Trên khắp cả nước, các địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp đang thích ứng dần với trạng thái “bình thường mới”. Ai cũng lạc quan rằng, nếu như tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định như hiện tại, thêm vào đó tiến độ triển khai tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn, diện bao phủ rộng hơn, thì có khả năng trong cuối quý I, đầu quý II năm 2022 tình hình lao động, việc làm của các địa phương sẽ được khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch.
________
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), sau gần hai tháng kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả.
Theo báo cáo của đại diện Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TP HCM, tính tới cuối tháng 10/2021, số lượng doanh nghiệp trong các KCN, KCX quay trở lại hoạt động bình thường là 1.430/1500 doanh nghiệp, chiếm 95,33%, với số lao động làm việc là 256.356 người, chiếm 76,3% so với thời điểm trước dịch COVID-19.
Cũng theo đại diện Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TP HCM, do các doanh nghiệp vẫn đang phải thích ứng từng bước theo bộ tiêu chí sản xuất an toàn của Thành phố, các nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa trở lại sản xuất 100% mà phổ biến mới đạt 50-70%.
Sở LĐTBXH TP HCM đã phối hợp với 2 Ban quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố nắm bắt nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp để triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu lao động như: Tìm kiếm nguồn lao động thông qua phối hợp với các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long tham gia các sàn giao dịch việc làm trực tuyến trong tháng 10 và tháng 11; Phối hợp Quận, huyện đoàn, Liên loàn lao động quận huyện, Phòng LĐTBXH tiếp nhận danh sách người lao động bị mất việc làm trong thời gian giãn cách xã hội để thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm; Tư vấn, giới thiệu chỗ ở đối với người lao động tỉnh khi tham gia tìm kiếm việc làm.
Tại tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh đã hiện có 4.504 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm”, “3 xanh” với tổng số lao động làm việc trên 724.000 người. Với cơ chế thông thoáng, thuận lợi về đăng ký phương án hoạt động sản xuất, về đi lại của người lao động, dự kiến trong thời gian tới (giữa tháng 11), số doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt trên 80% (khoảng với trên 1,059 triệu lao động sẽ trở lại làm việc).
Để phục hồi thị trường lao động, dại diện tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp như: tiếp tục rà soát, nắm tình hình người dân, người lao động thật sự khó khăn, cần trợ giúp do ảnh hưởng dịch COVID-19 để có chính sách hỗ trợ bổ sung nhằm ổn định cuộc sống; Đẩy nhanh tổ chức tiêm vaccine; Các giải pháp về kết nối cung - cầu lao động: tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối thông qua các ứng dụng trực tuyến: Zalo, web... cung cấp thông tin tuyển dụng đến cấp xã, phường; kết nối thông tin tuyển dụng lao động với các tỉnh thông qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, hệ thống Liên đoàn lao động tỉnh, các Hội, Đoàn thể để vận động người lao động về quê quay trở lại Bình Dương làm việc, thu hút người lao động mới đến làm việc; Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động,… để đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Ở miền Bắc, tại Thủ đô Hà Nội, tất cả khu công nghiệp trên địa bàn thành phố bắt buộc phải xây dựng phương án và thành lập các trạm y tế lưu động; có khung điều hành và các điều kiện bảo đảm vận hành hiệu quả. Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, trên địa bàn huyện có trên 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, Khu công nghiệp Thăng Long là một trong những khu công nghiệp lớn nhất miền Bắc, với 110 nhà máy, xí nghiệp, văn phòng đại diện và hơn 60.000 người lao động đến từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bùng phát. Đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua, tại Khu công nghiệp Thăng Long đã ghi nhận 116 trường hợp F0.
Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp còn lúng túng trong việc ứng phó với các tình huống phát sinh của dịch bệnh. Với nguyên tắc “3 trước” (nhận định trước, chuẩn bị trước và hành động trước) nhằm chủ động, sẵn sàng ứng phó với các cấp độ của dịch Covid-19, UBND huyện Đông Anh đã ban hành quyết định thành lập 29 trạm y tế lưu động, trong đó có trạm y tế lưu động tại Khu công nghiệp Thăng Long và các trạm y tế lưu động tại các cụm công nghiệp trên địa bàn, bảo đảm nguyên tắc, mỗi địa bàn xã, thị trấn có ít nhất 1 trạm y tế lưu động; đồng thời, tổ chức diễn tập vận hành trạm y tế lưu động tại khu công nghiệp.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Trong thời gian qua, thị trường lao động Hà Nội ảnh hưởng nặng nề nhất là khu vực dịch vụ du lịch, tiếp đến là xây dựng bởi đặc trưng khu vực này sử dụng lao động không có hợp đồng lao động nên khi thực hiện giãn cách là không có việc làm. Trong khi đó, khối sản xuất tại các khu công nghiệp khá ổn định. Trong 1 tháng qua, số người đến hưởng trợ cấp thất nghiệp ít, thậm chí còn giảm 20% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy thị trường lao động Hà Nội ổn định trở lại. Nay các hoạt động trở lại bình thường nên việc kết nối lao động nhu cầu tuyển chủ yếu tại các cơ sở dịch vụ đã tạm ngừng trong thời gian qua”.
Mỗi địa phương đã linh hoạt áp dụng một phương án hiệu quả, phù hợp nhất để cùng chuyển sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Số liệu thống kê, khoảng 70-75% doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc, cá biệt có những địa phương đạt tỷ lệ trên 90%.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nhận định, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Các địa phương cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ riêng cho người dân để vượt qua đại dịch kịp thời góp phần trong việc giữ chân và đảm bảo đời sống của người lao động, cũng như đối với lao động tự do.
Bên cạnh đó, lượng người trở về quê tương đối lớn, nhưng tập trung chủ yếu vào khu vực lao động phi chính thức, lao động tự do. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương, một mặt phải tiếp nhận người dân quay trở về quê, mặt khác cần có chính sách tạo việc làm để thu hút người lao động quay trở lại thành phố làm việc. Cùng với đó là chính sách chăm lo, tạo công ăn việc làm cho người lao động có mong muốn ở lại địa phương.
Lao động chính thức trong khu vực FDI, lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất về cơ bản đã giữ chân được người lao động khi các doanh nghiệp được cảnh báo từ sớm, qua đó doanh nghiệp chủ động lựa chọn phương án hoạt động, đồng thời có chính sách khôn khéo để giữ chân người lao động thông qua việc thường xuyên giữ liên lạc, giữ mối quan hệ và hỗ trợ một phần cho những người lao động tạm ngừng việc.
“Bản thân các doanh nghiệp đã hỗ trợ rất tốt cho người lao động của mình, điều này lý giải cho việc kết quả triển khai chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc không hưởng lương thời gian vừa qua còn tương đối thấp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.
Bộ LĐTBXH yêu cầu khi tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân, đảm bảo toàn bộ những người nằm trong diện chính sách phải được hưởng chính sách. Các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá đầy đủ tình hình lao động - xã hội để đề xuất ban hành các chính sách, trong đó tập trung vào 3 vấn đề lớn: Giữ chân người lao động; Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động; Điều tiết thị trường, tập trung giải quyết cán cân cung cầu lao động.
Từ việc lao động về quê, Bộ LĐTBXH sẽ tham mưu vào Đề án phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội của Chính phủ, trong đó tập trung giải quyết vấn đề nhà ở, nơi lưu trú cho công nhân, người lao động.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của Ban quản lý, người lao động, các khu công nghiệp trên toàn quốc đã và đang nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”. Từ đó thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”, vừa ổn định phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.
Bài: Minh Lâm
Thiết kế: Mẫn San