1. Tháng 9/2018, dư luận Singapore phẫn nộ trước việc SRC Recruitment – một công ty chuyên cung cấp người giúp việc nhà tại Singapore – dùng từ “rao bán” hay “đã bán” người giúp việc nhập cư từ Indonesia trên các mục quảng cáo của Carousell – trang thương mại điện tử chuyên mua bán cả đồ mới lẫn cũ. Tổ chức phi chính phủ Migrant Care tại Indonesia lên án nội dung quảng cáo này là “sai trái, xúc phạm nhân phẩm, bất công và hèn hạ”. Tháng 10/2018, Bộ Nhân lực Singapore (MOM) quyết định đình chỉ giấy phép kinh doanh của SRC Recruitment, đồng thời cấm Erleena Mohd Ali - người đăng các quảng cáo trên mạng - không được phép làm cho các công ty trong lĩnh vực tuyển dụng lao động. Giới chức Singapore cũng đang tiến hành điều tra và nhiều khả năng khởi tố vụ việc.
Việc coi người giúp việc nhập cư như những món hàng hóa chỉ là một trong những cách thức đối xử tồi tệ mà một số công ty “môi giới” lao động, chủ nhà ở Singapore cũng như ở không ít quốc gia khác “ban phát” cho người giúp việc. Bị cô lập xã hội bởi những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, người giúp việc nhập cư thường phải đối mặt với tình trạng bóc lột sức lao động, đôi khi bị xúc phạm thể chất, tinh thần và thậm chí bị lạm dụng tình dục tại chính gia đình chủ mà họ đang sinh sống và làm việc. Tháng 4/2018, dư luận quốc tế từng phẫn nộ khi một chủ nhà tại Arab Saudi ép nữ giúp việc người Philippines uống chất tẩy rửa đến mức phải phẫu thuật ổ bụng.Nạn nhân tới Arab Saudi từ năm 2016. Suốt thời gian đó, cô rất nhiều lần cô bị chủ nhà bạo hành và không được trả lương.Tháng 8/2018, một chủ nhà ở Singapore bị buộc tội bạo hành người giúp việc trong suốt 2 năm khiến người này mù mắt trái và bị thương nặng mắt phải.
Tháng 9/2018, kênh truyền hình Al Jazeera phản ánh tình trạng một số lao động người Việt giúp việc nhà bị gia chủ Arab Saudi bắt làm việc quần quật từ 5h sáng hôm trước tới 1h sáng hôm sau và chỉ cho ăn một lần trong ngày. Gia chủ Arab Saudi còn đánh đập, ngăn không cho người giúp việc trở về quê hương.
Theo một báo cáo của ILO, hơn 40% người lao động giúp việc gia đình trên thế giới không được hưởng mức lương tối thiểu cho dù lương tối thiểu được áp dụng cho những nhóm lao động khác ở nước họ.Theo thống kê đăng trên kênh Channel NewsAsia, ở Hồng Kông (Trung Quốc) có khoảng 350.000 người lao động nhập cư đang giúp việc tại các gia đình giàu có, hầu hết là người Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, có tới 43% người giúp việc được hỏi trả lời rằng họ không có phòng riêng và phải ngủ trong nhà kho, nhà bếp, tầng hầm, tủ đồ ,ban công, thậm chí nhà vệ sinh; ai may mắn hơn thì có được một gian phòng nhỏ chỉ vừa đủ để ngủ.
Nhiều chủ nhà luôn tìm cách quản lý người giúp việc 24/24h. Ở Singapore, cách đối xử phổ biến nhất là việc các công ty cung cấp người giúp việc nhà và chủ thuê mướn coi người giúp việc như trẻ con cần “giám hộ”. Theo đó, do lo ngại người giúp nhập cư thiếu kỹ năng chi tiêu nên chủ nhà thường giữ lại lương của người giúp việc và kiểm soát chặt chẽ chi tiêu của họ. Chủ nhà cũng không cho người giúp việc nghỉ cuối tuần ra ngoài chơi bởi sợ người giúp việc bị người lao động nhập cư khác lôi kéo vào chốn xa hoa thị thành hoặc dụ dỗ chuyển việc. Tại Singapore, tính đến năm 2015, cứ 5 người giúp việc thì có 1 người chịu sự giám sát của các camera CCTV lắp đặt trong nhà chủ. Mặc dù việc lắp CCTV có thể ngăn ngừa người giúp việc có những hành động xấu như bạo hành trẻ em, song môi trường làm việc kiểu này phá vỡ mọi sự tin tưởng giữa chủ nhà và người giúp việc.
2. Từ năm 2011, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã thông qua Công ước số 189 về Lao động giúp việc gia đình. Công ước số 189 định nghĩa người giúp việc gia đình là “bất kỳ người nào tham gia vào công việc gia đình trong mối quan hệ việc làm”. Công việc gia đình được định nghĩa là “công việc được thực hiện trong hoặc cho một hộ gia đình hoặc nhiều hộ gia đình”. Công việc gia đình bao gồm các công việc như: dọn dẹp nhà, nấu ăn, giặt và ủi quần áo, chăm sóc trẻ em, hoặc người cao tuổi hoặc người ốm trong gia đình, làm vườn, bảo vệ ngôi nhà, lái xe cho gia đình, và cả việc chăm sóc vật nuôi trong nhà. Người giúp việc gia đình có thể làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian, được một hộ gia đình hoặc nhiều chủ sử dụng lao động thuê. Người giúp việc có thể sinh sống trong hộ gia đình của chủ sử dụng lao động hoặc ở nơi cư trú riêng. Theo định nghĩa này, ước tính hiện có hơn 67 triệu lao động giúp việc gia đình trên toàn cầu, trong đó tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hơn 21 triệu lao động; phần lớn lao động giúp việc gia đình là phụ nữ (chiếm hơn 80%). Công ước của ILO bảo đảm những người giúp việc gia đình được đối xử tương tự như những lao động ở các lĩnh vực khác. Đặc biệt, trong công ước này, ILO đề xuất để các lao động giúp việc có một ngày nghỉ vào mỗi tuần, chủ lao động hạn chế trả lương bằng hiện vật, đồng thời phải thông tin rõ ràng về điều khoản, điều kiện làm việc, không có quyền bắt ép người lao động nghỉ tại nơi lao động… Ngoài ra, công ước cũng yêu cầu cơ quan chức năng các nước nâng cao trình độ nhận thức của người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ trong hợp đồng lao động của họ. Đến nay đã có 25 quốc gia trên thế giới tham gia Công ước số 189. Việt Nam đang xem xét phê chuẩn Công ước này vào năm 2020.
Ngoài ILO, nhiều quốc gia cũng đang nỗ lực đưa ra những biện pháp mới để bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống người giúp việc gia đình. Liên đoàn quốc gia về lao động giúp việc nữ tại Brazil – quốc gia mới phê chuẩn Công ước số 189 và sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2019 - đang triển khai ứng dụng “Laudelina” để cung cấp thông tin, kiến thức cho người giúp việc nữ tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình, trong đó có việc chống lại bạo lực và lạm dụng tình dục. Tại Singapore, MOM yêu cầu các chủ lao động không được giữ tiền lương của người giúp việc gia đình kể từ ngày 1/1/2019, người vi phạm có thể bị phạt 10.000 đôla Singapore (hơn 169 triệu VND) và 01 năm tù giam. Tháng 10/2018, Hiệp hội hỗ trợ xã hội và đào tạo người giúp việc nhập cư Singapore (FAST) với 10.000 hội viên đã tuyên bố sẽ xây dựng mới một câu lạc bộ với sức chứa khoảng 5.000 người (lớn gấp 10 lần câu lạc bộ hiện có) để những người giúp việc nhập cư có thể tới thư giãn (nghe nhạc, uống cà-phê…), giao lưu, chơi thể thao, tập yoga, học nhảy, khám sức khỏe, nhận sự tư vấn hoặc chuyển tiền về quê… Đầu tháng 10/2018, FAST cũng đã khởi động “đường dây nóng – 1800 FDW CARE” giúp những người giúp việc nhập cư giải tỏa căng thẳng và hồi phục sức khỏe tinh thần.
Phần lớn chủ nhà thường tập trung đánh giá công việc hàng ngày của người giúp việc như: lau nhà, trông trẻ, nấu ăn. Thế nhưng Ng Bee Bee – nữ doanh nhân 46 tuổi đạt giải thưởng Chủ Lao động năm 2016 của FAST – hành xử khác. Ng Bee Bee quan tâm chi trả cả học phí trường học tư ở Thủ đô Manila cho con gái 17 tuổi của Jocylen Abella – một người Philippines giúp việc cho gia đình cô suốt 12 năm, mời con gái của Jocylen sang thăm Singapore vào kỳ nghỉ, tặng quà mỗi khi Jocylen về nước… Ng Bee Bee còn động viên người giúp việc đầu tư bất động sản ở Singapore. Ng Bee Bee nói : “Hạnh phúc của người giúp việc nằm ở tương lai con gái cô ấy. Một ngày nào đó, cô ấy trở về Philippines và con gái cô ấy sẽ phải chăm sóc mẹ. Bởi thế, xây dựng kế hoạch lâu dài là vô cùng quan trọng. Thậm chí bạn phải nghĩ tới tương lai người giúp việc sau khi họ về hưu”. Đáp lại, Jocylen Abella chăm sóc tận tình ba đứa con của Ng Bee Bee. Năm 2017, một nữ giúp việc 60 tuổi người Sri Lanka đã giành Giải thưởng Người giúp việc của năm do FAST trao tặng, nhờ sự tận tụy chăm sóc người vợ nằm liệt giường của chủ nhà suốt 20 năm. Người giúp việc này đã không nề hà bón thức ăn, thay tã, tắm rửa, cắt tóc…cho gia chủ bệnh tật. Người chủ lao động Chua Choo Hock nói: "Gia đình tôi luôn biết ơn người giúp việc. Sau nhiều năm, bà ấy đã trở thành một thành viên của gia đình".