Bây giờ nếu ghé thăm phố Fulton ở quận Manhatttan, thành phố New York, người ta không còn nhận ra bất kỳ vết tích nào của vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 nữa. Nhưng sau 2 thập kỷ, thảm hoạ này vẫn đang được nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu mang ra “mổ xẻ”, bởi những tác động rõ rệt tới vấn đề an ninh toàn cầu.
____________________
Tròn 20 năm trôi qua, khu phức hợp mới của Trung tâm Thương mại Thế giới và Đài tưởng niệm 11/9 đã mọc lên từ Ground Zero - nơi từng là đống đổ nát của toà tháp đôi năm xưa. Những vết thương ngày nào đã lên da non, và đang bắt đầu lành lại. Nhưng vụ khủng bố 11/9 vẫn sẽ còn là một chủ đề nóng với giới chuyên môn, đặc biệt là trong ba lĩnh vực quan trọng của an ninh toàn cầu.
Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu
Sau sự kiện 11/9, Tổng thống Mỹ George H. Bush ngay lập tức phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, và được thế giới nhiệt tình hưởng ứng. Theo ông Rohan Gunaratna, Giáo sư Nghiên cứu An ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), tới nay, cuộc chiến này đã trải qua 4 dấu mốc quan trọng.
Dấu mốc đầu tiên là ngày 7/10/2001, khi Mỹ chính thức phát động cuộc chiến Afghanistan - chiến dịch dài nhất trong lịch sử nước này. Hồi đó, Afghanistan được coi là “thánh địa” của các tổ chức khủng bố, với hơn 30 nhóm lớn nhỏ đang hoạt động. Cuộc chiến này đã mang lại cho Washington những thành tựu đáng kể: Taliban bị lật đổ năm 2001, kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9 Khalid Sheikh Mohammed bị bắt giữ năm 2003, trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt năm 2011, và ngăn chặn thành công vô số cuộc tấn công khủng bố.
Binh lính Mỹ tại Afghanistan. (Ảnh: TASS) |
Dấu mốc tiếp theo là sự ra đời của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) năm 2002, đưa các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo của Mỹ về một “mái nhà chung”. Bằng việc tăng cường khả năng thu thập, phân tích thông tin và chống khủng bố của quân đội, DHS đã dập tắt rất nhiều âm mưu khủng bố nhằm vào nước Mỹ.
Việc Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các nước đồng minh tại Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ả Rập Xê-út và Qatar chống khủng bố cũng là một dấu mốc nổi bật. Để đáp lại sự “hào phóng” này, các nước đồng minh đã cho phép Mỹ đóng quân và xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Đó chính là các “đầu cầu” của Mỹ tại Trung Đông, giúp họ thâm nhập và tấn công những kẻ khủng bố dễ dàng hơn.
Căn cứ không quân Incirlik ở thành phố Adana, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh Reuters) |
Dấu mốc cuối cùng là cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 - sai lầm chết người của Mỹ. Giáo sư Rohan Gunaratna khẳng định, cuộc chiến này chính là tiền đề cho sự ra đời của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Theo Washington Post, hầu hết thủ lĩnh của IS đều là cựu quan chức của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein - người đã bị Mỹ lật đổ trong cuộc xâm lược và phải chịu án tử hình.
Bên cạnh đó, cái giá Mỹ phải trả cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu cũng không hề nhỏ. Theo nghiên cứu “Cái giá của chiến tranh” do Đại học Brown thực hiện, từ năm 2001 - 2019, hơn 7.000 binh lính và 7.400 nhà thầu quân sự Mỹ đã thiệt mạng tại Trung Đông. Cũng trong thời gian đó, hơn 30.000 binh lính và cựu chiến binh Mỹ đã tự sát - gấp hơn 4 lần số người tử nạn trên chiến trường. 6,4 nghìn tỷ USD là tổng số tiền Mỹ đã rót vào cuộc chiến này trong 2 thập kỷ qua.
Giám sát an ninh
Trong lĩnh vực giám sát an ninh, những cơ quan tình báo của Mỹ và các nước đồng minh đã “lột xác” sau thảm hoạ 11/9, theo nhận định của Wesley Wark - Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (Canada).
Đầu tiên là bước ngoặt lớn trong hoạt động chống khủng bố của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) năm 2002: chuyển từ thu thập thông tin sang chủ động săn tìm những kẻ khủng bố. Bước ngoặt này nhấn mạnh quyết tâm “phá vỡ và tiêu diệt các tổ chức khủng bố có tầm ảnh hưởng toàn cầu”, được nêu rõ trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ năm 2002.
Một bước ngoặt đáng chú ý khác xảy ra ngày 26/10/2001, khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Yêu nước (USA Patriot Act). Đạo luật này cho phép Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) và Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nghe lén điện thoại, kiểm tra thư tín và thông tin cá nhân của một người mà không cần báo trước. Theo Wesley Wark, Mỹ cần phải nắm được càng nhiều thông tin tình báo càng tốt, và thu thập dữ liệu hàng loạt là phương pháp tối ưu.
Tổng thống George H. Bush ký ban hành Đạo luật Yêu nước. (Ảnh: Britannica) |
Tuy vậy, Đạo luật Yêu nước gây ra nhiều tranh cãi về quyền riêng tư và quyền dân chủ của người dân, sau những tiết lộ của cựu nhân viên của CIA Edward Snowden về hoạt động giám sát an ninh và thu thập dữ liệu hàng loạt của NSA.
Bước ngoặt cuối cùng là sự lên ngôi của máy bay không người lái (UAV) - phương tiện chiến đấu hữu dụng về cả thu thập thông tin tình báo lẫn không kích mục tiêu. Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong việc sử dụng UAV để chống khủng bố. Washington đã thực hiện hàng ngàn cuộc không kích bằng UAV tại Afghanistan, Pakistan, Iraq, Somalia và Syria.
Đến nay, đã có hơn 100 nước trên thế giới sở hữu UAV, theo Business Insider. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace từng ca ngợi rằng UAV là “vũ khí cực kỳ quan trọng” để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Thậm chí, một số tổ chức khủng bố như IS cũng đã phát triển những chiếc UAV của riêng mình.
Một chiếc máy bay không người lái của Mỹ trên không phận Pakistan. (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, UAV đã dính khá nhiều bê bối về không kích sai mục tiêu, giết nhầm dân thường. Theo thống kê của Cục Điều tra Báo chí (BIJ) có trụ sở tại London (Anh), từ năm 2004 đến nay, ước tính khoảng 424 - 969 thường dân đã thiệt mạng bởi UAV của Mỹ tại Pakistan, trong đó có 172 - 207 trẻ em.
Luật pháp quốc tế
Theo ông John B. Bellinger III - chuyên gia về Luật An ninh Quốc gia và Quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ, sau ngày 11/9/2001, Mỹ và một số nước đã lấy lý do chống khủng bố để vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế về chiến tranh.
Cụ thể, trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2002, Mỹ tuyên bố sẵn sàng đơn phương hành động trên lãnh thổ nước khác để tiêu diệt những kẻ khủng bố, nếu nước này không thể, hoặc không muốn làm điều này. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, được nêu rõ tại khoản 4 điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1945.
Dù vậy, Mỹ vẫn tiến hành hai cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq, cùng với việc thực hiện hàng ngàn cuộc tấn công vào Pakistan, Yemen và Somalia. Về sau, một số cường quốc như Anh, Pháp, Nga cũng bất chấp luật pháp quốc tế để có những hành động tương tự.
Một vấn đề khác mà luật pháp quốc tế chưa thể giải quyết, đó là sự nhân đạo trong việc giam giữ tù nhân tại nhà tù Guantanamo (Cuba) của Mỹ, ông John B. Bellinger III cho biết.
Các tù nhân trong nhà tù Guantanamo. (Ảnh: Getty Images) |
Thành lập năm 2002, nhà tù Guantanamo là nơi giam giữ các nghi phạm khủng bố sau sự kiện 11/9 của quân đội Mỹ. Suốt hai thập kỷ qua, nhà tù này đã phải chịu hàng loạt bê bối về bắt giữ người vô tội, tra tấn, hành hạ, lạm dụng tình dục với tù nhân. Chính quyền Bush từng bị chỉ trích dữ dội vì không coi tù nhân tại đây là tù binh chiến tranh, khiến họ không được hưởng những quy chế về nhân quyền dành cho tù binh chiến tranh của Công ước Geneva.
Tổng thống Barack Obama rất cố gắng để đóng cửa nhà tù Guantanamo trong 2 nhiệm kỳ của mình, nhưng đã thất bại vì liên tục bị Quốc hội Mỹ gây khó dễ. Hiện nay, vẫn còn 39 tù nhân tại nhà tù Guantanamo, bao gồm cả Khalid Sheikh Mohammed. Ông John B. Bellinger III dự đoán, với tiến trình di dời và xét xử tù nhân hiện nay, nhà tù Guantanamo sẽ còn tồn tại trong vài thập kỷ nữa.
Cuộc chiến không của riêng ai
Chiến tranh chống khủng bố toàn cầu là cuộc chiến dài và tốn kém nhất lịch sử nước Mỹ. Bỏ nhiều công sức là vậy, nhưng sau 2 thập kỷ, Mỹ và các đồng minh vẫn chưa thể tận diệt chủ nghĩa khủng bố. Thậm chí, với tình hình hiện nay, chủ nghĩa khủng bố còn có điều kiện thuận lợi để vươn dài xúc tu của mình.
Sự kiện Taliban tiếp quản Afghanistan đã truyền cảm hứng cho những tổ chức khủng bố còn lại. Al-Qaeda vừa cam kết trung thành với Taliban, và đang hoạt động mạnh ở châu Phi, Syria và Afghanistan. Các nhóm khác như Hayat Tahrir al-Sham và Tehrik-e-Taliban Pakistan thì coi Taliban là một hình mẫu để học hỏi.
Thủ lĩnh cùng các tay súng Taliban bên trong phủ tổng thống Afghanistan ở thủ đô Kabul hôm 15/8. (Ảnh: AP) |
IS, tổ chức đối nghịch với Taliban, đã suy yếu rất nhiều sau khi thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi bị Mỹ tiêu diệt. Nhưng hệ tư tưởng chúng đang truyền bá, cùng hoạt động của một số nhánh phụ như Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) vẫn là mối đe doạ lớn với an ninh toàn cầu.
IS-K là tổ chức khủng bố chủ mưu vụ đánh bom sân bay Kabul tại Afghanistan, khiến hơn 180 người thiệt mạng ngày 26/8/2021.
Do vậy, cuộc chiến với chủ nghĩa khủng bố đang không ngừng biến đổi và phát triển sẽ còn rất khó khăn. Là “đầu tàu”, Mỹ tiếp tục gánh trách nhiệm lớn nhất trong việc hoạch định chiến lược phù hợp, cũng như hợp tác hiệu quả với các nước đồng minh. Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) - tổ chức chuyên về chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế của Mỹ, Washington cần phải hạn chế tối đa sự phân cực đảng phái trong chính trường hiện nay, bởi nó có thể làm suy yếu những chiến lược chống khủng bố trong tương lai.
Cuối cùng, khủng bố không phải là kẻ thù riêng nước Mỹ, mà là kẻ thù của toàn thế giới. Vì vậy, sự đồng thuận, tin tưởng và hợp tác giữa các quốc gia sẽ là chìa khoá để đánh bại mối đe doạ toàn cầu này.