Những tượng đài của thể thao Việt Nam: Vinh quang không chỉ có hoa hồng

Những tượng đài của thể thao Việt Nam: Vinh quang không chỉ có hoa hồng

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, khi thể thao Việt Nam dù chỉ mới bắt đầu hội nhập với sân chơi khu vực, nhưng đã sản sinh ra một thế hệ nữ vận động viên tài năng. Những “tượng đài” một thời như Phạm Hồng Thắm, Trần Hiếu Ngân, hay Hà Thu Dậu, Phạm Thị Kim Huệ là những cầu nối đầu tiên đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ thể thao quốc tế.

__________________

Những tượng đài của thể thao Việt Nam: Vinh quang không chỉ có hoa hồng ảnh 1

Ngược dòng lịch sử, Việt Nam bắt đầu tham gia kỳ SEA Games đầu tiên vào năm 1989. Đất nước khi đó chỉ vừa bước ra khỏi thời kỳ bao cấp, dù phong trào thể thao vốn đã phát triển trong nước, song vẫn chỉ tập trung ở một số môn mũi nhọn, điều kiện tập luyện, sinh hoạt dành cho các vận động viên còn hết sức thiếu thốn.

Mỗi lần hồi tưởng về thời kỳ nửa bao cấp, nửa mở cửa, “cô gái vàng” Phạm Hồng Thắm - võ sĩ karate số 1 Việt Nam những năm 1990, nhớ nhất những bữa cơm trưa đạm bạc do các thầy ở nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức chuẩn bị cho học trò.

“Hồi mới nhập môn karate, tôi được thầy Phạm Quốc Trọng trực tiếp chỉ dạy. Mỗi sáng tôi lại lóc cóc đạp xe 10 cây số từ nhà tới chỗ tập”, Hồng Thắm kể lại. “Đến trưa thì thầy và các trò ngồi quây quần ăn với nhau. Mỗi ngày tôi tập ròng rã 6-7 tiếng, tối lại tập thêm để thi lên đai.”

Những tượng đài của thể thao Việt Nam: Vinh quang không chỉ có hoa hồng ảnh 2

Hồng Thắm kể tiếp, mỗi tối về đến nhà đã 9-10 giờ, nhưng nào có được nghỉ ngơi, chị lại phải gánh hai xô nước từ bể công cộng rồi đổ vào thùng phuy trong nhà, rồi sau đó mới được tắm giặt, nghỉ ngơi. Có lẽ chính những ngày tháng tập luyện và lao động miệt mài đó đã giúp Hồng Thắm rèn luyện thể lực, để có sức thi đấu ở hạng cân trên 60 kg, giúp chị giành được 2 huy chương vàng và 2 huy chương bạc trong 4 kỳ SEA Games.

Chắc hẳn nhiều khán giả từng theo dõi kỳ SEA Games 20 trên đất Brunei vẫn còn nhớ hình ảnh một Phạm Hồng Thắm tóc tém với đôi mắt rưng rưng khi đứng chào cờ sau khi bảo vệ thành công chiếc huy chương vàng.

Trong thập niên 1990, ngoài sự thăng tiến của các bộ môn võ thuật đối kháng, thể thao Việt Nam còn chứng kiến đà phát triển vượt bậc của bóng chuyền nữ, và một trong những nhân chứng nổi bật là chủ công Hà Thu Dậu - người đã cùng các đồng đội 3 lần đưa đội tuyển Việt Nam tới chung kết SEA Games các năm 1994, 1997, 1999.

Giai đoạn thi đấu của Thu Dậu gắn liền với thời kỳ chuyển mình của bóng chuyền Việt Nam. So với các nước trong khu vực khi đó, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam phải chịu thiệt thòi do thiếu hụt cơ sở vật chất như sân bãi, trang thiết bị phục vụ luyện tập.

Vượt qua gian khổ của những ngày tháng khắc nghiệt, tập trên mặt sân xi măng rắn như đá bằng chân đất và không có bịt gối, những “cô gái vàng” của thập niên 90 như Thu Dậu, Cẩm Thúy, Bùi Hương, Hường “Mường”...vẫn cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ sừng sỏ trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Indonesia.

Thu Dậu gần như không quên được trận áp chót chị cống hiến trong màu áo tuyển quốc gia. Năm 1999, bóng chuyền Việt Nam vốn đang đứng thứ 3 Đông Nam Á và được mời thi đấu giải Tiền SEA Games tại Thái Lan.

Toàn đội quyết tâm vượt qua bán kết để vào chung kết gặp chủ nhà. Tuy nhiên trước trận đấu cuối, do một số sơ xuất, tuyển Việt Nam thắng hai séc đầu rồi để đội bạn lội ngược dòng trong hai séc tiếp theo. Giữa lúc tưởng như tuyệt vọng, Thu Dậu cùng các đồng đội đột ngột xoay chuyển được tình thế và giành chiến thắng với tỉ số 17 - 15.

“Ngày hôm đó, khi bước vào hiệp quyết định, tôi nhìn lên khán đài, thấy lá quốc kỳ bé con con được các cổ động viên trân trọng buộc trên cổ tay, rồi nghĩ rằng nếu thua trận này thì mình không xứng đáng với nó nữa”, Thu Dậu giải thích về cuộc lội ngược dòng năm đó.

Những tượng đài của thể thao Việt Nam: Vinh quang không chỉ có hoa hồng ảnh 3

Kể về những năm tháng gian khó khi bóng chuyền Việt Nam mới chập chững đi lên con đường chuyên nghiệp, “hoa khôi bóng chuyền” Kim Huệ vẫn nhớ nhất câu chuyện về bộ trang phục thi đấu - một thứ được cô và các đồng đội coi là một thứ “xa xỉ”.

“Điều kiện thời đó chưa cho phép, nên phải vài năm chúng tôi mới được may quần áo mới một lần và chỉ khi nào thi đấu mới được lôi ra mặc nên rất tiết kiệm. Cả đội sẽ phải chọn những chất vải vừa phù hợp với điều kiện thi đấu, vừa phù hợp với túi tiền của đội bóng”, huấn luyện viên của CLB Ngân hàng Công thương cho biết.

Những tượng đài của thể thao Việt Nam: Vinh quang không chỉ có hoa hồng ảnh 4

Ước mơ của mọi vận động viên là được đứng trên bục nhận danh hiệu cao quý, nhưng để được sống trong những giây phút ngắn ngủi đó, họ sẽ phải trả giá bằng việc đối mặt với những áp lực và định kiến mỗi ngày.

Cường độ tập luyện và thi đấu dày đặc, cộng với không khí cạnh tranh trong các đội tuyển khiến vận động viên không tránh khỏi gặp phải những chấn thương thể chất hoặc mắc chứng lo âu, mất ngủ do căng thẳng.

Đối với người bình thường, thuốc ngủ và thuốc giảm đau chỉ thỉnh thoảng mới được sử dụng, còn với các vận động viên, họ gần như “nhẵn mặt” những thứ đó.

Đối với Phạm Hồng Thắm, “nữ hoàng kumite” trong những năm tháng thi đấu đỉnh cao cũng từng phải trải qua 4 lần lên bàn mổ. Do phải liên tục tập luyện trong điều kiện thiếu thốn, cùng với cường độ thi đấu dày đặc để chinh phục các danh hiệu, Phạm Hồng Thắm đã mắc phải chứng viêm xương, phải phẫu thuật. Lúc đầu là chân phải, sau đó là chân trái. Mỗi lần mổ là các bác sĩ phải đục 10 phân xương chày ở hai bên chân, thế nhưng chỉ cần ngồi dậy được, là Hồng Thắm bắt đầu tập đi.

Những tượng đài của thể thao Việt Nam: Vinh quang không chỉ có hoa hồng ảnh 5

Tháng 7 năm 1998, Hồng Thắm tiếp tục gặp phải một chấn thương kinh hoàng khi tham dự một giải đấu trên đất Pháp, một cú đấm phạm quy của đối thủ đã khiến sống mũi chị thành hình chữ S. Vết thương này khiến mặt của Thắm biến dạng hoàn toàn, thế nhưng bỏ qua những mặc cảm ngoại hình, nữ võ sĩ tuổi Giáp Dần vẫn tiếp tục chinh chiến các giải đấu trước khi được tạo điều kiện phẫu thuật nâng sống mũi.

Giống với nhiều đồng nghiệp, Kim Huệ cũng không lạ gì với những chuỗi ngày dính chặt lấy thuốc mê và giường bệnh, chị tâm sự đối với các vận động viên, việc phải đụng dao kéo đã là một canh bạc lớn, có thể mất sự nghiệp như chơi.

Đầu năm 2006, nữ phụ công mang áo số 5 của tuyển Việt Nam dính phải chấn thương ống quyển và được chỉ định phẫu thuật. Thế nhưng chỉ hai tuần sau khi mổ, Kim Huệ lại phải xỏ giày ra sân tập để chuẩn bị cho các giải đấu mới, dù bác sĩ khuyến cáo phải nghỉ thi đấu 3-6 tháng. Việc tái phát chấn thương là điều không thể tránh khỏi, lần này Kim Huệ quyết tâm mổ lần hai, dù bác sĩ dự đoán trong trường hợp xấu nhất, một chân của chị sẽ không còn được như xưa.

Đối diện với những đau đớn trong lúc điều trị, cộng với áp lực cạnh tranh trong câu lạc bộ đã khiến Kim Huệ suy sụp tinh thần và đi đến quyết định giải nghệ để lập gia đình. Bây giờ nhìn lại, chị cho rằng đó là khoảng thời gian đen tối nhất trong sự nghiệp của mình.

Không chỉ gặp phải những chấn thương thể xác, nhiều nữ vận động viên trong thời kỳ thể thao mới hội nhập cũng không ít lần phải đối diện với những định kiến trong xã hội về nghề nghiệp của mình, theo cựu tuyển thủ bóng chuyền Hà Thu Dậu.

Những tượng đài của thể thao Việt Nam: Vinh quang không chỉ có hoa hồng ảnh 6

Đúc rút kinh nghiệm sau 13 năm thi đấu đỉnh cao, Hà Thu Dậu cho rằng trong thể thao, người ta thường chỉ chú ý tới những ngôi sao đang lên, không mấy người muốn nghe chuyện vụn vặt của các vận động viên không còn tạo ra thành tích hoặc đã hết thời. Do đó, ý nghĩ “hay là dừng lại” luôn thường trực trong tâm trí của các vận động viên những khi mắc chấn thương, phong độ sa sút hay bị “ghẻ lạnh”.

Nhìn chung, các vận động viên luôn nhạy cảm với định kiến, đánh giá của truyền thông, đồng đội, huấn luyện viên. Ở vị trí bên ngoài, nhiều người sẽ không thể hiểu hết cảm giác tổn thương của vận động viên khi họ rơi vào cảnh “kép phụ”.

Những tượng đài của thể thao Việt Nam: Vinh quang không chỉ có hoa hồng ảnh 7

Chạm tay tới thành tích ở những đấu trường đỉnh cao, các vận động viên buộc phải chấp nhận sự vất vả, hy sinh và đôi khi cả tính đào thải cao trong nghề nghiệp. Ở các vận động viên nữ nói chung, đôi khi họ chịu thêm những thiệt thòi trong cuộc sống khi so với các đồng nghiệp nam giới.

Để vun vén cho gia đình, làm tròn thiên chức, nhiều người trong số họ phải chấp nhận giã từ sàn đấu khi đang ở giai đoạn chín muồi của sự nghiệp. Còn với những người chấp nhận theo đuổi đam mê, cái giá phải trả đôi khi không chỉ là những giọt nước mắt lặng thầm trong những ngày hội quân xa nhà, mà còn là cả hạnh phúc gia đình trọn vẹn.

Theo Hà Thu Dậu, chị luôn cố gắng để cân bằng giữa hai nhiệm vụ là làm một người phụ nữ trong gia đình cũng làm một vận động viên, huấn luyện viên trên sàn tập. Khi ở nhà, chị cố gắng không nghĩ đến chuyện bóng bánh, dành toàn tâm vào việc chăm sóc cho chồng con. Còn khi ra sân, tất cả đời sống riêng tư đều phải bỏ lại đằng sau cánh cửa, đó là lúc chị cháy hết mình với đồng đội, trong đầu chỉ nghĩ tới thế trận, màu cờ sắc áo.

“Tôi vẫn nhớ khoảng thời gian khó khăn trở lại thi đấu sau 4 năm giải nghệ. Vì đã quen quán tính làm mẹ nên 3 tháng đầu tập trung tại đội tuyển, đêm nào tôi cũng trằn trọc không yên”, Thu Dậu hồi tưởng.

Những tượng đài của thể thao Việt Nam: Vinh quang không chỉ có hoa hồng ảnh 8

Tuy nhiên, tay đập hàng đầu thập niên 90 cho biết mình may mắn hơn nhiều đồng đội cùng lứa khi có một hậu phương sẵn sàng chắp cánh cho khát vọng thể thao nơi chị. Sau quãng thời gian tạm nghỉ, Hà Thu Dậu lại được quay lại với bóng chuyền để dìu dắt những thế hệ tiếp theo.

Cho đến nay, gia đình nhỏ đối với Thu Dậu vẫn là nơi chốn bình yêu, cung cấp cho chị sự ấm êm cần thiết như không khí và nước để sống. Chị chia sẻ mỗi giai đoạn đời người đều cần đặt một ưu tiên khác nhau, đó có thể là gia đình hoặc sự nghiệp. Tuy nhiên, cả hai điều trên đều cần thiết và nếu thiếu cái nào sẽ bất hạnh cái đó.

Còn với những Kim Huệ hay Hồng Thắm để gắn bó với thể thao, mang những thành tích vinh quang về cho bản thân và đội tuyển, họ đã phải chấp nhận hy sinh một phần hạnh phúc cá nhân. Chính vì vậy, họ thấu hiểu hơn hết những thiệt thòi mà các nữ vận động viên phải trải qua.

Kim Huệ chia sẻ, chị và chồng cũ làm quen chỉ vỏn vẹn trong vòng hơn năm nên cả hai chưa thực sự thấu hiểu khi về chung một nhà. Sau đó, nỗi lo cơm áo, kinh tế cho gia đình nhỏ thúc đẩy chị phải quay lại với thể thao chuyên nghiệp. Những tưởng cơn chao đảo rồi sẽ qua đi mọi thứ dần vào guồng thì lúc này, “hoa khôi bóng chuyền” một thời nhận ra mình và chồng đã không còn chung tiếng nói.

Những tượng đài của thể thao Việt Nam: Vinh quang không chỉ có hoa hồng ảnh 9

Đối với Hồng Thắm, để có thể làm tròn nghĩa vụ gia đình cũng như tiếp tục cống hiến cho thể thao, chị từng phải cắn răng chấp nhận những lời bàn tán về việc “chậm có tin vui”, hay chuyện phải đi thi đấu quanh năm. Nhưng cuối cùng, khi vợ chồng không thể ở bên nhau nữa, chị nhận ra rằng những thiệt thòi của phụ nữ trong thể thao là điều không thể tránh khỏi. Và những người ở vị trí như chị sẽ khó có được cuộc sống vẹn toàn nếu bên cạnh thiếu đi những người thân biết cảm thông, chia sẻ.

Những tượng đài của thể thao Việt Nam: Vinh quang không chỉ có hoa hồng ảnh 10

Sau khi tuyên bố giải nghệ khỏi sự nghiệp vận động viên, Thu Dậu, Hồng Thắm, Kim Huệ lần lượt bước sang chương thứ hai trong sự nghiệp, với vai trò huấn luyện viên và quản lý lớp học viên, vận động viên trẻ.

Theo Hà Thu Dậu, khi đã ở cương vị huấn luyện, chị luôn tự nhủ phải quên đi vinh quang của ngày hôm qua. Công việc đổ dồn vào quan sát vận động viên hôm nay ra sao, cần những điều kiện gì, tương tác với nhau như thế nào. Chị cũng vận dụng những kinh nghiệm từ quá khứ để áp dụng với học trò trong hiện tại, giúp các em có tâm lý thoải mái nhất và vẫn cảm nhận sự quan tâm của thầy cô, Thu Dậu bộc bạch.

Những tượng đài của thể thao Việt Nam: Vinh quang không chỉ có hoa hồng ảnh 11

Còn với Phạm Hồng Thắm, đến nay “cô gái vàng” karate đã mang quân hàm Thượng tá và hiện là Phó trưởng phòng TDTT Bộ Công an, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao CAND. Mỗi lần dẫn đoàn đi thi đấu, chị lại vất vả để cùng ăn cùng tập với các học trò từ sáng sớm đến tối mịt. Sau đó, Hồng Thắm phải đóng vai “người mẹ thứ hai”, quan tâm tới vấn đề tâm lý của từng vận động viên. Ngoài chỉ dẫn các học trò trong công tác chuyên môn, chị còn tận tình nghiên cứu “đầu ra” cho các vận động viên, đặc biệt là các vận động viên nữ, vì chị hiểu rõ những thiệt thòi của họ.

Khi ở trên cương vị huấn luyện viên trưởng, Kim Huệ luôn tìm mọi cách để tạo cảm hứng cho học trò trong tập luyện và sinh hoạt, làm thế nào để khi ra sân tuyển thủ luôn giữ tinh thần máu lửa. Đặt chuyên môn sang một bên, thủ quân một thời cũng khuyến khích các “trò cưng” cố gắng trang bị các kiến thức bên ngoài để chuẩn bị cho một tương lai dù không có bóng chuyền, các em sẽ vẫn là những người phụ nữ độc lập, tự chủ trong cuộc sống.

Những tượng đài của thể thao Việt Nam: Vinh quang không chỉ có hoa hồng ảnh 12

Bài: Huy Vũ, Nguyệt Linh

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).