Vào mùa này, nếu cơ thể có hệ thống miễn dịch yếu cùng với sự gia tăng phơi nhiễm mầm bệnh sẽ bị mắc một số bệnh mùa đông là điều không thể tránh khỏi.Đây là vấn đề cần phải hiểu rõ để chủ động phòng bệnh trước khi bị mắc bệnh.
Thời tiết lạnh liên quan đến bệnh
Theo các nhà khoa học, thời tiết lạnh không gây nên bệnh nhưng chúng có liên quan đến quá trình thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi làm cho con người dễ bị mắc bệnh. Một số nghiên cứu của các nhà khoa học đã phát hiện ra cả loại virus gây cảm lạnh và cúm đều có thể phát triển nhân lên và dễ dàng lây lan ở trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thấp hơn bình thường của mùa đông. Đồng thời không khí lạnh làm giảm lưu lượng máu đến niêm mạc mũi, họng và phổi nên có thể làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch theo khuyến cáo của các chuyên gia về bệnh tai - mũi - họng.
Thực tế con người có thể bị mắc nhiều loại bệnh trong mùa đông do điều kiện tăng tình trạng phơi nhiễm các loại virus và vi khuẩn. Các nhà khoa học cho rằng thời tiết nhiệt độ lạnh của mùa đông làm cho mọi người đều ở trong nhà, nếu trường hợp đi ra ngoài và vào trong một cửa hàng có nhiều người ở chung quanh, ít có không khí lưu thông sẽ dễ dàng bị nhiễm các loại mầm bệnh vì có điều kiện tiếp xúc gần gũi với nhiều người khác nhau, trong đó có người mang mầm bệnh.
Một điều bất lợi và có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn nhất là đối với người cao tuổi vì họ rất dễ bị mắc bệnh. Các nhà khoa học cũng cho rằng nguyên nhân gây nên điều bất lợi này một phần là do hệ thống miễn dịch của con người trở nên yếu kém khi tuổi đã cao; ngoài ra, khi tuổi đã cao cũng có thể dễ dàng bị mắc các bệnh lý khác nhau như viêm khớp, có sự tranh chấp trong điều chỉnh năng lượng của hệ thống miễn dịch dẫn đến đánh lạc hướng khả năng bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng.
Các bệnh thường xảy ra trong mùa đông
Trong mùa đông với sự thay đổi của thời tiết lạnh, một số bệnh thường gặp dễ bị mắc nhiễm như: cảm lạnh thông thường hoặc viêm mũi do virus, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, cúm, rối loạn tiêu hóa do virus...
Cảm lạnh thông thường hoặc viêm mũi do virus: là bệnh có thể gây nên từ hơn 200 loại vi rút khác nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh lý xuất hiện dần dần bao gồm đau họng, nghẹt mũi và xoang, chảy nước mũi, hắt hơi, ho hoặc khàn giọng; trong một vài trường hợp có thể có mủ chảy ra từ mũi dày đặc, đôi khi đổi màu khác màu bình thường.
Viêm xoang: là một bệnh nhiễm trùng có thể do virus gây cảm lạnh hoặc do vi khuẩn gây ra. Niêm mạc của xoang bị sưng lên ngăn chặn chất dịch tiết chảy ra với các triệu chứng như tăng áp lực xoang gây đau ở má và trên mắt, nghẹt mũi, dịch tiết ra có màu vàng hoặc xanh lá cây dày đặc, có cảm giác mất mùi và giảm khứu giác, sốt, đau đầu, mệt mỏi...
Viêm phế quản: là tình trạng viêm niêm mạc của các ống phế quản, các đường dẫn khí rỗng kết nối khí quản với phế nang của phổi. Virus gây ra hầu hết trong tất cả các trường hợp viêm phế quản là cấp tính mặc dù vi khuẩn cũng có thể gây nên tình trạng này. Các triệu chứng thường gặp là tức ngực, ho nhiều, tiết nhiều dịch đờm...
Viêm phổi: là tình trạng viêm sâu trong phổi làm ảnh hưởng đến các túi tiểu phế nang và mô tế bào ở chung quanh. Cả virus và vi khuẩn đều có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm này. Các triệu chứng thường gặp là sốt, ớn lạnh, ho, tạo ra nhiều đờm, thở mệt nhọc, mệt mỏi và đôi khi đau ở ngực khi hít sâu vào. Tuy vậy, các nhà khoa học khuyến cáo một số triệu chứng của bệnh lý viêm phổi có thể không rõ ràng, đối với các trường hợp người cao tuổi đôi khi chỉ thấy trong sinh hoạt có sự bối rối hoặc rất mệt mỏi, không ho hay không sốt...
Cúm: là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan và có thể gây ra tử vong. Các triệu chứng bệnh lý thường xuất hiện nhanh chóng và cấp tính như sốt, ho, đau họng, chảy mước mũi, đau cơ, mệt mỏi, đôi khi nôn mửa và tiêu chảy...
Rối loạn tiêu hóa do virus: là bệnh lý có thể gặp trong trường hợp nhiễm virus norovirus. Bệnh rất dễ lây lan, gây triệu chứng rối loạn tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy trong vài ngày. Nguyên nhân mắc bệnh có thể bị nhiễm từ người mang mầm bệnh virus hoặc do ăn uống hay va chạm, tiếp xúc với đồ vật có virus ở trên đó.
Phòng ngừa nhiễm bệnh mùa đông
Để chủ động phòng tránh các bệnh có thể bị mắc nhiễm trong mùa đông, mọi người cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách tích cực. Phải tiêm phòng vắcxin cúm, nếu người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên cần bảo đảm đã tiêm vắc xin phế cầu khuẩn; đồng thời phải rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn hoặc có tiếp xúc, va chạm vào mắt, mũi, miệng; có thể mang theo chất khử trùng tay khi đi du lịch để sử dụng khi cần thiết nếu không có điều kiện rửa tay bằng xà phòng.
Nên tránh sự tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh. Bác sĩ khuyến cáo đối với các trường hợp mắc bệnh thông thường, phải cần khoảng 2 tuần sau đó không tiếp xúc với người bệnh thì mới có thể giảm được nguy cơ nhiễm bệnh do sự lây lan. Đối với trẻ nhỏ bị cúm có lẽ tốt nhất nên đợi khoảng thời gian 3 tuần sau khi bị bệnh mới được tiếp xúc.
Phải tiêm phòng vắcxin cúm |
Khi đi trên máy bay, nên hướng lỗ thông hơi về phía mặt của mình vì không khí thoát ra từ lỗ thông hơi đã được lọc và sẽ giúp làm lệch hướng xâm nhập của bất kỳ loại virus hay vi khuẩn vào mũi thuộc hệ thống hô hấp của mình. Đồng thời tránh sử dụng các loại thực phẩm dùng chung cho nhiều người, nhất là trong mùa đông vì có thể có nhiều norovirus phát triển gây rối loạn tiêu hóa.
Biện pháp xử trí can thiệp
Cần thận trọng xem xét các dấu hiệu triệu chứng một cách nghiêm túc để phát hiện bệnh và nên đi khám bệnh nếu có biểu hiện nghiêm trọng hoặc kéo dài vài ngày sau đó không đỡ. Đối với các bệnh do nhiễm vi khuẩn như viêm phổi hay viêm xoang, phải sử dụng kháng sinh phù hợp để điều trị. Đối với bệnh cúm, có thể rút ngắn thời gian điều trị và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng bằng thuốc kháng virus nhưng phải thực hiện sớm và bắt đầu điều trị trong khoảng 2 ngày sau khi các triệu chứng bệnh lý xuất hiện.
Ngoài ra, một số ít trường hợp bệnh cúm hoặc bất kỳ một loại virus nào gây cảm lạnh, có thể điều trị triệu chứng như uống hoặc ngậm viên thuốc trị đau họng, thuốc giảm đau không kê đơn khi bị đau nhức cơ thể và thuốc chống tiêu chảy khi bị tiêu chảy.
Trong các trường hợp bị nghẹt mũi, có thể sử dụng thuốc xịt mũi oxymetazoline nhưng không nên sử dụng quá 3 ngày trừ khi có chỉ định của bác sĩ vì thuốc có thể dẫn đến tình trạng gia tăng sự nghẹt mũi sau đó. Đối với các chất dịch nhầy tiết quá nhiều, có thể sử dụng thuốc guaifenesin để khắc phục.
Để điều trị các trường hợp viêm mũi dị ứng mùa lạnh, sử dụng thuốc kháng histamin viên uống như loratadine và thuốc xịt mũi azelastine giúp làm giảm tình trạng sổ mũi mà không gây buồn ngủ.
Đối với các trường hợp rối loại tiêu hóa do virus thường gặp trong mùa đông, phải cố gắng nghỉ ngơi và uống nhiều nước để sớm bình phục.
Lời khuyên của thầy thuốc
Nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh có thể nhiễm vào mùa đông có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy khi có những biểu hiện triệu chứng bệnh lý nghi ngờ trong 1, 2 ngày đầu dùng thuốc điều trị thông thường không đỡ, cần đi khám bác sĩ để xác định và có chỉ định chữa trị phù hợp; không nên để bệnh kéo dài vì rất nguy hại.