“Cốc…cốc…”, ai đó đang gõ cửa. Nhìn thoáng qua, đồng hồ trên tường đã điểm 23 giờ khuya. “Marokah, dậy đi, làm ơn,” - tiếng người phụ nữ gọi Marokah từ phía sau cánh cửa gỗ. Tiếng gọi nhỏ nhẹ nhưng cũng đủ làm cô giật mình. “Vâng, thưa bà” - cô ngay lập tức trả lờ |
Marokah - 25 tuổi, vẫn khó mở mắt nhưng nhanh chóng di chuyển ra khỏi giường. Cô mở cửa phòng ngủ, bà chủ đang đợi cô. “Ade muốn uống sữa. nhanh nhẹn lên” - bà chủ ra lệnh cho cô.
Marokah chỉ trả lời với một cái gật đầu. Cô ngay lập tức bước vào bếp. Mặt cô cúi xuống. Tay cô dụi mắt. Cô tự nhủ với bản thân phải quyết tâm hơn, rằng đây là cơ hội trở thành người giúp việc gia đình chuyên nghiệp, mặc dù đôi khi, cô tuyệt vọng, càu nhàu về nghề nghiệp của mình.
“Tôi không có thời gian để nghỉ ngơi” - cô phàn nàn bằng phương ngữ Java của mình.
May mắn thay, cô vẫn nhận được một mức lương phù hợp từ người chủ của mình. Marokah kiếm được ít nhất 2 triệu rupi một tháng bằng nghề giúp việc. Cho đến nay, chủ nhân của cô chưa bao giờ trễ lương. Đó là lý do tại sao cô vẫn tiếp tục làm việc cho bà chủ ở Depok, Tây Java, Indonesia gần một năm nay.
Cô rời quê hương ở Semarang, Trung Java vào năm 2009 để đến Jakarta làm giúp việc. Trong hành trình của mình, Marokah đã thay đổi chủ nhà 4 lần. Lý do luôn luôn không phải là giờ làm việc hay áp lực công việc quá cao mà chỉ có một vấn đề, đó là việc trả lương.
“Khi tôi làm việc ở Pasar Minggu. Chủ của tôi đã từng trì hoãn việc trả tiền lương khiến tôi chán nản” - Marokah nói. Khi cô hỏi người chủ về tiền lương, họ chỉ xuề xòa trả lời “để sau”.
“Bây giờ tôi được trả lương tốt hơn. Nhưng vì công việc quá nặng nề, tôi thấy tiền lương không đáng”- cô nói.
Marokah nhớ lại những vấn đề khác của cô trong thời gian làm giúp việc gia đình. Khi cô làm việc ở Tebet, Tangerang và Pasar Minggu, cô chưa bao giờ nhận được bất kỳ mức lương nào nhiều hơn 900.000 rupi, trong khi khối lượng công việc khủng khiếp và nặng nề khiến cô hầu như không có cơ hội để hít thở, ngẩng mặt lên trời.
Tương tự như Marokah, Murtini - một người giúp việc 34 tuổi đến từ Yogyakarta từng bị kiệt sức khi làm giúp việc ở Jakarta. Cô làm giúp việc gia đình lần đầu tiên vào năm 1997 tại khu vực Rawamangun. Cô đã nhận được một công việc với mức lương 100.000 rupi/ tháng. Nhưng thực tế, mức lương cô nhận được chỉ là 50.000 rupi/tháng. Chủ nhà đối xử không tốt với Murtini. Cô không được phép ra khỏi nhà. Cô ngủ trong một phòng bụi bặm như nhà kho. Cô làm việc từ sáng đến nửa đêm. Cô thậm chí còn kiêm các công việc của nam giới như rửa xe, bốc vác chỉ với một số tiền gói gọn trong mức lương đã thỏa thuận.
“Tồi tệ hơn, tôi chưa bao giờ được phép về thăm quê. Tôi chỉ có thể đi khi tôi bị bệnh” - Murtini nói.
Cô chỉ “sống sót” được bảy tháng ở Jakarta. Không thể chịu được một sự đối xử tồi tệ, cô quyết định trở về quê hương của mình. Cô làm việc lại với tư cách là người giúp việc gia đình, nhưng cô cảm thấy thoải mái với văn hóa làm việc của người dân Yogyakarta. “Bây giờ, tôi làm việc theo một thỏa thuận hợp đồng” - cô phấn khởi.
Murtini là một ví dụ về một nhân viên giúp việc lý tưởng. Cô tham gia vào Đại hội Các tổ chức giúp việc gia đình Yogyakarta (KOY). Dựa trên kinh nghiệm của cô ở Jakarta, Murti đã có kinh nghiệm để tránh nhịp sống mệt mỏi mà ‘người giúp việc gia đình’ thường gặp phải. Cô luôn mang theo một lá thư thỏa thuận làm hợp đồng làm việc. Trong thư, cô yêu cầu đảm bảo tiền lương phù hợp với tiêu chuẩn của một “nhân viên giúp việc”, chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm y tế quốc gia. Thêm vào đó, hợp đồng cũng quy định giờ làm việc của Murti, cơ sở lưu trú thích hợp tại nhà của chủ nhân và quyền của cô được nghỉ vào cuối tuần và nghỉ hàng năm.
Cô hiện đang giữ chức vụ phó chủ tịch KOY, cô có thời gian rảnh rỗi để “chăm sóc” tổ chức của mình. Cô tham dự các cuộc họp hoặc họp mặt với các người giúp việc gia đình khác vào ban đêm vì giờ làm việc của cô kết thúc vào buổi chiều. Cô thường đảm nhiệm vai trò của mình vào các ngày Chủ nhật.
Theo Murti, hầu hết các nhà tuyển dụng sẵn sàng chấp nhận những điều kiện mà người giúp việc đưa ra. Tổ chức phi chính phủ Rumpun Tjoet Nyak Dien thường xuyên làm trung gian mối quan hệ làm việc giữa người giúp việc gia đình và người sử dụng lao động. Một số người giúp việc gia đình thường đến thăm tổ chức để yêu cầu giúp đỡ trong việc bảo vệ quyền lợi của họ.
“Khi một người giúp việc gia đình phản đối hỏa thuận làm việc với chủ nhân, cô ấy yêu cầu sự giúp đỡ từ Rumpun Tjoet Nyak Dien để hòa giải” - Murti nói.
Nhưng chỉ số ít người giúp việc gia đình nhận thức được quyền của họ. Đa số vẫn cảm thấy sợ người chủ và miễn cưỡng làm việc trong khi thực tế, khi đưa ra thỏa thuận, những người giúp việc sẽ có được vị thế chuyên nghiệp hơn.
Ida Ruwaida Noor - Nhà xã hội học tại Đại học Indonesia (UI) giải thích rằng, các quy định, hoặc hợp đồng lao động ít nhất là cần thiết để điều chỉnh vấn đề trong việc quy định quyền và nghĩa vụ của một người giúp việc gia đình cũng như cam kết của chủ sử dụng lao động giúp việc. Hiện tại, ở các thành phố lớn như Jakarta, Indonesia, mối quan hệ giữa một người giúp việc gia đình và chủ nhân không chỉ là xã hội, mà còn là quan hệ kinh tế, không giống như ở một số vùng vẫn giữ quan hệ họ hàng. “Kiểu quan hệ họ hàng như vậy thường có thể được tìm thấy ở các vùng nông thôn”, Ida nói.
Họ chỉ mời những người hàng xóm, người thân hoặc thành viên gia đình của họ để giúp làm các công việc trong gia đình với đảm bảo rằng họ chỉ có thể nhận được chỗ ở, ăn uống hoặc trả học phí. Kiểu giúp việc như vậy, theo Ida, chỉ xảy ra ở các vùng nông thôn, trong khi ở các khu vực đô thị, tình hình có xu hướng hợp lý hơn. Có nghĩa là một chủ nhân tuyển dụng một người giúp việc không phải là người thân nhất của họ. Vì vậy, cách suy nghĩ cần được thay đổi - từ mối quan hệ xã hội đến kinh tế. Họ không chỉ giúp đỡ mà họ làm việc.
Thực tế, có nhiều nhà tuyển dụng không nhận thức được người giúp việc trong gia đình mang tác động kinh tế. Đối với một gia đình có con, dù họ có thích hay không, họ phải trả cho đến hàng triệu rupiah một ngày để chăm sóc trẻ em, trong khi nếu họ thuê một người giúp việc trong nhà, họ không phải chi quá nhiều tiền.
Tuy nhiên, Ida nhấn mạnh, điều đó không có nghĩa là một người giúp việc có thể bị trao nhiều công việc mà không có bất kỳ mức lương phù hợp nào.
“Dự thảo luật là chung nhưng cũng có những điều luật riêng cho từng khu vực. Điều đó phải được điều chỉnh cho phù hợp”, cô nói thêm.
Sau khi một quy định chính thức được thông qua, thỏa thuận giữa người lao động hành nghề giúp việc và chủ lao động vẫn phải được thực hiện liên quan đến ngày nghỉ, nghỉ phép hàng năm, giờ làm việc và bảo đảm an sinh xã hội. Họ phải ngồi với nhau để bàn bạc thảo luận. Các điều khoản như vậy không thể chỉ nói chung chung, đại khái.
“Chúng tôi có nhiều dạng chủ nhân khác nhau. Một số người có nhà lớn, những người khác có nhà nhỏ. Một số có con, những người khác không có. Mọi điều kiện phải được thảo luận ngay từ đầu để đạt được thỏa thuận”, cô nói.
Totok Daryanto - Phó Chủ tịch Cơ quan Pháp chế tại Hạ viện có một quan điểm khác. Ông nói rằng sẽ tốt hơn nếu không có luật pháp được thực hiện để đối phó với các vấn đề của những người giúp việc gia đình. Cứ để cho nó hoạt động theo hệ thống hiện tại, nhưng cần phải có yêu cầu chủ lao động để đối xử nhân đạo hơn với những người giúp việc.
Theo ông, nếu vấn đề được quy định, sẽ nảy sinh câu hỏi về cách phân loại giữa lao động giúp việc với mối quan hệ kinh tế và xã hội.
Ông cho rằng các nghiên cứu của dự thảo luật vẫn còn mơ hồ. “Nếu giúp việc gia đình được coi là một nghề và nó cũng phải được áp dụng như các nghề khác trong xã hội, sẽ nảy sinh vấn đề lớn trong tương lai” - Totok nói.