Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết số 24C/18.65 vinh danh "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam" do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, buổi lễ đã được Tổng Giám đốc Audrey Azoulay đến chúc mừng sự kiện và chia sẻ cảm xúc tuyệt vời mà bà đã trải qua trong chuyến thăm Việt Nam gần đây.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nêu bật ý nghĩa của Nghị quyết UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhấn mạnh việc Tổ chức này ra Nghị quyết là sự ghi nhận đối với đóng góp, cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội; đồng thời tôn vinh những lý tưởng cao đẹp, bản sắc văn hóa và khát vọng của Người và dân tộc Việt Nam về một thế giới hòa bình, bình đẳng và hạnh phúc.
Hồ Chí Minh là hình mẫu tiêu biểu cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Người thấu hiểu sâu sắc và đặt niềm tin vào giá trị chân, thiện, mỹ, vào bản chất cao đẹp của con người, như tinh thần Hiến chương của UNESCO "Vì chiến tranh bắt đầu từ tâm trí con người, nên phải xây dựng thành trì về hòa bình trong tâm chí con người".
Thay mặt tổ chức UNESCO, phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc Xing Qu bày tỏ vinh hạnh khi được tham dự sự kiện vinh danh Hồ Chí Minh, người mà ông cho rằng "đã để lại dấu ấn trong lịch sử nhân loại, cũng như những nhân vật khác như Jawaharlal Nehru". Ông khẳng định: "Với việc UNESCO ra quyết định này, các quốc gia thành viên đã cùng mong muốn vinh danh những gương mặt luôn theo đuổi một lý tưởng, cũng chính là trọng tâm nhiệm vụ của tổ chức này. Lý tưởng đó là sức mạnh của giáo dục và văn hóa nhằm nuôi dưỡng bản sắc và khát vọng của các dân tộc. Nhưng lý tưởng đó cũng để cho phép họ hiểu nhau và xây dựng hòa bình.
Một lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng tin tưởng, Người đã đưa văn hóa và giáo dục trở thành trụ cột cho nền độc lập của nước Việt Nam và sự giải phóng của dân tộc. Đây cũng là lý do tại sao Người đã nỗ lực rất nhiều để giúp cho giáo dục có thể tiếp cận được với tất cả mọi người, đặc biệt với phụ nữ, vì ông cũng là người nhiệt thành ủng hộ bình đẳng giới".
Phó Tổng Giám đốc UNESCO Xing Qu phát biểu. Ảnh: TTXVN. |
Nhân dịp này, Phó Tổng Giám đốc UNESCO cũng kêu gọi mọi người cùng nhau tiếp tục giữ vững lý tưởng bình đẳng này của Hồ Chí Minh, và cùng nhau tôn vinh những lý tưởng chung đó là sự liên kết về trí tuệ và đạo đức của nhân loại, dựa trên nền tảng văn hóa và giáo dục.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ với nhân dân Việt Nam mà còn đối với nhân dân tiến bộ trên thế giới bởi vì Nghị quyết này đã ghi nhận và đánh giá rất cao những đóng góp và cống hiến vô cùng lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc không những của Việt Nam, mà còn là nguồn động viên khích lệ cho nhân dân tiến bộ trên thế giới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của chính mình. Đây cũng là sự ghi nhận những giá trị văn hóa, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lý tưởng vì một thế giới hòa bình, bình đẳng, bác ái".
Đến với buổi lễ, rất nhiều người mang trong mình một tình cảm đặc biệt với Bác Hồ. Nhà sử học Pháp Alain Ruscio, người đã có nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận định việc UNESCO, một tổ chức quốc tế, tưởng nhớ công lao và cuộc đời của Người có ý nghĩa rất lớn. Theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh được biết đến rất nhiều ở Việt Nam và trên toàn thế giới, nhưng việc một tổ chức quốc tế công nhận vai trò của Người và đặc biệt nêu bật hai chủ đề, cũng là hai cuộc đấu tranh lớn trong cuộc đời Người, đó là đấu tranh vì hòa bình và đấu tranh cho văn hóa. Và sự công nhận của một tổ chức quốc tế lớn nổi tiếng khắp thế giới đối với vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ về mặt tư tưởng.
Bà Elisabeth Helfer Aubrac, con gái nuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ lại những kỷ niệm đẹp về người cha nuôi thường gọi bà bằng cái tên trìu mến Babette. Bà nhấn mạnh: "Có mặt ở đây ngày hôm nay và dự lễ kỷ niệm này trong khuôn viên của UNESCO là bằng chứng cho thấy tự do, dân chủ và văn hóa đã chiến thắng. Hồi năm 1946, khi Bác Hồ sống ở nhà bố mẹ tôi, ai có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó Người được vinh danh như thế này. Tôi thấy rằng điều đó rất quan trọng và tôi rất tự hào".