NICE trong một năm 'xấu tính'

NICE trong một năm 'xấu tính'

Ngày 15/12/2020, tại L’Espace, Mạng lưới sáng kiến phát triển vì Cộng đồng ra mắt. Chỉ vài tháng sau, Làn sóng COVID-19 thứ 4 xuất hiện. Phần lớn các kế hoạch tan vỡ.

* * * * *

Nhưng NICE vốn có hơn một kế hoạch. Một trong số đó, tên là “không-làm-gì”.

Trong tháng 11/2020, khi đi vòng quanh đất nước để vận động các nhà tài trợ và các bên liên quan, các thành viên của UNET (Trung tâm thông tin UNESCO) đặt ra một vấn đề nhất quán: Các nguồn lực vì cộng đồng đang không gặp nhau.

Trong một thị trường kinh doanh, một công ty mới có thể dễ dàng tiếp cận nguồn lực, từ vốn, nhà cung cấp, mặt bằng… bằng rất nhiều nền tảng. Tìm vốn? Có các chương trình riêng để nhà đầu tư gặp công ty gọi vốn. Tìm nhân sự, mặt bằng, nhà cung cấp? Có vô số nền tảng trực tuyến và truyền miệng kết nối các bên. Ngược lại, trong lĩnh vực phi lợi nhuận (vì cộng đồng), mọi người sẽ không biết tìm nhau ở đâu.

Thậm chí, hầu hết còn chẳng biết đến sự có mặt của nhau trên cõi đời này. Chúng tôi nhận ra rằng có rất nhiều doanh nghiệp lớn loay hoay, đau khổ với việc tự tạo ra một dự án vì cộng đồng – họ làm ăn thuận lợi và muốn đóng góp cho xã hội – nhưng không hề biết rằng đang có những người tâm huyết đang làm chính-cái-dự-án-đó rồi. Gặp nhau nói chuyện mà hợp tác là ra việc thôi.

Chúng tôi nhận ra rằng có rất nhiều NGO và dự án tình nguyện không tin rằng doanh nghiệp Việt Nam có thể tài trợ cho mình. Trước nay chỉ có phi chính phủ quốc tế, World Bank hay Liên Hợp Quốc tài trợ cho dự án phi lợi nhuận thôi. “Doanh nghiệp họ làm gì đều để bán hàng, họ không quan tâm đến mấy cái này đâu” – các thủ lĩnh tình nguyện buông những câu chán chường.

Nói chung vấn đề là không có, hoặc có quá ít chỗ để gặp nhau. Việc đứt kết nối trong lĩnh vực hoạt động cộng đồng, mạnh ai nấy làm, theo nhận định của UNET là một khoảng trống có thể lấp đầy.

Thế là, khi các bên hỏi UNET rằng chúng tôi định làm gì, chúng tôi trả lời: Thì cứ chọn một cái gốc cây, và thông báo rằng ở gốc cây này các anh chị có thể gặp nhau. Ai có lòng muốn hẹn hò thì đến gốc cây này, có thể tìm được người để nên duyên.

NICE trong một năm 'xấu tính' ảnh 1
NICE trong một năm 'xấu tính' ảnh 2

Sáng 15/12/2020, chúng tôi thông báo rằng có một cái gốc cây, có địa chỉ là một số nhân vật sau đây, văn phòng ở đây, fanpage ở đây. Nó tên là NICE. Và bên cạnh những ấp ủ hoạt động nhiều hoài bão, chúng tôi có một kế hoạch: cái gốc cây này tự nó hoạt động.

10h sáng, khi tôi hoàn thành bài phát biểu của mình, mọi người ra hành lang và gặp nhau. Đó là thời điểm NICE và gốc liễu hẹn hò đã chính thức tồn tại. Và mọi người bắt đầu kết đôi.

Huyền Mi – Chủ tịch của Sáng kiến Ung thư Muối (SALT) – đứng chờ tôi ở ngoài sảnh L’Espace và tự giới thiệu. Tôi chưa biết Sáng kiến Ung thư Muối cho đến buổi sáng ngày hôm ấy, như rất nhiều người trong xã hội. Đó chính là điều tôi nói đến ở phần trên: trước đó 2 năm, chính tôi đã phải vật vã suốt nửa năm ròng, chỉ hòng tạo ra một chương trình như những gì SALT đang làm. Hồi đó, một hãng bảo hiểm lớn muốn chi tiền thực hiện một dự án cộng đồng hướng tới người bệnh ung thư. Tôi hồi đó là tư vấn của dự án. Tôi chẳng biết trên đời có SALT, huy động anh em khắp đất nước để thu thập các đầu mối và… dựng lên một dự án từ đầu.

Trong khi đó, vài năm qua, SALT đã xây dựng hàng loạt chương trình hỗ trợ tinh thần cho người bệnh ung thư, từ các lớp yoga, lớp vẽ, cho đến hoạt động thể thao ngoài trời lên tới hàng nghìn người.

Và bởi thế, Mi chỉ nói một phút, tôi đã hiểu các bạn đang làm gì. Và tôi cũng nghĩ luôn ra ai cần. Tôi ngó quanh phòng, tìm đội ngũ truyền thông của Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas. Hôm ấy có Hoan và Ngân đến dự. Tôi nghĩ mọi người đến L’Espace rất đông ngày hôm đó, từ các sáng kiến cộng đồng đến đại diện các doanh nghiệp, cũng không hẳn là chỉ vì quý anh em, các nhà sáng lập Mạng lưới. Mọi người thực sự muốn tìm hiểu xem có cơ hội gì ở đây. “Mi nói chuyện với chị Hoan nhé”, tôi giới thiệu, rồi chạy đi tiếp khách.

Tháng 11/2021, gần một năm sau buổi sáng tại L’Espace đó, Sáng kiến Ung thư Muối tổ chức một chuỗi seminar qua Zoom – với rất nhiều chuyên gia nước ngoài, các giảng viên về lối sống và cả các bệnh nhân ung thư nổi tiếng. Chuỗi hoạt động mang tên “Wellness Festival” này được thiết kế riêng cho các bệnh nhân ung thư trong cả nước, và đã thu hút hàng nghìn lượt tham dự. Tôi chỉ biết sự kiện diễn ra khi nhìn thấy nó trên facebook: MB Ageas và SALT đã làm việc với nhau suốt nhiều tháng để sự kiện ra đời.

Tôi có một chút tự hào, khi nhìn thấy logo của MB Ageas trong vai trò nhà tài trợ. Tôi cũng có chút kết nối khi đôi bên bắt đầu làm việc, nhưng cả quá trình thì NICE gần như đã không-làm-gì. Mọi người tự gặp nhau, và những điều tốt đẹp cho cộng đồng đã ra đời chỉ vì có 2 nửa vốn đã tồn tại sẵn đâu đó. Trong câu chuyện này, SALT vốn đã là một tập hợp của những người trẻ đầy trình độ và tâm huyết với sự nghiệp hỗ trợ bệnh nhân ung thư. MB Ageas vốn đã là một doanh nghiệp mong muốn đầu tư cho hoạt động cộng đồng một cách nghiêm túc – không đặt nặng việc làm truyền thông là phải để bán hàng.

Bên gốc liễu, có những cuộc gặp mà chúng tôi – những người sáng lập NICE - thậm chí không biết là nó có tồn tại. Chúng tôi biết sau khi cuộc gặp đã diễn ra. Như có một lần, một mạnh thường quân bỗng nhiên chuyển hàng trăm triệu đồng cho rất nhiều sáng kiến thành viên của NICE. Chúng tôi chỉ biết qua loa rằng đó là một phụ nữ đứng tuổi, và cô muốn giấu tên. NICE nhận được thông tin từ các sáng kiến, rằng có một ai đó đã thay mặt cho cô liên hệ, và muốn gửi tặng mỗi dự án 40 triệu đồng.

Một vài khoản hỗ trợ tài chính nhỏ mà NICE đã kết nối (hay chính xác hơn, là lý do để tạo ra kết nối) đã giúp hơn một sáng kiến xã hội nhỏ vượt qua năm 2021 đầy khốn khó.

Hay các cuộc tìm tòi của báo chí, vốn là mục tiêu cao nhất của NICE: truyền thông cho các sáng kiến. Thỉnh thoảng, chúng tôi sẽ nhận được điện thoại từ một cơ quan báo chí lớn. Phóng viên nói rằng em đã phỏng vấn Tiệm giặt là người Điếc rồi, em đã phỏng vấn Thương Thương rồi… bây giờ NICE cho thêm ý kiến vào cuối thôi. Mọi người tự gặp nhau mà không cần NICE tạo tác động gì.

Những điều đó làm nên sự an ủi trong một năm 2021 mà rất nhiều hoạt động xã hội phải đóng băng. Nhưng cũng chính những câu chuyện nhỏ đó, khiến chúng tôi day dứt nhận ra rằng: mình đáng ra đã có thể làm được nhiều hơn.

NICE trong một năm 'xấu tính' ảnh 3

NICE đã ra đời với một sự chào đón đặc biệt của cộng đồng. Hơn 100 bài báo chỉ trong vòng hơn một tháng trước Tết Nguyên đán 2021 – mức độ quan tâm của truyền thông ngang bằng với cả vòng đời của một dự án thông thường.

NICE trong một năm 'xấu tính' ảnh 4

Sau đó là những cơ hội. Tháng 5/2021, tổ chức Các đại học Pháp ngữ tại Hà Nội, Tổ chức Pháp ngữ, Bộ Ngoại giao, UBND thành phố Hà Nội dự kiến tổ chức Giải chạy Pháp ngữ lần đầu tiên tại Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Trong một rừng những “chiếc logo” sang trọng và lâu đời đó, NICE đóng vai trò của một đối tác. Toàn bộ tiền thu được – sau khi đã trừ đi tiền mua áo và bib của chính người chạy – sẽ được dành cho các sáng kiến của NICE.

NICE dành cho Giải chạy Pháp ngữ một kỳ vọng lớn lao: đó sẽ là sự kiện đầu tiên của chúng tôi kể từ sau lễ ra mắt. Các thành viên UNET hăm hở vào cuộc, tạo ra một cuộc truyền thông bán vé rầm rộ và thu hút được hơn hai nghìn lượt đăng ký chỉ trong vòng hơn một tuần – thậm chí có thể nhiều hơn nếu ban tổ chức không đóng cổng đăng ký vì sợ… quá tải.

Chúng tôi đã chọn đến cả vị trí sắp đặt khu triển lãm nhỏ của mình ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Viễn cảnh lộng lẫy của một dự án xã hội: chỉ sau vài tháng hoạt động, logo của anh sẽ bay phấp phới giữa Trung tâm thủ đô, với một quầy triển lãm riêng trước cả nghìn vị khách, chính phủ có, quốc tế có, doanh nhân có, giới hoạt động xã hội cũng có.

Nhưng đó cũng là khi làn sóng thứ 4 bắt đầu. Cho đến lần cập nhật gần nhất, giải chạy dự kiến sẽ chỉ có thể được tổ chức sớm nhất vào tháng 3/2022.

Nói rằng gốc cây tự hoạt động là một cách nói an ủi. Rằng NICE không chết. Còn thực chất, nó đã có thể sống mạnh mẽ hơn. Khi NICE ra đời, sứ mệnh của chúng tôi rất đơn giản, là tìm kiếm các sáng kiến vì cộng đồng và giới thiệu nó với công chúng. Nhưng bối cảnh của Làn sóng thứ 4 khiến cho việc “tìm kiếm” trở thành một cực hình. Các địa phương trong cả nước bảo vệ chặt đường biên, việc di chuyển liên tỉnh đầy các rủi ro không thể lường trước.

Chỉ đầu năm 2021, chúng tôi ngồi với nhau trong Văn phòng của Trung tâm thông tin UNESCO, và nói như đinh đóng vào cây chuối, rằng mấy hôm nữa anh em mình đi miền Trung nhé. Trong đó có CODES, một tổ chức xã hội giàu kinh nghiệm, đang thực hiện dự án hỗ trợ sinh kế cho đồng bào vùng lũ. Họ có thể mở rộng tầm nhìn và cung cấp thêm cho chúng ta những sáng kiến xã hội trong khu vực. Nhưng “những chuyến đi” đã trở thành xa xỉ không biết từ lúc nào.

Nhiều kế hoạch khác, như sản xuất video clip cho các sáng kiến, tổ chức tọa đàm, cũng chết yểu vì kế hoạch thay đổi liên tục do COVID-19.

Và tất nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho ngoại cảnh, khi những gì NICE làm được còn quá ít. Luôn có trách nhiệm của những người đã sáng lập và điều hành mạng lưới: chúng tôi phải tự hỏi, rằng mình đã thực sự cố gắng cho sứ mệnh bản thân đề ra hay chưa?

NICE trong một năm 'xấu tính' ảnh 5

Ngày 23/8/2021, chốt kiểm soát tại đèo Hải Vân tiếp nhận 300 kg rau xanh do người dân Huế gửi tặng vùng dịch Đà Nẵng. Món quà rất nhỏ, nhưng đằng sau nó là một câu chuyện ý nghĩa: những người nông dân gửi tặng rau, chỉ một thời gian ngắn trước đó, đã cùng kiệt vì bão lũ.

Họ là nhóm nông dân trồng rau ở xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Sau khi lũ rút cuối năm 2020, phần lớn người trồng rau tại Quảng Thành mất trắng ruộng.

Có một khoảng trống mà ít người nhận ra sau những trận lũ: nguồn lực thường được tập trung cho việc cứu trợ khẩn cấp, tặng lương thực và nhu yếu phẩm cho bà con bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ – ngay thời điểm lũ vừa rút hoặc đang diễn ra. Thậm chí tại một số nơi, có dấu hiệu của việc hỗ trợ thừa (tặng quá nhiều mặt hàng, ví dụ mì ăn liền, cùng một địa chỉ).

NICE trong một năm 'xấu tính' ảnh 6

Nhưng sau khi lũ rút một thời gian, khi bà con các vùng lũ đứng trước mảnh ruộng ngập bùn của mình và cần vốn để tái thiết, họ không thể gieo mì ăn liền xuống. Họ cần tiền mặt, để mua lại cây con giống. Lúc này, lại có rất ít chương trình sẵn sàng chung tay.

Cảm xúc xã hội, và qua đó là các đợt cứu trợ, thường chỉ dồn dập khi những hình ảnh thương tâm trong cơn lũ. Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội (CODES) tại Huế nhận ra khoảng trống đó. Họ phát động một chương trình hỗ trợ các hộ dân trồng rau và làm hương tại một số làng quanh Huế. Bài toán rất đơn giản: người dân Quảng Thành sẽ nhận một số vốn tài trợ và tự bảo quản số vốn này. Những hộ khó khăn nhất nhận trước, rồi đến khi tái thiết lại được sinh kế rồi, sẽ chuyển cho các hộ tiếp theo. Số tiền vài trăm triệu đồng trở thành một nguồn quỹ quay vòng trong cộng đồng, hay nói theo ngôn ngữ dân gian, một “bát họ” của làng xã.

NICE vinh dự đã kết nối được một chút hỗ trợ tài chính cho CODES trong năm 2021. Và hình ảnh những người dân Quảng Thành – một địa phương nhận hỗ trợ của CODES – đem tặng rau cho vùng dịch Đà Nẵng, khiến cho chúng tôi xúc động.

2021 là một năm mà mọi tính từ về sự nhọc nhằn đều không đủ để diễn tả. Giới doanh nghiệp, người lao động, và tất nhiên là các tổ chức xã hội đều đứng trước bài toán sinh tồn. Mạng lưới sáng kiến phát triển vì cộng đồng NICE và các thành viên cũng như vậy. Có rất nhiều khoảnh khắc, chúng tôi đã phải đặt ra câu hỏi: mình có nên tiếp tục duy trì hoạt động hay không?

Nhưng nếu những người nông dân thậm chí không còn nổi 2 triệu đồng trong nhà để làm lại sau mùa bão lũ, chỉ nửa năm sau đã sẵn sàng đem rau trong nhà đi cho người đang thiếu, thì tại sao chúng ta không thể giữ hy vọng của mình?

Bài: Đức Hoàng

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Các đại biểu tặng hoa tri ân ông, bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê
Trưng bày cố định Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-2024), sáng ngày 23/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97 Phó Đức Chính, Q.1) đã khai mạc Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng nhằm tôn vinh di sản nghệ thuật của danh họa này.
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
(Ngày Nay) - Chùa Pháp Hoa là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ở trung tâm thành phố xô bồ, chùa Pháp Hoa yên bình tĩnh lặng đến lạ. Không chỉ là ngôi chùa cổ có lịch sử gần 100 năm, nơi đây còn là cái nôi văn hóa Phật pháp, được nhiều du khách thập phương tìm về hành hương mỗi dịp lễ Phật.
Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường
(Ngày Nay) -  Để ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường, tỉnh Ninh Thuận tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và kinh tế - xã hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường hiệu quả, bền vững.
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.