Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn đang "nóng"

(Ngày Nay) -  Tuần vừa qua, Hà Nội có 585 ca mắc sốt xuất huyết; vẫn ghi nhận hàng trăm ca mắc mỗi tuần, số ca mắc vẫn tiếp tục tăng lên.
Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn đang "nóng" ảnh 1
Sản phụ bị mắc sốt xuất nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: PV

Số ca mắc vẫn có xu hướng tăng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 22-28/11), toàn thành phố có thêm 585 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 89 trường hợp so với tuần trước đó (tuần trước đó là 496 trường hợp).

Các bệnh nhân được ghi nhận phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã; tập trung nhiều các địa bàn: Hà Đông; Đống Đa; Thanh Oai; Nam Từ Liêm; Phú Xuyên; Ba Đình, Thường Tín, Ứng Hòa…

Trong tuần qua, Hà Nội cũng có thêm 33 ổ dịch sốt xuất huyết, tại 11 quận, huyện. Còn 45 ổ dịch đang hoạt động.

Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 7.824 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận ca tử vong. Tuy số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2023; nhưng số ca mắc vẫn đang rất cao.

Theo CDC Hà Nội, trước tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn ghi nhận số ca mắc cao, ngành y tế Hà Nội đang tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết.

CDC Hà Nội đã đề nghị các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã cần tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các khu vực có bệnh nhân, ổ dịch. Đồng thời, tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, không để ổ dịch diễn biến kéo dài.

Về tình hình dịch tăng cao vào giai đoạn cuối năm, theo TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, người dân không nên chủ quan, vì thời điểm này mặc dù thời tiết đã bắt đầu giảm nhiệt đột nhưng chưa đáng kể. Muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển mạnh nhất trong khoảng nhiệt độ từ 25-27 độ C.

Theo đó, khi thời tiết chưa lạnh hẳn, nhiệt độ chưa giảm sâu; tuy nhiệt độ ngoài trời có giảm, nhưng nhiệt độ trong nhà vẫn cao; đàn muỗi vẫn còn sinh sản.

TS. Nguyễn Văn Dũng cũng cho biết: Khi nhiệt độ giảm sâu dưới 20 độ C, muỗi vằn mới bị hạn chế sinh sản. Tuy nhiên, dù nhiệt độ giảm sâu, đàn muỗi cũng chưa thể giảm số lượng ngay lập tức, mà sẽ giảm từ từ trong khoảng 2-3 tháng sau đó. Dịch sốt xuất huyết theo quy luật đó cũng sẽ giảm dần. Như vậy, thời điểm này, người dân vẫn cần hết sức cảnh giác để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, để phòng dịch sốt xuất huyết, ý thức chủ động của người dân có vai trò quan trọng. Mấu chốt vẫn là nhấn mạnh vào việc người dân có ý thức vệ sinh môi trường, tránh để muỗi sinh sản, phát triển và đốt người gây bệnh. Quan trọng nhất là cần loại bỏ các ổ bọ gậy, loăng quăng xung quanh môi trường sống. Đó là biện pháp đơn giản nhất, an toàn nhất, tốt nhất trong phòng dịch sốt xuất huyết hiện nay.

Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn đang "nóng" ảnh 2
CDC Hà Nội kiểm tra công tác phòng sốt xuất huyết trên địa bàn. Ảnh: SYT

Cảnh giác biến chứng nặng

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.

Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Người dân cần được phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, hạn chế các biến chứng nặng, hạn chế tử vong.

PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo: “Khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám, xét nghiệm. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có pháp đồ điều trị sớm, tuyệt đối không tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà”.

Theo đó, người bệnh sốt xuất huyết có thể uống thuốc Paracetamol để hạ sốt nhưng tuyệt đối không dùng thuốc Aspirin hoặc Ibuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi nghi ngờ hoặc bị sốt xuất huyết, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời; theo dõi để tránh biến chứng nặng, nhất là trong giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh.

Hướng đi mới tăng chiều sâu văn hóa, lịch sử cho lễ hội
Hướng đi mới tăng chiều sâu văn hóa, lịch sử cho lễ hội
(Ngày Nay) - Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 do UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức những ngày qua, đã trở thành tâm điểm trên bình diện văn hóa quốc gia, với chuỗi các hoạt động ấn tượng, nhiều màu sắc, mang đến một cách nhìn, cách tiếp cận mới về lịch sử thông qua ngôn ngữ của thơ văn, âm nhạc và công nghệ.
Bác sĩ Chuyên khoa II Võ Trương Quý, Phó Trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi.
Khu vực phía Nam: Trẻ mắc sởi phải nhập viện tăng mạnh
(Ngày Nay) - Liên tục trong những ngày qua, các bệnh viện tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều ca trẻ nhập viện do mắc sởi. Bệnh đang lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, trong đó nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ mũi.
Bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Tản viên Sơn Thánh
Bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Tản viên Sơn Thánh
(Ngày Nay) - Phát tích từ vùng núi Ba Vì, trấn Sơn Tây xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thánh đứng đầu trong "Tứ bất tử" thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết cùng ước vọng chinh phục thiên nhiên ngàn đời của người Việt.
Chùa Yên Phú, di sản cổ tự 2.000 năm tuổi ở Hà Nội
Chùa Yên Phú, di sản cổ tự 2.000 năm tuổi ở Hà Nội
(Ngày Nay) - Chùa Yên Phú có tên chữ là Thanh Vân tự, sau đổi thành Khánh Hưng tự - là một trong nhng ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Chùa cách trung tâm Hà Nội 18km về phía Nam, với bề dày lịch sử 2.000 năm và những câu chuyện ly kỳ xung quanh cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.