của những đứa trẻ nơi vùng núi xa xôi. Là những câu hỏi mà tôi đau đáu tìm lời giải: Bao giờ những cô bé của tôi, Mua của tôi được bước đến tương lai rộng lớn, đẹp đẽ?
Bài: Bông Mai
Thiết kế: Mẫn San