Trong những năm gần đây, dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng kinh tế nước ta vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đó là thành tựu nối tiếp của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Gắn liền với niềm tự hào ấy là tên tuổi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo luôn hết lòng vì nước, vì dân.
__________________
Là người trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cao cả của cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ khi còn là cán bộ công tác ở Tạp chí Cộng sản, hơn 50 năm trước. Đây là vấn đề rất lớn, cơ bản của cách mạng nước ta mà thực tiễn ngày càng đỏi hỏi có những nội dung cần được nhận thức đầy đủ hơn, toàn diện hơn, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thời đại.
Bằng tư duy lý luận sắc bén với trái tim nóng bỏng nhiệt huyết cách mạng, bằng thực tiễn sinh động, Tổng Bí thư đã có nhiều bài viết, phân tích, từng bước làm sáng rõ những vấn đề đặt ra. Trong đó phải kể đến bài viết công bố tháng 5/2021 với đầu đề "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Tư tưởng, nội dung bài viết của Tổng Bí thư là kết quả dày công nghiên cứu và sức lao động sáng tạo suốt hơn nửa thế kỷ của một nhà lý luận có tầm tư duy vượt trội; là quá trình trải nghiệm thực tiễn sinh động qua các cương vị công tác, như Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, nhất là những năm làm Tổng Bí thư của Đảng mà tác giả đã kinh qua hoặc đang đảm nhiệm.
Đó còn là ý chí, tình cảm, nhiệt huyết cách mạng thôi thúc bởi một cán bộ có lối sống trong sáng, liêm chính - một nhà lãnh đạo mẫu mực, được nhân dân tin tưởng, kính trọng, đã góp phần làm nên sức cuốn hút và giá trị của bài viết, làm phong phú thêm kho tàng lý luận về chủ nghĩa xã hội.
Có ý nghĩa đặc biệt cả về tầm tư tưởng, lý luận và thực tiễn, bài viết đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước, của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ những vấn đề, quan điểm mà tác giả đúc kết từ thực tiễn với cách nhìn sâu hơn, nhiều chiều hơn, hệ thống hơn cả về chủ nghĩa tư bản, về chủ nghĩa xã hội. Đây là vấn đề không mới, nhưng hiếm có bài viết nào được dư luận trong nước và bạn bè quốc tế quan tâm, đánh giá cao như bài viết lần này của Tổng Bí thư.
Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã chia sẻ: “Bài viết (Bài viết của Tổng Bí thư) như một giáo trình có giá trị khoa học cao, định hướng cho hoạt động của các nhà tư tưởng, lý luận, chiến sĩ cách mạng, cán bộ, đảng viên của các nước đi theo con đường chủ nghĩa xã hội”.
Bài viết “góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; bài viết “có giá trị tham khảo cho các quốc gia đang trong giai đoạn quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội cũng như công tác nghiên cứu lý luận-thực tiễn”.
Bài viết “là tài liệu tham khảo cho các lực lượng tiến bộ trên thế giới phấn đấu cho sự phát triển của các xã hội công bằng nhất”;...
Trong Nghị quyết về trao tặng Giải thưởng Lênin của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga (ngày 14/4/2020) cho năm tập thể và cá nhân, nhân kỷ niệm 150 Ngày sinh Lênin, đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có đoạn viết: “Đã có những đóng góp cá nhân to lớn vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển phong trào cộng sản trong giai đoạn hiện nay; nhiều năm hoạt động nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin; nghiên cứu khoa học những vấn đề thời sự của chủ nghĩa xã hội khi còn là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và Chủ tịch Hội đồng Lý luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; có những nỗ lực không ngừng nhằm củng cố quan hệ hữu nghị và anh em giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên bang Nga”.
Cùng với nhiều bài viết khác về vấn đề này, Tổng Bí thư đã truyền cảm hứng, niềm tin mãnh liệt cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bài viết là tài liệu nghiên cứu quý của các học giả trong và ngoài nước khi nghiên cứu về vấn đề cơ bản này của cách mạng; là tài liệu “gối đầu giường” của những người làm công tác tuyên truyền; là vũ khí sắc bén đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Trong mỗi bài viết, phát biểu của Tổng Bí thư dù ở sự kiện nào, bối cảnh cảnh ra sao, về lĩnh vực gì cũng đều thể hiện tầm tư duy lý luận và tính tổng kết thực tiễn cao. Đọc những bài phát biểu của Tổng Bí thư tại một số phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Hội nghị Chính phủ, các hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khối Mặt trận Tổ quốc, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngành Nội chính đảng; học tập, quán triệt sáu nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển sáu vùng kinh tế; các bài phát biểu tại hội nghị Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, ngành Ngoại giao,… thấy rất rõ điều ấy.
Trong đó, rõ nhất là cuốn "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành đầu năm 2023, đúng dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng ta.
Nội dung các bài viết, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo trong cuốn sách này được rút ra từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, sự nhất quán giữa nói và làm, đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghiên cứu những bài viết trong cuốn sách, người đọc thấy rõ ở đó bức tranh toàn cảnh về thực trạng, đặc biệt là phương thức lãnh đạo, chỉ đạo khoa học, bài bản, quyết liệt, kết quả chưa từng có về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Đảng ta hiện nay.
Có thể nói, một trong những thành công để lại dấu ấn sâu đậm trong ba nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc gần đây là kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà đồng chí Tổng Bí thư là người “nhóm lửa, truyền lửa và giữ lửa” cho cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, không ai có thể đứng ngoài.
Cuộc chiến với thứ “giặc nội xâm” này, Đảng đã tiến hành từ lâu và được chỉ ra là một trong bốn nguy cơ đối với chế độ ta từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (tháng 1/1994), nhưng chưa bao giờ làm quyết liệt như hiện nay, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Việc thực hiện nghị quyết quan trọng này tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tâm tư cán bộ, đảng viên và nhân dân khi ấy băn khoăn, lo ngại. Đó cũng là điều người đứng đầu của Đảng ta trăn trở nhất và quyết tâm phải đẩy lùi bằng được căn bệnh trầm kha này. Vì thế, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII ra đời với tư tưởng chỉ đạo quyết liệt hơn, đồng bộ, toàn diện hơn, được thể hiện ngay từ tiêu đề của nghị quyết. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư, các cơ quan chức năng phối hợp nhịp nhàng hơn.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được gắn liền với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những biểu hiện nhận thức lệch lạc được uốn nắn kịp thời, “ai cảm thấy nhụt chí thì đứng sang một bên cho người khác làm”; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, gắn chặt giữa phòng với chống, trong đó phòng là cơ bản, lâu dài, chống phải quyết liệt. Bất kể ai vi phạm cũng phải xử lý nghiêm minh, nhưng “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”; chặt đi một cành sâu để cứu cả cây xanh; xử lý nghiêm nhưng cũng mở ra cho người vi phạm một con đường chuộc tội. Nhiều phát biểu của Tổng Bí thư được cán bộ, đảng viên và nhân dân, truyền nhau như một thông điệp, một lời nhắn nhủ: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”; “Xử lý kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”,vv.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xác định là một xu thế không thể đảo ngược và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Chính thực tiễn ấy đã giúp đồng chí Tổng Bí thư đúc kết thành những vấn đề có tính lý luận, định hướng cho công tác này.
Đồng chí đã chỉ ra rằng, nguyên nhân cơ bản trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng, tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Vì vậy, phòng chống tiêu cực mà trọng tâm là phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng.
Như vậy là phải phòng chống tham nhũng từ sớm từ xa; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể" tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám" tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để "không muốn" tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để "không cần" tham nhũng, tiêu cực.
Với tinh thần đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được bổ sung thêm nhiệm vụ, không chỉ chỉ đạo phòng, chống tham nhũng mà cả phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cũng được thành lập, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở các cấp, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.