Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ra đời trong thời khắc lịch sử đặc biệt, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tác động đến sâu thẳm lòng yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc.

Đã 76 năm trôi qua nhưng lời kêu gọi bất hủ có giá trị lịch sử sâu sắc đó vẫn còn nguyên giá trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tô quốc, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Khát vọng hòa bình của dân tộc - mạch nguồn xuyên suốt “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”

Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ảnh 1
Sáng 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Đó là thành quả lớn nhất mà dân tộc ta đã giành được sau gần một thế kỷ kiên trì đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của đế quốc, thực dân. Thế nhưng, trong lúc chúng ta đang rất cần một môi trường hòa bình để dựng xây đất nước thì thực dân Pháp lại quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta vừa kiên trì kháng chiến để bảo vệ Nam Bộ với quan điểm: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bảo giờ thay đổi!”; đồng thời, tìm cách hòa hoãn không để xảy ra chiến tranh trong phạm vi cả nước. Thực hiện chủ trương đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, để có thêm thời gian chuẩn bị trước khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lường trước.

Thế nhưng, thực dân Pháp liên tục tiến hành các hành động khiêu khích, trắng trợn vi phạm các Hiệp định đã ký: tháng 11/1946, chúng chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn, chính thức gây ra cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12/1946, quân Pháp liên tục dùng đại bác, súng cối bắn phá vào nhiều khu phố tàn sát dân thường... đưa quân chiếm một số trụ sở cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải phá bỏ công sự trong thành phố, giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng.

Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ảnh 2
Bản viết tay lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946). Ảnh: TTXVN

Trước âm mưu và hành động xâm lược đó, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ thành quả cách mạng. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng nói của non sông đất nước, tiếng nói của dân tộc khát khao hòa bình, là mệnh lệnh thiêng liêng giục giã quân dân ta anh dũng tiến lên giành thắng lợi.

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, công nhân Nhà máy Ðiện Yên Phụ phá máy, 20 giờ 3 phút, đèn điện trong thành phố vụt tắt, ít phút sau, pháo binh ta từ pháo đài Láng bắn dồn dập vào thành. Đó cũng là tiếng súng phát lệnh mở màn cho cuộc toàn quốc kháng chiến; toàn dân, toàn quân ta nhất tề đứng lên kháng chiến với tinh thần “mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài” và với tư thế đàng hoàng, tự tin, không hề nao núng. Trong đó, tại mặt trận Hà Nội, nhân dân đã chặt cây, đem toa xe lửa, toa tàu điện ra chất đống ở các ngả đường, thậm chí mang cả đồ gia bảo như hoành phi, câu đối, tủ, giường, bàn, ghế... lập thành chiến lũy để chặn đánh quân thù. Cả Thủ đô thực hiện “vườn không nhà trống”, không để cho quân Pháp cướp bóc; mỗi ngôi nhà, góc phố đều được mở thông và trở thành một vị trí chiến đấu ngoan cường, dũng cảm khiến cho quân Pháp phải kinh hoàng.

Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ảnh 3
Sáng 20/12/1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sỹ cả nước. Trong ảnh: Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12/1946. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Trong khi già, trẻ, trai, gái, lương, giáo,... sát cánh cùng bộ đội đánh giặc trong từng căn nhà, góc phố, trực tiếp xây dựng công sự, chiến hào, đắp ụ, chướng ngại vật, phá hủy công trình, đường sá ngăn địch, làm trinh sát, thông tin liên lạc, binh vận, địch vận, cứu thương, vận tải... thì cán bộ, đội viên lực lượng vũ trang tại mặt trận Hà Nội nêu cao tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, với bom ba càng, chai xăng và vũ khí thô sơ chiến đấu anh dũng suốt 60 ngày đêm (từ ngày 19/12/1946 đến ngày 17/2/1947), đập tan hoàn toàn kế hoạch đánh chiếm Hà Nội trong vòng 24 giờ của địch, góp phần có ý nghĩa thiết thực vào việc tạo điều kiện, thời gian thuận lợi cho cả nước chuyển từ thời bình sang thời chiến. Với nhiều cách đánh sáng tạo, linh hoạt, quân và dân Hà Nội đã bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, tạo điều kiện cho hàng vạn đồng bào ra khỏi thành phố, di chuyển máy móc ra vùng tự do. Cùng với quân, dân Thủ đô, quân và dân Nam Định, Vinh, Huế... đã phát huy tinh thần tự lực kháng chiến, chiến đấu quyết liệt, vây chặt quân địch trong thành phố, tiêu hao sinh lực địch, làm chậm bước tiến của chúng, giữ gìn và phát triển lực lượng.

Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ảnh 4
Hình ảnh chiến sỹ cảm tử quân, đoàn viên Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Hà Nội ngày 23/12/1946 mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân, mà ở đó mỗi người dân đều là chiến sỹ và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/Tư liệu TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy sức mạnh to lớn nhất, vĩ đại nhất của toàn dân tộc, vũ trang toàn dân, mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt nam, nữ, vùng miền, tôn giáo, giàu nghèo… cầm lấy tất cả những gì có trong tay làm vũ khí để đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Đó cũng là thể hiện quan điểm “người trước súng sau” trong tư tưởng Hồ Chí Minh; là sự tiếp nối truyền thống “ngụ binh ư nông”; khoan thư sức dân để làm kế rễ sâu gốc bền thời nhà Trần. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã truyền lại kinh nghiệm quý cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong việc huy động sức mạnh toàn dân, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân; mỗi người dân là một chiến sĩ, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”... Nó còn thể hiện niềm tin chiến thắng của dân tộc: “dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”, bắt nguồn từ quyết tâm sắt đá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền từ lời Hịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến, dành riêng cho lực lượng vũ trang còn non trẻ lúc bấy giờ: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”.

Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ảnh 5

Vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, những loạt đại bác của ta từ pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu của Pháp trong thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Nguyễn Bả Khoản/TTXVN.

Lời Hịch non sông đó đã truyền cảm hứng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tỏ rõ tinh thần chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng cầm tất cả những gì trong tay để làm vũ khí bảo vệ độc lập, tự do, không cam chịu mất nước, không cam chịu làm nô lệ!

Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phát triển

Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ảnh 6
Đường Thanh Niên, thành phố Hà Nội. Ảnh: Minh Đông/TTXVN

“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” ra đời cách đây đã 76 năm nhưng ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” không chỉ là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, bất khuất và lòng quyết tâm chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đây còn là Cương lĩnh về khát vọng hòa bình, tiếp thêm sức mạnh cho toàn dân tộc vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong công cuộc đổi mới, để giữ vững và bảo vệ nền độc lập, tự do, hòa bình lâu dài của đất nước, tư tưởng “hòa bình” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thắp lên từ ngày đầu phát động nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã luôn soi đường, chỉ lối cho Đảng ta, nhân dân và các lực lượng vũ trang ta tập trung vào thực hành và giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khát vọng hòa bình, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ phá hoại, xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do đất nước ta không chỉ được nuôi dưỡng, hun đúc, phát huy trong mọi tầng lớp nhân dân và các lực lượng vũ trang ta, mà còn được cụ thể hóa bằng những hành động, việc làm cụ thể trong xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.

Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ảnh 7
Đường Thanh Niên, thành phố Hà Nội. Ảnh: Minh Đông/TTXVN

Qua hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ước tính hết năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.000 USD; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Trong năm 2022, nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, kinh tế-xã hội của Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; kinh tế tăng trưởng khá; các cân đối lớn được đảm bảo. Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội...

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, của các cấp uỷ Đảng đều xác định những phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể đưa nước ta tiến lên xây dựng một Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc; một Việt Nam hùng cường, một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã luôn là khát vọng mãnh liệt của bao thế hệ lãnh đạo và người dân Việt Nam. Khát vọng ấy đã hiệu triệu, khơi dậy lòng yêu nước, hun đúc tinh thần đoàn kết và sức mạnh của nhân dân toàn dân tộc, làm nên những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử trong quá trình bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước.

Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ảnh 8
Một góc của Trung tâm hội nghị Quốc gia. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Thành tựu hơn 35 năm đổi mới là kết quả đáng tự hào nhưng cũng đặt ra những kỳ vọng, những trách nhiệm, những thách thức lớn lao cùng với những đòi hỏi cụ thể trước mắt, lâu dài đối với mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, khát vọng phát triển Việt Nam giàu mạnh hùng cường lại càng mãnh liệt và sục sôi hơn bao giờ hết

Để biến khát vọng thành hiện thực, chúng ta phải thấm sâu ý chí, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận rõ con đường phía trước, thấy được những khó khăn, thách thức, thuận lợi, thời cơ để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chiến lược trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm tiến tới tầm nhìn năm 2045. Đây là sự chỉ đạo của Đảng có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới của đất nước, định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Tầm nhìn cũng khẳng định đường lối chiến lược cách mạng, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, tính liên tục xã hội ở nước ta; bảo đảm tính khoa học, khả thi và thực tiễn, là tâm huyết, trí tuệ, niềm tin của “ý Đảng, lòng dân”. Chiến lược phát triển tổng thể trong giai đoạn tới là phát triển nhanh, mạnh, bền vững, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó chú trọng vào bốn trụ cột chính gồm: Phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Khơi dậy ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thống nhất, bất biến trong tư tưởng, tình cảm, ý chí, hành động trong toàn Đảng, toàn dân nước ta. Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, niềm tin và ý chí đồng lòng của toàn dân là nhân tố quan trọng nhất, có tính quyết định để đạt tới mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ảnh 9
Đoạn đường Vành đai 2 bắt đầu từ nút giao Bưởi - Hoàng Quốc Viêt, chạy uốn lượn dọc bờ sông Tô Lịch. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Càng đi sâu vào công cuộc đổi mới, hội nhập với thế giới, càng đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, nảy sinh, thì sự hội tụ “ý Đảng, lòng Dân” và tấm gương về ý chí, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại càng thể hiện rõ ánh sáng chỉ đường, củng cố niềm tin vững chắc cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.
Viện Tim TP Hồ Chí Minh
Trang web của Viện Tim TP Hồ Chí Minh bị tấn công lấy số khám bệnh
(Ngày Nay) - Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chiều 27/3, cho biết, trang web lấy số khám bệnh Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh đã bị hacker tấn công gây nên tình trạng gia tăng đột biến số lượt đăng ký khám bệnh. Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc và chưa ghi nhận rò rỉ thông tin người bệnh ra bên ngoài.